LG 27MU67 là một trong số ít dòng màn hình 4K dành cho game thủ hiện nay được tích hợp công nghệ đồng bộ tốc độ khung hình FreeSync. Sử dụng tấm nền IPS cùng độ nét cao, chất lượng hình ảnh hiển thị của sản phẩm này khá ấn tượng, tuy nhiên giới hạn tần số quét ở 60 Hz khiến nó chỉ thực sự tối ưu cho các dòng game PC offline và console. Giá sản phẩm này ở Mỹ vào khoảng 599$, chưa rõ giá ở Việt Nam.
Màn hình chơi game nhưng thiết kế đơn giản không khác gì màn hình văn phòng
Điều khiến mình bất ngờ nhất ở LG 27MU67 là thiết kế rất bình dân của nó, khác hẳn với xu hướng hầm hố của hầu hết các dòng màn hình chơi game hiện nay. Sử dụng một tông màu đen chủ đạo cùng màn hình tương đối dày, trông LG 27MU67 chẳng khác gì là một chiếc màn hình dành cho văn phòng. Tuỳ theo yêu cầu sử dụng, đây có thể xem là một ưu điểm của sản phẩm này bởi lẽ nó sẽ không gây nhiều sự chú ý cho người xung quanh và bạn có thể sử dụng nó như một màn hình văn phòng “đắt tiền”. Dĩ nhiên, nếu là người thích hầm hố thì vẻ ngoài của LG 27MU67 chắc hẳn khó mà có thể thuyết phục bạn, đặc biệt là các game thủ với tiêu chí “không đèn thì không phải đồ dành cho dân chơi game”. Một điểm mình đánh giá cao là LG sử dụng lớp vỏ nhám cho sản phẩm, tạo cảm giác khá đầm và lịch lãm. Không ít thương hiệu hiện nay quá lạm dụng chất liệu vỏ bóng, nhìn khá sang lúc đầu nhưng nếu không bảo quản kỹ thì xuống rất nhanh. LG 27MU67 có thể không quá hào nhoáng lúc ban đầu nhưng mình tin là nó cũng sẽ không sa sút theo thời gian (quá nhiều).
Màn hình chơi game nhưng thiết kế đơn giản không khác gì màn hình văn phòng
Điều khiến mình bất ngờ nhất ở LG 27MU67 là thiết kế rất bình dân của nó, khác hẳn với xu hướng hầm hố của hầu hết các dòng màn hình chơi game hiện nay. Sử dụng một tông màu đen chủ đạo cùng màn hình tương đối dày, trông LG 27MU67 chẳng khác gì là một chiếc màn hình dành cho văn phòng. Tuỳ theo yêu cầu sử dụng, đây có thể xem là một ưu điểm của sản phẩm này bởi lẽ nó sẽ không gây nhiều sự chú ý cho người xung quanh và bạn có thể sử dụng nó như một màn hình văn phòng “đắt tiền”. Dĩ nhiên, nếu là người thích hầm hố thì vẻ ngoài của LG 27MU67 chắc hẳn khó mà có thể thuyết phục bạn, đặc biệt là các game thủ với tiêu chí “không đèn thì không phải đồ dành cho dân chơi game”. Một điểm mình đánh giá cao là LG sử dụng lớp vỏ nhám cho sản phẩm, tạo cảm giác khá đầm và lịch lãm. Không ít thương hiệu hiện nay quá lạm dụng chất liệu vỏ bóng, nhìn khá sang lúc đầu nhưng nếu không bảo quản kỹ thì xuống rất nhanh. LG 27MU67 có thể không quá hào nhoáng lúc ban đầu nhưng mình tin là nó cũng sẽ không sa sút theo thời gian (quá nhiều).
