[Đánh giá] Razer Lancehead TE: đối xứng và đằm tay, cảm biến xịn, phần mềm chưa hoàn chỉnh, giá cao

bk9sw
21/7/2017 21:2Phản hồi: 48
[Đánh giá] Razer Lancehead TE: đối xứng và đằm tay, cảm biến xịn, phần mềm chưa hoàn chỉnh, giá cao
Razer Lancehead Tournament Edition (Lanchead TE) có thiết kế mới mẻ, thể hiện sự trở lại của đội 3 đầu rắn xanh với form đối xứng (ambidextrous) và sử dụng cảm biến tương tự DeathAdder Elite. Như tên gọi Tournament Edition, Razer định hướng Lanchead TE là một mẫu chuột dành cho game thủ chuyên nghiệp hay hardcore. Vậy nó có thể đáp ứng được yếu tố này? Dưới đây là những trải nghiệm của mình với Lanchead TE và hy vọng anh em sẽ có cái nhìn chi tiết hơn trước khi quyết định trút hầu bao.

Thiết kế và tính năng:


Tinhte.vn_Razer_Lancehead_TE-10.jpg
Thiết kế là yếu tố đầu tiên khiến chúng ta quan tâm đến một mẫu chuột. Lanchead TE mang thiết kế đối xứng, khá nhỏ gọn và phù hợp với tay trái lẫn tay phải. Mặc dù có hình dáng mới mẻ nhưng Lanchead TE vẫn sở hữu những nét đặc trưng của Razer (ngoài logo ra nhé 😁) đó là đầu chuột, ngay dưới 2 phím chuột trái phải là 2 hốc lớn, khá hầm hố với các cánh gió tương tự như hốc gió trên xe thể thao. Razer vẫn dùng kiểu thiết kế hốc hác này trên nhiều mẫu chuột của mình, DA Elite hay Naga, thậm chí Orochi bé xíu cũng có.

Tinhte.vn_Razer_Lancehead_TE-1.jpg
Thiết kế thân chuột thuôn dài nhưng độ dài cũng chỉ 117 mm. So với một số mẫu chuột form đối xứng mà mình đang dùng như Zowie ZA11, Ozone Neon 3K, Logitech G Pro thì kích thước của Lancehead TE chỉ xêm xêm với G Pro, ngắn hơn đáng kể so với Zowie ZA11 (128 mm) và Neon 3K (125 mm). Độ cao của Lancehead TE là 38 mm, ngang với Logitech G Pro và vẫn thấp hơn 2 mm so với Zowie ZA11. Thân chuột rộng 71 mm, mập mạp nhất trong số 3 mẫu chuột còn lại mình đem ra so sánh. Và điều đáng lưu ý là trọng lượng của Lancehead TE là 107 g, anh em mới cầm sẽ cảm thấy chuột rất đằm tay.

Tinhte.vn_Razer_Lancehead_TE-4.jpg
Lancehead TE mặc dù có thân rộng nhưng eo thắt, 2 bên có 2 dải cao su khá dày với các rãnh sâu giúp tăng độ bám, chất liệu cao su không quá cứng, dễ đọng mồ hôi và bám bụi vào các rãnh. Phần eo này cũng có thiết kế rất công thái học nên khi đặt tay lên chuột, các ngón tay sẽ tự động được đưa vào vị trí để tì và kiểm soát chuột dễ dàng, tăng độ chính xác với thao tác.


Tinhte.vn_Razer_Lancehead_TE-6.jpg
Sau một thời gian sử dụng mình nhận thấy kiểu cầm claw grip là kiểu cầm phù hợp nhất đối với Lancehead TE bởi chiều dài, độ cao lưng và trọng lượng. Tay mình khá to nên khi cầm palm grip thì chuột không đủ dài và lưng cũng không cao để có thể ôm trọn vào lòng bàn tay. Cầm kiểu finger tip cũng được nhưng mình ít khi cầm kiểu này.

Tinhte.vn_Razer_Lancehead_TE-11.jpg
Trở lại với các phím bấm, 2 phím chuột chính của Lancehead TE nằm chung trên một khối nhựa dẻo tương tự như thiết kế của hầu hết các mẫu chuột Razer. Bề mặt này được làm kiểu sần mịn mang lại cảm giác cao cấp, tăng độ bám nhưng không phải như lớp phủ cao su trên nhiều mẫu chuột khác. Vì vậy qua thời gian sử dụng thì bề mặt không bám nhiều mồ hôi, dễ lau chùi, không bị bong qua thời gian sử dụng.

