Ngày 02/11/2018, Blizzard kết thúc keynote về Diablo tại sự kiện Blizzcon 2018 bằng một phiên bản Diablo dành cho điện thoại. Ngay lập tức quyết định của hãng game đến từ California trở thành chủ đề tranh cãi vô cùng nóng bỏng, khi anh em fan cuồng Diablo một thời cho rằng, Blizzard giờ chẳng còn coi gamer trên PC ra gì nữa.
Lẽ tất dĩ ngẫu thì, mảng marketing của Blizzard hẳn cũng đã dự tính trước được hiệu ứng tiêu cực của cộng đồng fan. Bản thân Diablo III cũng chẳng có bước khởi đầu hoàn mỹ cho lắm, từ lỗi server đến auction house gây tranh cãi. Nhưng rồi mọi thứ bắt đầu ổn định trở lại. Bản cập nhật Reaper of Souls ra mắt năm 2014 và bán được hơn 30 triệu bản.
Nhưng, đúng cái lúc anh em gamer cần Diablo IV nhất, thì Blizzard lại tung ra một phiên bản Diablo dành cho điện thoại. Câu hỏi lớn được đặt ra là, tương lai của Diablo sẽ ra sao. Phải chăng với việc bắt tay NetEase, Blizzard đã hạ thấp tiêu chuẩn của chính họ và bỏ rơi cộng đồng fan trung thành của mình, vốn lớn lên cùng những siêu phẩm của Blizzard trên PC? Liệu rằng sẽ có một phiên bản Diablo nữa trên PC hay doanh thu của game phát hành trên smartphone đã khiến Blizzard nghĩ lại?
Lẽ tất dĩ ngẫu thì, mảng marketing của Blizzard hẳn cũng đã dự tính trước được hiệu ứng tiêu cực của cộng đồng fan. Bản thân Diablo III cũng chẳng có bước khởi đầu hoàn mỹ cho lắm, từ lỗi server đến auction house gây tranh cãi. Nhưng rồi mọi thứ bắt đầu ổn định trở lại. Bản cập nhật Reaper of Souls ra mắt năm 2014 và bán được hơn 30 triệu bản.
Nhưng, đúng cái lúc anh em gamer cần Diablo IV nhất, thì Blizzard lại tung ra một phiên bản Diablo dành cho điện thoại. Câu hỏi lớn được đặt ra là, tương lai của Diablo sẽ ra sao. Phải chăng với việc bắt tay NetEase, Blizzard đã hạ thấp tiêu chuẩn của chính họ và bỏ rơi cộng đồng fan trung thành của mình, vốn lớn lên cùng những siêu phẩm của Blizzard trên PC? Liệu rằng sẽ có một phiên bản Diablo nữa trên PC hay doanh thu của game phát hành trên smartphone đã khiến Blizzard nghĩ lại?
Bản thân một vài nhân viên cũng như cựu nhân viên của Blizzard lo ngại rằng sau khi sáp nhập, Activision đã có ảnh hưởng tương đối tiêu cực tới cách Blizzard làm game và phục vụ cộng đồng game thủ của họ. Hai nhà phát hành game này cũng có phong cách làm việc gần như trái ngược nhau hoàn toàn. Nếu Activision thường có xu hướng “vắt sữa” để kiếm tiền nhanh với những phiên bản Call of Duty, thì Blizzard lại cho nhân sự của họ nhiều thời gian nhất có thể để trau chuốt một tác phẩm game trước khi tung ra thị trường. Đó chính là lý do vì sao hầu hết mọi người đều đồng ý rằng, Blizzard là một trong những cái tên sở hữu những tác phẩm game chất lượng nhất quả đất.
Thế nhưng mà, trong năm 2018 này, câu chuyện người ta nói nhiều nhất về Blizzard là những lần cắt giảm nhân sự và giảm chi phí sản xuất game. Với cả các fan lẫn những nhân viên của hãng game này, họ bắt đầu lo ngại về việc Blizzard đã và đang dần mất đi phong thái ngạo nghễ riêng mình họ có.