Hơi thiếu về mặt thẩm mỹ nhưng bù lại LG 27MU67 lại nổi trội về mặt tính năng. Chân đế dạng khối lớn, đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong việc ổn định sản phẩm. Khi đặt trên bàn, bạn sẽ không gặp phải hiện tượng rung lắc trong quá trình sử dụng thông thường. Khả năng tuỳ biến mà LG trang bị cho 27MU67 là rất ấn tượng không khác gì một dòng màn hình chuyên dụng cao cấp. Nâng cao, hạ thấp, xoay trái phải và thậm chí là xoay đứng 90 độ; bạn có thể dễ dàng điều chỉnh để có góc nhìn phù hợp hợp nhất với mình. Trọng lượng chỉ 7,8 kg, khá nhẹ đối với một dòng màn hình 27 inch nên việc di chuyển cũng khá là dễ dàng.
Dàn nút điều khiển dạng cảm ứng, bạn chỉ cần chạm nhẹ là có thể dễ dàng kích hoạt. Tuy nhiên do vị trí bấm đặt ở dưới cạnh còn các biểu tượng lại đặt ở trên viền màn hình nên khá dễ bấm nhầm. Nhìn chung thì xài một thời gian cũng sẽ quen, nhưng bạn nên cũng nên chuẩn bị tin thần cho việc bấm nhầm liên tục khi mới sở hữu chiếc màn hình của LG.
Tích hợp DisplayPort, HDMI nhưng không có DVI và VGA
LG 27MU67 nối tiếp xu hướng loại bỏ kết nối analog (VGA) và DVI trong các dòng màn hình đời mới. Thay vào đó hãng điện tử Hàn Quốc trang bị cho sản phẩm của mình 2 cổng HDMI 2.0 (hỗ trợ 4K@60Hz), 1 DisplayPort 1.2a và 1 mini DisplayPort; tất cả đều kèm theo cả cáp nối trong hộp. Đây là điểm mình đánh giá rất cao, đặc biệt là cáp mini DisplayPort khá đắt và hiếm tại Việt Nam. Nhờ tương thích với Thunderbolt 2, bạn có thể xuất hình trực tiếp từ máy Mac lên màn hình thông qua cáp mini DisplayPort. Số lượng cổng kết nối là đủ nhiều để bạn có thể biến LG 27MU67 trở thành trung tâm giải trí. Riêng cá nhân mình, 2 cổng HDMI thì mình sẽ ưu tiên cho máy chơi game console (Xbox 360, PS3,…) còn DisplayPort thì dành cho PC, mini DisplayPort kết nối với Macbook khi cần. Do không tích hợp loa nên LG 27MU67 còn có thêm 1 jack cắm 3.5 mm để truyền tín hiệu âm thanh từ HDMI/DisplayPort ra loa ngoài hoặc tai nghe. Lời khuyên của mình là bạn không nên sử dụng cổng này vì nó dễ bị nhiễu tín hiệu, tốt nhất là cứ lấy trực tiếp âm thanh từ PC hoặc máy console.
Về cơ bản, cá nhân mình thấy việc loại bỏ cổng VGA và DVI trong các dòng màn hình mới hiện nay là khá hợp lý. Trừ khi máy tính của bạn được ráp trước 2005, ngay cả những máy với GPU tích hợp hiện nay đều hỗ trợ xuất hình qua HDMI. Nhắc đến HDMI, chuẩn 2.0 sử dụng trên LG 27MU67 là hỗ trợ tín hiệu 4K@60Hz, một nâng cấp đáng kể so với 4K@30Hz của chuẩn HDMI 1.4b trên các dòng màn hình 4K giá rẻ.