2 phím chuột được đặt rất sát với switch bên dưới nhằm hạn chế tối đa hành trình trước (pretravel), tăng độ chính xác và cảm giác nhấn. Với những mẫu chuột chơi game ngày nay thì triết lý thiết kế này đã được áp dụng phổ biến nên không có gì lạ lẫm. Switch cho 2 phím chuột chính như thường lệ là loại switch do Razer hợp tác cùng Omron phát triển với độ bền quảng cáo là 50 triệu lần nhấn và tốc độ phản hồi cao. Cảm giác nhấn ở 2 phím chuột chính là nhẹ và đanh, độ nẩy cao mang lại cảm giác tự tin với mỗi cú nhấp. Lực nhấn nhẹ rất phù hợp để anh em chơi nhiều loại game, ngoài FPS thì những game cần spam chuột nhiều như MOBA cũng rất hợp lý bởi nó ít gây mỏi sau thời gian chơi game dài. Tiếng click tạo ra không quá lớn nên anh em có thể thoải mái sử dụng mà không làm phiền những người xung quanh.

Mặc dù cảm giác nhấn rất tốt nhưng có một nhược điểm đó là lớp nhựa này quá mềm dẫn đến tình trạng flex phím. Khi cầm claw grip thì 2 đầu ngón tay sẽ nằm lùi về sau thay vì nằm ngay trên switch. Do đó khi nhấn giữ phím chuột và dùng lực nhiều hơn bình thường một chút thì phần vòm cong tiếp giáp với 2 phím điều chỉnh DPI sẽ bị lõm xuống và kéo chệch phím chuột sang 1 bên. Phím chuột phải bị chệch nhiều hơn chuột trái và đây là một điểm trừ về thiết kế không đáng có trên một mẫu chuột cao cấp như Lancehead TE. Giải pháp cho vấn đề này là đặt đầu ngón tay xuôi về phía trước nhiều hơn, tránh vùng điểm chết này.

Tinhte.vn_Razer_Lancehead_TE-12.jpg
Các phím chức năng còn lại gồm có 2 cụp phím tùy chỉnh đặt đối xứng tại vị trí nghỉ của ngón cái và áp út. Phím khá nhỏ nhưng dễ bấm nhờ thiết kế nhô hẳn ra ngoài và tách bạch. Mình thường dùng mặt trong của ngón áp út để nhấn 2 phím chức năng bên phải và không nhiều mẫu chuột khiến mình hài lòng về cảm giác nhất 2 nút này như Lancehead TE. Các phím phụ đều có thể tùy biến chức năng được qua phần mềm Synapse. Ngoài ra Lancehead TE cũng có 2 phím điều chỉnh nhanh DPI, vị trí dễ thao tác.

Tinhte.vn_Razer_Lancehead_TE-3.jpg
Con lăn trên Lancehead TE cuộn theo từng nấc, ma sát trung bình và có lớp cao su bao ngoài để tăng độ bám. Switch chuột giữa có độ nẩy cao, cảm giác nhấn rất tốt và hoàn thiện chắc chắn.

Tinhte.vn_Razer_Lancehead_TE-13.jpg
Lancehead TE có dây kết nối bện dây dù và dây mỏng, mềm hơn nhiều so với nhiều mẫu chuột khác trong cùng phân khúc. Cũng nhờ thiết kế dây này mà trải nghiệm sử dụng Lancehead TE được tăng cường bởi nó giảm đi sự vướn víu, tạo nên sự linh hoạt, cảm giác và khả năng điều khiển chuột. Tuy nhiên, dây dù cũng có nhược điểm là dễ xơ, cần bảo quản tốt.

Về cảm biến thì Lancehead TE được trang bị cảm biến Razer 5G Optical, cùng loại với DeathAdder Elite với DPI tối đa 16.000, 450 IPS, hỗ trợ gia tốc max 50 G và polling rate 1000 Hz. Razer 5G Optical kỳ thực là tên gọi mà Razer đặt cho mắt đọc PixArt PWM3389 - một biến thể của mắt quang PWM3360 được đánh giá là tốt nhất hiện nay của PixArt. Các biến thể khác của PWM3360 như PWM3366 trên chuột Logitech (G Pro, G403, G502, G900 …) hay PWM3361 trên chuột Roccat (Kone Pure, Leadr …).