Nói về Diablo, mà không nói về bản thân những gì xảy ra bên trong nội bộ Blizzard, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được một cái nhìn toàn cảnh về những gì đã và đang xảy ra. Tất cả những đoạn hội thoại trong ngoặc kép đều đến từ những nhân viên hoặc cựu nhân viên Blizzard, họ muốn giấu tên vì không được quyền trao đổi với báo chí.
Và tất cả những rắc rối đều bắt đầu với…
Diablo III
Cuối năm 2013, Blizzard gây sốc khi tuyên bố bản mở rộng lớn thứ 2 của Diablo III đã bị hủy bỏ. Thông tin này được đưa ra ngay trước khi Reaper of Souls ra mắt. Team 3, nhóm phát triển đảm nhiệm series Diablo của Blizzard khi ấy dồn toàn lực để phát triển Reaper of Souls. Nhưng họ tự tin rằng ngay sau khi expansion này ra mắt, họ sẽ tiếp tục với công việc của mình. Nhưng không.
“Cấp trên nói với chúng tôi rằng, ‘các anh đã hoàn thành Reaper of Souls rồi, tuyệt lắm. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng tốt nhất là nên bắt đầu với Diablo IV, trên nền tảng nào cũng được. Nó là hướng đi tốt nhất cho cả series’. Chúng tôi khi ấy nghĩ rằng, ban lãnh đạo thực sự không còn đủ kiên nhẫn và tin tưởng Diablo III nữa. Họ cho rằng nó là một đống rắc rối vô cùng tồi tệ.”
Quảng cáo
Thế Diablo III tệ đến mức nào? Khi ra mắt vào tháng 05/2012, ngay lập tức Diablo III gặp vấn đề với “Error 37” khiến họ không thể vào được game. Ấy là chưa kể độ khó đến điên rồ của game, tất cả được thiết kế để người chơi phải bỏ tiền thật hoặc gold kiếm được trong game để sắm trang bị tốt hơn cho nhân vật của mình trong Auction House. Ngay sau đó Blizzard phải sửa sai.
Họ chỉnh lại độ khó của game, và gỡ bỏ auction house. Diablo III dần trở thành một trò chơi được nhiều fan RPG yêu thích. Đến khi Reaper of Souls ra mắt, toàn bộ trò chơi đã trở thành một cái tên được đánh giá là một trong những game nhập vai hay nhất thập kỷ.
Ấn tượng là vậy, thế vì sao Blizzard lại hết kiên nhẫn với Diablo III?
“Rất nhiều người cảm thấy bị shock. Tôi khi ấy cho rằng, ai trong phòng họp đó cũng sẽ nghĩ rằng ‘chúng ta đã mắc sai lầm, nhưng đã sửa chữa được sai lầm đó.’ Chúng tôi đã biết phải làm gì, và sẽ biến expansion thứ 2 trở nên ấn tượng hơn và cuốn hút hơn nhiều. Reaper of Souls còn chưa ra mắt mà đã bị cấp trên ra lệnh thế này, thực sự rất đau.”
Đến giờ những vị giám đốc của Blizzard vẫn chưa thừa nhận lý do họ bỏ rơi Diablo III. Có thể, trong con mắt của những dân sale, con số 2,7 triệu bản Reaper of Souls bán ra trong tuần đầu tiên ra mắt quá thất vọng so với hơn 15 triệu bản Diablo III đã bán ra trên mọi hệ máy, PC, PS4 hay Switch.
Quảng cáo
Quyết định của Blizzard khiến Team 3 mỗi người một ngả. Có người nghỉ việc, người khác thì chuyển sang làm những dự án khác như World of Warcraft hay Overwatch. Một số vẫn cố gắng ở lại để hoàn thiện Diablo III, nhưng Team 3 không còn được như trước kia nữa.
