Apple làm ra tai nghe EarPod cho iPhone hay iPod nhưng họ có ngờ rằng người ta còn nó với MacBook, với laptop hay thậm chí là cả PC? Liệu họ có ngờ các dịch vụ bán lẻ tai nghe iPhone thậm chí còn đắt hàng hơn cả các shop bán iPhone. Tương tự, LG làm ra QuadBeat để phục vụ khách hàng mua máy G2, G3,… nhưng liệu họ có biết có những khách hàng tìm mua lẻ tai nghe QuadBeat chỉ để dùng hàng ngày với các thiết bị khác. Kỳ thực trong thế giới tai nghe kèm theo máy, EarPod và QuadBeat luôn là những tượng đài được nhiều người công nhận. Và rồi earpod tiến hóa thành phiên bản lighting và Airpod, trong khi QuadBeat giờ đây đã bóng bẩy hơn, sang chảnh hơn với mác tune by B&O để bán kèm với LG V20. Liệu chất QuadBeat ngày nào vẫn còn được lưu giữ? Xin thưa là có, vẫn rất trọn vẹn!
Khi thế giới được chia làm 2 dạng người: muốn mua tai nghe và không muốn mua tai nghe
Thật vậy, mình từng gặp những anh bạn không tiếc tiền bỏ ra tới hàng chục triệu đồng để sở hữu những chiếc tai nghe ưng ý, mình từng nghe kể cách đây nhiều năm đã có nhiều “tay chơi” bỏ ra hàng ngàn đô la chỉ để mua về một con tai nghe mà những người trong hội chơi chỉ biết trầm trồ thán phục hay thậm chí mình từng thấy có người bỏ hàng chục giờ liền ra chỉ để nghiên cứu, tự build tai nghe custom sao cho thoải mái nhất, nghe thỏa mãn nhất.
Tuy nhiên, mình cũng từng gặp không ít người phì cười với việc “phí tiền vào tai nghe”. Đối với họ, tai nghe chỉ là cái để phát ra âm thanh, chiếc tai nghe vài chục hoặc cùng lắm là vài trăm nghìn đã là quá đủ. Một giải pháp khác, chiếc tai nghe kèm theo điện thoại sẽ được tận dụng tối đa, miễn chỗ nào có lỗ là cắm tuốt, nhạc vẫn phát phà phà. Ngon bổ rẻ.
Dù người đó có thuộc trường phái nào đi chăng nữa, tất cả những hành động đó đều xuất phát từ nhu cầu và suy nghĩ logic của họ, tất cả đều được tôn trọng như nhau. Mình nghe lỏm đâu đó có người còn tự trào phúng bản thân rằng “tai trâu”, nghe tai nào cũng được. Một anh bạn khác đáp lại ngay “chỉ có con trâu mới có tai trâu, anh em mình là người, tai cũng phải là tai người.” Mà kỳ thực, dù rằng mỗi người có đặc điểm tai khác nhau, gu nghe nhạc cũng khác nhau nhưng tựu chung lại, ai cũng có nhu cầu “nghe và nghe sao cho hay” bằng chính đôi tai và tâm hồn của họ.
Và rồi mình cũng từng gặp kha khá người, bao gồm cả những “tay chơi” có thâm niên, có tên tuổi lâu năm trong giới tai nghe, cũng tìm mua tai nghe QuadBeat của LG. Mình thoạt đầu cũng thắc mắc và ngạc nhiên khá nhiều bởi lẽ, khi mà nhu cầu “nghe” đã được nâng lên tới mức luôn truy cầu sự hoàn hảo thì tại sao họ lại “chấp nhận thứ âm thanh từ một chiếc tai nghe tặng kèm theo máy.” Mà thường thì đồ tặng hiếm khi nào là đồ ngon. Phải chăng khi con người ta đã chán chê những món ngon, hành động bất giác trong tâm khảm là tìm về tới những thứ bình dị nhất?
Có lẽ điều đó phần nào là đúng thật bởi trong cuộc sống vốn ngày càng hối hả, bận rộn với trăm công nghìn việc ở công ty, với bình sữa cho con hay hàng giờ liền phục vụ mấy em gái, mấy khi mà người ta dành ra vài giờ mỗi ngày để ngồi nghe nhạc một cách “nghiêm túc” với những bộ gear đắt tiền. Mình từng đau xót cho những bộ gear hàng chục triệu phủ bụi trong khi chủ nhân của nó lại ngày ngày xách theo tay nghe QuadBeat đi làm, ngồi cà phê xem youtube,… Có lẽ điều này đã phần nào giải thích cho sự phổ biến đến kỳ lạ của những chiếc QuadBeat, EarPods hoặc những chiếc tai kèm theo máy nói chung.
“Tai trâu thuộc về loài trâu, anh em mình là người, tai cũng phải là tai người”
Kỳ thực trong thế giới muôn hình vạn trạng của những chiếc smartphone, người ta luôn nhắc với OS nào, giao diện người dùng ra sao, camera mấy chấm, chạy chip gì, RAM nhiều không, có QuickCharge hay không… mà quên đi rằng còn một món phụ kiện mang tính sống còn khác là chiếc tai nghe. Thậm chí người ta còn xề xòa bỏ qua cả những chiếc máy không có tai nghe kèm theo. Bởi thế, mình luôn trân quý những chiếc tai nghe kèm theo máy của LG, của Apple, của Samsung hay HTC. Và càng quý hóa hơn khi mà các tai nghe này được đầu tư phát triển một cách nghiêm túc, góp phần đáp ứng và hoàn thiện nhu cầu của người dùng cho “cái sự nghe”.