Quảng cáo



Tinhte.vn_Razer_Lancehead_TE-7.jpg
Đáy chuột có hệ thống feet gồm 2 feet phía trước, 1 feet lớn phía sau và 1 feed bao quanh cảm biến. Feet được làm bằng chất liệu teflon nhằm giảm ma sát tối đa. Ngoài ra tại đáy máy còn có một cái đèn nhỏ và một nút để chỉnh nhanh profile. Lancehead TE cũng là mẫu chuột đầu tiên của Razer tích hợp bộ nhớ để lưu profile ngay trên chuột thay vì lưu và sync qua phần mềm Synapse. Tuy nhiên, tính năng này chỉ có trên phiên bản Synapse Pro hay Synapse 3.0 sắp ra mắt, hiện tại với Synapse 2.0 thì bạn vẫn dùng Lancehead TE như những mẫu chuột khác của Razer và tạm thời chưa thể lưu profile vào bộ nhớ trên chuột.

Hệ thống đèn trên Lancehead TE cũng rất hoành tráng với 2 dải đèn nằm tại 2 bên chuột, kéo dài từ phím chuột chính ra sau và nằm ngay giữa các phím phụ và phần grip bằng cao su. Đèn còn có ở con lăn và logo Razer. Như thường lệ đây là đèn RGB công nghệ Chroma, cho phép tùy biến 16,8 triệu màu và nhiều hiệu ứng khác nhau với phần mềm Synapse.

Trải nghiệm sử dụng:


Mình thử nghiệm với các mức DPI quen thuộc như 800/1600/3200 và thiết lập DPI cao nhất 16.000 trên một tấm mousepad bề mặt speed là Logitech G240. Thiết lập polling rate tối đa 1000 Hz, gia tốc chuyển về 0, tốc độ trỏ chuột là 1 (mức 6 trong thiết lập Pointer Speed của Mouse Settings trong Control Panel), lift-off 1 CD mặc định.

Thử nghiệm bằng phần mềm, cách test theo các mục như sau với từng mức DPI, mình chọn 3 mức lần lượt là 800, 1600, 3200 và 16000. Cần lưu ý là IPS tối đa của Lancehead TE là 450 inch/s, tức là nếu bạn lia quá nhanh, tốc độ trên 1,143 cm/s thì chuột sẽ không thể tracking kịp.
  • Resolution: nhấn giữ chuột phải và di chuyển 10 cm theo một đường thẳng để kiểm chứng DPI/CPI
  • Speed: lia nhanh chuột theo các hướng để đo vận tốc chuột và polling rate để kiểm tra polling rate theo từng mức DPI
  • Precision: nhấn giữ chuột phải và lia chuột theo các phía, tốc độ đều sao cho hành trình di chuyển của chuột đạt trên 2 mét để đo khả năng duy trì độ chính xác của chuyển động lặp lại (tô, vẽ, ....)

1.png
800 DPI

Quảng cáo



2.PNG
1600 DPI

3.PNG
3200 DPI

4.PNG
16000 DPI

Kiểm tra CPI/DPI, mình cho chuột trượt ngang theo một cây thước có độ dài đúng 10 cm, chuyển động tịnh tiến và cả 4 mức DPI đều cho kết quả chính xác.

