AMD Ryzen 3 2200G : Hoàn hảo cho văn phòng và game eSport mà không cần card màn hình rời

titan6
12/9/2018 3:11Phản hồi: 6
AMD Ryzen 3 2200G : Hoàn hảo cho văn phòng và game eSport mà không cần card màn hình rời
AMD là một cái tên khá quen thuộc trong ngành sản xuất vi xử lý và card đồ họa mà dân công nghệ đều biết đến và hôm nay mình muốn giới thiệu đến các bạn một bộ vi xử lý đến từ AMD. Có lẽ với những người đam mê công nghệ nói chung và những ai là fan của AMD nói riêng thì không còn lạ gì khi nhắc đến dòng CPU Ryzen của AMD. Tiếp nối thành công của thế hệ CPU Ryzen đầu tiên, AMD đã cho ra đời dòng CPU Ryzen thế hệ thứ 2 vào tháng 2 năm 2018 với những dòng chip Ryzen 3, Ryzen 5, Ryzen 7. Con CPU mà mình muốn giới thiệu với mọi người hôm nay chính là CPU Ryzen 3 2200G. Đây là dòng chip giá rẻ mà AMD muốn hướng tới đối tượng là người dùng phổ thông, những game thủ nghiệp dư muốn trải nghiệm những tựa game cơ bản hay giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng với mức chi phí hợp lý. So với đàn anh đi trước là AMD Ryzen 3 1200 thì AMD Ryzen 3 2200G có nhiều cải tiến đáng kể như xung nhịp cao hơn, được trang bị card đồ họa tích hợp Radeon Vega 8 trên chip. Mục đích chính của bài viết này là mình muốn đánh giá card đồ họa tích hợp Radeon Vega 8 trên CPU này xem nó có gì nổi trội và có thể đáp ứng tốt nhu cầu giải trí hằng ngày của người dùng không.

Dưới đây là thông số của chip AMD Ryzen 3 2200G:


Thông số card đồ họa tích hợp:


I - Unbox:


Khi cầm trên tay hộp CPU AMD Ryzen 3 2200G thì mình thấy nó cũng không khác gì so với hộp của CPU AMD Ryzen trước đó. Chiếc hộp được thiết kế khá vuông vức và đẹp mắt. Trên hộp chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy chữ AMD và logo ở góc trên bên trái và ở bên phải là Radeon Vega Graphics được tích hợp trên chip. Ở giữa là chữ “Ryzen”cùng vòng tròn màu đỏ quen thuộc chiếm phần lớn diện tích của chiếc hộp và góc phải bên dưới là số 3 thể hiện cho AMD Ryzen 3.


Ngoài ra, ở mặt khác của hộp chúng ta sẽ thấy một nhãn dán kèm theo thông tin của CPU và thông số.


Tiếp theo mình sẽ mở hộp cpu ra để xem trong hộp gồm có những gì nhé. Sau khi mở hộp thì mình có them 2 hộp màu đen trong đó. 1 hộp đựng chip Ryzen 3 2200G và 1 hộp đựng tản nhiệt kèm theo chip. Trong hộp đựng chip gồm chip Ryzen 3 2200G, sách hướng dẫn và 1 tem Radeon màu đỏ.


Tiếp đến mình sẽ cho mọi người thấy trên con chip này có những gì. Ở mặt lưng chip, chúng ta sẽ thấy thông tin của CPU là AMD Ryzen 3 2200G cùng với số serial, nơi sản xuất.


Mặt bên kia chip là những chân tiếp xúc được thiết kế giống như đàn anh Ryzen thế hệ trước.

Quảng cáo


Tản nhiệt kèm theo chip là loại tản thế hệ mới mà AMD phát triển riêng cho dòng Ryzen. Tản nhiệt có tên gọi là Wraith Stealth mang lại cho chúng ta một thiết kế khá bắt mắt cùng với logo AMD ở cả khung quạt lẫn trục quạt.


