Nvidia tiếp tục làm nóng thị trường PC với phiên bản GTX 1060 refresh nhằm cạnh tranh trực tiếp với RX 580 của AMD ra mắt cách đây không lâu. Điều này cũng cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai hãng ở phân khúc đồ họa tầm trung, vốn hấp dẫn game thủ bởi mức giá không quá cao mà hiệu năng vẫn đủ mạnh để chơi được tất cả game hiện nay ở độ phân giải chuẩn 1440p. Trong bài viết, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn sức mạnh của GTX 1060 refresh qua mẫu MSI GTX 1060 Gaming X+ 6G, giá tham khảo 7,99 triệu đồng.
Ưu điểm
Ưu điểm
- Hiệu năng tốt đủ chơi game chuẩn 1440p với chất lượng đồ họa cao nhất.
- Tản nhiệt Twin Frozr VI hoạt động hiệu quả.
- Công nghệ Military Class mang lại sự tin cậy và ổn định.
- Thiết kế đẹp với LED Mystic Light RGB.
- Giá cao hơn so với sản phẩm cùng phân khúc.
Như đề cập trên, thiết kế GTX 1060 Gaming X+ dựa trên nhân đồ họa Pascal GP106-400 nhưng được tinh chỉnh thông số kỹ thuật trước khi xuất xưởng. Cụ thể bus bộ nhớ đồ họa được đẩy lên mức 2.250 MHz và băng thông theo đó cũng tăng lên mức 224 Gbps, cao hơn đáng kể so với phiên bản GTX 1060 cũ là 2.000 MHz và 192 Gbps. Điều này giúp khắc phục được tình trạng nghẽn băng thông đồ họa vốn rất cần để xử lý một lượng lớn dữ liệu cùng lúc.
Bên cạnh đó, Gaming X+ cũng được MSI ép xung sẵn trước khi xuất xưởng nên GPU có thể đạt mức 1.809 MHz khi chuyển sang chế độ ép xung. Nhờ vậy mà sản phẩm sẽ có hiệu năng tốt hơn, năng lực xử lý đồ họa và số khung hình trong game cũng cao hơn so với bản tham chiếu của Nvidia đưa ra.
Về kích cỡ, mẫu card MSI chiếm hai khe gắn card mở rộng nhưng khá gọn, tính cả tản nhiệt chỉ dài bằng 2/3 dòng card full size nên tương thích với nhiều dạng thùng máy khác nhau; từ thùng đứng cỡ trung cho đến HTPC nhỏ gọn cho nhu cầu giải trí đa phương tiện trong gia đình.
Mặt sau card cũng có tấm ốp kim loại (backplate), không chỉ gia tăng sự cứng cáp mà còn bảo vệ các linh kiện trên lớp bo mạch tốt hơn. Kết hợp hệ thống LED nền ở cả hai mặt và phần khung đỡ có khả năng hiển thị 16,8 triệu sắc màu, cho phép tùy chỉnh theo nhiều profile khác nhau thông qua bộ phần mềm Gaming app. Thậm chí bạn có thể đồng bộ theo “ton sur ton” khi sử dụng với bo mạch chủ của MSI.
Các ngõ xuất tín hiệu hình ảnh gồm DVI-D, HDMI 2.0 và có đến 3 ngõ DisplayPort 1.4. Lưu ý là thế hệ card Pascal không hỗ trợ xuất tín hiệu dạng analog nên không thể dùng với các màn hình VGA cũ. Tuy nhiên trên thực tế, điều này không ảnh hưởng đến việc sử dụng vì hầu hết nhà sản xuất đã loại bỏ cổng VGA và thay bằng HDMI.