Quảng cáo
Một điểm cần lưu ý là công nghệ FreeSync hiện nay chỉ hỗ trợ duy nhất thông qua cổng DisplayPort và LG khuyến cáo là bạn nên sử dụng cáp được hãng kèm theo màn hình. Ngoài ra thì bạn còn cần một máy tính sử dụng card AMD sử dụng kiến trức GCN (đời Radeon HD7000, R7, R9 trở về sau). Mặc dù do AMD giới thiệu, FreeSync là nền tảng mở và được tích hợp như là một tuỳ chọn cho chuẩn DisplayPort 1.2a. Chưa biết tương lai như thế nào, nhưng tạm thời thì HDMI không hỗ trợ FreeSync. Mục tiêu của FreeSync là đồng bộ giữa tốc độ dựng hình của GPU với tần số quét của màn hình để triệt tiêu hiện tượng xé hình và đảm bảo trải nghiệm mượt mà nhất cho các game thủ. Chi tiết như thế nào thì mình sẽ có bài viết riêng nói về công nghệ FreeSync.
Chất lượng hình ảnh ấn tượng nhưng tần số quét thấp nên phù hợp với game offline hơn là online đối kháng
Nếu xét trên mặt bằng chung của màn hình chơi game, chất lượng hình ảnh của LG 27MU67 có thể nói là thuộc hàng top nhờ sử dụng tấm nền IPS 27 inch độ phân giải 3840x2160. Công bằng mà nói thì hơi ảo, nhưng màn trình diễn của các game đồ hoạ 3D trên màn hình này có thể nói là vô cùng ấn tượng với màu sắc rực rỡ và hình ảnh sắc nét. Đây là chiến lược hợp lý của LG, bởi lẽ game thủ thường không quan tâm quá nhiều đến độ chuẩn xác của màu sắc mà yếu tố quan trọng nhất là sự nịnh mắt. Khi chuyển qua chế độ chuyên dụng cho đồ hoạ, bạn sẽ thấy màu sắc trở nên đầm hơn rất nhiều.
LG công bố 27MU67 có khả năng hiển thị 99% dải màu sRGB (tương đương khoảng 79% RGB). Nếu cách đây khoảng 2 năm thì nó có thể được xếp vào danh sách các dòng màn hình làm đồ hoạ giá rẻ, ngang ngửa với Dell U2715H và chỉ chịu thua những dòng đời mới hiện nay như Dell U2716 (100% sRGB, 100% RGB). Tuy nhiên nếu xét trên mức độ khả năng hiển thị màu, màn hình của LG vẫn trên một bậc so với các mức trung bình 97% sRGB của các màn hình phổ thông. Về cơ bản thì bạn có thể dùng LG 27MU67 để chỉnh sửa ở mức độ nghiệp dư video và đồ hoạ ở chế độ sRGB mặc định. Bạn cũng có thể tự mình cân chỉnh chế độ màu phù hợp nhất với mình, nhưng thiết nghĩ đối tượng mà LG 27MU67 hướng tới là game thủ, hầu hết đều không có nhiều (cũng như không cần thiết) kinh nghiệm trong vấn đề này.
Quảng cáo
Hướng đến đối tượng là game thủ, LG cũng trang bị khá nhiều tính năng khá độc cho màn hình của mình. Đầu tiên và có thể nói là ấn tượng nhất đó chính là công nghệ đồng bộ khung hình với tần số quét FreeSync. Xé hình luôn là vấn đề khiến rất nhiều game thủ khó chịu, nó xuất hiện bởi vì màn hình truyền thống luôn chỉ có thể quét ở tốc độ cố định (chẳng hạn như 60 Hz, 72 Hz, 144 Hz) nhưng tốc độ dựng hình của GPU thì lại luôn biến thiên tuỳ theo độ nặng nhẹ của đồ hoạ trong game. FreeSync khắc phục vấn đề này bằng cách đồng bộ giữa tốc độ dựng hình và tần số quét, đến mức tối đa mà màn hình có thể hỗ trợ. Trong trường hợp