Vậy là mình đã đánh giá xong sơ bộ về hộp đựng sản phẩm và những phụ kiện kèm theo của chip Ryzen 3 2200G này. Bây giờ mình sẽ lắp CPU và quạt tản nhiệt vào main và tiến hành test thử hiệu năng.


II - Hiệu năng:

Cấu hình:


_GPU: Radeon Vega 8

**Thiết lập Bios:

Để card đồ họa tích hợp Radeon Vega 8 có thể phô diễn được khả năng của nó, mình sẽ điều chỉnh lại xung nhịp iGPU và tang VRam lên 2GB. Cách làm như sau:

Đầu tiên, mình sẽ mở máy lên, đè phím Delete hoặc F2 để vào Bios. Sau đó tìm đến Tab OC Tweaker, kéo xuống dưới, tìm đến GFX Clock Frequency và để mức xung là 1500. Tiếp đến là CPU SOC Voltage mình sẽ để cho nó thông số là 1.17500. Như vậy là mình đã thiết lập xong mức xung nhịp cho iGPU.


Tiếp theo mình sẽ tăng VRAM lên cho iGPU. Để tăng VRAM cho iGPU mình chuyển đến Tab Advanced và chọn đến mục AMD CBS.


Sau đó vào mục NBIO Common Options -> chọn GFX Configuration và chỉnh các thông số như sau:

_Integrated Graphics Controller chọn Forces
_UMA Mode chọn UMA_Specified
_UMA Frame buffer Size chọn mức VRAM cho phù hợp. Ram mình 16GB, mình sẽ để VRAM là 2GB. Sau đó bấm F10 để lưu lại cấu hình và khởi động lại máy.


Xong phần nâng xung cho CPU giờ mình sẽ tiến hành test game và bech điểm các chương thông dụng

3Dmark: Mở đầu mình sẽ test sơ bằng phần mềm 3Dmark để mọi người có thể nắm được điểm số và biết được sức mạnh của iGPU tới đâu.

Fire Strike:


Điểm tổng: 2969
Điểm đồ họa: 3384


Fire Strike Extreme:

Điểm tổng: 1367
Điểm đồ họa: 1399


Time Spy:

Điểm tổng: 1138
Điểm đồ họa: 1023


III - Hiệu năng game:

CS:GO:
Là tựa game FPS đình đám trong làng game, một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất được nhiều game thủ đón nhận và được đánh giá rất tích cực. Để mức FPS luôn ổn định và cao mình sẽ thiết lập cấu hình cho game ở mức High cho tất cả cùng với độ phân giải Full HD.


Với mức FPS trung bình là 108 FPS, cao nhất là 129 FPS, thấp nhất là 93 FPS thì người chơi hoàn toàn không gặp một chút trở ngại nào trong quá trình trận đấu diễn ra. Nếu hạ xuống mức setting thấp hơn một chút, có lẽ khung hình sẽ tăng lên khá nhiều.

DotA 2:


Một thể loại game MOBA 2 mà có lẽ ai cũng biết, ai cũng quen. Cùng thể loại với DotA 2 là game Liên minh huyền thoại nhưng do Liên minh không yêu cầu phần cứng cao như DotA 2 nên mình sẽ chọn DotA 2 làm game đại diện để test. Mình sẽ để Setting ở mức cao nhất có thể cùng với độ phân giải Full HD.


Ở mức Setting như trên mình thu được kết quả cũng tạm chấp nhận được với mức khung hình trung bình là 54 FPS. Tiếp tục hạ Texture, Effect, Shadow Quality xuống mức Medium, mức khung hình thấp nhất mình nhận được là 73 FPS, cao nhất là 75 FPS, trung bình là 73 FPS. Với mức Setting trên, mình có thể hoàn toàn yên tâm combat một cách mượt mà.

Tom Clancy's Ghost Recon Wildlands:


Là một trong những tựa game AAA khá nặng, mình sẽ thử để mức Setting là Medium với độ phân giải Full HD.


Kết quả test mình nhận được mức khung hình trung bình là 19.79 FPS, với mức này thì trong quá trình chơi sẽ rất khó để chơi mượt.


