Đánh giá Asus Transformer Pad TF300T: máy ngon, pin lâu, đế bàn phím hữu ích

Duy Luân
28/8/2012 1:40Phản hồi: 136
Đánh giá Asus Transformer Pad TF300T: máy ngon, pin lâu, đế bàn phím hữu ích
pad300.jpg
Ngay từ những ngày đầu gia nhập làng máy tính bảng Android, Asus đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng nhờ vào ý tưởng tablet lai laptop độc đáo của dòng Transformer. Tại triển lãm MWC hồi đầu năm nay, bên cạnh mẫu Transfromer Pad Infinity và Prime thuộc phân khúc cao cấp, hãng có giới thiệu thêm model Transformer Pad 300 nhắm đến đối tượng khách hàng bình dân hơn. Mặc dù giá rẻ như vậy nhưng thiết bị vẫn sở hữu cấu hình mạnh mẽ với vi xử lí NVIDIA Tegra 3 bốn nhân, màn hình 10,1" độ phân giải 1280 x 800 tấm nền IPS, RAM 1GB và dock bàn phím như những người anh em của mình. Vậy chiếc máy này có gì thú vị và điểm mạnh, yếu của nó nằm ở đâu? Mời mọi người cùng theo dõi bài đánh giá bên dưới.

Cấu hình cơ bản của Asus Transformer Pad TF300T:
  • Hệ điều hành: Android 4.0
  • CPU: Bốn nhân 1,2GHz NVIDIA Tegra 3 T30L
  • Màn hình: LED 10.1" IPS (1280 x 800), độ sáng 350 nit, cảm ứng 10 ngón
  • RAM: 1GB
  • Bộ nhớ trong: 16GB
  • Kết nối: Wi-Fi chuẩn b/g/n, Bluetooth 3.0, cổng âm thanh 2-in-1, micro HDMI, microSD, GPS
  • Trên dock có thêm cổng USB 2.0, đầu đọc thẻ SD
  • Camera: 8MP Auto-Focus (sau) quay phim Full HD 1080p / 1.2MP (trước)
  • Kích thước: 263 x 180,8 x 9,9mm (chưa kèm dock)
  • Nặng: 635g (chưa kèm dock)
Ngoại hình và thiết kế

Về hình dáng bên ngoài, Asus Transformer Pad TF300T (từ đây mình sẽ gọi tắt là TF300T) sở hữu nhiều điểm tương đồng với model Transfomer Prime cao cấp hơn, từ thiết kế cạnh được vát mỏng, cách bố trí cổng kết nối và mặt nắp lưng với các vân tròn đồng tâm. Thiết kế sang trọng cùng với chất lượng hoàn thiện tốt khiến chúng ta không nghĩ rằng đây lại là một sản phẩm Transformer cấp thấp nhất của Asus, và cũng không hề có cảm giác rẻ tiền nào xuất hiện. Kết cấu thiết bị cũng chắc chắn hơn nhiều so với mẫu Transformer đầu tiên. Hãng cung cấp ba tùy chọn màu cho người dùng: trắng, đỏ và xanh, màu của phiên bản mình đang cầm trên tay. Thực chất thì màu này nghiên về phía xanh đen nhiều hơn chứ không được tươi tắn như trong ảnh chụp báo chí do Asus cung cấp.

TF300T có trọng lượng 635g, mặc dù hơi nặng một chút nhưng cảm giác cầm máy rất đầm tay và thích thú. Tuy nhiên, nếu giữa máy liên tục trong khoảng 1 giờ đồng hồ bằng một tay thì tay của mình bắt đầu bị mỏi. Thiết bị mỏng 9,9mm, chưa phải là một con số ấn tượng so với những chiếc Transformer Pad khác hoặc những đối thủ từ Samsung, Apple nhưng nó không gây sự khó chịu nào cho chúng ta.

