[Tâm lí học] Chứng rối loạn tâm thần do nghiện trò chơi trực tuyến

Linh Tâm 00
3/8/2019 18:13Phản hồi: 0
[Tâm lí học] Chứng rối loạn tâm thần do nghiện trò chơi trực tuyến
Mình đọc được một bài viết trên trang tâm lí học OOPSY nói về vấn đề dễ rối loạn tâm thần nếu nghiện trò chơi trực tuyến. Bài viết này chắc sẽ nhận được nhiều ý kiến khác nhau, sẵn tiện mời anh em trên Tinhte.vn để anh em cùng thảo luận!
---
Một hiện tượng không mới nhưng rất “cấn”


Internet rõ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người; chúng ta sử dụng internet để gửi tin nhắn, đọc tin tức, triển khai thực hiện kinh doanh và nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, các báo cáo gần đây của các nhà khoa học đã bắt đầu tập trung vào việc giải quyết một số vấn đề đáng lo ngại của con người khi phát triển một số mặt tiêu cực của Internet, đặc biệt là các trò chơi trực tuyến. Chuyện này chẳng mới, nhưng mối lo ngại thì đã tăng cấp rất nhiều rồi.

Điều đáng lo ngại nhất là gì? Ấy là các "game thủ" đã lấy game làm đời sống của mình, họ vô hình dồn nén bản thân và loại trừ các mối quan tâm khác một cách vừa tự biết vừa vô thức. Các hoạt động trực tuyến liên tục và thường xuyên dẫn đến sự suy yếu, thậm chí là kiệt sức. Tình trạng này gây tác động trầm trọng cho việc học tập hoặc công việc của họ, cũng như gây ra các triệu chứng lên cơn nghiện khi bị cách li khỏi trò chơi điện tử.


Thật ra thì, trò chơi điện tử có mặt tích cực của nó. Có điều bạn vẫn nên biết đến những dấu hiệu quá đà được công bố bởi APA và WHO sau đây để biết một điểm dừng. Vì ta còn phải sống, còn phải yêu, còn rất nhiều điều cần hưởng thụ, trước khi thanh xuân đi mất.



DSM-5 của APA


Trong ấn bản thứ năm của sổ tay tiêu chuẩn chẩn đoán và thống kê các chứng rối loạn tâm thần (DSM-5) được công bố bởi Hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ (APA) năm 2013, chứng rối loạn nghiện trò chơi trực tuyến được xác định trong mục III như một tình trạng cần đến các cuộc nghiên cứu lâm sàng cũng như thực nghiệm trước khi được xem xét để đưa vào bản tiêu chuẩn chính như là một bệnh rối loạn tâm thần.

Phần lớn nghiên cứu lấy nguồn từ các số liệu dẫn chứng từ các nước châu Á do sự xuất hiện của chứng rối loạn này phổ biến hơn hẳn so với các khu vực khác như Bắc Mỹ và Châu Âu. Châu Á ta có vẻ mê công nghệ và game khiếp nhỉ? Cứ tưởng mấy xã hội công nghiệp nặng nề mới đắm vào game chứ?

Chưa hết đâu. Game là lựa chọn của đầu xanh tuổi trẻ, đối tượng chính của chứng rối loạn tâm thần này là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-20. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi những người này đam mê các trò chơi trên Internet, một số hoạt động kết nối trong não của họ cũng được trực tiếp kích hoạt, tương tự với não bộ của một người nghiện ma tuý được tạo ra bởi các chất kích thích. Các trò chơi điện tử thúc đẩy một phản ứng thần kinh ảnh hưởng đến cảm giác phấn khích và tưởng thưởng, và kết quả, trong trường hợp cực đoan, được biểu thị như hành vi nghiện ngập.

Thế là rất nghiêm trọng đấy. Nói tóm lại là: Mấy thứ xuất hiện trong màn hình máy tính đang kết nối trực tiếp với hoạt động não thành một cơ chế phản xạ, thậm chí tạo thành một “nhân cách mới” (cái gì ảnh hưởng đến nhân cách thì cũng tạo thành nhân cách hết nhé!)

Có những mức đánh giá độ nghiêm trọng của chứng rối loạn do nghiện trò chơi trực tuyến: nhẹ, trung bình hoặc trầm trọng. Những đánh giá này được dựa trên khoảng thời gian họ dành để chơi các trò chơi, và mức độ ảnh hưởng của trò chơi đến hoạt động chung của một người.

Quảng cáo



Tóm lại, các tiêu chí chẩn đoán cho chứng rối loạn chơi trò chơi trực tuyến bao gồm liên tục chơi các trò chơi trực tuyến, thường là với những người chơi khác, dẫn đến các vấn đề rối loạn chức năng. Năm trong số các tiêu chí sau đây phải được xác nhận trong khoảng thời gian một năm:

• Sự lo lắng hoặc ám ảnh về các trò trực tuyến.
• Các triệu chứng lên cơn nghiện khi không được chơi trò chơi trực tuyến. (Đang ôm người yêu mà chỉ nghĩ đến việc ngồi máy tính chơi nốt bàn hạ con trùm…)
• Nâng cao sức chịu đựng của bản thân để có thể ngồi chơi lâu hơn. (Ngồi học 1 tiếng nát đầu nhưng chơi 10 tiếng, trải qua đủ thử thách cam go không thấy mệt!)
• Người đã cố gắng dừng hoặc kiềm chế chơi trò chơi trực tuyến, nhưng thất bạivới cố gắng này. (Bỏ trò này lại chơi trò khác, ôi xời!)
• Người đã mất đi hứng thú vào các hoạt động đời sống khác, chẳng hạn như sở thích cá nhân. (Mê cái này thì bay cái khác, bình thường mà?)
• Người tiếp tục lạm dụng trò chơi trực tuyến dù đã biết những hậu quả mà chúng gây ra cho cuộc sống con người. (Biết mà không bỏ nổi, tức là nó đã thành nhân-cách mới rồi).
• Người cố nói dối người khác về thói quen chơi trò chơi. (Không chỉ là tâm cảm, tính cách nữa, mà đã xâm nhiễm cả nhận thức).
• Người sử dụng các trò chơi trên Internet để giảm bớt lo lắng hoặc cảm giác tội lỗi - đó là một cách để trốn thoát cảm xúc tiêu cực. (Đừng hòng rời Game nữa nhé).
• Người đó đã mất hoặc đặt nguy cơ đánh mất các cơ hội hoặc mối quan hệ vì các trò chơi trên Internet. (Xã hội game thay thế xã hội thực…)

