Từ trước đến nay chúng ta toàn nghe nói đến MediaTek ở vai trò nhà cung cấp chip cho các điện thoại, máy tính bảng tầm trung và thấp. Nhưng không chịu dừng bước ở đó, MediaTek đã lên kế hoạch để sẵn sàng bước vào thị trường cao cấp và cạnh tranh trực tiếp với Qualcomm, Samsung bằng dòng SoC Helio mới của mình. Vậy series chip này có gì đáng chú ý và liệu nó có thể giúp MediaTek thực hiện ước muốn của mình hay không?
Sơ lược về MediaTek và các con chip trước đây
Trước tiên mình xin giới thiệu sơ lược vài dòng về MediaTek cho bạn nào chưa biết hoặc chưa rõ. Đây là một công ty bán dẫn Đài Loan ra đời vào tháng 5/1997 và hoạt động với hình thức fabless. Ngoài việc cung cấp thiết kế chip, MediaTek còn cung cấp thiết kế tham chiếu của smartphone, tablet cho hãng phần cứng khác để họ dựa vào đó và cho ra sản phẩm với chi phí thấp hơn và thời gian nhanh hơn. Tính đến năm 2013 công ty đã giao được 220 triệu con chip smartphone và con số này không ngừng tăng lên.
Trong khi đó, những hãng "fabless" (fabless manufacturing) sẽ tự mình thiết kế chip từ đầu đến cuối đúng như ý muốn, nhưng bản thân họ không tự sản xuất ra chip. Thay vào đó, họ đi nhờ một hãng fab gia công giúp mình. NVIDIA đã là một hãng fabless từ lâu, và bây giờ có thêm AMD nữa. MediaTek hay Qualcomm cũng là fabless.
Hầu hết chip do MediaTek thiết kế đều sử dụng kiến trúc ARMv7 và ARMv8, tức là cũng cùng loại kiến trúc như Qualcomm Snapdragon, Samsung Exynos hay thậm chí là Apple A-Series. Tuy nhiên, MediaTek chủ yếu sử dụng nhân xử lý Cortex có sẵn chứ không tự mình thiết kế nhân như Apple hay Qualcomm. Lấy ví dụ, con chip MT6592 sở hữu 8 nhân Cortex-A7 (ARMv7). Ngoài ra, MediaTek cũng dùng GPU Mali do ARM thiết kế sẵn rồi triển khai vào trong con chip của mình. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá thành SoC của MediaTek rẻ hơn so với các đối thủ đến từ Qualcomm (còn hiệu năng lại là một chuyện khác).
Gia đình chip Helio
Theo MediaTek, mục tiêu của họ là mang lại sức mạnh xử lý ngày một mạnh hơn cho tất cả mọi người trên thế giới, và đây cũng là một trong những lý do khiến công ty quyết định sẽ tiến vào thị trường chip di động cao cấp trong năm 2015.
Cái tên Helio được hãng lấy từ chữ “Helios”, một vị thần trong thần thoại Hy Lạp đại diện cho mặt trời. Cách đặt tên này cũng mới mẻ hơn so với những gì mà MediaTek đã làm từ trước: thay vì sử dụng kí tự MT cộng với một đống số khó nhớ phía sau, hãng chuyển sang gọi tên như Helio X10 và điều đó sẽ giúp tăng cường mức độ nhận biết của khách hàng đối với SoC của hãng. Qualcomm cũng sử dụng cách đặt tên tương tự (Snapdragon 200, 400, 800…) nên chúng ta rất dễ ghi nhớ và ngay khi nghe tên thì biết ngay con chip đó hiệu năng ra sao.
Theo MediaTek, gia đình chip Helio sẽ được chia làm 2 dòng nhỏ hơn, bao gồm:
- Dòng hiệu năng rất cao: Helio X (chữ X là viết tắt cho eXtreme Performance)
- Dòng hiệu năng cao: Helio P (chữ P là viết tắt của Performance)
Như vậy hiện tại chúng ta chỉ có thể nói về Helio X và P mà thôi. Và điều đáng nói là cả hai đều nhắm đến các thiết bị có cấu hình mạnh nhất ở thời điểm mà nó ra mắt. Helio P cũng có thể được dùng cho một số máy tầm trung cận cao cấp.