“Đúng cái lúc họ có nhóm phát triển Diablo chất nhất, họ lại để chúng tôi mỗi người một ngả. Đối với chúng tôi, đó là một hành động khó hiểu hết mức. Đáng lẽ ra nếu như lẽ thường ở Blizzard, họ sẽ cho chúng tôi thêm thời gian để cho họ thấy bản mở rộng tiếp theo trông ra làm sao.”
Và, những người còn sót lại ở Team 3 bắt đầu nói về…
Diablo IV
Ngay sau khi bị hủy bản mở rộng thứ 2 của Diablo III, Josh Mosqueira cùng những người còn lại của Team 3 bắt đầu với một dự án mới. Josh được ví như một kẻ ngoại đạo, từng giúp sức với phiên bản Diablo III trên console, nhưng rồi trở thành đạo diễn phát triển bản mở rộng Reaper of Souls. Dự án họ thực hiện có tên Project Hades.
Về cơ bản, Mosqueira cùng đồng nghiệp muốn thử xem liệu có thể tạo ra một phiên bản Diablo khó như Dark Souls, và Hades là tác phẩm mô tả cách nhìn ấy. Một game nhập vai hành động, đi dungeon, phong cách đồ họa gothic với độ khó đáng nể. Thay vì góc nhìn từ trên xuống như Diablo III, họ chuyển sang góc nhìn thứ 3 ngay sau lưng nhân vật trong game. Thế nhưng, nó khác Diablo, rất khác. Nhiều người ở Blizzard còn khẳng định chắc chắn rằng sẽ không ai chấp nhận nó như một phiên bản Diablo mới. Từ năm 2014 đến 2016, Project Hades là công việc chính của Team 3, bên cạnh việc sửa lỗi cho Diablo III.
Nhưng rồi, giống hệt như “bản mở rộng thứ 2”, Hades cũng bị hủy bỏ. Một trong số những người phát triển Project Hades cho rằng: “Nó không đi đến đâu cả”. Giữa năm 2016, Mosqueira rời Blizzard không rõ lý do cụ thể.
Những tháng sau đó, Team 3 chỉ làm hai việc. Thứ nhất là tạo ra một lớp nhân vật mới cho Diablo III và đặt tên bản DLC là Rise of the Necromancer. Thứ hai là phát triển một tựa game có tên mã Project Fenris.
Rất nhiều nguồn tin cho biết, Project Fenris chính là Diablo IV.
Nó được bắt đầu phát triển từ cuối năm 2016, và thậm chí cũng có nhiều nhân sự của Blizzard cảm thấy hài lòng với định hướng của Project Fenris tính đến thời điểm hiện tại, nhờ vào sự hiện diện của giám đốc thiết kế Luis Barriga, người từng đảm trách thiết kế World of Warcraft.
Một trong những thử thách khi phát triển game chính là định hướng phong cách đồ họa và hình ảnh. Những người làm game ở Team 3 muốn biến Diablo IV trở thành một thứ gì đó đen tối, kinh hoàng và ám ảnh hệt như Diablo II, nhưng dĩ nhiên là ở chất lượng đồ họa tân thời. Họ muốn bỏ hết đi những hình ảnh màu mè sặc sỡ cảm giác như phim hoạt hình của Diablo III đi.
Một khía cạnh khác mà Team 3 cũng muốn làm chính là tạo ra một thế giới mở đem lại cảm giác “xã hội hóa” cho người chơi Diablo IV. Ở Team 3, họ gọi khái niệm đó là “light MMO element”. Hiểu đơn giản là, Diablo IV sẽ có community hub để mọi người tương tác với nhau, nhưng khi vào nhiệm vụ sẽ chỉ là 4 người cùng đồng hành với nhau, y hệt như Destiny 2 của Activision.
Câu hỏi quan trọng hơn là, Blizzard sẽ kiếm tiền như thế nào nhờ Project Fenris, hay nói đúng hơn là, Diablo IV?
