Review B&O Play Beoplay E8 Wireless - giá cao, nhìn đẹp, âm hay, kết nối chập chờn

AudioPsycho
19/1/2018 5:4Phản hồi: 0
monospace-bo-play-e8-review-1.JPG
Hy vọng của tôi (hay nhiều người nữa) khi đeo Beoplay E8 trên tai lần đầu tiên là có thể cảm nhận được sự khác biệt lớn đối với 1 sản phẩm tai nghe cao cấp. Với mức giá $300 của nó đi cùng danh tiếng lâu nay từ B&O Play, hy vọng này là hoàn toàn có căn cứ. E8 có giá cao hơn trên $100 khi so với Apple AirPods nên nó cũng sẽ phải có nhiều cái “hơn”: ví dụ như đeo thoải mái hơn, âm hay hơn, thời lượng pin cao hơn hay đơn giản chỉ là kết nối giữa 2 bên earpiece tốt hơn. Trên hết, E8 cần phải thể hiện được hiệu năng của mình cho xứng đáng với mức giá mà người dùng đã móc hầu bao


Chiếc tai nghe này cũng ok, tại sao lại "cũng" ? Tai nghe có độ thoải mái khá cao khi đeo với bản thân người viết, tuy nhiên điều này chỉ là chủ quan và sẽ thay đổi với nhiều người. Chất âm của tai nghe cũng rất tốt đi cùng thời lượng pin vào hàng khá, nhưng nó lại có khuyết điểm chết người là sở hữu kết nối quá tệ và rất dễ gây ra ngắt ngang giữa 2 bên earpiece. Khác với mức giá $300 của mình có phần hơi hi-end, E8 giống như 1 chiếc tai nghe true-wireless “chưa chín tới” và vẫn vấp phải những lỗi cố hữu có mặt trong nhiều dòng sản phẩm không dây hiện nay trên thị trường. Nói cách khác gay gắt hơn, nó chưa thực sự nổi bật hay cung cấp được những gì mà người dùng mong muốn.

monospace-bo-play-e8-review-2.jpg

Điểm cộng trong thiết kế của E8 có thể nhắc đến sẽ là kích thước nhỏ gọn có thể đeo kín vào trong tai và ít gây chú ý cho người xung quanh. Chúng ta sẽ không phải “ngại ngùng” với 2 chiếc que của AirPods hay 2 cục nhỏ của những chiếc tai nghe true-wireless đến từ Bose. E8 cũng sở hữu công nghệ chống mồ hôi tuy nhiên không được nhắc đích danh (thường đối với tai nghe earbud là IPX4), đi kèm với chất lượng gia công rất đáng chú ý bằng các chất liệu như nhôm, cao su và nhựa cao cấp. Điều khiển tai nghe cũng được chuyển sang cảm ứng và loại bỏ hoàn toàn các phím vật lý để giảm tối thiểu các rãnh trên thân tai nghe có thể làm mồ hôi lọt vào.

monospace-bo-play-e8-review-3.jpg

E8 có bộ eartip 4 cỡ trong đó có cả eartip Comply foam mà người viết đặc biệt thích. Bạn có thể cảm nhận được tiếng ồn nhỏ dần khi tip foam từ từ phồng lên che kín ống tai, ngoài ra còn cung cấp độ bám cao và không dễ bị rơi rớt dù người đeo có lắc đầu mạnh đi chăng nữa. Điều này cũng áp dụng với eartip silicone đi kèm với tai nghe (bản thân người viết sử dụng cỡ medium).

Hai bên earbud sẽ tự động hút nam châm và bám chặt vào phụ kiện case đựng kiêm sạc di động đi kèm. Chiếc case này có kích thước nhỏ và dễ bỏ túi, được bọc da bên ngoài và có bản lề chắc chắn để không bị mở ra ngoài ý muốn. Case này tuy nhiên lại được trang bị cổng sạc microUSB lỗi thời và cũng là điểm trừ chính của nó trước xu hướng chuyển đổi sang USB-C hiện nay. Thân case cũng được may thêm dây móc để bạn luồn tay qua và cầm bộ sản phẩm tai nghe của mình chắc chắn hơn.

monospace-bo-play-e8-review-4.jpg

Case sạc sẽ cung cấp thêm cho E8 khoảng 2 lần sạc nữa, nâng tổng thời gian sử dụng (trên lý thuyết) lên 12 giờ (gốc là 4 giờ). Ba đèn LED nhỏ trên thân case sẽ hiển thị tình trạng pin còn lại, đồng thời cũng chuyển màu để thông báo khi đang sạc hay đã đầy pin.

Về phần điều khiển, cảm ứng trên housing của E8 khá nhạy và cho phép chuyển đổi nhanh giữa nhiều chế độ nghe, trong đó có Transparency Mode để bạn có thể nghe được âm thanh môi trường xung quanh. B&O Play đánh giá những thao tác điều khiển này là “đơn giản và dễ sử dụng” tuy nhiên trên thực tế thì bạn sẽ cần từ 2~3 ngày để làm quen với chúng. Cảm ứng quá nhạy cùng thao tác dễ nhầm lẫn đôi khi cũng gây ra những tình huống dở khóc dở cười như nhận các cuộc gọi không mong muốn hay tệ hơn là nhấn nghe sau đó tắt luôn cuộc gọi do tai nghe nhận đến 2 lệnh chạm cùng lúc.

