[Kinh nghiệm] Vay mua trả góp đồ công nghệ: Nên hay không? Và như thế nào?

Cafethangbay
20/2/2018 0:28Phản hồi: 418
[Kinh nghiệm] Vay mua trả góp đồ công nghệ: Nên hay không? Và như thế nào?
Đọc trên group mình thấy nhiều anh em có thắc mắc về việc mua trả góp đồ công nghệ (Có nên mua iPhone 7 hàng FPT qua trả góp không? Có 10 triệu mua trả góp Note 8 qua công ty nào cho rẻ? Thủ tục làm trả góp gồm những gì? V.v...). Bản thân mình cũng trải qua những vấn đề tương tự, cũng có lúc máu me mua đồ công nghệ mà kinh phí chưa đủ, cũng thử đủ qua các hãng vay tín dụng như Home Credit, HD Saison, FE Credit, ACS. Thế nên mình viết bài này với mục đích chia sẻ kinh nghiệm cho các anh em muốn tìm hiểu về việc mua đồ trả góp.

Với các anh em đã có thẻ tín dụng thì việc này đơn giản, nhưng với ai muốn vay qua các hãng tín dụng thì những thông tin này sẽ hữu ích. Lưu ý bài viết này mình chỉ viết theo kinh nghiệm vay trả góp mua đồ công nghệ thôi.

Tóm tắt mô hình Vay mua trả góp


Mô hình này có sự tham gia của 3 bên: Khách hàng, Cửa hàng (như FPT Shop, TGDĐ, …) và Công ty tài chính (như Home Credit, ACS, …).

Khách hàng muốn mua đồ từ Cửa hàng nhưng không đủ tiền, Công ty Tài chính cho khách hàng vay thêm cho đủ. Khoản vay sẽ được chia nhỏ ra trong một số tháng nhất định (thường từ 6 - 12 tháng) mà mỗi tháng bạn sẽ phải trả kèm cùng tiền lãi. Nhiều anh em nhầm lẫn mua trả góp là vay của Cửa hàng, thực ra là của Công ty Tài chính mới đúng.


Lợi - hại của vay mua trả góp

Lợi ích:
Rất rõ ràng, anh em có thể mua ngay những món đồ mình thích dù chưa đủ tiền. Ví dụ như bạn mình vào dịp sát Tết đã mua một chiếc Macbook Air 13.3 inch với giá 21.490.000 chỉ bằng cách trả trước 6.490.000 và phần còn lại thanh toán trong 6 tháng với lãi suất 0% (cộng thêm phí thu hộ cũng thì mỗi tháng cũng chỉ hơn 2.500.000 một chút). Bản thân mình cũng từng đứng tên mua hộ cho đứa em một chiếc Nokia 5 với phí trả trước là… 0 đồng và đóng hơn 700K/tháng trong 6 tháng.

Vậy là, so với việc mua trả thẳng thì mua trả góp giúp anh em có thể giãn áp lực tài chính ra trong một quãng thời gian dài hơn.

Hại: Chẳng có thứ gì trên đời là miễn phí cả, việc vay tiền lại càng không. Không phải lúc nào anh em cũng tìm được ưu đãi 0% với món hàng mình thích và sẽ phải chịu lãi suất - có những lúc là cực kì cao. Ví dụ anh em có 4 triệu nhưng muốn mua trả góp 12 tháng chiếc Galaxy A8+ với giá khoảng 13.5 triệu. Hãy xem dự kiến số tiền anh em sẽ phải trả bao nhiêu nhé:

so_sanh_nhanh.jpg
Tham khảo giá bán Galaxy A8+ với số tiền trả trước 30% và thanh toán trong 12 tháng.

3-4 triệu/năm trên số tiền Vay gốc là 9.4 triệu - tương đương với 32-42 %/năm. Để dễ hình dung anh em có thể tham khảo: lãi vay tín chấp cá nhân của Vietcombank cũng chỉ dao động trong khoảng 11.5 - 20%/năm.

Nhược điểm thứ hai là vấn đề chung của vay trả góp, hay tín dụng cá nhân, đó là: anh em rất dễ vung tay quá trán. Do số tiền lớn cũng không phải trả ngay nên anh em sẽ thấy việc mua sắm thật dễ dàng. Như anh bạn mua Macbook trên kia của mình. Ban đầu chỉ dự chi ngân sách là 12 - 15 triệu, cuối cùng lại chốt mua ở 21.5 triệu.

Nhược điểm thứ ba là anh em sẽ biến mình thành “con nợ" trong một thời gian nhất định. Việc trước khi đến kì thanh toán có người gọi điện nhắc bạn đóng tiền (với giọng điệu chẳng bao giờ thân thiện) - hoặc nhẹ nhàng hơn là nhắn tin - là điều rất thường xuyên. Và khi anh em chậm đóng tiền vài ngày, có những công ty sẵn sàng gọi qua người thân nhờ nhắc nhở. Sẽ có lúc anh em mong sao lúc đầu mình đóng luôn cả cục cho đỡ phiền hà.