Những game lớn khác của Blizzard, những cỗ máy in tiền của họ đều là những game có microtransaction như Hearthstone, Overwatch hay Heroes of the Storm với cửa hàng đồ ảo mua bằng tiền thật, giá game rất rẻ, thậm chí có game miễn phí hoàn toàn. Còn Diablo gần như là một lão tướng của thời kỳ game AAA cũ, bán game giá 60 USD, charge thêm tiền mua DLC, thế là hết, không kiếm thêm được xu nào từ gamer nữa. Bài toán này có lẽ nhường các vị giám đốc của Blizzard, mình dân đen, không tiện bàn luận.
Câu hỏi của mình cũng như rất nhiều anh em là, vì sao Blizzard tuyệt nhiên không hé răng nửa lời về Project Fenris ở Blizzcon 2018? Câu trả lời rất đơn giản, Blizzard vẫn còn bị ám ảnh bởi…
Project Titan
Blizzard được cho là đã làm một đoạn video với nhà đồng sáng lập hãng game, Allen Adham nói về Diablo IV, nhưng sau đó bị loại bỏ khỏi chương trình. Thậm chí một vài người còn cho biết “chúng tôi còn sắp làm xong cả playable demo để trình diễn”. Thế nhưng chẳng thấy bóng dáng của phiên bản Diablo kế tiếp trên PC đâu cả.
Một lý do rất dễ hiểu, đó là Blizzard vẫn còn bị bóng ma của Titan vất vưởng ám ảnh.
Titan từng là tên mã của một MMORPG đầy tham vọng của Blizzard, với quy mô lớn hơn World of Warcraft và thậm chí còn sáng tạo hơn nhiều so với những game online khác có trên thị trường vào cái thời năm 2006, 2007. Anh em có thể tưởng tượng một game online với bối cảnh và phong cách chơi pha trộn giữa The Sims, Left 4 Dead và Team Fortress 2. Tham vọng là từ chính xác nhất để mô tả dự án Titan của Blizzard.
Nhưng rồi, đầu năm 2013, sau vài năm phát triển, Blizzard buộc phải hủy bỏ dự án Titan. Những mảnh ghép mà họ tạo ra sau này được chắp vá và trau chuốt lại để tạo ra một trò chơi khác, Overwatch. Đối với Blizzard, Titan là một niềm đau và tủi nhục khi ai cũng biết đến thất bại mang tên Titan, biết về đống tiền của và công sức của hàng trăm con người đổ sông đổ bể.
Suy ra với trường hợp của Diablo IV, Blizzard muốn mọi thứ nuột nà nhất có thể rồi mới công bố, kẻo nói trước bước không qua. Họ không muốn Project Fenris lặp lại vết xe đổ của Project Titan hơn 10 năm về trước. Họ không muốn giới thiệu một game để rồi vài năm sau nó ra mắt chẳng giống những gì đã giới thiệu trước đó chút nào. “Nhóm làm Diablo thực sự rất ám ảnh với việc giới thiệu game trước rồi rơi vào cảnh khó khăn khi phát triển game. Họ sẽ chỉ nói về nó với các anh em khi họ có một đoạn trailer và một đoạn demo gameplay.”
Nếu anh em còn nhớ thì, Blizzard “ngâm” một dự án rất khỏe. Họ chỉ phát hành game khi họ thấy mọi thứ đã ổn. Thậm chí có những người làm việc 10 năm ở Blizzard chỉ thực hiện một dự án duy nhất. Điều này khiến cho anh em fan của Blizzard đôi lúc cũng thòm thèm, muốn chơi một game nào đó ngắn, dễ chơi và đơn giản cho đỡ cảm giác bứt rứt, miễn là do Blizzard phát triển.