DSC_6686.jpg

Mặt trước của máy là một màn hình 10,1" với logo Asus sáng bóng và lớp gương được phủ rộng ra đến các mép. Bốn viền màn hình của thiết bị hơi dày một chút nên trông TF300T khá to, bù lại chúng ta có được diện tích lớn để cầm nắm máy một cách thoải mái, ngón tay không bị vô tình chạm vào màn hình cảm ứng và làm rối tung mọi chuyện lên. Khi giữa máy theo phương ngang, ở cạnh trên bạn sẽ thấy được một camera phụ, còn cạnh dưới thì xuất hiện một mũi tên nhỏ màu bạc để đánh dấu vị trí cổng kết nối vào dock bàn phím. Nếu bạn mới sử dụng thì có thể nhầm lẫn cái mũi tên này là một mảnh giấy gì đó dính vào màn hình và sẽ cố phủi nó khỏi mặt gương của tablet.

pad-300 (1).jpg

Mặt sau của máy là một tấm nhựa lớn được làm sần lên, vừa giúp tạo hiệu ứng vân tròn đồng tâm vừa giúp tăng ma sát nên bạn có thể yên tâm rằng TF300T sẽ không bị trượt khỏi bàn tay. Các vân tròn này sẽ xuất hiện khi có nguồn sáng chiếu vào ở một góc hơi xiên so với máy và bạn có thể tìm thấy nó trên dòng Ultrabook ZenBook của Asus hoặc trên Transformer Prime/Infinity. Tuy nhiên ở TF300T thì chúng ta không có được mặt lưng làm bằng tấm nhôm lớn như trên các mẫu máy này. Điều này đã làm giảm đi ít nhiều tính cao cấp của thiết bị so với những người anh em của mình. Ở chính giữa là logo Asus được mạ sáng, nhích lên trên một tí là máy ảnh với kích thước khá lớn, còn ở bên trái là dải loa ngoài của TF300T. Có thể xem mặt lưng chính là điểm nhấn giúp TF300T nổi bật, còn mặt trước của máy thì bình thường như bao chiếc máy tính bảng khác mà thôi. Tuy nhiên, cách bố trí loa như thế này chưa ngon vì âm thanh sẽ hướng ra khỏi bạn, và khi cầm máy bạn rất dễ che mất loa này khiến âm thanh bị nhỏ lại đáng kể nếu bạn thuận tay phải.

DSC_6692.jpg
Cạnh trái của TF300T

Ở cạnh trái là các cổng kết nối của TF300T, theo thứ tự từ trên xuống gồm có micro HDMI, khe microSD. Bên trên một chút là hai phím tăng giảm âm lượng được làm tiệp màu với thân máy. Trong khi đó, cạnh phải đơn giản hơn rất nhiều khi chỉ có sự xuất hiện của jack tai nghe 3,5mm. Hai phím volume đủ dài để bạn có thể thao tác một cách thoải mái, và chúng cũng rất dễ nhấn nữa. Hai cạnh bên này không được làm nhám như mặt sau mà chỉ là nhựa được sơn mờ bình thường mà thôi.

pad-300 (7).jpg
Cạnh trên TF300T

Cạnh trên của máy có chất liệu giống hệt như những cạnh bên mà mình đã nói đến, chỉ khác rằng đây là nơi bố trí nút nguồn/mở khóa máy. Ngay trên nút nguồn tưởng chừng bình thường này có một đèn LED nhỏ xíu để báo hiệu cho bạn biết rằng máy đang sạc pin hoặc pin đã đầy điện. Cạnh dưới thì nhìn phức tạp hơn một với cổng kết nối 40 chân của riêng Asus, kế bên đó là hai ô trống để ngàm trên dock bấu vào khi chúng ta gắn TF300T lên đế. Vì có khá nhiều lỗ trống nên cạnh dưới này không được đẹp lắm, nhìn nó không được liền mạch với những bộ phận khác của thiết bị.

DSC_6687.jpg
Cạnh dưới thiết bị

Video trên tay TF300T
Một số hình ảnh khác của Asus Transformer Pad TF300T

Quảng cáo



Thiết kế của đế bàn phím


pad-300 (26).jpg

Giống với TF300T, chiếc đế này được làm chủ yếu từ nhựa, tuy nhiên nó không sở hữu các vân tròn như mặt sau của tablet. Bản thân dock có kích thước các chiều là 263 ×180.8 × 10.2 mm và nặng 546g. Ngoài bàn phím QWERTY bình thường và bàn rê chuột cảm ứng đa điểm, cạnh trên của dock có thêm một mảng lớn làm nơi cố định cho TF300T khi chúng ta "biến hình" nó. Cạnh trái dock chỉ có mỗi một cổng kết nối 40 chân của Asus, còn phía bên phải thì được Asus trang bị cho một cổng USB 2.0 và khe đọc thẻ nhớ SD. Mặt đáy trên dock này có bốn cục cao su khá lớn bố trí tại bốn góc giúp nâng thiết bị lên cao hơn một khoảng, hạn chế trầy xước cho dock.