MediaTek có nói thêm rằng Helio X sẽ mang lại khả năng xử lý cực kì mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc đảm đương các nội dung đa phương tiện. Trong khi đó, Helio P cũng có hiệu năng cao nhưng được tối ưu cho thời lượng dùng pin cũng như kiểu dáng thiết bị, từ đó giúp tạo ra được những máy móc mỏng hơn.
Quảng cáo
Helio X10, con chip cao cấp đầu tiên của MediaTek
Con chip Helio đầu tiên được tung ra thị trường là X10, trước đây có mã hiệu MT6795. Các tính năng chính của SoC MediaTek MT6795:
- Có 8 nhân Cortex-53 64-bit chạy ở xung nhịp 2,2GHz
- Cả 8 nhân có thể hoạt động cùng lúc (dựa trên cấu hình ARM big.LITTLE và công nghệ xử lý hỗn tạp)
- Tính năng CorePilot 3.0 (kích hoạt GPU lên chạy cùng với CPU với những công việc nào cần đến tập lệnh OpenGL, giúp tăng hiệu năng và giảm lượng điện tiêu thụ)
- Hỗ trợ RAM LPDDR3 kênh đôi tốc độ 933MHz
- Hỗ trợ màn hình 2K (2560x1600) với tần số quét cao nhất là 120Hz
- Có thể quay phim Full-HD 1080p với tốc độ 480fps (Super-Slow Motion)
- Tích hợp khả năng quay phim và giải mã video 4K Ultra-HD nén theo chuẩn H.265
- Hỗ trợ kết nối LTE-Advanced, 3G, 2G
- Hỗ trợ Wi-Fi 802.11ac, Bluetooth, FM, GPS, GLONASS, ANT+, Beidou
- Hỗ trợ sạc không dây khi kết hợp với con chip sạc đa chế độ của MediaTek
Con chip này còn hỗ trợ màn hình với tần số làm tươi là 120Hz, cao hơn so với mức 60fps hiện đang có trên các smartphone. Tần số làm tươi nhanh hơn sẽ giúp hình ảnh hiển thị mượt mà hơn trong các pha chuyển động. Hay khi bạn lướt web, lướt News Feed Facebook thì chữ sẽ vẫn hiển thị rõ ràng khi cuộn chứ không bị mờ nhòe.
Bên cạnh đó, Helio X10 còn được tích hợp tính năng SmartScreen (tinh chỉnh hình ảnh ở mức độ pixel tùy theo ánh sáng môi trường, hứa hẹn ảnh sáng hơn, đẹp hơn và ra nắng xem dễ hơn) và công nghệ MiraVision (giúp tăng độ bão hòa màu, độ rực rỡ và chi tiết của hình ảnh). Tốc độ lấy nét khi chụp ảnh bằng thiết bị chạy Helio X10 sẽ giảm đi tối đa 1,5 giây.
Chúng ta biết thêm rằng Helio X10 hỗ trợ quay video slow motion ở tốc độ lên tới 480fps, tức là tốc độ gấp đôi so với mức 240fps của iPhone 6 hiện nay. Điều này có nghĩa là các video slow motion sẽ có chất lượng cao hơn. Khả năng lấy nét của camera cũng được cải thiện đáng kể nhờ năng lực xử lý mạnh mẽ của Helio X10.
So sánh với các đối thủ
Quảng cáo
Những biểu đồ bên dưới được đưa ra bởi MediaTek, theo đó trong hầu hết các phép benchmark thì Helio X10 đều tỏ ra vượt trội hơn so với đối thủ trực tiếp Snapdragon 810, và nó cũng cao hơn so với Exynos Octa 5433 vốn đang xài cho Galaxy Note 4. Tất nhiên, kết quả này chỉ để tham khảo mà thôi, khi nào mình có trong tay một cái điện thoại chạy Helio X10 thì mình sẽ benchmark lại cho anh em xem.
So sánh nhiều phép benchmark
So sánh riêng khả năng chạy đa nhân với Snapdragon 810
Những thách thức của Helio
Hiện tại Helio X10 chỉ mới có mặt trên một thiết bị duy nhất là HTC One M9+, điều này làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của X10. Trong khi đó Snapdragon 810 thì đã và sẽ có mặt trên hàng loạt thiết bị đầu bảng của năm 2015 như LG G Flex 2, LG G4, HTC One M9, Sony Xperia Z4. Chưa kể đến con chip Exynos 7420 của Samsung đang được hãng xài cho Galaxy S6 và S6 Edge với dự báo doanh số rất lớn. Ngoài ra, M9+ cũng chỉ tập trung bán ở Trung Quốc và có khả năng là một vài nước châu Á mà thôi, trong khi các sản phẩm kia thì bán rộng rãi trên toàn cầu.