Những chuyên gia marketing ở Blizzard cũng hiểu điều này lắm chứ. Chỉ tiếc là cách họ làm cũng như quảng bá cái tên kế tiếp hơi sai lầm, khiến mọi người đều tức giận. Đó đương nhiên là…
Diablo Immortal
Thả “phẫn nộ”, gõ bình luận tiêu cực, dislike video clip của Diablo Immortal trên YouTube, anh em đều đã làm rồi. Việc chỉ có một game mobile được “đặt tên là” Diablo, và chẳng thấy bóng dáng Diablo IV đâu dấy lên câu hỏi liệu rằng Diablo Immortal có khiến cả series mất chất hay không.
Một điều anh em cần nhớ là, Diablo IV và Diablo Immortal đang được phát triển bởi hai nhóm độc lập, với tầm nhìn và tư duy làm game khác nhau gần như 180 độ. Team 3 “huyền thoại” đang đảm nhiệm Diablo IV, hiện vẫn đang được đặt tên mã Project Fenris, thì Diablo Immortal được phát triển bởi NetEase cùng một nhóm developer ở Blizzard, nhóm này được gọi là “Incubation Department”.
Đúng như tên gọi, nhóm phát triển này của Blizzard chỉ có nhiệm vụ “ủ mưu” tạo ra những tác phẩm mới dựa trên những IP có sẵn của Blizzard. Đứng đầu nhóm này là Allen Adham sau khi ông quay trở lại Blizzard vào năm 2016. Kế đến là Tom Chilton, đạo diễn và thiết kế game World of Warcraft trong 12 năm liền, và đáng chú ý nhất là Wyatt Cheng, anh trai với câu nói khiến cả trăm nghìn người phẫn nộ lúc giới thiệu Diablo Immortal với câu nói: “Anh em không có điện thoại à?”
Thế nhưng nếu xét ngược về quá khứ, Wyatt Cheng cũng là một người thuộc hàng quái kiệt. Anh làm việc với dự án Diablo III hơn 1 thập kỷ và đơn giản là chỉ muốn nghỉ ngơi một lát mà thôi.
Vậy tại sao lại là NetEase? Đơn giản vì trước đó Blizzard đã ký thỏa thuận hợp tác với hãng game lớn của Trung Quốc để phát hành Diablo III miễn phí wor thị trường tỷ dân, và biến nó trở thành một cú hit đúng nghĩa đen. Quãng năm 2016 hoặc 2017, Blizzard và NetEase ngồi lại với nhau và cho rằng nên làm một game cùng nhau. Diablo Immortal là kết quả của sự hợp tác đó. Nó là một phiên bản Diablo, do Chang đạo diễn, và chơi trên điện thoại.
“Về cơ bản nó chính xác là thứ người Trung Quốc muốn. Gamer các nước khác thế nào tôi không biết, nhưng ở Trung Quốc, 100% nó sẽ thành công.”
Một vài nguồn tin cho biết Blizzard từng có ý định phát hành Diablo Immortal độc quyền ở thị trường tỷ dân trong khoảng thời gian nửa năm đến 1 năm trước khi phát hành ở phần còn lại của thế giới. Lý do là gu thưởng thức game của người Trung Quốc thực sự rất rất dễ tính. “Anh em có thể nhìn gameplay alpha footage, chẳng mượt, không đẹp, nhưng ở Trung Quốc nó đã đủ chất lượng để phát hành rồi.”
Sau đó, Blizzard quyết định bỏ thêm thời gian trau chuốt cho Diablo Immortal để phát hành đồng thời trên toàn thế giới. Và cũng cần nhớ, Diablo Immortal không phải trò chơi trên smartphone duy nhất đang được “team ủ mưu” phát triển.
Điều bất ngờ nữa là, ở nội bộ Blizzard, phản ứng về Diablo Immortal là vô cùng tích cực. “Có rất nhiều người chơi game mobile đang làm ở Blizzard. Họ cảm thấy rất háo hức vì trò chơi này. Phản ứng nội bộ của chúng tôi khác hoàn toàn với phản ứng của anh em gamer. Có lẽ đó là thứ tạo ra khác biệt giữa người làm game và người chơi game.”