Về polling rate, mình thiết lập mặc định là 1000 Hz và anh em có thể thấy ở các mức tốc độ lia chuột trên 1 m/s (tối đa của Lancehead TE là 1,143 m/s) thì polling rate luôn trên 900 Hz. Vậy con số này nói lên điều gì? 1000 Hz polling rate có nghĩa chuột sẽ thông báo cho máy tính vị trí của nó 1000 lần mỗi giây hay mỗi 1 mili giây (ms) cập nhật vị trí 1 lần nên polling rate cũng thường được ghi dạng độ trễ tính bằng ms, 1000 Hz hay 1 ms đều chứng tỏ điều này. Với Lancehead TE, polling rate trung bình là 963 Hz (dựa trên kết quả đo được), rất gần với con số lý thuyết là 1000 Hz. Theo kinh nghiệm của mình thì anh em sẽ không cần đến 1000 Hz đâu bởi polling rate càng cao càng khiến CPU phải xử lý nhiều hơn, tốn nhiều tài nguyên hệ thống không cần thiết bởi khi bạn không đụng đến con chuột thì nó vẫn cứ thông báo 1000 lần mỗi giây về vị trí của nó. Vì vậy đối với hầu hết các tình huống, chơi game FPS đi nữa thì 500 Hz (2 ms) đã đủ, bạn khó có thể nhận ra sự khác biệt giữa 500 Hz và 1000 Hz. Nhiều game thủ FPS khuyên rằng nên chỉnh 500 Hz polling rate để chuyển động chuột chính xác hơn.

Về khả năng duy trì độ chính xác của chuyển động theo một quãng đường di chuột trên 2 m, Lanchead TE luôn đạt tỉ lệ gần như tuyệt đối.



Tiếp tục thử nghiệm với phần mềm Paint thần thánh để kiểm tra hiện tượng jitter, với 4 mức DPI 800/1600/3200/16000 thì 3 mức DPI đầu mình vẫn có thể kiểm soát tốt khi thực hiện các nét kẽ ngang, dọc, thậm chí là vẽ trôn ốc cũng khá dễ dàng, đến DPI 16000 thì méo mó lắm rồi :D. Ở tất cả các mức DPI thì Lancehead TE đều không bị nhảy lung tung (jitter), không có hiện tượng đoán trước đường đi của trỏ chuột (prediction) hay tự động bắt góc (angle snapping).

800.png
1600.png 3200.png
Một thử nghiệm nữa về khả năng tracking của Lancehead TE bằng phần mềm với 3 mức DPI 800/1600/3200, thao tác là nhấn giữ chuột phải và lia qua trái rồi phải liên tục ở tốc độ cao. Với đường cong hình sin cùng với các điểm CPI, có thể thấy khả năng tracking của mắt đọc PWM3389 trên Lancehead TE rất tốt. Nếu tracking có vấn đề thì biểu đồ sẽ không đều như thế này và các điểm CPI sẽ nằm xa so với đường cong. Hoàn hảo nhất là các điểm CPI bám sát với đường cong, ngay dưới hoặc trên, tại các đỉnh và đáy hình sin, một số điểm CPI rơi ra ngoài và điều này cũng dễ hiểu bởi 2 điểm đỉnh và đáy là vị trí dừng và đảo chiều của chuột khi mình thực hiện thao tác lia sang trái phải liên tục. Nếu điểm CPI rơi quá xa so với đường sin thì khả năng tracking của mắt đọc không mượt, nếu rơi lung tung thì tracking có vấn đề. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng lia chuột ở tốc độ cao chính xác đến mục tiêu.

GP 800.png
GP 1600.png GP 3200.png
Còn đây là thử nghiệm tương tự của mình với Logitech G403 và mousepad Ozone Ground Level. Các thiết lập tương tự và anh em có thể thấy sự khác biệt giữa 2 biến thể PWM3389 (Razer) và PWM3366 (Logitech) là không nhiều. Nếu anh em thắc mắc tại sao biểu đồ hình sin của Razer nhiều lần lên xuống hơn thì đơn giản là mình lia qua lia lại nhiều lần hơn thôi, lia bao nhiêu lần sẽ có bấy nhiêu đỉnh và đáy 😃.

Thử nghiệm với nhiều thể loại game khác nhau và rất hài lòng về hiệu năng của mắt đọc PWM3389 hay 5G Optical Sensor của Lancehead TE. Mình nghĩ rằng Lancehead TE với cỡ chuột trung bình cùng với mắt đọc quang cao cấp rất phù hợp với anh em chơi FPS, TPS với những tựa game khác như MOBA, MMORPG cũng không thành vấn đề.

