C, K, Q một bất cập của chữ quốc ngữ

11/9/2018 4:9Phản hồi: 3
Giới thiệu
Nguyên nhân sâu xa nào chữ quốc ngữ có điểm bất cập: cùng đọc "cờ" /k/ mà phải dùng đến 3 chữ cái C, K, Q?
(điều bất cập này đã khơi mào cho cuộc tranh luận hiện nay về Công nghệ Giáo dục của TS. Hồ Ngọc Đại).

Mời các bạn xem bài viết rất có duyên và dễ hiểu của anh Phạm Duy Thái [URL='https://www.facebook.com/thai.phamduy.7927' [/URL]
(bạn cùng lớp học với tôi, khóa Sư Phạm Đà Nẵng, niên khóa 72-74).


----------

C, K, Q TỪ ĐÂU BAY CÓ ???

Gần đây, rộ lên “cách phát âm lạ”, trong đó 3 chữ cái C, K, Q (xê, ca , cu) đều được đọc là cờ /K/, khiến nhiều người phản ứng dữ dội vì không giống với cách phát âm quen thuộc lâu nay. Do đâu mà chỉ 1 âm này mà phải dùng đến 3 chữ cái rắc rối đến vậy ???

Sau khi cố công truy tìm nguyên nhân, mình bỗng nhận ra sự trùng hợp y chang giữa các chữ cái ghi âm cờ /K/ của Tiếng Việt và các chữ cái ghi âm cờ /K/ của Tiếng Pháp. Điều đó giúp mình tự lý giải vấn đề.
Thưa các bạn ! Chữ Quốc Ngữ vốn được hình thành xuất phát từ nhu cầu hết sức bức thiết của các giáo sĩ người Pháp, nhằm mục đích lớn nhất là phục vụ cho việc truyền đạo Công Giáo trên đất nước ta vào khoảng giữa TK XVIII. Sự khác biệt về ngôn ngữ (nói và viết) là một rào cản quá lớn, quá khó, khiến cho họ không thể thực hiện được ý đồ của mình. Lúc ấy, chúng ta đã có chữ riêng, gọi là chữ Nôm, thứ chữ quá khó học, khó phổ biến trong quần chúng và cũng quá xa lạ đối với họ. Và thế là giáo sĩ ALEXANDRE DE RHODES cùng với đồng sự đã gấp rút soạn ngay một bộ chữ cái, dựa vào mẫu tự La tinh, chính xác hơn là mẫu tự Tiếng Pháp, để ghi âm tiếng nói của người Việt. Cho nên chẳng lấy làm lạ khi thấy sự giống nhau khá nhiều giữa 2 bộ chữ cái (mặc dù cũng có những khác biệt nào đó). Nói một cách khác, bảng chữ cái chữ Quốc Ngữ là một sự mô phỏng phần lớn mẫu tự Tiếng Pháp. Vì vậy, tìm hiểu chữ của họ để hiểu thêm về chữ của mình là điều hiển nhiên.

*Trở lại vđ:
- Trong Tiếng Pháp, âm cờ /K/ được ghi bằng con chữ C: calculer, carotte, cabinet, cadeau, cocotier, cochon, contre, course, culture, culotte, curieux…

- Thế nhưng, oái oăm thay, khi chữ cái C mà đi với các âm I, E, É (ER) sau nó thì không được đọc là cờ /K/ nữa mà biến thành âm xờ /X/ : ceci (ọc là xơ xi, không đọc là cơ ki), certain (xẹc tanh), cercle (xẹc cờ lờ), celui-ci (xơ luy xi), céréale (xê rê an), céramique (xê ra mic), civil (xi vin), citron (xi tờ rông), citerne, citadin…

- Từ đó, xuất hiện một điều khá lạ là ngay trong một từ có vài ba âm tiết, trong đó có nhiều chữ C nhưng mỗi chữ C lại đọc theo một cách khác nhau: commencer (còm mâng xê), commerce (còm mẹc xờ)…; chữ C đứng trước đi với O đọc là cờ / K /; chữ C đứng sau, đi với ER, E, đọc là xờ / X / ( !!! )

* Đây là trường hợp 1 chữ cái nhưng ghi 2 âm, tuỳ theo nguyên âm mà nó kết hợp
- Thế thì phải có một ký tự khác đảm nhận vai trò đi với I, E, É (ER) thay cho chữ C chứ ? Chữ K làm nhiệm vụ đó. Chữ K cũng ghi âm cờ / K /và đi với I, E, É (không nhiều) : kilo, kimono, kiosque, kilomètre, Kenya, képi (loại mũ), kermesse,…(lưu ý: ngoài 3 âm trên, chữ K có khi còn đi với a, o, u nhưng rất ít)

- Chưa hết, khi âm cờ / K / đứng trước âm đệm wờ (ghi bằng chữ U)thì ghép C vào không được mà K cũng không được. Thế là chữ Q xuất hiện để đảm nhận vai trò này: pourquoi, aquatique, Quasimodo (chủ nhật sau lễ Phục sinh), quoique…ngay cả khi âm U không phải là âm đệm thì cũng ghép với Q: qui, que, quel, quand, queue, quatre, question, quiconque, quitter, quantité, québécois…Tóm lại, chữ Q đứng trước âm U

Quảng cáo



* Kết luận: trong Tiếng Pháp, âm cờ / K / được ghi bằng 3 con chữ khác nhau: C, K, Q. Mỗi chữ cái đi với một số âm nhất định và không thể thay thế cho nhau. Nhưng chúng có một điểm chung là đều ghi âm cờ /K/