Khuôn khổ bài viết này, mình xin được nói về tai B&O đi kèm theo chiếc máy LG V20 trong sự so sánh nhẹ nhàng với chiếc EarPods kèm theo các máy iPhone. Cho bạn nào chưa biết: QuadBeat từng được đánh giá cao với chất âm cân bằng, thiên sáng, độ chi tiết tốt, nhẹ nhàng cả về trọng lượng lẫn chất âm, cho phép nghe được trong thời gian lâu mà không mệt tai, đánh được nhiều thể loại nhạc khác nhau, chiến tuốt được cả phim hay clip hài Youtube, có mic nghe gọi FaceTime hay Facebook Messenger thoải mái, vô tư Livestream cho nhiều tim.
Và với chiếc tai B&O đi theo máy V20 lần này, cái chất đó vẫn được truyền lại một cách trọn vẹn: chúng ta vẫn có chất âm thiên sáng, tái tạo chi tiết tốt và sự cân bằng trong 3 dải âm. Chất sáng kết hợp với treble giàu năng lượng cho cảm giác khá bùng nổ ở những âm cao. Âm trường ở mức vừa đủ, không phải quá rộng rãi nhưng cũng không hề tù túng, kết hợp với “air” ở treble cho cảm giác khá thoải mái.
Một số người có thể cho rằng bass của B&O hơi yếu, quá hiền nhưng vô hình chung, vẫn có người thích bởi sẽ có thể nghe lâu mà không ù tai
Quảng cáo
Treble đánh khá mượt, rộng mở và căng tràn năng lượng, cho cảm giác khá airy. Kết hợp với độ chi tiết được tái tạo tốt, cho phép thể hiện rõ các nhạc cụ trong các bản hòa tấu, concert. Như trong All By Myself của em gái Philippine Charice, bản phối của David Foster, giọng ca cao vút khúc cao trào dễ khiến anh em phải nổi da gà được tai thể hiện một cách mượt mà, chi tiết và tôn giọng chứ không hề chìm xuống giữa muôn trùng âm thanh của dàn nhạc.
Mid của tai B&O cũng được thể hiện khá mượt với độ chi tiết được tái tạo ở mức tốt, có thể nói là quá tốt trong thế giới tai nghe. Trong phép so sánh nhanh với EarPods của iPhone, B&O nhỉnh hơn về độ chi tiết lẫn tình cảm trong mid. Mid nhìn chung tiến, đủ ấm và không bị lấn át bởi bất cứ dải âm nào khác. Tất cả đều giữ lại sự luyến lái cuối câu hát, nét điệu đà, yểu điệu có phần hơi quá của cô ca sĩ Sơn Tuyền trong Cho vừa lòng em.
Tương tự như 2 dải âm còn lại, bass của B&O được phân phối lượng khá vừa vặn, không hề có hiện tượng lấn hoặc kéo đuôi. Đổi lại, bass được đánh với lực tương đối, không quá bùng nổ nhưng vẫn giữ được nhịp điệu vốn là linh hồn của bài hát, không quá sâu nhưng cũng không quá hụt hẫn do roll off bất ngờ. Đổi lại, âm bass dứt khoát, nhanh, không decay lung tung. Một số người có thể cho rằng bass của B&O hơi yếu, quá hiền nhưng vô hình chung, vẫn có người thích bởi sẽ có thể nghe lâu mà không ù tai. So với EarPods, B&O của V20 có phần hiền hơn về bass nhưng 2 trường phái âm nhạc khá rõ ràng giữa Mỹ và các "ộp pa”.
Phải thừa nhận rằng Earpods của Apple được thiết kế rất đẹp, sang và hiện đại với màu trắng sang chảnh (bất chấp dây rối nùi khi vứt bừa vào túi xách của túi quần áo). Và vẫn giữ lại trọng lượng nhẹ nhàng của những chiếc QuadBeat trước đây, nhưng B&O kèm theo V20 đã được khoác lên bộ áo mới, không còn logo LG với lớp housing kim loại mỏng nữa mà thay vào đó là housing nhựa đen nhám với logo B&O ở bên ngoài. Bên dưới là một lớp dây bọc sợi vải đan đen trắng, cho cảm giác khá sang và theo mình là chống rối ngon hơn EarPods của Apple.
Kỳ thực trong thế giới những chiếc tai nghe đi kèm theo smartphone, Apple và LG đã nổi lên như những “thế lực” đáng được kính trọng, cho thấy sự chăm chút của các hãng tới nhu cầu nghe vốn cực kỳ cần thiết của người dùng, ví sánh ngang với nhu cầu nhìn trên màn hình đẹp. Tất cả đều là những chiếc tai nghe có thể mang theo bên mình tới bất cứ đâu, dùng hàng ngày, ai thích thì tặng, mất không tiếc, xài đủ loại hoàn cảnh khác nhau. Cùng với xu thế đó, HTC và gần đây là Samsung cũng đã đầu tư hơn cho món phụ kiện đáng giá này. Vậy so tất cả những tai đó thì cái nào có đặc điểm ra sao, mạnh yếu thế nào? Đó lại là một câu chuyện khác, bài viết dài hơi rồi, xin tạm khép lại ở đây. Chúc anh em vui vẻ, cám ơn đã đọc bài.