Quảng cáo



Ấy là chưa kể đến việc sử dụng Internet, cờ bạc trực tuyến hoặc mạng xã hội. Đối với cờ bạc trực tuyến nói riêng, APA đã có sẵn các tiêu chí chuẩn đoán để xác định chứng rối loạn nghiện cờ bạc này. Thôi, bỏ qua cái này nhé!

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa chứng nghiện trò chơi trực tuyến vào danh mục Các rối loạn tâm thần, hành vi hoặc rối loạn phát triển tâm thần/rối loạn kiểm soát xung động.

Theo mô tả chi tiết của WHO, rối loạn tâm thần do nghiện game là việc chơi game liên tục hoặc thường xuyên (game kĩ thuật số hoặc video game), có thể trực tuyến (qua Internet) hoặc offline, được biểu hiện như: mất khả năng trong việc kiểm soát việc chơi game như về tần số, cường độ, thời gian nghỉ, bối cảnh,...; ưu tiên cho việc chơi game hơn các hoạt động khác trong cuộc sống.



ICD-11 - một hệ chẩn đoán khác khá thông dụng trên thế giới, ICD (International Statistical Classification of Diseases and Related Health Problem) của Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organisation)là một cẩm nang sử dụng phổ biến, trong đó có các tiêu chuẩn chẩn đoán các rối loạn tâm thần. Bản ICD-10 (xuất bản năm 1992) sử dụng chính thức trong ngành y tế chúng ta.

Tuy nhiên vào năm 2018 tới đây, tổ chức sức khỏe thế giới sẽ công bố Bảng phân loại quốc tế về các loại bệnh (ICD) mới, cập nhật và thay thế cho bảng sửa đổi cuối cùng (ICD-10) được thông qua cách đây 18 năm. Trong bản thảo ICD-11, WHO đã đưa chứng nghiện chơi trò chơi vào danh mục Các rối loạn tâm thần, hành vi hoặc rối loạn phát triển tâm thần/rối loạn kiểm soát xung động. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã mô tả rối loạn tâm thần do nghiện trò chơi là một dạng hành vi chơi trò chơi liên tục hoặc lặp đi lặp lại, trò chơi có thể là trực tuyến hoặc ngoại tuyến, được thể hiện dưới dạng:

1. Giảm khả năng kiểm soát hành vi do chơi trò chơi (dựa trên các yếu tố như tần suất, cường độ, thời lượng, bắt đầu và kết thúc, ngữ cảnh khi chơi trò chơi);

2. Tăng mức độ ưu tiên cho hoạt động chơi trò chơi trong phạm vi mà chơi trò chơi ngày càng lấn át các hoạt động thường nhật và các mối quan tâm khác trong cuộc sống;

3. Tiếp tục chơi trò chơi và ngày một nhiều hơn bất chấp hậu quả tiêu cực. Những hành vi này có mức độ nghiêm trọng đủ để làm suy yếu các khía cạnh như cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục, nghề nghiệp hay các khía cạnh quan trọng khác.

Các hành vi tâm thần do nghiện trò chơi có thể xuất hiện liên tục hoặc nhiều lần và lặp lại. Do đó, nhằm xác định rối loạn tâm thần do nghiện trò chơi cũng như các hành vi liên quan thì cần phải theo dõi trong khoảng thời gian ít nhất là 12 tháng để thực hiện các chẩn đoán. Mặc dù vậy, thời gian này có thể được rút ngắn nếu tất cả các yêu cầu chẩn đoán đều được đáp ứng hoặc bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng.

Vậy là Oopsy đã gửi đến bạn đọc hai bản tiêu chuẩn chẩn đoán các chứng rối loạn tâm thần thông dụng nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên dù là hệ nào chúng ta cũng có thể thấy được rằng Internet và các khía cạnh của nó đang tác động mạnh mẽ đến tâm sinh lý của chúng ta, mà trầm trọng nhất chính là biến những con người bình thường trở nên chấp nhận hoàn cảnh và dần tiến tới tâm thần và điên loạn.

Nghiện trò chơi trực tuyến, mạng xã hội, cờ bạc trực tuyến…đều là những triệu chứng rối loạn tâm thần phổ biến khắp quanh ta, nhưng rõ ràng là chúng ta vẫn chưa ý thức được rõ ràng sức ảnh hưởng và chi phối của không gian ảo Internet kia lên cuộc sống hàng ngày của mình, biến ta trở nên cô đơn, lạc lõng, dễ bị tổn thương, kích động hơn bao giờ hết, và tệ hơn cả là chia tách chúng ta ra khỏi những giá trị cốt lõi, những lí tưởng cao đẹp, chân thành như gia đình, cộng đồng.

Mong bài viết này có thể giúp bạn đối diện với sự thật trong mình, để có thể lí trí tỉnh táo rũ bỏ những sự rối loạn, chi phối không tốt đẹp mà không gian ảo đem đến.

(Nguồn OOPSY.vn)
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019