Khi gắn đế này vào TF300T thì chúng ta có một tổ hợp nặng hơn 1kg, xấp xỉ với các netbook hiện đang bán trên thị trường. Thực chất mà nói thì nếu bạn đã gắn tablet vào dock thì nhìn từ xa nó hoàn toàn giống như những chiếc EeePC mới của Asus, phải lại gần hoặc thậm chí là mở máy lên thì ta mới biết được nó là Transformer Pad. Mục tiêu biến máy tính bảng thành một chiếc máy tính xách tay của Asus đã được hoàn thành một cách xuất sắc. Còn việc sử dụng dock thuận tiện đến mức nào thì mình sẽ phân tích kĩ hơn ở phần bên dưới.

Một số ảnh khác về dock bàn phím


Màn hình

Quảng cáo



Có ba khác biệt chính giữa Transformer Prime với TF300T: xung nhịp CPU thấp hơn, lớp kính chống trầy Gorilla Glass thế hệ hai và điểm dễ dàng nhận biết nhất đó là màn hình. Transformer Prime sử dụng tấm nền IPS+, còn TF300T thì không có được dấu cộng này. So với Transformer Prime thì màn hình của TF300T không sáng bằng, và mặt gương phía trên cũng có độ phản chiếu nhiều hơn nên khi ra mắt, chúng ta rất khó nhìn thấy nội dung trên TF300T, trong khi chiếc Transformer Prime mình từng thử qua thì không bị như thế. Chất lượng màn hình này chỉ dừng ở mức tạm được vì màu sắc không nổi bật và chưa chính xác, độ phân giải tương đối thấp trên tấm nền 10,1" nên bạn sẽ dễ thấy được hiện tượng vỡ hạt của chữ và rìa các biểu tượng. Điều này giống với những máy tính bảng Android khác hiện đang có bán trên thị trường, mặc dù nó không gây ảnh hưởng nhiều đến việc sử dụng máy cho các công việc thường ngày. Trong môi trường thật sự tối, chức năng tự điều chỉnh độ sáng của máy hoạt động rất tệ vì nó giảm độ sáng xuống quá thấp đến mức không nhìn thấy nội dung trên màn hình, trong khi việc này không xảy ra nếu bạn dùng máy ban ngày. Có một điểm tốt của màn hình IPS này đó là góc nhìn rộng nên mình có thể dễ dàng chia sẻ nội dung với mọi người xung quanh mà màu sắc vẫn không bị thay đổi, và nó càng phát huy tác dụng hơn nữa khi gắn vào đế bàn phím để dùng như netbook.

Camera

DSC_6697.jpg

Asus trang bị cho mẫu máy tính bảng bình dân của mình một camera có độ phân giải tương đối cao so với những tablet giá rẻ khác, lên đến 8 megapixel. Nó cùng độ phân giải với người anh em Transformer Prime và cao cấp hơn camera 5 chấm của chiếc Transformer thế hệ đầu. Chất lượng hình ảnh của camera trên TF300T tốt hơn một chút, ảnh nét hơn, màu sắc khi có đủ ánh sáng tương đối chân thực chứ không bị nhạt hoặc mờ mờ như các máy tính bảng khác trên thị trường. Khi chụp ở môi trường tối, ảnh cho ra đủ sáng và có thể dùng được, một phần cũng nhờ ống kính có khẩu độ lớn f/2.2 trên camera này. Hơi tiếc một chút vì máy không có được đèn flash LED trợ sáng như trên Transformer Prime. Điểm hạn chế của máy ảnh đó là dải tương phản động của nó rất kém, chỉ chênh lệch sáng tối một chút cũng có thể khiến cho chi tiết trong ảnh bị mất đi. Máy ảnh trước cũng tương tự như thế, ảnh sáng hơn những tablet Android khác, nhưng cũng chưa có gì thật sự nổi bật. TF300T có khả năng quay được phim Full-HD 1080p, chất ảnh cho ra rất ổn, chi tiết rõ ràng và tốc độ lấy nét nhanh.