Kết luận:


Tinhte.vn_Razer_Lancehead_TE-9.jpg
Sau rất nhiều bài test và nhiều loại game, con Lancehead TE của mình vẫn còn sống khỏe. Razer là một thương hiệu lớn nhưng cũng còn đó nhiều hoài nghi về chất lượng. Lần này thì mình nhận thấy Razer đã đầu tư rất tốt cho Lancehead TE trong nỗ lực trở lại với thị trường chuột chơi game cỡ trung, thiết kế đối xứng (ambidextrous). Lancehead TE mang lại tất cả những gì một game thủ hardcore cần nhưng hiện tại vẫn còn một vài hạn chế khiến mẫu chuột này chưa hoàn hảo. Như mình đã nói, nhựa phím chuột chính mềm, gây flex tại một số vị trí nhấn nhất định, dĩ nhiên chúng ta có thể chủ động chuyển vị trí ngón tay nhưng Razer cần phải cải tiến điểm này để Lancehead TE mang lại trải nghiệm trọn vẹn hơn. Thêm nữa là phần mềm Synapse 3.0 vẫn chưa được phát hành nên chúng ta chưa thể khai thác được tính năng lưu profile trên chuột - một tính năng không mới mẻ gì với các hãng sản xuất khác nhưng đây là lần đầu của Razer sau nhiều năm bảo thủ hay tự tin với tính năng đồng bộ đám mây của phần mềm Synapse. Thiếu tính năng này, Lancehead TE vẫn chưa thể đáp ứng yếu tố thi đấu (Tournament) như tên gọi của nó.

Ở tầm giá 2 triệu, Lancehead TE đắt hơn các đổi thủ trong phân khúc chuột chơi game đối xứng vài trăm, chẳng hạn như Logitech G Pro có giá khoảng 1,8 triệu. Cảm biến PWM3366 của G Pro cũng đạt hiệu năng tương tự PWM3389 của Lancehead TE, vì vậy yếu tố thiết kế và thương hiệu sẽ quyết định đến sự lựa chọn của anh em nhiều hơn. Riêng những ai thích Razer, nếu cần sự chính xác của cảm biến PWM3389 thì DeadAdder Elite là một sự lựa chọn rẻ hơn. Anh em nghĩ sao? Dưới đây là những điều mình thích và không thích khi sử dụng Lancehead TE.

Điểm mình thích:
  • Thiết kế đẹp. kích thước trung bình dễ cầm, trọng lượng cân đối tăng sự linh hoạt và khả năng kiểm soát;
  • Hệ thống đèn Chroma bắt mắt;
  • Dây bện vải dù chắc chắn, mảnh và mềm;
  • Phím chuột chính độ nẩy cao, nhẹ và ít mỏi khi dùng lâu;
  • Con lăn cho cảm giác cuộn rất dứt khoát, cảm giác nhấn chuột giữa rất tốt;
  • Các phím phụ bố trí hợp lý, dễ bấm, có phím chuyển nhanh profile;
  • Mắt đọc PWM3389 có độ chính xác cao, tracking gần như hoàn hảo, tốc độ polling rate ổn định.