Mình sẽ hạ Setting xuống Low và vẫn giữ độ phân giải là Full HD, tắt khử răng cưa, tắt shadow, … đưa xuống mức Setting thấp nhất có thể.


Lúc này, FPS trung bình đã tăng lên được 27.02, maximum là 32.23, minimum là 16.05. Với mức FPS này người chơi có thể trải nghiệm game cho biết thì ổn, còn chơi lâu sẽ khá nhức mắt.


PUBG:

Trong thời gian tầm hơn 1 năm trở lại đây thì PUBG là một cái tên khá hot mà đi đâu cũng nghe nhắc tới, thậm chí còn là thước đo tiêu chuẩn để chọn cấu hình máy tính của game thủ. Với game này mình sẽ để mức Setting ở Medium và độ phân giải Full HD.


Với mức khung hình trung bình là 26 FPS thì có vẻ sẽ khá khó khăn để mà có thể sống sót lọt vào top 1 được. Đặc thù của PUBG chủ yếu sống sót là điều quan trọng nhất, còn Setting có thể thấp cũng được, miễn khung hình cao và ổn định. Chính vì vậy mình đã hạ tất cả về Very Low trong Setting cũng như giảm độ phân giải xuống 1280 x 720


Sau khi hạ Setting xuống thì mức khung hình cao nhất mình đạt được là 71 FPS, thấp nhất 47 FPS và trung bình là 65 FPS. Chất lượng hình ảnh cũng không đến nỗi tệ, nói chung là đủ để phát hiện địch ở đâu và kết liễu chúng. Với mức khung hình như trên thì trong quá trình chơi mình cảm thấy khá ổn để có thể sống sót đến vòng cuối cùng.


For Honor:

Một tựa game hóa thân vào các anh hùng thời xưa với góc nhìn thứ 3 được Ubisoft phát hành vào tháng 2 năm 2017. Game này cũng không quá nặng và hình ảnh trong game nhìn khá bắt mắt. Đầu tiên mình sẽ thiết lập game ở mức Medium và độ phân giải Full HD.


Kết quả test tổng thể cho thấy mức FPS trung bình là 27.43. Kết quả cũng không quá tệ với một tựa game có nhiều chi tiết như For Hornor.


Tiếp theo, mình hạ thiết lập game xuống Low và giữ nguyên độ phân giải.


Kết quả benchmark khá ổn, mức FPS trung bình là 40.93 FPS. Với mức FPS này thì chúng ta vẫn có thể qua màn một cách ổn định.


Tom Clancy's The Division :

Đây cũng là một trong những game bắn súng nhập vai bom tấn ngốn phần cứng khá nặng. Với tựa game này mình cũng sẽ để mức Setting Medium và độ phân giải Full HD.


Kết quả test tạm ổn với mức khung hình trung bình là 30.1 FPS


Hạ Setting xuống Low thì mức khung hình trung bình tăng lên 41.7 FPS. Với mức này người chơi vẫn có thể chơi tốt mà không gặp quá nhiều khó khăn.


Assassin's Creed Origins:

Tựa game nhập vai sát thủ, kịch tính từng giây, có đồ họa khá đẹp và nặng. Mình sẽ chỉ để mức Setting Very Low với độ phân giải Full HD.


Do game benchmark sẽ nặng hơn nhiều so với chơi bình thường nên mức khung hình chỉ đạt được 21 FPS. Trong quá trình chơi khung hình sẽ cải thiện hơn và cũng tạm ổn để có thể trải nghiệm được game.


Tom clancy's rainbow six:

Game tuy đã ra mắt khá lâu nhưng vẫn được nhiều người chơi nên mình cũng sẽ thử xem với game này chúng ta có thể trải nghiệm tốt không. Mình sẽ để Setting ở mức Medium, tắt một số hiệu ứng ăn nhiều VRAM.


Kết quả nhận được là 32.7 FPS cho mức khung hình trung bình, cũng tạm ổn để có thể trải nghiệm với chất lượng hình ảnh chấp nhận được.