Về phần ứng dụng camera, Asus cài sẵn cho chúng ta một phần mềm rất dễ sử dụng. Giao diện chính của nó gần giống với app camera mặc định trên Android 4.0, tất cả thành phần điều khiển đều bố trí dọc cạnh phải của màn hình nên bạn có thể thao tác với chỉ một ngón cái. Bạn có thể chỉnh cân bằng trắng, phơi sáng, chế độ cảnh, quay phim, chụp panorama như trên các thiết bị Android khác. Nếu thích, bạn có thể chạm vào một điểm bất kì trên màn hình để lấy nét hoặc để phần mềm tự làm cho chúng ta. Mất khoảng nửa giây đến một giây để máy lấy nét xong và bắt đầu chụp, và độ trễ sau khi đã khóa nét không lớn. Tuy nhiên, app này hơi chậm khi chúng ta chuyển đổi giữa chế độ chụp và chế độ xem lại.

Ảnh mẫu chụp từ TF300T


Video quay thử từ TF300T trong điều kiện thiếu sáng

Hiệu năng và mức độ sử dụng

Vi xử lí NVIDIA Tegra 3 được tích hợp trên TF300T cùng RAM 1GB đã giúp hệ thống hoạt động nhanh và mượt mà trên nền Andorid 4.0 Ice Cream Sandwich. Thao tác quét để chuyển đổi giữa các màn hình chính, duyệt, khởi chạy, tắt ứng dụng, xem Notifications, xem phim Full-HD 1080p… tất cả đều có thể thực hiện một cách nhanh chóng với độ trễ rất thấp. Sau một thời gian dài sử dụng, máy vẫn chạy nhanh và tương đối ổn định nên chúng ta không cần phải khởi động lại thiết bị. Đặc biệt, với sức mạnh của Tegra 3 và GPU 12 nhân thì việc chơi các game đồ họa cao như Dead Trigger hay ShadowGun không phải là một vấn đề to lớn. Hình ảnh trong game cực kì chi tiết, hiệu ứng đồ họa, đổ bóng, phản chiếu, khử răng cưa… được hiển thị đầy đủ và máy không bị chậm trong quá trình chơi game.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, có một vài lần máy bị đơ ra trong khoảng 5 đến 10 giây và không phản hồi lại bất kì sự tương tác nào mà mình áp dụng lên màn hình, cũng may là ngay sau đó thì máy trở lại bình thường. Lâu lâu bạn cũng sẽ nhận thấy rằng việc mở ứng dụng bỗng dưng bị chậm đi, nhưng đây là một tình trạng rất thường thấy trên các tablet Android chứ không chỉ của riêng chiếc Transformer TF300T.

Được biết, Asus đã phát hành bản Android 4.1 dành cho TF300T ở thị trường Mỹ, còn ở thời điểm dùng thử máy thì chú TF300T của mình báo rằng không có bản nâng cấp nào cả. Mình đã từng thử qua Android 4.1 trên Galaxy Nexus và Nexus 7. Nó là một trải nghiệm rất khác biệt so với Android 4.0 chạy trên cùng một thiết bị. Toàn bộ hệ thống chạy nhanh và cực kì mượt mà, hiện tượng giật hay bị lag gần như không có, tính ổn định của hệ thống cao hơn. Nếu Android 4.1 được cài lên TF300T thì chúng ta sẽ có được một chiếc máy tính bảng tốt hơn nhiều so với hiện tại.

Để đo hiệu năng của Transformer Pad TF300T, mình chạy ba ứng dụng benchmark là Quadrant, NenaMark 2 và Vellamo. Điểm số mà thiết bị đạt được ở bài kiểm tra tổng quan hệ thống của Quadrant là 3619 điểm, thấp hơn một chút so với người anh em Transformer Prime ở hầu hết mọi phương diện như khả năng tính toán, tốc độ truy xuất bộ nhớ, tốc độ vào ra dữ liệu, khả năng dựng hình 2D, 3D. Với NenaMark 2, một phép benchmark chuyên dùng cho đồ họa thì TF300T ghi được tốc độ 53,5 fps, cao hơn 6,5fps so với người anh em Transformer Prime, tuy nhiên chưa qua mặt được mẫu máy Galaxy S II T-Mobile tham chiếu của NenaMark. Cuối cùng, với Vellamo, TF300T đạt 1348 điểm, con số trung bình cho các máy Tegra 3, thấp hơn One X, One XL và Transformer Prime. Bạn có thể xem các hình ảnh chụp màn hình kết quả benchmark ngay bên dưới.