Quảng cáo



Những lưu ý quan trọng và các trường hợp KHÔNG nên mua trả góp

1. Anh em phải đảm bảo khoản vay trong khả năng chi trả hàng tháng cùa mình. “Đảm bảo” gồm hai nghĩa: đủ số tiền và đúng hạn. Ví dụ anh em có hạn thanh toán 2.018.000 vào ngày 5 hàng tháng thì anh em phải đóng ĐÚNG số tiền đó, không được thiếu dù chỉ 1.000 và ĐÚNG ngày (trước thì tốt rồi). Đừng cố giải thích lý do như chậm lương hay ốm đau hay abcxyz gì khác, họ sẽ châm chước 1 lần nhưng các lần sau sẽ rất phiền hà. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, nếu số tiền phải trả hàng tháng lớn hơn 50% số tiền anh em tiết kiệm được mỗi tháng thì không nên vay.

2. Quá trình vay và thanh toán tiền trả góp của anh em đều được lưu lại trong lịch sử tín dụng cá nhân trong 5 năm. Nếu anh em hoàn thành đúng - đủ các khoản vay thì sẽ có xếp hạng tín dụng tốt và sau này có vay tiếp cũng dễ. Còn nếu anh em chậm thanh toán nhiều lần, hoặc tệ hơn là không thanh toán thì điểm tín dụng cá nhân của anh em sẽ cực thấp và bị cho vào blacklist của các tổ chức tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian rất dài, cỡ 5 năm, anh em sẽ không thể vay tiền tiếp. Mình từng biết vụ một em gái nợ tiền lãi suất thấp để đi học thời sinh viên (hình thức hỗ trợ này chắc nhiều anh em biết) nhưng không hiểu vì sao lại thiếu mất 800K. Đến 4 năm sau đi vay vốn ngân hàng kinh doanh thì bị từ chối vì tín dụng xấu. Đó là với số tiền nhỏ, còn với các khoản lớn thì anh em sẽ rắc rối to nếu có ý định “bùng tiền”.

3. Đừng đứng tên vay hộ ai nếu anh em không chắc chắn họ có khả năng và trách nhiệm chi trả đúng hạn. Không có chuyện đứng tên mua xong là anh em hết liên quan, còn người dùng máy trả hay không là việc của họ nhé. Cá nhân mình trừ khi là người trong gia đình (với số tiền nhỏ), còn lại thì miễn.

4. Anh em đã chọn chu kì vay bao nhiêu thì phải hoàn thành đủ số tiền vay và TIỀN LÃI tương ứng với chu kì đó. Không có chuyện anh em vay 12 tháng rồi sau 6 tháng thì quyết định trả nốt phần gốc còn lại mà không trả lãi.

5. Tuyệt đối không mua trả góp nếu anh em thuộc nhóm mua đồ công nghệ về nghịch rồi đổi. Bởi đồ công nghệ mất giá cực kì nhanh, anh em bán lại đã lỗ rồi lại còn thêm khoản trả lãi nữa thì càng kinh khủng. Ví dụ anh em nào mua trả góp Nokia 8 lúc giá máy còn 13 triệu thì lãi vay cũng phải cỡ vài triệu, ở thời điểm hiện tại bán lại máy chắc chỉ được hơn 7 triệu. Nghĩa là chỉ chưa tới nửa năm đã lỗ gần chục triệu!

Quảng cáo



6. Đừng lợi dụng việc mua trả góp làm hình thức xoay tiền nhanh. Mình biết nhiều anh em trên nhattao hay đứng tên mua trả góp điện thoại xịn, rồi sau đó bán lại với giá tốt hơn để xoay tiền nhanh. Tuy nhiên hình thức này chỉ khiến cho dư nợ cá nhân của anh em cứ tăng mãi không có điểm dừng.
Đa số các công ty tín dụng chỉ hỗ trợ khách hàng trên 20 tuổi (cũng có một số trường hợp là 18 tuổi) và có đủ CMND/Bằng lái xe.

7. Hãy cố gắng tìm các ưu đãi trả góp 0%. Các ưu đãi này thường yêu cầu anh em phải thanh toán trong 6 tháng nhưng bù lại lãi gần như là bằng 0.

8. Hãy nhớ trả góp là lựa chọn khi anh em thực sự CẦN món đồ nào đó mà chưa đủ tiền ngay lập tức nhưng có thể chi trả được nếu đủ thời gian. Đừng mua những thứ mình thích, nếu không sẽ có lúc anh em phải bán hết những thứ mình cần.