Mình thử hạ Setting xuống Low, mức khung hình trung bình mình nhận được là 40.5 FPS. Khá hơn một chút so với Medium, mình có thể chiến ổn với mức khung hình trên.


Far Cry 5:

Thuộc series game đình đám, Far Cry 5 là game hành động bắn súng góc nhìn thứ nhất với hình ảnh khá đẹp mắt và đòi hỏi cấu hình khá cao. Mình sẽ để Setting ở mức Low và độ phân giải Full HD.


Kết quả khá ổn và gần giống như mình dự đoán, mức khung hình trung bình là 27 FPS. Với mức FPS này thì có lẽ sẽ mang lại một chút khó khăn trong qua trình trải nghiệm.


Strange Brigade:

Strange Brigade là một game bắn súng góc nhìn người thứ ba. Trong game, người chơi chiến đấu chống lại những kẻ thù thần thoại khác nhau và giải những câu đố. Game này mình sẽ test ở 2 chế độ API đồ họa là Directx 12 và Vulkan. Mình sẽ để mức setting là Low với độ phân giải Full HD ở cả 2 chế độ.
Directx 12:



Ở Low Setting thì mức khung hình trung bình là 37


Vulkan:


Ở Low Setting, mức khung hình trung bình là 36 FPS


Như vậy giữa DirectX 12 và Vulkan không quá nhiều khác biệt, DirectX 12 có phần nhỉnh hơn chút xíu so với Vulkan. Với mức khung hình như trên thì người chơi cũng có thể trải nghiệm game tạm ổn.

IV - Kết luận:


Sau khi thực hiện các bài test thực tế trên, chúng ta có thể nhận ra rằng AMD Ryzen 3 2200G đã làm khá tốt nhiệm vụ của mình. Mức khung hình luôn ổn định trên 60 FPS giúp người chơi hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi với các tựa game Esport. Với các tựa game AAA thì Ryzen 3 2200G mang lại cho người dùng một trải nghiệm cũng không đến nỗi quá tệ ở mức khung hình trung bình tầm 30 – 40 FPS tùy game.

Trong phân khúc CPU giá rẻ, AMD Ryzen 3 2200G là một bộ vi xử lý rất đáng đồng tiền bát gạo. Vì sao mình lại nói như vậy. Bởi vì Một CPU chưa tới 3 triệu đồng như Ryzen 3 2200G được AMD tích hợp một card đồ họa có sức mạnh đáng giá giúp người dùng có thể trải nghiệm tốt trong nhiều lĩnh vực mà không phải đầu tư quá nhiều. Bên cạnh đó khả năng nâng cấp khi sử dung hệ thống AMD là vô cùng lớn với mainboard sử dũng socket AM4 bạn sẽ hoàn toàn có thể yên tâm dùng từ đây tới 2020 mà không sợ những CPU sau của AMD không tương thích được.
6 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

hay quá bác. bác test hộ e con r5 2400g được ko ạ. e đang tính built con đấy.
@Aresn01 Mình vừa mới mua xài ryzen 5 2400g đây bác, chạy mượt mà nhé bác, nhiệt độ rất ổn nhé. Chơi Lol, dota2 vô tư nhé.
Cho em hỏi là vram 1gb và 2gb có khác biệt nhiều không ạ, em đang để mặc định mà chưa dâm chỉnh do sợ xung đột gì thì tiêu em cũng không rành lắm. Máy em 2200g ram 16gb
Cannon_Ars
TÍCH CỰC
5 năm
Con này mà mua card rời thì con nào tốt nhất nhỉ (p/p, không bị nghẽn cổ chai)
Aquavina21
ĐẠI BÀNG
5 năm
2200G mà không cần card rời thì chỉ chơi được LoL , CSGO thôi, muốn PUBG, FO4 đồ họa đẹp hơn thì bây giờ phải là Ryzen 5 3600.
sahoangII
ĐẠI BÀNG
5 năm
Ryzen ngoài Phong Vũ bán giá ok đấy, thấy anh em mở phòng net sau này hay mua đồ ngoài này

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019