Ảnh chụp kết quả benchmark TF300T


Phần mềm

Screenshot_2012-08-28-16-11-43.jpg

Asus mang lên TF300T một giao diện gần như nguyên thủy của Android 4.0 với theme Halo xanh-đen-trắng quen thuộc. Mặc dù vậy, hãng vẫn có những tùy chỉnh nho nhỏ về hình dáng ở ba phím chức năng của Android và bổ sung thêm một mục tắt bật nhanh các phần cứng máy (Quick Settings) vào Notification Bar. Ngoài ra, hãng còn đưa vào thêm mục Asus Customized Settings trong phần cấu hình thiết bị. Tại đây, bạn có thể tùy chọn nhấn giữ nút Recent Apps để chụp màn hình, chỉnh hiệu năng hệ thống (có ba mức: tiết kiệm điện, cân bằng và ưu tiên hiệu suất), bật tắt Quick Settings, và một số chế độ tiết kiệm điện khác.

Những ứng dụng mà Asus cài thêm cho chúng ta gồm có App Backup (sao lưu ứng dụng), App Locker (khóa một số phần mềm, phải có mật khẩu để mở), File Manager (quản lí tập tin), SuperNote (ghi chú) và một số phần mềm liên quan đến dịch vụ của riêng mình như MyCloud, MyLibrary, MyNet và WebStorage. Đây là những phần mềm đám mây có chức năng gần giống như Dropbox, Box.net hay SugarSync và bạn sẽ được tặng 8GB WebStorage miễn phí. Bạn cũng có thể dùng MyNet để tiến hành chia sẻ nội dung thông qua DLNA giữa TF300T với những thiết bị tương thích với kết nối này. Riêng app MyLibrary thì liên tục báo lỗi khi mình chạy nó lên, có vẻ như là không dùng được ở Việt Nam thì phải. Bạn cũng có thể gắn thêm một widget khá đẹp do Asus thiết bị kế lên màn hình chính để theo dõi thông tin về dung lượng pin của máy cũng như trên dock.

Ứng dụng mình cảm thấy hữu ích nhất mà Asus mang lên TF300T đó là SuperNote. Ngoài tính năng ghi chú bằng bàn phím thông thường, nó có thể chuyển đổi phần ghi chú của chúng ta theo từng dòng giống như đang thao tác trên một cuốn sổ thực sự. Nếu bạn có một cây bút stylus dùng với màn hình cảm ứng điện dung thì chuyện ghi chú trên TF300T sẽ rất là hay, vì bạn có thể viết được tiếng Việt, vẽ đồ thị, ghi công thức toán,… (SuperNote lưu những gì chúng ta vẽ lên dưới dạng hình ảnh nên về lý thuyết là ta viết bất kì thứ gì cũng được). Bên cạnh đó, SuperNote cho phép chúng ta chèn hình ảnh, đánh dấu, thu âm, quay video hoặc chèn một tập tin văn bản khác vào.

Hình ảnh về giao diện và các ứng dụng trên TF300T


Sử dụng với đế bàn phím


DSC_6716.jpg

Nói đến dòng Transformer của Asus thì không thể nào bỏ quên dock bàn phím được. Dock này cung cấp cho bạn một bàn phím QWERTY đầy đủ như trên những chiếc netbook thông thường. Để gắn TF300T vào phụ kiện này rất đơn giản, ta chỉ cần đặt máy khớp vào các ngàm của dock rồi nhấn nhẹ xuống là xong. Việc kết nối này đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều so với thế hệ Transformer đầu tiên, vốn phải dùng nhiều lực hơn và tiếng phát ra cũng lớn hơn. Khi đã thành một khối thống nhất thì TF300T được cố định rất chặt, bạn có thể lật ngược cụm thiết bị này và lắc mà không lo màn hình bị rớt ra. Muốn gỡ máy khỏi đế bàn phím, Asus cung cấp cho chúng ta một cần gạt nhỏ được mạ sáng, tuy nhiên phím này hơi cứng. Bộ phận kết nối dock và tablet bẻ lên xuống được nên bạn có thể chỉnh góc nhìn lại cho thích hợp với tầm mắt. Cũng nhờ nó mà dock sẽ nghiêng một góc nhỏ so với mặt phẳng đặt cụm thiết bị, qua đó tạo độ dốc để việc gõ chữ được thoải mái hơn.