Bên cạnh sự hạn chế về số lượng thiết bị, MediaTek còn phải đối mặt với nhận thức của người dùng đối với thương hiệu của công ty. Trong một thời gian dài hãng đã cung cấp chip cho vi xử lý tầm trung và thấp nên không nhiều người biết rằng MediaTek cũng làm SoC cho điện thoại và máy tính bảng cao cấp. Và kết quả là khi họ nhìn vào một thiết bị nào đó, chẳng hạn như M9+ với cái tên MediaTek nằm trong bảng cấu hình, nhiều người sẽ quay lưng đi và nhìn vào những sản phẩm khác dùng chip Qualcomm hay Samsung bởi hai hãng này đã xây dựng được niềm tin vào chip của họ.
Hiệu năng thật sự của Helio vẫn còn là một dấu hỏi lớn, ít nhất là tính đến thời điểm hiện tại bởi One M9+ vẫn chưa được bán ra nên không cách nào chúng ta có thể tự mình trải nghiệm hay benchmark được con chip này. Liệu nó có thật sự mạnh hơn Snapdragon 810 như lời công ty quảng cáo, liệu nó có giúp thiết bị Android chạy mượt mà, không bị giật, lag hay không? Một thứ nữa đáng quan tâm: thời lượng pin của thiết bị chạy Helio X10 sẽ ra sao?
Quan trọng hơn, MediaTek sẽ làm thế nào để thuyết phục các OEM lớn như Sony, LG, HTC chịu sử dụng Helio X10 trên các dòng máy đầu bảng của mình. Trong những tài liệu mà công ty từng công bố thì không thấy nói gì về chi phí, giá thành thấp hơn, vậy hãng sẽ cạnh tranh với Qualcomm bằng gì? Liệu những tính năng đặc biệt như SmartScreen, MiraVision và chụp ảnh nhanh có đủ hay không khi mà Qualcomm cũng có những chức năng tương tự, lại còn tìm được cách tích hợp bộ thu phát sóng 4G LTE vào thẳng trong chip trong khi MediaTek phải dùng bộ thu phát riêng vốn tốn diện tích và hao điện hơn. Tất cả những câu hỏi này chúng ta phải đợi thời gian trả lời mà thôi.
Tương lai của Helio
Tất nhiên, Helio sẽ không chỉ dừng lại ở X10, nó còn có thêm những dòng X khác mạnh hơn hay các con chip P mới nữa. Cách đây ít hôm đã rò rỉ thông tin về Helio X20 (MT6797), một con chip 10 nhân và đặc biệt là có đến 3 cụm CPU bên trong thay vì 1 hoặc 2 cụm như các SoC bình thường. Cụm đầu tiên bao gồm 2 nhân Cortex-A72 xung nhịp 2,5GHz dành cho các tác vụ cần hiệu năng rất cao, cụm thứ hai là 4 nhân Cortex-53 với xung nhịp 2GHz, còn cụm thứ ba cũng 4 nhân Cortex-A53 nhưng chỉ 1,4GHz.
Nói thêm về kiến trúc 3 cụm CPU nói trên, hình ảnh rò rỉ cho biết MediaTek đã học hỏi từ xe hơi để làm ra con chip này. Nếu một chiếc xe đang lên dốc mà chỉ có 2 số thì sẽ có những đoạn không sử dụng tối ưu nhiên liệu, trong khi nếu có 3 số thì mọi chuyện diễn ra ngon lành hơn. Và đó là lý do mà con Cortex-A53 2GHz xuất hiện.
Helio X20 hứa hẹn sẽ vượt qua 70.000 điểm benchmark bằng AnTuTu, còn hiệu năng chung thì sẽ cao hơn đến 40% so với Helio X10. Con chip này được cho là sẽ đi vào sản xuất trong tháng 7 và bắt đầu xuất hiện trên các thiết bị thương mại trong quý 4 năm nay.
Với những thiết kế bán dẫn đột phá như thế, có khả năng Helio sẽ ngày càng nhận được sự chú ý của thị trường một cách mạnh mẽ hơn, từ đó góp phần hiện thực hóa tham vọng “cao cấp” của MediaTek. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu hãng có thành công hay không nhé.
Nguồn: MediaTek, PhoneArena, AnandTech