Các bạn sử dụng dữ liệu nhịp tim trên smart watch để làm gì?

12/8/2018 3:9Phản hồi: 0
Các bạn sử dụng dữ liệu nhịp tim trên smart watch để làm gì?
Không ít người trong chúng ta đã từng hoặc đang sở hữu một chiếc smart watch có trang bị cảm biến nhịp tim. Vậy các bạn sử dụng dữ liệu nhịp tim đó để làm gì? Hay chỉ đơn thuần là xem cho biết?

Những năm vừa qua chúng ta liên tục nghe được những thông tin về việc Apple Watch phát hiện ra sự bất thường về vấn đề nhịp tim của người dùng thông qua cảm biến nhịp tim. Vài trong số người dùng đã thực sự phát hiện ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ vào sự cảnh báo sớm này. Chúng ta cũng thường nghe việc sử dụng dữ liệu nhịp tim để tập thể thao. Vậy cảm biến nhịp tim là gì? Nó hoạt động như thế nào? Và các hãng trang bị công nghệ này trên các smart watch cao cấp của mình với mục đích chính là gì?

Hiện nay có hai cách để theo dõi nhịp tim một cách chính xác, đó là công nghệ Quang phổ (PPG) và công nghệ Điện tâm đồ (EKG hay ECG).
  • Về công nghệ Quang phổ (PPG): Hầu hết các thiết bị đeo được (đặc biệt là đeo trên cổ tay như smart watch) đều sử dụng công nghệ Quang phổ. Cơ chế hoạt động của nó như sau: vì máu có màu đỏ nên nó sẽ phản chiếu lại tia sáng màu đỏ và hấp thụ tia sáng màu xanh. Điều này có nghĩa là khi chiếu một chùm tia sáng màu xanh chúng ta có thể tính toán được chính xác lượng máu đang chảy qua cổ tay của mình dựa vào số ánh sáng xanh được hấp thụ. Từ đó chúng ta có thể đo được chỉ số BPM (số nhịp tim trong một phút) cũng như chỉ số HRV (độ biến thiên/biến động của nhịp tim) một cách chính xác, các thông số này có thể được sử dụng như những chỉ báo đáng tin cậy về tình trạng sức khỏe.
tinhte_heartratemonitor_4.JPG
Cảm biến nhịp tim quang học trên Apple Watch
  • Về công nghệ Điện tâm đồ EKG (hay ECG): Khác với công nghệ PPG thì EKG (hay ECG) là phương pháp điện tâm đồ mà các bệnh viện hay sử dụng. Nó đọc tín hiệu điện được thu thập tại các điểm khác nhau trên cơ thể của bạn bằng cách sử dụng một loạt các cảm biến. Các tín hiệu điện này cung cấp thông tin về nhịp tim và tín hiệu điện của tim, có thể được sử dụng để phát hiện các vấn đề như rối loạn nhịp tim, bệnh tim hoặc bệnh cơ tim. (Bạn nào có đi khám sức khỏe định kỳ chi tiết thì đều được làm cái này, người ta gắn cả mớ cảm biến có dây lên người bạn ấy).
Vậy thì công nghệ nào chính xác hơn?
Có rất nhiều tài liệu khoa học thảo luận về việc công nghệ PPG hay ECG có tính chính xác hơn khi phát hiện các vấn đề về tim. Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí American College of Cardiology cho thấy công nghệ PPG trên các thiết bị đeo được có tính chính xác tương đương với công nghệ ECG khi theo dõi nhịp tim trong điều kiện bình thường và nhịp tim chậm (nhịp tim nghỉ ngơi), nhưng không chính xác khi xác định nhịp tim nhanh (nhịp tim khi chơi thể thao chẳng hạn).

Tóm lại thì ECG (hoặc EKG) vẫn được coi là chính xác hơn, nhưng trong thực thế thì nó không thể cạnh tranh với công nghệ PPG. Các thiết bị ECG (hoặc EKG) thì quá rườm rà, phức tạp để đeo lên người nên mặc dù công nghệ PPG tuy ít chính xác hơn nhưng nhờ tính đơn giản, gọn nhẹ mà nó có thể đeo thường trực lên người dùng, khiến nó có một vai trò rất quan trọng trong việc theo dõi sức khoẻ tim mạch và nhờ đó có khả năng chẩn đoán bệnh, cứu sống người dùng.

Các hãng trang bị cảm biến nhịp tim với mục đích có giống nhau hay không?
Hiện nay trên thị trường thiết bị đeo được có trang bị cảm biến nhịp tim, những hãng như Fibit, Garmin, Suunto... mục đích chính vẫn là để giúp người dùng của họ theo dõi và đạt được mục tiêu trong tập luyện thể thao. Riêng Apple ngoài việc phục vụ cho thể thao thì họ đang làm việc tích cực trong việc sử dụng dữ liệu nhịp tim thu thập được từ Apple Watch phục vụ cho mục đích y tế.

Apple sử dụng dữ liệu nhịp tim cho y tế như thế nào?

tinhte_heartratemonitor_2.JPG

Bằng việc phát hành những công cụ như Research Kit; Care Kit và gần đây nhất là phần mềm Apple Heart Study, Apple cho thấy sự nghiêm túc của mình trong mong muốn liên kết với y tế để chăm sóc người dùng. Điển hình như Apple Heart Study là một phần mềm trên iPhone được xây dựng bởi sự hợp tác giữa Apple và Stanford Medicine, nhằm chẩn đoán bệnh rung tâm nhĩ (AFib) một trong những nguyên nhân chính gây ra đột quỵ ở Mỹ. Phần mềm này sẽ thu thập dữ liệu nhịp tim đo được từ Apple Watch và phân tích từ đó cảnh báo người dùng khi phát hiện ra dấu hiệu của AFib. Người dùng sau đó sẽ được đo đạc lại bằng các phương pháp khác chính xác hơn (như ECG hay EKG) đồng thời được tư vấn và theo dõi y tế. (Chương trình này hiện mới đang chạy thử nghiệm tại Mỹ và chỉ dành cho những người trên 22 tuổi có sở hữu Apple Watch từ seires 1 trở về sau)

Các hãng sử dụng dữ liệu nhịp tim để phục vụ cho thể thao ra sao?

tinhte_heartratemonitor_3.JPG

Khác với Apple, các hãng còn lại sử dụng dữ liệu nhịp tim chủ yếu phục vụ cho việc tập luyện thể thao của người dùng. Các hãng sẽ phân tích dữ liệu nhịp tim thu thập được của người dùng trong quá trình nghỉ ngơi (Rest heart rate) và trong quá trình luyện tập (Active heart rate), từ đó tìm ra ngưỡng tối ưu (Lactate threshold), đánh giá mức độ sức bền (VO2max), mức độ tối ưu của việc tập luyện (Heart rate zone; Training status), từ đó đưa ra khuyến cáo thời gian nghỉ ngơi cũng như dự đoán tương đối thành tích mà người dùng sẽ đạt được trong tương lai.

Quảng cáo



Tóm lại, dù được sử dụng với mục đích nào đi chăng nữa, cuối cùng lại vẫn là phục vụ cho sức khoẻ của chúng ta. Cá nhân mình hy vọng rằng trong tương lai, Apple có thể hợp tác với một bệnh viện nào đó tại Việt Nam triển khai các chương trình tương tự như Apple Heart Research để giúp người dùng khai thác tối đa được tính năng của chiếc Apple Watch.

Tham khảo: Techradar; Apple; Suunto
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019