DSC_6703.jpg

Kích thước phím trên dock bằng 94% so với bàn phím thông thường, đảm bảo một trải nghiệm nhập liệt tốt trên TF300T. Nếu bạn là học sinh, sinh viên hay thuộc nhóm những người cần gõ văn bản nhiều thì TF300T kèm dock là một lựa chọn tuyệt vời. Cảm giác ngồi trước máy y hệt như khi bạn đang dùng một chiếc EeePC, nhưng thú vị hơn vì bạn có thể chạm vào màn hình để điều khiển. Tuy nhiên, độ nảy của các phím cho cảm giác chưa tốt như dock của Transformer Prime, mặc dù các phím này khá sâu và êm. Có một điểm rất khó chịu khi dùng dock, đó là bạn không thể bật hoặc mở khóa TF300T bằng phím Unlock trên bàn phím. Muốn kích hoạt máy lên thì chúng ta phải nhấn nút nguồn trên TF300T. Lúc màn hình sáng lên rồi thì nút có hình ổ khóa trên dock mới phát huy tác dụng.

DSC_6678.jpg

Chuột của dock là chuột cảm ứng đa điểm, do đó bạn có thể trượt các ngón tay của mình để thực hiện những thao tác giống với khi sử dụng màn hình của TF300T. Độ nhạy của touchpad này rất tốt. Hai phím nhấn trái phải được làm chung thành một thanh duy nhất, y hệt như thiết kế của dòng EeePC. Bạn có thể cấu hình phím phải chuột để nó làm nhiều thứ khác nhau, chẳng hạn như hiện menu hoặc quay trở lại màn hình trước.

Trên dock có ba cổng kết nối: chân cắm 40-pin của Asus dùng để sạc pin, cổng USB 2.0 và một khe thẻ nhớ SD. Nội dung các thiết bị lưu trữ gắn ngoài sẽ được duyệt một cách dễ dàng nhờ phần mềm File Manager mà Asus cài sẵn cho chúng ta, giống như khi làm việc trên máy tính vậy. Như vậy, ngoài 16GB lưu trữ bộ nhớ trong (có tùy chọn bản TF300T 32GB), bạn có thể mở rộng thêm 64GB của thẻ SD (trên dock) và 64GB nữa nhờ thẻ microSD (trên thân máy). Như vậy tổng cổng chúng ta có 144GB để chứa dữ liệu cố định cho TF300T. Đó là chưa tính thêm 8GB lưu trữ trên mây mà Asus tặng và dung lượng lớn của các bút nhớ USB 2.0 có thể kết nối vào bất kì lúc nào. Khe thẻ SD này cũng rất tiện dụng khi đi du lịch vì nó cho phép chúng ta chép nhanh hình ảnh vào TF300T, chỉnh sửa, áp hiệu ứng rồi nhanh chóng chia sẻ lên mạng. Trước đây, những công việc này thường phải dùng đến máy tính, còn bây giờ chỉ cần chiếc tablet nhỏ gọn là xong.

DSC_0681.jpg
Không chỉ như vậy, dock này còn có một viên pin tích hợp bên trong để bổ sung cho TF300T. Phần này mình sẽ nói chung với thời gian dùng pin của máy ở ngay bên dưới. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng TF300T + dock không thể nào thay thế hoàn toàn chiếc máy tính xách tay của bạn được vì ứng dụng Office đi kèm theo máy chỉ hỗ trợ các tính năng cơ bản (và cả những app khác trên Android cũng thế), hệ điều hành không tối ưu hóa cho chuột cũng như khả năng hạn chế trong việc đọc các loại tập tin chuyên dụng.

Thời gian dùng pin

Thời lượng pin chính là điểm cộng lớn nhất dành cho TF300T. Máy có một viên pin 22Wh trong thân máy và một viên nữa công suất 16,5Wh trong dock. Asus cung cấp cho chúng ta ba chế độ hoạt động: tiết kiệm điện, cân bằng và ưu tiên hiệu suất. Tất cả những bài kiểm nghiệm bên dưới mình đều chạy ở chế độ Balance vì sự khác biệt không lớn giữa nó với chế độ High Performance, ngay cả khi chơi hai game nặng là Dead Trigger và Shadowgun. Chỉ khi nào chuyện xuống mức tiết kiệm điện thì việc xử lí đồ họa mới chậm đi một chút. Lúc kết nối với đế bàn phím, nếu pin trong TF300T chưa đầy thì nó sẽ tiếp tục lấy điện từ viên pin phụ này nên bạn đừng ngạc nhiên nếu như sau khi gỡ dock ra thì thiết bị báo % pin cao hơn.