Nếu anh em cảm thấy việc mua trả góp là phù hợp với mình lúc này thì okie. Mời anh em sang phần tiếp theo: chuẩn bị và hoàn thành thủ tục thế nào

Các bước mua trả góp

Tóm tắt các bước như sau: (1) chuẩn bị hồ sơ; (2) chọn sản phẩm, cửa hàng và gói vay; (3) đăng kí làm trả góp và làm thủ tục lần 1; (4) công ty tài chính duyệt hồ sơ; (5) hoàn thành hồ sơ và nhận máy; (6) thanh toán hàng tháng.

1. Chuẩn bị sẵn hồ sơ gồm CMND và bằng lái xe hoặc hộ khẩu, nếu có. Trong trường hợp có hoá đơn điện, nước những tháng gần nhất thì hồ sơ càng dễ được duyệt hơn. Do hiện nay rất nhiều cửa hàng hỗ trợ duyệt hồ sơ online nên hãy chụp hết những giấy tờ này lại để tiện nếu cần gửi duyệt trước. Hãy dành thời gian kê lại thu nhập cá nhân để khi được hỏi còn trả lời cho gọn gàng. Báo trước với người thân về việc có thể sẽ có người gọi hỏi thông tin cá nhân của mình và thống nhất các thông tin lại (đặc biệt là nơi làm việc, tình trạng hôn nhân, công việc, …). Cũng cần lưu ý là công ty tài chính có thể còn gọi lên nơi bạn làm việc nữa. Đừng quá lo lắng là họ làm lộ chuyện bạn vay tiền mua trả góp. Thay vào đó, họ thường giả vờ là người bên công ty giao hàng nào đó, có đồ cần giao cho bạn nhưng phải xác thực lại thông tin.

2. Lên website các cửa hàng, tham khảo giá món đồ mình muốn mua và cố gắng tìm các cửa hàng có ưu đãi 0%. Nếu không có ưu đãi 0% thì về sau hãy hỏi nhân viên tư vấn của công ty tài chính xem có ưu đãi nào nếu khách đóng đúng hạn không (ví dụ mình từng mua một chiếc laptop trả góp 1.700.000/tháng nhưng nếu đóng đúng hạn thì được giảm 360.000/tháng. Tính ra đóng như vậy chỉ phải chịu lãi chưa tới 1 triệu/năm.) Cũng chú ý là chọn khoản vay thấp thôi nhé. Nếu có trả góp 0% thì cỡ 15 triệu trở xuống, còn nếu không có thì thôi cỡ dưới 10 triệu đi. Vay trên 10 triệu thường khó vay và lãi cũng cao lắm.

3. Đăng kí mua trả góp qua web, sẽ có nhân viên tư vấn gọi lại cho anh em và mời ra cửa hàng làm thủ tục. Nếu muốn tiện, có thể nhờ họ hỗ trợ làm hồ sơ online. Trong quá trình làm hồ sơ, cũng yêu cầu họ bỏ khoản phí bảo hiểm đi vì mình thấy khoản này khá vô nghĩa mà lại tốn thêm vài trăm nghìn cho toàn gói vay.

Lưu ý: Dịch vụ trả góp này thì mấy cửa hàng lớn như FPT hay TGDĐ thì hỗ trợ tốt chứ các shop khác thường chậm và/hoặc thiếu nhiệt tình lắm, dễ gây cho bạn cảm giác đang phải đi nhờ vả trong khi rõ ràng mình thanh toán đầy đủ.

4. Sau khi hồ sơ được gửi đi, công ty tài chính sẽ gọi điện với bạn để xác minh lại thông tin (đặc biệt chú ý các thông tin sau: địa chỉ, tình trạng hôn nhân, công việc, thu nhập hàng tháng, …). Sau đó họ sẽ gọi xác minh lại với cơ quan và gia đình bạn. Như đã nhắc ở mục (1) là thông tin phải thống nhất nhé, chứ ở nhà gia đình bảo đã có vợ mà khai trong hồ sơ là “độc thân” thì thôi miễn nhé.

5. Nếu hồ sơ được duyệt, công ty tài chính sẽ liên hệ mời anh em mang đủ giấy tờ ra cửa hàng hoàn thiện hồ sơ (kí và đóng trước một khoản) rồi nhận máy. Anh em có thể bảo nhân viên tư vấn của công ty tài chính gửi giấy tờ qua email/ zalo để đọc trước cho hiểu các quy định, okie rồi thì ra đó kí và thanh toán là xong.
Sau khi hoàn thành hồ sơ, anh em sẽ có một bộ giữ lại và một tờ phiếu hướng dẫn thanh toán có ghi mã số hợp đồng. Chụp hoặc lưu mã này lại, cùng với ngày đóng hàng tháng và hạn bắt đầu/ kết thúc hợp đồng nhé. Hàng tháng đúng ngày thì anh em cứ ra mấy shop như FPT, TGDĐ hoặc tiện nhất là Vinmart để thanh toán. Muốn tiện hơn thì anh em có thể dùng ứng dụng Bankplus của Viettel (hỗ trợ nhiều dịch vụ) hoặc Ví điện tử. Anh em cũng có thể download các app của công ty tài chính về cho tiện theo dõi tình trạng hợp đồng.