Hệ thống tản nhiệt Twin Frozr VI mở rộng vùng diện tích tản nhiệt hơn so với thiết kế cũ. Mặt ngoài được mạ nickel chống oxi hóa và ngay cả khối tản nhiệt cũng được thiết kế lại với việc bố trí xen kẽ giữa các ống dẫn nhiệt SuperSU. Twin Frozr VI cũng đưa vào sử dụng quạt làm mát mới có tên gọi Torx 2.0 có đến 2 bộ đệm bi (double ball bearing) nên có độ bền cao hơn.
Quảng cáo
Bên cạnh đó là công nghệ Military Class với các thành phần linh kiện chất lượng cao như cuộn cảm chất liệu Titannium, tụ điện Hi-c, tụ rắn nội trở thấp (ESR) giúp tăng độ ổn định và tuổi thọ sản phẩm. Số pha nguồn mạch PWM của Gaming X+ trang bị là 8+2 pha, nhiều hơn đáng kể so với 5+1 pha của mẫu card nguyên bản và điều này đảm bảo việc cấp nguồn cho GPU, bộ nhớ và mạch điều khiển bộ nhớ ổn định, đảm bảo mức công suất cần đáp ứng khi ép xung một cách chính xác.
Đi kèm card là bộ ứng dụng Gaming App hỗ trợ người dùng chuyển nhanh giữa các chế độ dựa trên profile như ép xung, chơi game hoặc yên tĩnh tùy nhu cầu sử dụng. EyeRest cho phép chọn các chế độ màu thiết lập sẵn cho màn hình khi chơi game, xem phim và giảm bớt sắc xanh của hình ảnh khi chơi game ban đêm nhằm tránh mỏi mắt.
Cấu hình thử nghiệm
Quảng cáo
Để đánh giá sức mạnh mẫu card của MSI, mình sử dụng cấu hình phần cứng dựa trên nền tảng Haswell-E với bo mạch chủ MSI X99 Godlike Gaming, CPU Intel Core i7-6950X Extreme Edition, RAM GeIL Evo DDR4 2*8GB, bus 3.200 MHz, SSD Intel 730 480GB và nguồn Cooler Master RS-C50 1250W.
Bên cạnh những phép đo benchmark tiêu chuẩn như 3DMark và Superposition Benchmark, mình cũng kiểm thử khả năng chiến game ở chuẩn 1440p (2.560 x 1.440 pixel) và 4K (3.840 x 2.160 pixel). Trong quá trình thực nghiệm, hệ thống chạy với thông số thiết lập mặc định của nhà sản xuất và kết quả phép thử chỉ được ghi nhận nếu sai số giữa 3 lần test không đáng kể.
Cũng cần nói thêm về việc chọn lựa phép thử. Mình chỉ ưu tiên các công cụ giả lập của hãng thứ ba vì khả năng mô phỏng hoạt động của ứng dụng theo cách đặc biệt để đưa ra kết quả chi tiết, độ chính xác cao, có thể dùng đối chiếu với những sản phẩm từng thử nghiệm trước đó.
Kết quả thử nghiệm
Xét tổng thể, sức mạnh Gaming X+ đủ để chinh phục tất cả phép thử theo kịch bản Tinhte xây dựng ở độ phân giải 1440p mà vẫn đảm bảo số khung hình dao động ở 60 fps (khung hình mỗi giây), ngưỡng tối ưu mà game thủ hướng đến với chất lượng đồ họa được đẩy lên mức cao nhất.
Kết quả trên đủ mang đến game thủ sự trải nghiệm kỳ thú với những cung đường bụi bặm, gai góc và không chút màu mè của DiRT 3, trải nghiệm ấn tượng hơn về trận chiến tại pháo đài Hornburg trong LoTR hoặc sự hoang lạnh của thành phố Gotham đông đúc ngày nào sau cuộc tấn công hóa học trên diện rộng của Scarecrow trong Batman: Arkham Knight.
Riêng các tựa game sát phần cứng như Ashes of the Singularity, GTA V hoặc The Witch 3, tuy số khung hình đồ họa giảm dưới mức 60 fps nhưng vẫn vượt mức cơ bản 30 fps nên ảnh hưởng không đáng kể đến quá trình trải nghiệm game theo thời gian thực.