Trong thử nghiệm với việc để độ sáng ở mức 70%, kết nối Wi-Fi liên tục, cập nhật Facebook, ba hộp thư Gmail, lướt web khoảng 3 tiếng, nghe nhạc bằng loa ngoài trong 1 tiếng và nghịch một số phần mềm khác thì máy có thể trụ được hơn hai ngày. Đây là một con số rất ấn tượng so với những máy tính bảng Android khác. Còn khi sử dụng với cường độ khá cao, bao gồm việc chơi game Dead Trigger trong 2 giờ, có kết nối Wi-Fi, cập nhật Facebook, email liên tục, xem phim HD khoảng 2 giờ thì mình dùng được gần 9 tiếng.

Điều đáng nói đó là hai thử nghiệm này đều sử dụng pin của TF300T chứ chưa đụng đến pin trong dock. Dung lượng pin trong đế bàn phím bằng khoảng 2/3 dung lượng pin gắn trong TF300T và bạn hoàn toàn có thể đạt được thời gian dùng máy từ 12-15 tiếng sử dụng liên tục. Nói chung, bạn sẽ không phải lo lắng về vấn đề tìm kiếm chỗ sạc pin, nhất là khi sử dụng kèm với dock, dù cho nhu cầu của bạn là xem phim HD, chơi game hay chỉ đơn giản chỉ là duyệt web, soạn thảo văn bản và check mail.

Kết luận

Điểm mạnh:
  • Cấu hình mạnh
  • Chất lượng hoàn thiện tốt, mặt sau đẹp
  • Máy hoạt động nhanh, tương đối ổn định
  • Camera đẹp hơn so với nhiều máy tính bảng Android khác
  • Thời lượng dùng pin rất xuất sắc
  • Đế bàn phím tiện dụng
Điểm yếu:
  • Chất lượng dock và cảm giác gõ phím trên nó chưa ngon như Transformer Prime
  • Màn hình không cho ra hình ảnh đẹp, màu hơi nhạt
  • Một vài trường hợp hệ thống bị đứng trong khoảng 5 giây
  • Máy ảnh chụp trong tối bị noise nhiều
TF300T là một sản phẩm giá bình dân mà Asus ra mắt bên cạnh người anh em Transformer Prime để tiếp cận được với nhiều đối tượng khác hàng hơn. Nếu bạn có hầu bao không mấy dư dả và không quan tâm lắm đến sự khác biệt vài chục nit trong độ sáng màn hình và xung nhịp của CPU thấp hơn một chút thì TF300T là một lựa chọn rất thích hợp. Chất lượng hoàn thiện tốt, đế bàn phím tiện dụng và máy hoạt động mượt mà sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm tốt so với nhiều máy tính bảng Android khác trên thị trường. Thời lượng dùng pin xuất sắc cộng với hệ điều hành Android 4.1 sắp hiện diện cho TF300T cũng là hai thế mạnh mà Asus đã mang vào thiết bị của mình. Tuy nhiên, mình xin nhắc lại rằng đừng sắm TF300T để thay thế hoàn toàn cho chiếc máy tính xách tay của mình vì bạn sẽ gặp phải nhiều hạn chế về phần mềm.

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

136 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Khá tuyệt!

Tuy đang dùng Android nhưng thực sự mình thích tab vơi Win 8
@lyhungpt Em cũng thích 1 tab win 8 chip intel, nhiều người lầm tưởng cứ tab win 8 là có thể chạy được các ứng dụng hiện nay của pc lắm...nếu win 8 rt thì quá ít ứng dụng...😃😔
@dlcr hehe
win 8 RT chắc cũng giống android thôi
Win 8 cơ
asus ra em này quá đẹp và chất, tiếc là thiếu 3G 😔
@Hoang_S chắc chắn là thế rồi, cầm tablet asus trên tay thấy chất hơn hẳn galaxy tab hay KF. giá mà có 3g và giá dễ chịu hơn thì quá ngon
@quochoi86 Giá cả thế nào bác? Mình ở SG. Cái này có đọc được các file ms 2013 ko? mail: [email protected]
CHuẩn quá
Điểm mạnh:
  • Cấu hình mạnh
  • Chất lượng hoàn thiện tốt, mặt sau đẹp
  • Máy hoạt động nhanh, tương đối ổn định
  • Camera đẹp hơn so với nhiều máy tính bảng Android khác
  • Thời lượng dùng pin rất xuất sắc
  • Đế bàn phím tiện dụng
Sản phẩm tuyệt vời
rất chi là chi tiết!!!các bài post khác nên học hỏi để cải thiện thêm cho bài viết của mình!!!!
vitxiem02
TÍCH CỰC
12 năm
bài viết chuẩn, tất cả thông tin cụ thể rõ ràng, càng thấy khoái em nó nhiều hơn, chỉ ước được trên tay em này mà thôi
bboyleeu
TÍCH CỰC
12 năm
kết quá nhưng hơi tiếc cái màn hình và thiếu flash LED
ROONEY1989
ĐẠI BÀNG
12 năm
Hàng asus bao giờ cũng thiết kế chắc chắn nhở