Trên đây là những thông tin cơ bản về việc mua trả góp. Tuỳ thuộc vào từng hợp đồng cụ thể sẽ phát sinh các vấn đề khác nhau, anh em cứ đặt câu hỏi và mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm nhé. Chúc anh em có trải nghiệm tốt.

P/S: Đây là ý kiến bổ sung của bạn @iAndroids, anh em tham khảo thêm nhé: https://tinhte.vn/posts/51110550/replies
418 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Bài viết rất chi tiết và khách quan
hondatron
ĐẠI BÀNG
7 năm
bài viết quá hay. Mặt được và mất.
Cái thằng mua trả góp điện thoại, xong đem rao vặt bán đi, lấy 1 khoản tiền mặt tiêu xài, sau đó nó ko thèm trả góp hàng tháng nữa. Thì làm sao ?
@Cafethangbay Hi b Đọan đầu m đối thoại v b về bvệ nghiệp vụ chuyên môn Đoạn sau dấu chấm m nói chung về quan điểm cá nhân, ko phải nói về b Cáo lỗi do bình luận bao trùm 2 nội dung
@ThietKeWebChuyen-Com Dính blacklist, blacklist này ảnh hưởng đến việc làm ăn của bạn và gia đình bạn, ảnh hưởng đến việc thay đổi công việc của bạn nếu người ta kỹ, khoản nợ to có thể ảnh hưởng đến điện nước mạng mẽo nhà bạn.
Chày cối thì sẽ có bộ phận thu hồi nợ xấu hỏi thăm, bộ phận đó nó không quan tâm bằng cách gì, nó sẽ tìm mọi biện pháp để thuyết phục, cưỡng chế thậm chí khủng bố để thu hồi. Dĩ nhiên là thu xong thì vẫn phải nằm trong blacklist.
@uchihahikaru Đó là nợ nhiều thôi. Chứ nợ vài triệu bọn xã hội đen đâu rảnh.
Mua trả góp qua thẻ tín dụng là đơn giản nhất! Mặc dù có cộng thêm các loại phí abc xyz (tùy ngân hàng) nhưng vẫn rẻ hơn là chơi với các công ty tài chính 😁
@Best of PC Thanh niên phát biểu đáng sợ thật =))
huntercd
ĐẠI BÀNG
7 năm
@Best of PC Đã bảo là Best trả lời mà 😆
@Best of PC :v quỳ
Lonie Nguyen
ĐẠI BÀNG
6 năm
@Best of PC ngu còn la to chi cho bị chửi ngu v, gap tui là tui đập đầu vô đống c**t chết mẹ cho rồi =))))
ko o có xèng chấp nhận đau thương thôi. nuôi chúng nó.(trừ bđs)
ps- ghét nhất bọn ăn trước kày trả sau.ahihi. xin lỗi 1 cơ số a e😁. nghe nói 50% người mua đt trên 10t là trả góp.kinh khủng thật.
@cao1004 không tính lãi với trường hợp bạn trả toàn bộ sao kê trong kỳ , còn nếu ko trả hết toàn bộ thì tính lãi từ lúc bạn tiêu nhé, Còn cả thẻ tín dụng để mua hàng xong về trả hết 1 cục tiền sao kê thì đâu còn gọi là trả góp nữa
@hoangthienthanh đang nói trả góp mà bác, vd mua trả góp 12tr trong vòng 12 tháng thì sao kê mỗi tháng chỉ tính trả 1 triệu thôi, trả đủ 1tr đấy đúng hạn thì làm gì có lãi gì nữa
@cao1004 Mình thì đang chưa hình dung ra là vụ trả góp bằng thẻ tín dụng 0% , sẽ gửi sao kê như nào, vd nếu mua 1 món 30tr thì ngay lúc thanh toán sẽ cà luôn 30tr hay chỉ cả 3tr , xong hàng tháng bank nó sẽ gửi sao kê mỗi tháng 3tr / 10 tháng , chứ gửi sao kê cho bác 30tr thì lãi tính trên 30tr, thì lãi to phết
lionheart242
ĐẠI BÀNG
7 năm
@hoangthienthanh trả góp 0% bằng thẻ tín dụng nghĩa là thế này (ví dụ là món hàng với giá 12tr):
_ Bác mua 1 món 12tr, đăng ký trả góp bằng thẻ tín dụng 12 tháng, nó sẽ chia 12tr đó cho 12 tháng, mỗi tháng nó sẽ gửi sao kê cho bác là đúng 1tr. Bác trả đúng 1tr thì ko tính lãi j hết. Trường hợp ko trả nổi cái 1tr sao kê đó thì nó sẽ tính lãi, mà cũng chỉ là lãi trên 1tr sao kê tháng đó, chứ ko phải là 12tr.
_ Khi thanh toán món hàng bằng hình thức trả góp thẻ tín dụng, bác sẽ cà 1 lúc 12tr luôn, sạu đó thông báo với ngân hàng là muốn chuyển cái giao dịch đó thành trả góp, số tháng tùy chọn theo quy định của từng ngân hàng. 12tr sẽ giam vào hạn mức của thẻ. ví dụ thẻ hạn mức 30tr, sau khi giao dịch hạn mức chỉ còn 18tr, mỗi tháng tới kì thanh toán đủ 1tr thì hạn mức sẽ hồi lại 1tr.
