ARM hôm nay đã giới thiệu thế hệ nhân xử lí mới Cortex-A50 với hai thành viên đầu tiên là Cortex-A53 và A57. ARM gọi Cortex-A50 series là những bộ xử lí 64-bit có "hiệu quả sử dụng năng lượng tốt nhất thế giới" nhờ được xây dựng trên kiến trúc bộ chỉ dẫn ARMv8 và mang trong mình những cải tiến kĩ thuật mới. Với khả năng tùy biến cao, các đối tác của ARM có thể tinh chỉnh nhân xử lí thuộc thế hệ Cortex-A50 để áp dụng nó vào những con chip SoC (System-on-Chip) dùng cho smartphone, tablet, PC và thậm chí là trong các máy chủ.
ARM hứa hẹn rằng nhân xử lí Cortex-A57 có thể mang lại hiệu năng "cao cấp ba lần so với những siêu phẩm điện thoại hiện nay khi hoạt động ở chế độ 32bit trong khi vẫn sử dụng cùng một mức năng lượng", còn Cortex-A53 thì "mang lại trải nghiệm như các siêu phẩm ở thời điểm hiện tại với mức độ tiêu thụ điện chỉ bằng 1/4". Cortex-A53 còn là "vi xử lí 64-bit nhỏ nhất thế giới" giúp tiết kiệm không gian cần thiết, từ đó các nhà sản xuất có thể tạo ra những smartphone, tablet nhỏ gọn hơn, mỏng hơn (bạn có thể xem thêm ở các slide bên dưới). Tùy theo nhu cầu mà các hãng làm chip có thể đóng gói một hoặc nhiều nhân A50 vào trong SoC. Dự kiến Cortex-A50 series sẽ được sản xuất trên dây chuyền công nghệ 20nm hoặc 32nm, cũng có thể xuống thấp đến 14nm.
Bên cạnh khả năng tiết kiệm điện hứa hẹn thời gian dùng pin dài hơn cho các thiết bị di động và cắt giảm chi phí cho những nơi đặt máy chủ, các nhân xử lí dòng A50 còn có hiệu năng cao hơn nhờ sử dụng kiến trúc ARMv8 64-bit của công ty. Điện toán 64-bit sẽ giúp CPU tính toán nhanh hơn, quản lí được dung lượng bộ nhớ (RAM) lớn hơn, đặc biệt là khi thực hiện các tác vụ nặng. Chúng vẫn đảm bảo tính tương thích ngược với các ứng dụng được xây dựng cho nền tảng 32-bit (như ARMv7 mà chúng ta thấy trong các nhân Cortex-A8, A9, A15 phổ biến hiện nay).
Giống với Cortex-A15 và Cortex-A7, A57 và A53 có thể được thiết lập theo một cấu hình mà ARM gọi là big.LITTLE, trong đó A53 sẽ xử lí hầu hết các tác vụ đơn giản, và khi gặp những công việc nặng hơn thì sẽ chuyển cho A57 giải quyết. Nhờ đó, khả năng tiêu thụ điện sẽ tốt hơn. Ngoài ra, series A50 còn hỗ trợ công nghệ ARM CoreLink 400 và CoreLink 500, đây là hai bộ giao thức cho phép nhân xử lí chia sẻ bộ nhớ cache với GPU, giao tiếp tốt hơn với RAM và đẩy nhanh tốc độ kết nối với các phần cứng khác. Cortex-A57 và Cortex-A53 cũng sẽ hỗ trợ xung nhịp cao cùng với những công nghệ CMOS và bán dẫn FinFET mới. Nếu chip A53 được sử dụng riêng biệt cho những thiết bị giá rẻ thì nó sẽ có hiệu năng tương đương với chip Cortex A9 hiện nay trong khi kích cỡ đế CPU chỉ còn 40%.
Cũng cần phải nói thêm rằng từ trước đến nay ARM không sản xuất chip, hãng chỉ thiết kế cấu hình rồi cấp phép cho các công ty khác tiến hành sản xuất. Do đó, thời điểm mà các SoC tích hợp nhân Cortex-A50 xuất hiện trên thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào những hãng làm chip như Samsung, Broadcom, Calxeda, HiSilicon, STMicroelectronics và mới đây có thêm AMD. Nhân ARM Cortex-A15 được giới thiệu vào năm 2010 và phải đến hai năm sau nó mới xuất hiện trên một số ít sản phẩm (Nexus 10, Samsung Chromebook). Tương tự như thế, ARM kì vọng những vi xử lí A50 đầu tiên sẽ hiện diện vào năm 2014. AMD mới đây cũng tuyên bố rằng họ sẽ sản xuất vi xử lí Opteron dựa trên nhân ARM 64-bit cho máy chủ với cùng khung thời gian như trên.
Trong khi đó, các công ty như Qualcomm và Apple có lẽ sẽ không dùng A53 hay A57 bởi từ trước đến nay họ vẫn thiết kế nhân xử lí của riêng mình như các con chip Snapdragon, A6, A6X. Thay vào đó, các công ty này sẽ dùng bộ chỉ dẫn ARMv8 để tự mình tùy biến vi xử lí theo đúng ý muốn. Dù vậy, việc ARM thay đổi v7 bằng v8 cũng sẽ giúp các công ty khác tăng cường năng lực xử lý cho thiết bị của họ. Ngoài ra thì nền tảng 64bit cũng hỗ trợ RAM lớn hơn, vượt qua những giới hạn 3GB hiện tại trên di động.
Một số slide thuyết trình của ARM giới thiệu Cortex-A53/A57