Điểm mình chưa thích:
  • Chất liệu nhựa làm 2 phím chuột chính mềm gây flex phím nếu nhấn mạnh tại một số vị trí nhất định;
  • Có tính năng lưu profile trên chuột nhưng phần mềm vẫn chưa hoàn thiện để hỗ trợ;
  • Giá cao
48 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Fanboi Razer thì có bao tiền cũng đáng để mua 😁 cấm cãi
@Hoang Song cho hỏi tí, sorry vì đã đào mộ lên hãng này thấy quảng cáo nhiều đánh giá là độ bền không có được tốt sao nhiều người vẫn thích sử dụng không hiểu ???
@thegoldapple9999 Vì kênh quảng cáo và quảng bá thương hiệu của hãng làm khá tốt, hình ảnh sản phẩm đc đầu tư nhiều, chưa kể ngoại quan các sp của Razer cũng khá là ngầu, nên con mắt thường bị đánh lừa bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài mà ko quan tâm chất lượng sau thời gian sử dụng sẽ thế nào, mình cũng vì cái vẻ đẹp ngầu của Razer mà xài 2 3 sp của hãng rồi, nhưng đều đẩy đi sớm vì chất lượng ko như ý 😔
@Hoang Song tks bác nhiều, giữa corsair, Fico,Leopold và razer thì độ bền độ phê độ gõ, cảm giác nhấn và keycap thì cái nào ổn nhất dazy bác.
@thegoldapple9999 Bác lên nhóm cộng đồng bàn phím cơ Việt Nam trên Facebook rồi đăng hỏi để có câu trả lời chính xác nhất nhé... chứ kiến thức e hạn hẹp chơi phím cơ để trải nghiệm vui thôi nên mấy câu hỏi chuyên về kĩ thuật quá thì ko dám trả lời bác .
@Hoang Song tks bác nhiều tks bác
Nhìn Deathadder Elite sexy hơn 😁 Đang dùng và thấy rất tuyệt
@NGUYỄN NAM SL
Mình cũng đang dùng Death Elite
Bạn cho mình hỏi dùng Synapse để gán combo Window + D (show desktop) được ko?
Mua về vẽ Cad có ngơn hơn k ta 😆
vutuanbs
ĐẠI BÀNG
7 năm
@JoseyHan Chuột xịn nhưng dây cứng vẽ di chuột cứ vướng tức như bò đá
@vutuanbs bác treo dây lên, thử dùng cái cần treo dây chuột ý.
@vutuanbs Có cái như cái giá treo để lồng dây chuột với dây tai nghe qua. Dùng chuột dây nhất là dây dù thì phải thế để tránh vướng dây mà
_ 2 triệu con chuột có dây, trong khi mình mới được trả bảo hành con Logitech g610 đổi sang con Logitech g403 KO DÂY mới toanh giá thị trường cũng khoảng 1t6 - 2 tr, 1000 Hz poll rate, 12k dpi, lag free, pin 32 tiếng full sạc, chơi game ko biết cái gì goi là delay, cảm giác cực kỳ tự do thoát khỏi cái lồng giam có dây. Nói thật bây giờ Razer đang bán chuột giá Táo chất lượng Tàu địa phương, con có dây như vậy 1 triệu cho mình còn chẳng thèm dùng ...

_ Ai chưa biết thì mời vào xem 1 thằng pro fps test chuột ko dây Logitech G403 từ đầu tới đít.



_ Nói thực là cách đây 7 năm cũng là fan ruột của Razer, dùng Naga với DA hàng đống rồi. Nhưng sau đó tỉnh ngộ và mình nhận ra có vô khối thứ khác ở ngoài cái hãng Razer này, và Razer đang làm mọi thứ ngày càng chán đời ( ngoại trừ pad chuột ... )
@iceteazz Sau khi dùng pad nhôm thì bao nhiêu pad razer với mình đều lởm hết 😆
@AZwarrior _ Tùy mục đích sử dụng và thói quen nữa. Pad nhôm tương đối mới và chưa nhiều người quen dùng, và thói quen sẽ ảnh hưởng cực lớn tới perf khi chơi game hay sử dụng chuột tần suất cao. Và quan trọng là pad nhôm ko mang vác đi được, giống pad cứng, trong khi pad vải dễ mang đi hơn, tiện trong nhiều việc.