_ Tùy vào mỗi ngân hàng nó sẽ có chương trình khác nhau với từng đối tác. Có thề sẽ có 1 cái phí gọi là phí "chuyển đổi giao dịch thành trả góp", khoảng chừng 1%->5% giá trị giao dịch (12tr thì mất chừng 120k->600k). Có ngân hàng sẽ free phí này.
Kinh nghiệm là để đủ tiền rồi mua đứt món đó, không đủ tiền mua hàng new thì mua 2nd, không nên mua trả góp.
@khanhduy.39n Nếu mình có khả năng làm được thẻ tín dụng mình sẽ trả góp qua thẻ, đơn giản là k thêm phí gì nữa cả. Còn trả góp kiểu tín chấp thì k bao giờ
@BigDargon Thẻ tín dụng thì vẫn phải trả và cũng mất phí sử dụng thẻ mà bạn.
@Nguyễn Hải 8888 Giờ làm thẻ tín dụng hầu như miễn phí năm đầu mà bạn, còn các năm sau thường cũng chỉ 300k/1 năm, vẫn rất rẻ so với kiểu các cty TC, hơn nữa nhiều NH nó hay có mấy chương trình tích lũy điểm để đổi miễn phí thường niên, đỡ tốn. Nhưng khi sài thẻ tín dụng thì phải biết kiềm chế sài theo khả năng chi trả hàng tháng chứ để qua shạn là mệt mỏi à 😁
@Nguyễn Hải 8888 Đã có bạn trả lời rồi đó, vay tín chấp lãi suất + độ hành hạ con nợ kinh khủng hơn trả qua thẻ tín dụng. Có những ngân hàng k tính lãi 30-45 ngày nữa, vì uy tín đã được đảm bảo bằng lương rồi
tanpn123
ĐẠI BÀNG
7 năm
Đã từng mua trả góp bên ACS 3 lần, lần đầu thì bị tra hỏi như tội phạm khá phiền, mấy lần sau thì bình thường, được nhận cả thẻ khách hàng 😁
@maolivn trước còn sv có mua 1 lần đều trả đúng hạn, sau có mua 1 lần nó còn kêu làm thẻ =]], cũng chỉ hỏi thêm giờ làm gì lương nhiêu, hồ sơ vẫn như cũ chứ =]] 3p xong @@
@maolivn ACS mua của họ 3 món, không món nào phiền hà. Mấy cty khác lãi suất cao quá.
Sau này được Ffriend thì dễ hơn vì góp 0% và trừ vào lương trong 6 tháng. Nhưng phải cái chỉ mua được của FPT mà hàng FPT thì hơi cao giá :3
linh.12345
ĐẠI BÀNG
7 năm
@maolivn E tính mua trả góp của ACS mà đọc Gồ thấy phốt ghê quá
koang
ĐẠI BÀNG
7 năm
Mình thấy bây giờ toàn ghi la trả góp 0% thôi. Nhưng chưa hiểu 0% thì họ ăn cái gì. Trước tết định mua. Nhưng ngại quá nên lại thôi
@CrystalShield mình mua trả góp 0% qua thẻ tín dụng ngân hàng k mất phí gì nhé, ngân hàng nó ăn là tiền phí thường niên vài trăm k/năm và phí giao dịch thẻ khoảng 2% cửa hàng nó phải trả cho ngân hàng
Canhtn1986
TÍCH CỰC
7 năm
@koang Thằng cửa hàng nó sẽ trích % cho Công ty tài chính để nó kích cầu bán hàng, nguồn từ chi phí marketing của cửa hàng.
@koang 0% thì là tính lãi vào giá rồi mà
@koang Đơn giản thôi thay vì bán ko hết phải đại hạ giá giờ bọn nó ko giãm nhưng tiền sẽ chậm lại tí ... tính ra còn ngon hơn giãm giá
đã mua và thành con nợ
@Manhtoan112 Thương....
@adagioleonard @@ giờ cày để trả
@Manhtoan112 Ựa.. Rút knghiem lần sau mua xiaomi nhé 😁
@adagioleonard @@
Bài viết rất chi là dài dòng và hay 😁
ko rõ tại sao vn mình ko có plan, vì viettel, vina, mobi hay fpt bên nào cũng đủ mạnh để làm mấy gói plan mà nhỉ, chỉ trả góp thế này mà phải trả trước 50% hay gì đó khác plan khá nhiều
@ntdieu cái này vẫn phải trả trước mà bác, plan là ko phải trả trước, mỗi tháng chỉ trả khoản nhất định bao gồm cước đt và tiền mua đt, như em mua s8 trả 60 aud là hơn tr mỗi tháng trong 2 năm, có thể nâng cấp lên đt mới nữa chỉ cần trả thêm 100 aud là 1tr8 ạ
@Yuusha fuyuki Về bản chất nó là như nhau mà, vẫn là nhà mạng trợ giá mua máy để người dùng sử dụng dịch vụ.