của LG 27MU67, tần số quét tối đa mà nó hỗ trợ là 60 Hz. Tuy thông số mà AMD công bố thì FreeSync có thể xuống tới 9 Hz, tần số quét tối thiểu của màn hình LG hỗ trợ là 30 Hz. Nói một cách đơn giản, máy tính của bạn phải có khả năng dựng hình tối thiểu 30 khung hình/giây thì mới tận dụng được tính năng FreeSync, thấp hơn thì tính năng này sẽ bị vô hiệu hoá. Mình sẽ phân tích cụ thể hơn trong bài giới thiệu về công nghệ FreeSync sắp tới. Cũng cần lưu ý là do độ phân giải gốc của màn hình là 4K (3840x2160), để đạt được 30 hình/giây thiết lập tối đa với các trò chơi đồ hoạ 3D bom tấn cỡ như Witcher 3 hay GTA 5 thì ít nhất bạn phải có CPU cấu hình cỡ Core i5, AMD R9 280 trở lên. Không như TV, khả năng nâng cấp độ phân giải của màn hình máy tính là rất kém và LG 27MU67 cũng không phải ngoại lệ. Khi hiển thị nội dung độ phân giải dưới 4K, chẳng hạn như QHD hay FullHD, thì độ sắc nét giảm đi rõ rệt như có một lớp sương mỏng. Màn hình FreeSync thường rẻ hơn kha khá so với màn hình tích hợp G-Sync của Nvidia. Giá của LG 27MU67 ở nước ngoài là vào khoảng 599 USD, bạn sẽ khó lòng mà tìm được màn hình G-Sync có tính năng tương đương ở cùng tầm tiền như thế này.
Cùng với FreeSync, LG 27MU67 còn có 3 chế độ chơi game (FPS 1, FPS 2 và RTS) được thiết lập sẵn để dành riêng cho game bắn súng góc nhìn người thứ nhất. Khi bạn chuyển sang những thiết lập dành riêng cho game từ các chế độ tiêu chuẩn, tính năng DAS sẽ mặc định được bật. Điểm khác biệt dễ nhận ra nhất là màu sắc hơi bị tái đi và độ tương phản cũng giảm xuống. Đây là do màn hình đã tắt bớt các hiệu ứng cải thiện hình ảnh, giảm độ trễ tín hiệu đến mức tối thiểu. Nói rõ hơn một chút về vấn đề này, tín hiệu hình ảnh khi truyền đến màn hình sẽ được giải mã và được xử lý bằng các thuật toán cải thiện chất lượng rồi mới hiển thị lên. Khoảng thời gian chênh lệch giữa lúc nhận tín hiệu cho đến lúc hình ảnh được hiển thị gọi là độ trễ tín hiệu (input lag), bạn đừng nhầm nó với tốc độ đáp ứng của màn hình. Về cơ bản, càng dùng nhiều thuật toán xử lý thì chất lượng hình ảnh càng đẹp nhưng độ trễ cũng tăng lên. Đối với phim ảnh thì không thành vấn đề, tuy nhiên khi chơi game thì bạn nhấn phím mà một thời gian sau mới thấy hiệu quả thì rõ ràng đây không phải là dấu hiệu tốt. Tuy vậy, sự chênh lệch về chất lượng hình ảnh giữa 2 chế độ FPS với những chế độ mặc định khác (trừ sRGB) là không nhiều, chứng tỏ khả năng hiển thị gốc của tấm nền LG sử dụng trong sản phẩm của mình là rất tốt. Mặc dù mang tên là chế độ FPS, tuy nhiên mình thấy nó cũng đặc biệt hiệu quả khi bạn chơi các trò MOBA như LOL hay Dota. Những trò chơi này luôn có một độ trễ nhất định gọi là ping (LOL thì server Việt Nam thì khoảng 20 ms, Dota 2 thì ngay cả server SEA cũng không dưới 50 ms). Bạn sẽ muốn độ trễ của màn hình ở mức thấp nhất để không làm nghiêm trọng hơn vấn nạn lag của chúng.