_ Ngoài ra, theo trải nghiệm chưa nhiều của mình, pad cứng vẫn ngon hơn pad nhôm, từng thử 1 cái pad nhôm của ông bạn vs pad cứng của Logitech của mình, và thấy con Logitech vẫn ok hơn haha Chắc cần thêm thời gian để xem pad nhôm đi tới đâu. Thêm 1 cái nữa, là pad cứng khó xước hơn pad nhôm nhiều, pad nhôm dùng thời gian ko dài là bắt đầu xước tùm lum nhìn nản lắm 😁
voicon848
ĐẠI BÀNG
7 năm
@iceteazz Thú thiệt là em cũng xài 3 xác DA, 4 xác Naga trong 3 năm 😁.
@iceteazz cũng đang xài G403 Wireless.Công dây đỡ dây nhợ tùm lum khỏe vãi hàng
Con này còn ngon hơn con logitec G502 à các bác? đang phân vân!!!!
@lamborghini_08 _ Phải xem tay bạn thích kiểu gì nữa, cách cầm, kinh phí etc. Theo mình nếu ko quan tâm giá tiền thì G900 và G403 hiện đang là best ( sắp tới sẽ là g903 và g703 thay thế ) Nếu bạn từng dùng chuột ko dây tốt thì sẽ ko bao giờ muốn quay lại với chuột có dây. Nói chung là nên tới cửa hàng thử hoặc đọc review tốt trên youtube để check.
@lamborghini_08
Dùng DA đc 2 năm rồi (thời đó mới bước chân vào gaming gear cao cấp thấy razer nổi nhất cũg mua xài), lâu lâu chuột bị double click mà không thường xuyên lắm, lớp vỏ bị trơn hơn sau tg dài sử dụng. Tháng trc vào Azaudio xem gear cùq với thằng bạn, cầm thử G502. Thôi rồi, đã tìm thấy "người yêu" mới, form chuột cầm rất dễ chịu, click chuột nhạy. Uii, quá đã!!! Thế là tậu ngay 1 e G502. Bây h bán con DA cho thằng e với giá 300k. Mình thấy là fanboy hay thích sự ngầu của Razer thì nên tậu chứ muốn "ăn chắc mặc bền thì nên chọn corsair hay logitech,v.v,...
@tylerfire1310 Con lăn g502 của bác khi lăn có kêu sột sột không?
@lamborghini_08
Còn tùy bác dùng chế độ lăn vô tận hay lăn thường thôi. Em G502 lăn thường kêu nhưg nhỏ không ảnh hưởng j đâu. Nếu bác dùng tai nghe thì cũq như xài chuột thường thui. Tốt nhất là bác nên tới chỗ bán gear test
Mình vẫn thấy steelseries là ngon nhất, đợt em DA hỏng lên hỏng xuống thì em rival 95 của mình 2 năm rồi còn chưa thấy dấu hiệu gì hết cả, vẫn như mới bấm tanh tách .
bonydc
ĐẠI BÀNG
7 năm
có vẻ ngon. ước gì dc ai tặng xài thử
Có steelseries thì Táng thôi .
hàng đắt mà chất lượng cũng thường thui 😃
mấy cái 5G , 16kdpi , 450 IPS
mấy cái đó số cho to chứ có bao giờ đụng tới ngưỡng đó
giống như nhét màn 8K vô điện thoại 5"
mình thấy cái soft của Razer rất tốt rồi mà sao mod lại chê vậy nhỉ?
Tính mua con Logitech G502 Proteus Spectrum, mấy bác coi con này dùng để chơi game lẫn lướt web và các tac vụ khac có ổn không?
@harry.pham16 Tất cả các thể loại nó đều ok tất nhé, e dùng hơn 1 năm rồi bác, yêu hơn nâng trứng ;)
@asternartini Không có vướng víu hay bất tiện gì hả bạn? Mình đặt mua ở Bestbuy rồi, họ chuẩn bị rồi chỉ còn rảnh là chạy ra lấy thui. Mua thêm cái bàn phím cơ nữa là ổn
@harry.pham16 bất tiện gì đâu, nhiều nút e thích kaka, DA 1 phần e ko thích lắm do ko có nhiều nút tiện dụng như G502
Bài review quá công phu! Like
Hic giá này thì không cố được rồi.
Logitech thì khỏi phải bàn về chất lượng, build tuyệt vời, con g502 vô đối trong mọi nhu cầu sử dụng 🆒. Razer thì nhiều năm trở lại đây build càng ngày càng kém ( khi trước đã kém rồi ). Vẫn thích nhất ở razer ở dàn led RGB vì nó tiên phong trong cái này, còn lại bàn phím thì corsair , còn chuột thì cứ logitech, steel . Đang dùng g502 và ko có gì để phàn nàn , sau 2 em chuột razer :p😁
Mình có con DA Elite mà ko sao set được nút thành Windows + D (show desktop). Vì vào Synapse để set chuột thì cứ bấm keyboard để set thì máy tính nó nhận show desktop luôn. Bro nào biết chỉ mình với
Đang xài con G Pro vì kiểu dáng chân phương của em nó, LED cũng tắt nốt.
Có lẽ mình ko hợp với xu hướng đèn đóm màu mè. 😁
ultimatevn
TÍCH CỰC
7 năm
Chất lượng Razer chưa bao giờ mình hài lòng =))
vutuanbs
ĐẠI BÀNG
7 năm
500k cho cái giá treo con bọ cạp của tàu, nhưng mèo vẫn hoàn mèo, vì ít di chuyển nên dây dù hịn được nhổ ra hàn dây logitech vào cho lẹn

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019