Khác nhau ở chỗ bác ở aus thì họ không sợ người dùng đăng ký rồi chạy làng nên mới dám không thu tiền trước. Còn ở VN thì mấy nhà mạng không dám tin vào điều đó (rất tiếc) nên họ thu tiền trước.
@Yuusha fuyuki Đơn giản mà bác, các nhà mạng vn có gói bán máy nhưng vẫn phải trả trc để nắm chuôi người dùng, người dùng ở aus họ thanh toán đầy đủ nên ko cần trả trc, còn ở vn chưa mua đã lo bẻ khóa, bán lại kiếm lời thì họ phải charge trc chứ 😁
@Yuusha fuyuki Ở Việt Nam chưa được, mới mua xong đã tìm cách root bẻ khóa để chạy làng với đem bán rồi, chúng nó lập hội facebook cả chục ngàn thành viên hướng dẫn nhau kìa.
Đang dùng 3 cái thẻ tín dụng toàn ngân hàng nc ngoài hạng Platinum (hơn cả hạng Vàng)
Trả góp 0% lãi suất 0 phí quanh năm gần như ở tất cả mọi nơi
Klq, mới mua gói Platinum 20 triệu 28 tháng ở Elite Fitness, trả góp 12 tháng 0% 0 phí chuyển đổi của Citibank. Tính ra có 700k/tháng, 25k/buổi mà gym gủng, bể bơi 4 mùa, xông xục các kiểu 😁
@yudhoyono Thẻ ngân hàng khác đủ hạn mức có được không bác.
@hoangthienthanh Trả góp lãi suất 0%, ko có bất cứ phí gì luôn (ko phí chuyển đổi, ko phí bảo hiểm, ko phí thu hộ) Mỗi tháng góp đúng 20/12 = 1.67tr trong 12 tháng Chứ mất lãi mất phí thì nói làm gì 😁
@ndn1991 Mỗi ngân hàng KM 1 kiểu Ngân hàng nội địa phí thường niên thấp nên KM ít ỏi ko đáng tiền Thẻ tín dụng ngân hàng Anh, Mỹ, Sing ... thì KM khủng cơ mà phí thường niên 1.3 - 2 tr/ năm
@yudhoyono Ầm ầm đùng đùng chéo chéo đạn bay vù vù khiếp quá. hehehehe
Tía Lia
TÍCH CỰC
7 năm
Cái ví dụ mua A8+ là mình vay có 9.443.000 vnd của FE Credit trong 12 tháng. Lãi + phí bảo hiểm + thu hộ ra tới 3.805.000 vnd @@. Tính ra lãi 40%/năm luôn oimeoi.
@joechen Sao họ vi phạm mà chỉ có mấy người tiêu dùng biết vậy nhỉ @.@ ? 6-7 năm trước mình cũng từng bị mua góp, sợ luôn, lãi cao ngất
joechen
ĐẠI BÀNG
7 năm
@BBaoni Uh mấy công ty tín dụng đáng sợ lắm. Mình giờ có mua góp chỉ mua qua thẻ tín dụng. Chứ cty tín dụng lấy lãi cao ngất. Còn hơn đi vay nặng lãi 😆
Tía Lia
TÍCH CỰC
7 năm
@joechen Bộ phận đòi nợ của ngân hàng cũng "chợ búa" không khác gì vay nặng lãi @@
@Tía Lia B có gặp mình chưa mà phát ngôn như v
roneto_86
ĐẠI BÀNG
7 năm
Các bác làm cái thẻ HSBC mà mua trả góp. Toàn 0% mà.
@roneto_86 đâu phải ai cũng đủ kinh tế để làm thẻ tín dụng
@roneto_86 Tuỳ chỗ 0% nhé bạn, nó có liệt kê các “đối tác” của HSBC trên trang chủ đấy, khoảng 40, mỗi đối tác lại có 1 khoảng tgian nhất định nữa. VD thằng Pico, TGDD hay FPT shop thì thấy suốt nhưng hoangha chẳng hạn thì hết từ năm ngoái rồi. Ngoài ra vẫn phải chịu phí chuyển đổi sang trả góp nữa.
nagayashi
ĐẠI BÀNG
7 năm
@johanvie HSBC thì ko có "phí chuyển đổi" nha bác, mình đặc biệt thích hsbc ở khoản này.
@roneto_86 tính làm mà lười đi làm, lại chả thấy cần mua gì
Mua trả góp là giúp kích cầu kinh tế đấy chứ. Ý kiến cá nhân
Nhớ hồi xưa con em mua trả góp cái ip5s có 17.5 mà góp xong thì gần hai mấy chai ... A hihi
@Bão Sài Gòn Gio bán lại chắc hai chai mấy. a hi hi😁
Đánh dấu đây, mai mốt rảnh 1 2 ngày mình sẽ làm 1 bài bổ sung ý kiến cho AE tham khảo.
ĐÂY LÀ Ý KIẾN VÀ HIỂU BIẾT CÁ NHÂN CỦA MÌNH. VIẾT THÊM VÀI DÒNG ĐỂ ANH EM XEM QUA.
Mình chỉ muốn nói đến phần: “Trả góp lãi suất 0%”.
Nhiều anh em khi nghe đến 0% lập tức quy chụp là:
  • Lừa đảo, làm gì có ai cho không ai cái gì.
  • Tăng giá bán rồi làm lãi 0%, tính ra đâu cũng vaò đó.
Mình chỉ khẳng định: đứng dưới góc độ KHÁCH HÀNG những chương trình trả góp lãi suất 0% là hoàn toàn có thật, không có gì gọi là lừa đảo cả và rất có lợi cho khách hàng.