Ở khía cạnh game thủ, những điểm số đạt được của Gaming X+ cũng có sự chênh lệch so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Asus ROG Strix Radeon RX 580 O8G. Tuy nhiên nó chưa đủ cơ sở vững chắc để khẳng định hiệu năng mẫu GPU GTX 1060 mạnh hoặc kém hơn Radeon RX 580. Điều này cũng dễ hiểu vì cách tiếp cận của Nvidia và AMD khác nhau với phương thức xử lý của công cụ benchmark và game.
Chẳng hạn với Rise of the Tomb Raider, dòng game được phát triển một phần dựa trên công nghệ AMD Gaming Evolved nên kết quả nghiêng về mẫu card Asus Radeaon RX 580. Ngược lại MSI GTX 1060 đạt kết quả tốt hơn trong phép thử Unigine Superposition, các game Ashes of the Singularity và Batman: Arkham Knight.
Nhiệt độ, công suất tiêu thụ
Thiết kế MSI Gaming X+ dựa trên nhân đồ họa kiến trúc Pascal, được phát triển nhằm cải thiện mức tiêu thụ điện năng trong khi vẫn đạt được hiệu suất như mong muốn. Chính vì vậy, tuy có hiệu năng hơn kém đôi chút so với mẫu card của AMD, nhưng mức tiêu thụ năng lượng của Gaming X+ thấp hơn đến 71,5 watt khi chạy ở mức tải tối đa (full load).
Quá trình thử nghiệm cũng cho thấy hệ thống tản nhiệt mỗi card đều thể hiện tốt vai trò của mình, giải quyết nhanh lượng nhiệt sinh ra và duy trì nhiệt độ GPU thấp hơn đáng kể so với tản nhiệt lồng sóc truyền thống. Cụ thể trong phép thử đồ họa 3DMark và chơi game, nhiệt độ cao nhất của GTX 1060 vào khoảng 68 độ C, thấp hơn đến 16 độ C so với Titan X Maxwell.
Ở chế độ không tải, nhiệt độ GPU có lúc đạt đến 49 độ C, khá cao so bình thường bởi công nghệ Zero Frozr được nhà sản xuất tích hợp. Theo đó, công nghệ này sẽ giúp card tự nhận biết mức tải từ yêu cầu hệ thống để chuyển sang chế độ Silent mode, sử dụng ống dẫn nhiệt thụ động và ngừng hẳn các quạt làm mát để giúp máy tính vận hành êm hơn, giảm lượng điện năng tiêu thụ.
Tổng quan sản phẩm
Trong khi GTX 1080 và 1080 Ti thể hiện sức mạnh vượt trội ở phân khúc đồ họa cao cấp thì GTX 1060 ở phân khúc tầm trung, chẳng hạn như MSI Gaming X+ 6G được game thủ “chọn mặt gửi vàng” bởi mức giá phù hợp với số đông game thủ hơn trong khi hiệu năng vẫn đủ mạnh để chơi được tất cả game hiện nay ở độ phân giải 1440p.
Điểm hấp dẫn nữa của GTX 1060 là hiệu năng có thể hơn kém đôi chút so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Radeon RX 580 nhưng mức tiêu thụ năng lượng lại thấp hơn đáng kể. Vì vậy khi nhìn vào kết quả thử nghiệm, có thể nhận thấy Nvidia vẫn đang thắng thế cả khi AMD vừa ra mắt thế hệ card đồ họa mới Radeon RX 500 thời gian gần đây.
Xét về giá, MSI Gaming X+ 6G hiện có giá tham khảo 7,99 triệu đồng trong khi giá đề nghị của Asus ROG Strix Radeon RX 580 O8G chỉ 7,7 triệu. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của sản phẩm không chỉ với đối thủ trực tiếp là AMD mà cả những card GTX 1060 của những thương hiệu khác.