Đối với Adham và vài người ở Blizzard, đó là một thành công rồi. Với game mobile, Blizzard có thể tiến công vào những thị trường đầy tiềm năng như Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ. Cùng lúc, Blizzard vẫn chiều chuộng được những lão làng đang làm việc sát cánh cùng họ, cho họ làm những dự án nhỏ tốn ít công sức, thời gian và tiền của hơn so với việc phát triển game trên PC.
Nói như vậy không có nghĩa là, Blizzard bắt đầu bị Activision gây ảnh hưởng. Không thể loại trừ khả năng Diablo Immortal là một phép thử của Blizzard xem game kiểu “vắt sữa” có tốt cho họ hay không, như cách mà Activision đã và đang làm.
Vài năm gần đây, Blizzard và Activision có vẻ gần gũi với nhau hơn. Battle.net bắt đầu bán game của Activision phát hành như Call of Duty: Black Ops 4 và Destiny 2. Một hãng game thì làm vài năm mới ra một game mới, vài năm gần đây còn chẳng tung ra sản phẩm nào mới (Blizzard), và một hãng phát hành đang phải ì ạch chống đỡ những khó khăn trên thị trường chứng khoán vì kết quả kinh doanh không được như mong đợi (Activision), không có cách nào ổn hơn là cả hai cùng dìu nhau để phát triển tiếp.
Tương lai của Diablo
Tháng 10/2018, Blizzard mất đi gã đầu lĩnh cáo già nhưng vô cùng vui tính. Mike Morhaime rời khỏi ghế CEO, thay vào đó là nhà sản xuất World of Warcraft, J. Allen Brack. Nhìn cách Morhaime làm việc, chúng ta có thể đoán rằng ông rơi vào “trò chơi vương quyền” ở Blizzard. Morhaime là CEO trên tấm namecard và trên cửa văn phòng, nhưng ông ghét những gã CEO đồng cấp khác vô cùng. Ông chẳng bao giờ quan tâm tới lợi nhuận, mà chỉ muốn làm ba việc: Chiều chuộng anh em dev, làm ra game thực sự hay, và làm cho cộng đồng fan cảm thấy hạnh phúc.
Đùng một cái, sau vài năm sáp nhập, “tiền” và “chi phí” bỗng trở thành thứ được quan tâm nhất trong nội bộ Blizzard, giống hệt như những gì Bobby Kotick, CEO Activision tính toán trong đầu.
“Cũng có nhiều người coi Activision là kẻ xấu trong câu chuyện này các ông ạ. Nhưng tôi thì nghĩ những vấn đề nó sâu xa hơn nhiều so với việc bới móc những thứ Activision gây ảnh hưởng tới Blizzard.”
Những ngày này, những tranh cãi xoay quanh Blizzard bắt đầu nhiều lên, ngay cả trong nội bộ công ty. Nhiều người vẫn cho rằng hủy bỏ bản mở rộng thứ 2 của Diablo III là sai lầm đáng tiếc nhất vài năm trở lại đây của ban lãnh đạo Blizzard. Một lão tướng đang làm việc cho họ kể lại: “Tôi thực sự nhớ nhiều anh em nhìn nhau nói rằng, nếu chúng ta cố gắng làm bản mở rộng thứ hai cho Diablo III, làm nó một cách cực kỳ nghiêm túc và ấn tượng, thì giờ nó đã được ra mắt rồi đấy.”
Có thể chắc chắn rằng, tương lai của Diablo không chỉ phụ thuộc vào Project Fenris hay Diablo Immortal. Blizzard muốn mở rộng IP của họ tới mức tối đa. Câu hỏi quẩn quanh bây giờ chỉ còn là, liệu rằng văn hóa tập đoàn theo kiểu của Activision, những thay đổi của thị trường game sẽ biến một trong những hãng game được yêu quý nhất thế giới trở thành thứ gì.
Hai, năm, mười năm tới, Blizzard sẽ ra sao?