Đầu tiên chúng ta xét đến các bên trong việc phát sinh trả góp 0%:

KHÁCH HÀNG - NHÀ BÁN HÀNG - HÃNG (NHÀ PHÂN PHỐI) - NHÀ TÀI CHÍNH.

Khách hàng chỉ cần làm hồ sơ theo yêu cầu và nhận máy + Khuyến mãi theo đúng chương trình được NV tư vấn.
Vậy ai sẽ là người trả phần lãi này cho AE? Chẳng lẽ họ cho vay không công, không lãi.
Với hiểu biết của mình thì các trường hợp dưới đây sẽ xảy ra:

1: Ở thị trường VN phần lớn sẽ là các Hãng hoặc Nhà Phân Phối làm việc với Nhà tài chính để deal với nhau về các khoản tiền lãi, phí thanh toán cho khoản vay của khách hàng.
HÃNG S: Khách mua máy A tại T, V, F… làm hồ sơ trả góp của Home Credit hoặc FE với lãi suất 0%. Mỗi bộ hồ sơ hợp lệ Hãng S sẽ trả cho nhà tài chính HC, FE xxx tiền/bộ.
Mục đích: giúp khách hàng dễ tiếp cận và dễ dàng mua sản phẩm A của hãng hơn. Cạnh tranh với sản phẩm F của hãng O cùng phân khúc trên thị trường…

2: Nhà bán hàng deal với Nhà tài chính tương tự như hãng làm. Mỗi bộ hồ sơ hợp lệ khách mua tại cửa hàng của tôi thì tôi sẽ trả cho anh XXX tiền.
Mục đích: Nhà bán hàng F muốn cạnh tranh với nhà bán hàng T về doanh số của sản phẩm A.
Nhà bán hàng V muốn tạo sự khác biệt về chương trình KM với T hay F, để kéo khách hàng về phía họ.
Nhà bán hàng muốn đảy hàng tồn, mẫu cũ, khó bán bằng cách trả góp, kích thích khách hàng.

3: Nhà tài chính (Cái này mình nghĩ rất hiếm hoặc không có nhưng vẫn ghi ra để AE trong nghề nhận xét)
Nhà tài chính chấp nhận tài trợ lãi suất cho 1 hay 1 số sản phẩm nào đó để họ lấy DATA khách hàng uy tín, đóng tiền đúng hạn sau đó tiến hành mời gọi họ vay tiền mặt, mở thẻ tín dụng. Cái này mới là mảnh đất màu mỡ để họ hút máu.