* Đối chiếu với chữ Quốc Ngữ, ta thấy y chang như vậy: âm cờ / K / cũng được ghi bằng 3 con chữ : C, K, Q , tuỳ theo nguyên âm đứng sau nó:
- Chữ cái K ( ca ) đi với các nguyên âm I, E, Ê : ki, kỉ, kỵ, ký, kỳ, kẻ, kè, kẹ, kể, kề, kệ…
- Chữ cái Q ( cu ) đứng trước âm đệm ườ / W /được ghi bằng chữ U: quả, quanh, qui, quỳ, quà, quạ, quốc, quyền…
- Chữ cái C ( xê )đi với các nguyên âm còn lại: có, cà, cụ, cổ, cân, cắn, coi, cũ, cư, canh, cũng, cậu…
*Những chữ cái này đều ghi một âm (/K /) và không thể thay thế cho nhau trong mọi trường hợp. Đã có người tìm cách bỏ bớt 1 hoặc 2 chữ cái nào đó cho dễ học, VD : + Bỏ hẳn chữ K và Q : cậu Cẩn đạp chiếc xe cũ cĩ cua cầu . Từ láy “cũ cĩ” sẽ được người Pháp đọc thành “cũ xĩ” ( theo thói quen ngôn ngữ của họ như đã nói ở trên )và không hiểu gì hết vì vô nghĩa. Còn chữ “qua” mà viết thành “cua” thì lại càng hiểu nhầm nữa. Theo các chuyên gia, nhìn bên ngoài thì “cua” và “qua” là giống nhau về mặt âm thanh, đều có cấu tạo là K + UA, nhưng thật ra chúng khác nhau về bản chất: vần “UA” trong “con cua” có âm chính( trọng âm ) là U còn âm A là âm cuối, đọc nhẹ hơn; còn vần “UA” trong “qua” có âm chính( trọng âm ) là A còn âm U là âm đệm, đọc là ườ / W /. Tương tự như vậy, “cùi” khác với “quỳ”, “củi” khác với “quỷ”, “của” khác với “quả …Đó là những lý do không thể bỏ được 3 chữ cái ghi âm cờ / K / mà đành phải dùng song song, tuỳ trường hợp. Đó cũng là lý do giải thích vì sao trong cùng một từ láy âm đầu / K / mà phải dùng đến 2 con chữ khác nhau ở 2 tiếng : cũ kĩ, kĩ càng, kỳ cọ, cọt kẹt, cồng kềnh, cút kít, kệch cỡm, công kênh,…Rõ ràng là chỉ có một âm là cờ mà phải ghi bằng 2 chữ cái khác nhau.

* Vì vậy, GS Hồ Ngọc Đại không chủ trương bỏ hoặc thay mấy chữ cái này mà vẫn giữ nguyên. Chỉ có điều là cần phân biệt cái TÊN của con chữ: C ( xê ), K ( ca ), Q ( cu )và cái ÂM mà chúng biểu đạt ( đều là âm cờ / K/ ). Và khi dạy PHÁT ÂM thì cả 3 chữ cái ấy đều phải được phát âm giống nhau, đều là cờ / K/ cả. Còn khi dùng các chữ cái này để ĐẶT TÊN cái gì đó thì phải đọc tên của con chữ, không đọc âm , VD: VTV (không đọc vờ tờ vờ mà đọc vê tê vê), tam giác ABC (a bê xê), đường thẳng CK (không đọc là cờ cờ mà đọc xê ca), tứ giác CKQR (xê ca cu e-rờ )…

*TÓM LẠI, với mục đích chính là phục vụ cho việc truyền đạo, các giáo sĩ người Pháp đã đặt ra bộ chữ- mà sau này trở thành Quốc Ngữ của người Việt- một cách tiện lợi nhất cho họ (bằng cách dựa vào bảng chữ cái của họ), chứ không phải cho người bản xứ và cũng vì rất vội vàng, nên khó tránh khỏi những khiếm khuyết, bất cập. Mặc dầu vậy, chữ Quốc Ngữ từ lâu đã trở thành quốc hồn, quốc tuý thiêng liêng của dân tộc, khó có thể thay đổi được. Chúng ta vẫn giữ nguyên như vậy nhưng cần thống nhất cách phát âm, cách dạy khoa học nhất nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Mục đích tối thượng là làm sao để con trẻ học Tiếng Mẹ một cách dễ dàng, thuận tiện nhất, tránh tối đa những lỗi khi sử dụng Tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày.

Quảng cáo

3 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

vtdat
ĐẠI BÀNG
6 năm
Q nó phải là "quờ" hay "quy" chứ nhỉ, sao lại thành "cu" và đi chung với âm cờ. Vd y nờ inh quờ uynh quynh huyền quỳnh.

y nờ inh cờ uynh quynh huyền quỳnh ???
y nờ inh cu uynh quynh huyền quỳnh ???
@vtdat Sau đây là phần nguyên văn trả lời của anh Phạm Duy Thái nhờ tôi chuyển:

"Đây là một nhầm lẫn tai hại: trong chữ "củi" âm u là âm chính nhưng trong tiếng quỷ hoặc quỳnh, âm u là âm đệm (bán nguyên âm) đọc là uờ , ký âm là / w / . Phân tích là k wuy nh - huyền"
em hóng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019