Sent from my Optimus 2X using Tinhte.vn
lupin212
ĐẠI BÀNG
12 năm
Khá ổn giá bên US là399$ cho bản 32GB 😁
//Đợi bản dành cho windows ra lò xem thế nào 😃
@lupin212 - Tìm cái giá trong bài đánh giá ko thấy
- Giá đó cũng ngon đó chứ
- Thiết kế đẹp
Là một sản phẩm tốt, có khả năng cạnh tranh. Nhưng mình muốn tìm hiểu thêm về khả năng văn phòng của máy này. Bộ Office đi kèm hoặc hỗ trợ, khả năng kết nối máy in, máy chiếu qua mạng LAN,wifi...
Với mình, máy tính bảng Android có khả năng này nữa là khá ổn cho công việc và giải trí rồi.
@CoffeeHN Chào bạn, cái app Office đi kèm theo nó dùng khá tốt. Nếu dùng những nhu cầu cơ bản thì ổn. Nếu gõ bằng dock thì bạn nên dùng bộ gõ GoTiengViet của Ky Nam, nó tương thích với nhau tốt. Còn kết nối máy chiếu thì chắc bạn phải mua sợi cáp microhd i-hdmi hoặc microhdmi-adapter Vga để xuất hình. Mình chưa thử nên chưa biết 😁
@CoffeeHN ofice chỉ xem file font unicode thôi mà font vni voi vn-time ko xem được. Phần mềm office thua xa win thiếu tính năng....Bạn nên hiểu ko phải có bàn phím là soạn thảo được văn bản ngon lành, đừng nghe quảng cáo...Nếu bạn soạn thảo văn bản bằng tablet chắc chắn bạn sẽ nản lòng.
vietcuongs
ĐẠI BÀNG
12 năm
Cái này dành cho dân văn phòng thì dc, chứ lập trình sao dc...
Cũng thích em này lắm, nhưng mình lại ko thiên về văn phòng. đành lạp cạp với window 😔
asus ra hàng đã thật ~~
Mà sao chụp 8.0 mà nhìn hình tối thui vậy ta
ak cho hỏi cái, sao đọc từ trên xuống dưới ko thấy 3G ta?
Nếu nó chạy WP8 thì wá ngon rồi, gắn bàn phím vào xài Office chuẩn wá tiện lợi, kể cả chơi game cho PC nữa
@kobebryant Window Phone ma choi game cho PC ah, hay the
@Nguyễn Lê Anh Thư Mình nói là nếu có thể chơi cả game nhẹ của PC thì tuyệt
@kobebryant Ah, 😃
nhìn đẹp thế , phải sắm em nghịch mới được
đánh giá chi tiết quá, mà con này ra chậm quá, giới thiệu lâu lắm rồi
umumti
CAO CẤP
12 năm
Mỏng hơn chút nữa, tạt lon là rất ổn😃
Tiếc nhất là thiếu 3G.
Nếu thêm 3G giá có mắc hơn nhưng chắc sẽ thu hút và thực sự "di động" hơn.
Dù sao cũng khoái em này, chắc cũng thay thế được "94%" tính năng của laptop😃
namttn
TÍCH CỰC
12 năm
Vẫn phải đợi 1 sản phẩm chất lượng, giá tốt, và ... có thương hiệu =]]
[7ball]fide
ĐẠI BÀNG
12 năm
@namttn bác này khó tính thật, asus mà vẫn ko công nhận là thương hiệu, chắc only apple thì mới đáng gọi là thương hiệu với bác wa
khi nào mới giá "bình dân" đúng nghĩa đây?😔

Sent from my U8800
lại phải gom lúa rồi 😔

Gửi từ HTC Sensation XL with Monster Beats sử dụng ứng dụng Tinhte.vn

Xu hướng

Bài mới








  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2025 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019