Ví dụ sản phẩm AE mua:
Sản phẩm A.
Giá: 6.990.000
Trả trước: 2.097.000
Trả góp: 1.259.000 x 4 tháng.
Tổng số tiền sau khi trả xong: 7.133.000 - Chênh lệch 143.000 so với mua trả thẳng. Trung bình AE mất 33.000/tháng.
143.000 này bao gồm: Bảo hiểm khoản vay + phí thu hộ anh em đóng tiền hàng tháng. 143.000 này nó là phí chứ không phải lãi. Và nó rất nhỏ so với số tiền anh em vay.
Tuỳ từng thời điểm AE mua hàng sẽ nhận được các Khuyến mãi khác nhau cho riên sản phẩm A này như:
Phiếu mua hàng Linh kiện 300k, 500k, ốp lưng, cocacola hay giảm tiền mặt 500k. Không khác gì so với khách hàng trả tiền mặt 1 lần. Hoặc có khi sẽ chỉ được trả góp 0% mà không được nhận Khuyến mãi khác.
Tuỳ vào từng sản phẩm, mục tiêu của các NHÀ, giai đoạn mà có khi AE mua trả góp sẽ nhận được đầy đủ KM giống như AE mua tiền mặt, có khi AE sẽ chỉ được trả góp 0% lãi mà không nhận được quà thêm. Cái này phụ thuộc vào việc AE có hay tìm hiểu thông tin hay có nhanh nhạy để quyết định mua đúng thời điểm hay không thôi.

VD: Với kinh nghiệm của mình thì với các sản phẩm Apple khi anh em mua trả góp 0% lãi thì sẽ không được hưởng thêm các KM khác.
Các sản phẩm của Samsung hay Oppo, Nokia, Vivo hay được hãng tài trợ lãi suất nên AE vẫn nhận được KM của nhà bán lẻ + trả góp 0%
Cái quan trọng là AE nắm được chi tiết để chọn được sản phẩm, nhà bán hàng hay nhà tài chính để làm hồ sơ cho phù hợp với điều kiện của mình:
VD: Cùng sản phẩm có khi AE phải trả trước ít nhất 50%, có khi chỉ cần 30%, có khi chỉ được vay trong 6 tháng, có khi được vay trong 9 tháng. Nên mạnh dạn ngồi nhà gọi điện các nơi để tìm nơi phù hợp để mua.

CHỈ LƯU Ý AE:
1: Phí bảo hiểm khoản vay nếu AE chắc chắn hồ sơ mình quá đẹp hay có thể nói chuyện với mấy em gái làm hồ sơ vui vẻ thì nhờ mấy em ấy bỏ đi cho AE. Nhưng chắc chắn là không có phí này thì khoản vay có tỉ lệ duyệt thấp hơn. Phí này đối với mỗi Nhà tài chính là khác nhau. Vì vậy nếu cùng lúc có nhiều nhà tài chính có thể làm hồ sơ cho máy A mà AE định mua thì hãy nhờ họ tính thử để lựa được nhà nào có phí chênh lệch thấp nhất mà vẫn làm được hồ sơ cho AE.
2: Đọc thật kỹ hợp đồng, nắm chắc chắn được mình đang vay tiền của bên nào, ngày nào đóng tiền, đóng bao nhiêu kỳ, các chi phí phát sinh nếu đóng trễ, thanh lý sớm…
3: Mỗi khi đóng tiền hãy tính đến việc ngày Lễ, Tết, cuối tuần, trục trặc mạng mẽo này nọ để tiền có thể chuyển tới bên cho vay đúng hạn, như vậy sẽ không bị làm phiền bởi tin nhắn hay điện thoại.
4: Hãy xem kỹ lại hợp đồng mình thanh toán tiền có chính xác hay chưa? Có khi nào đến hạn phiếu này mà lại mang phiếu kia đi đóng hay không? Kiểm tra ngay tại quầy đóng tiền, nếu sai xót thì bên thu tiền hộ họ sẽ giải quyết nhanh hơn, AE không phải mất thêm thời gian hay bị lỡ lịch đóng tiền.
5: Tốt nhất hãy có trách nhiệm với khoản vay của mình vì sau mỗi khoản vay sẽ là đánh giá CIC (AE tra thêm Google về cái này) ảnh hưởng đến tín dụng, vay mượn của AE sau này nếu cần làm ăn hay có việc gấp.

Xin nhắc lại: Đây hoàn toàn là ý kiến và hiểu biết cá nhân của mình vì mình không chuyên trong ngành này nên AE nào thấy mình có múa rìu qua mắt thợ thì góp ý nhé. Tks AE!
@iAndroids Chưa đủ dài hay sao
@iAndroids @ntdieu @Cafethangbay @Trường An Trần @Sniper9X đã bổ sung nhé các cụ!!!
@iAndroids Để lát mình quotes đoạn này của cụ vào bài chính nhé.
@iAndroids Bác nói đúng. Mình đã từng mua trả góp tủ lạnh trong 6 tháng với lãi suất 0%. Sau khi kết thúc khoản vay thì tiền chênh lên khoảng 450k các chi phí như bạn nói: Tiền bảo hiểm khoản vay, tiền phí thu hộ.....!

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019