E8 cũng tự động mở khi lấy ra khỏi case và sẽ bắt đầu pair khi bạn giữ đầu ngón tay trên mỗi bên earbud trong 5 giây. App đi kèm của B&O Play sẽ cho phép bạn điều chỉnh EQ và đảm nhận luôn việc cập nhật firmware mới nhất cho tai nghe. Tuy nhiên bạn sẽ phải thật kiên nhẫn khi làm điều này do nó sẽ chiếm khoảng 15 phút trở lên và đôi khi cập nhật thất bại giữa chừng khiến bạn phải làm lại từ đầu.

monospace-bo-play-e8-review-5.png

Quảng cáo


monospace-bo-play-e8-review-6.jpg

Tiếp theo chúng ta sẽ nói đến chất lượng âm thanh của E8. B&O Play quảng cáo rằng E8 được tuning bởi các kỹ sư âm thanh nổi tiếng của hãng và có khả năng “mang lại trải nghiệm âm nhạc mạnh mẽ và đầy đủ nhất” cùng “chất âm trung thực đến mức tối đa”. E8 sử dụng driver dynamic 5.7mm nói chung cho chất âm khá ấm áp với âm trường tương đối rộng. Bass của chiếc tai nghe này phần nào vượt qua được AirPods tuy nhiên chưa chạm đến ngưỡng của Bose SoundSport Free. Treble của E8 rất cân bằng và mượt mà, không gây mệt tai khi nghe trong thời gian dài. Dĩ nhiên bạn vẫn có thể điều chỉnh thêm EQ nếu cảm thấy chất âm chưa thực sự vừa ý.

Tai nghe cũng không gây ra hiện tượng trễ tiếng quá rõ rệt khi xem video và bạn hoàn toàn có thể thưởng thức các đoạn phim trên YouTube một cách mượt mà nhất, ít ra là đối với 1 chiếc tai nghe wireless, và hơn nữa còn là true-wireless. Kết nối được cải thiện nhờ vào việc ứng dụng công nghệ NFMI (Near Field Magnetic Induction) xuất hiện trong khá nhiều sản phẩm tai nghe trợ thính trên thị trường hiện nay.

Làm tốt ở phần giảm thiểu delay là thế, như E8 lại mắc phải điểm yếu chết người là tình trạng ngắt ngang (drop-out) rất dễ làm người nghe “bức xúc”. Đôi khi chúng chỉ xuất hiện 1 hay 2 lần nhưng cũng có lúc dày đặc khiến bạn mất hứng khi xem phim hay nghe nhạc. Cái đáng nói ở đây là sự ngẫu nhiên của chúng cũng là vấn đề làm bạn đau đầu. Bạn sẽ không biết rằng lần đeo kế tiếp của mình sẽ “suôn sẻ” hay “chông gai”, từ đó gây ra tâm lý không tin tưởng vào chiếc tai nghe mà mình đang cầm trên tay. Cứ thử tưởng tượng đang chờ đợi hay trao đổi với khách hàng quan trọng hoặc sếp mà cái tai nghe cứ trở chứng thì có đáng “ném vào tường” không cơ chứ. Bạn có thể giải quyết điều này bằng cách chỉ sử dụng trong nhà để ổn định kết nối, nhưng chẳng ai lại đi mua tai nghe không dây và chỉ ngồi nhà cả.

monospace-bo-play-e8-review-7.jpg

Mức cân bằng cũng là 1 điểm đáng nhắc đến do đôi khi vì 1 lý do nào đó mà E8 chuyển hẳn cân bằng 2 bên tai thành 1 bên (thường là bên trái). Cách giải quyết duy nhất hiện thời là tắt Bluetooth trên thiết bị phát và mở lại. Giá như có điều khiển tắt mở riêng trên thân tai nghe thì sẽ làm quá trình này nhanh chóng hơn.

Quảng cáo


Chế độ Transparency Mode nói chung không có gì đáng phê bình và bạn có thể lựa chọn mức tiếng ồn xung quanh từ thấp đến cao. Chất lượng mic của tai nghe cũng rất tốt, không bị nhiễu khi đàm thoại ở phía người nghe. Tuy nhiên chúng ta có thể dễ dàng đạt được điều này với AirPods chỉ $165, vì thế E8 đương nhiên cũng phải làm được.

monospace-bo-play-e8-review-8.jpg

Với cái giá $300, E8 thực sự hoàn thành được hầu hết các mục tiêu mà người dùng đặt ra như chất âm hay, thiết kế đẹp và độ thoải mái cao cũng như đi kèm cùng phụ kiện eartip và case cao cấp. Tuy nhiên thứ cần thiết nhất của 1 chiếc tai nghe không dây là độ ổn định kết nối thì nó lại làm quá sơ sài từ đó gây ra không biết bao nhiêu bực bội cho người dùng. B&O Play giống như đang cố gắng tung ra E8 chỉ nhằm cạnh tranh thị phần với các đối thủ của mình chứ chưa thực sự nghĩ đến nhu cầu của người dùng. Năm 2017 đã như thế, chúng ta đành chờ các chuyển biến trong năm 2018 vậy.

Nguồn theverge
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019