Ngoài ra thì LG cũng có một tính năng có thể xem là hơi "chơi ăn gian" mang tên gọi là Black Stabilizer, mục đích của nó là làm "sáng những vùng tối" trong game mà không ảnh hưởng đến độ tương phản. Nói một cách đơn giản, bạn sẽ hi sinh độ trung thực của đồ hoạ để đổi lấy khả năng nhìn trong bóng tối, rất ư là thích hợp cho các cuộc đối đầu trong điều kiện tranh tối tranh sáng mà chúng ta thường gặp trong các trò bắn súng. Mức độ mạnh yếu của tính năng này cũng chính là sự khác biệt giữa các chế độ game trên LG 27MU67, cụ thể là FPS 1 60, FPS 2 100 và RTS 75; số càng cao thì hiệu ứng càng mạnh.
Và điểm cuối cùng mà mình muốn đến trong khả năng hiển thị của LG 27MU67 chính là tần số quét. 60 Hz là con số thấp đối với một màn hình chơi game khi chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn 144 Hz trên thị trường. Tuỳ theo nhu cầu của bạn mà đây có thể là ưu điểm, đồng thời cũng có thể xem là nhược điểm. Trước hết là về góc độ kỹ thuật, 60 Hz là tần số quét cao nhất đối với độ phân giải 4K và bạn không thể đòi hỏi gì hơn được nữa. Nếu như dùng để chơi console (PS4/Xbox One) hay game 3D offline bom tấn (GTA 5, Witcher 3,…) thì chất lượng hình ảnh cũng như trải nghiệm mà LG 27MU67 đem lại là hoàn hảo. Ngoài ra nó cũng tiết kiệm cho bạn một khoảng chi phí kha khá vì màn hình tần số quét như 144 Hz đắt hơn nhiều so với 60 Hz, và cơ bản thì bạn sẽ phải hi sinh độ phân giải cao mà cũng không thể tận dụng hết khả năng của màn hình. Tuy nhiên nếu như bạn chơi những trò online có mức độ đối kháng cao như Battlefield, COD, CS:GO, Dota 2 hay LOL thì 60 Hz lại không thật sự tối ưu. Do bản chất phụ thuộc khá nhiều vào tốc độ phản ứng của game thủ, tần số quét cao cho phép diễn biến trận đấu cập nhật nhanh hơn, đem lại chút lợi thế cho bạn khi chơi. Dù nhỏ nhưng trong những pha xử lý gây cấn, một tích tắc cũng đủ quyết định chiến thắng hay thất bại của một ván đấu. Đó là lý do mà hầu hết các giải đấu lớn đều dùng màn hình 144 Hz. Dĩ nhiên, nếu bạn chỉ chơi game để mang tính giải trí và không quá xem trọng việc thắng thua thì 60 Hz vẫn là con số chấp nhận được. Nếu phải lựa chọn giữa độ phân giải (chính xác hơn là chất lượng hình ảnh) và tần số quét, cá nhân mình sẽ thiên về độ phân giải hơn vì mình chỉ chơi để giải trí là chính. Đặc biệt là đối với các trò offline, 4K@60Hz là quá đủ để bạn có thể chiêm ngưỡng sự hào nhoáng đồ hoạ.
Kết luận
Ưu điểm
- Tấm nền IPS 4K@60Hz
- Chất lượng lượng hình ảnh ấn tượng đối với một màn hình chơi game
- Hiển thị 99% dải màu sRGB, có thể dùng để chỉnh sửa ảnh nghiệp dư
- Tích hợp công nghệ FreeSync
- 3 chế độ chơi game được thiết lập sẵn
- Chân đế vững chắc có khả năng tuỳ biến cao
- 2 cổng HDMI, 1 cổng DisplayPort, 1 cổng mini DisplayPort có cáp kèm theo
- Thiết kế như màn hình văn phòng
- Tần số quét tối đa chỉ 60 Hz
- Yêu cầu cấu hình PC cao nếu muốn chơi ở độ phân giải 4K gốc
- Khả năng upscale hình kém