Lạc xoong

Lạc xoong


'Sóng ngầm' ở Intel - GPU Ponte Vecchio bị 'kết án tử', dồn lực cho Falcon Shores

Lư Thế Nghĩa
21/5/2024 11:58Phản hồi: 32
'Sóng ngầm' ở Intel - GPU Ponte Vecchio bị 'kết án tử', dồn lực cho Falcon Shores
Dường như mọi di sản của Raja Koduri đều đang bị CEO Intel đương nhiệm "tẩy trắng".

Giờ này năm ngoái, một nhân vật nổi tiếng từng làm việc cho cả ATI, AMD và Apple dọn dẹp nơi làm việc của mình tại Intel và khăn gói ra đi "khởi nghiệp" một công ty mới về AI. Nếu quan tâm nhiều tới AMD lẫn Intel, hẳn bạn nhận ra đây là ai. Vâng, Raja Koduri, một cựu kỹ sư máy tính người Ấn Độ có chuyên môn về GPU và đồ hoạ. Đây cũng là người đã hiện thực hoá giấc mơ VGA rời của Intel sau hơn 2 thập kỷ vắng bóng trên thị trường (Intel từng ra mắt mẫu VGA Intel740 dưới dạng card AGP nhưng đó là thời "tiền sử" 1998).

Intel-Vision-2022-Ponte-Vecchio-Top-3.jpg
Intel cho biết sẽ không nhận đơn Ponte Vecchio nữa

Song câu chuyện về Raja tại Intel không chỉ thuần tuý có mấy chiếc card Intel Arc. Trên thực tế những cụm từ như oneAPI, Xe GPU, XPU (CPU+GPU), Ponte Vecchio, siêu máy tính Aurora đều có dính dáng tới cựu phó chủ tịch cao cấp tập đoàn này của Intel. Trong hơn 1 năm qua, những dự án có liên quan tới Raja tại Intel lần lượt bị CEO Pat Gelsinger gạch bỏ...

Nhưng để có thể hiểu hết được toàn bộ chiều sâu vấn đề, chúng ta cần nhìn lại "bối cảnh lịch sử" từ nhiều năm trước đó.

Điểm lại lịch sử Intel


2013, cựu chủ tịch kiêm CEO Intel là Paul Otellini xin về hưu. Ông để lại di sản một đế chế x86 hùng mạnh cho Brian Krzanich nắm quyền. Brian mặc dù là một cựu kỹ sư và cũng từng nắm chức COO ở Intel, lại không mang lại nhiều sản phẩm nổi bật. Đây cũng là giai đoạn mà việc chuyển đổi từ 14 nm sang 10 nm của Intel gặp trục trặc và chúng ta có nhiều năm liền 14+/14++/14+++ nm. Cannon Lake trở thành một câu chuyện hài vì nó không bao giờ được ra mắt.

Brian-Krzanich.jpg
Brian Krzanich, CEO Intel 2013-2018

Song Brian không phải là không có đóng góp gì. Đây là giai đoạn mà Intel vung tiền ra mua lại rất nhiều công ty khác, chủ yếu liên quan tới 5G, AI, xe tự hành, drone, wearable, FPGA... Có thể nói mục tiêu của Brian là "hãy đi đến những nơi chưa từng đến". Có điều, có lẽ vì trời bắt "đóng vai ác"... Tới 2018, một chú chim lảnh lót cho hay Brian có quan hệ mập mờ với cấp dưới. Hành vi này vi phạm chính sách chống quan hệ tình ái của tập đoàn. Một cuộc điều tra được mở ra và Brian không còn là CEO Intel nữa.

Trong chính trị có một thuật ngữ là "khoảng trống quyền lực" (power vacuum) và nó áp dụng đúng cho Intel sau khi Brian thôi giữ chức CEO. Tuy Brian có thể không làm tốt vai trò làm ra những con chip "ngon", nhưng ít nhất là Intel vẫn có người cầm trịch dẫn lối. Sau Brian, ban giám đốc Intel không có nhân vật nào "xứng đáng". Bob Swan, một chuyên gia tài chính chỉ mạnh về giải quyết sổ sách thuế má công nợ (CFO), được chỉ định "ngồi tạm" vào đấy. Sau 1 năm, Bob được nắm quyền toàn bộ. Tới 2021 thì hội đồng quản trị mới "thuê" được Pat Gelsinger về làm CEO cho "ngay ngắn".

Pat Gelsinger and Itanium 2.jpg
Pat Gelsinger trước khi nghỉ Intel hồi 2009

Raja Koduri - Đêm trước

Quảng cáo


Raja là một guru về đồ hoạ. Sự nghiệp của Raja bắt đầu ở S3 Graphics, sau đó thì chuyển qua ATI. Sau khi ATI "được" AMD mua lại thì Raja giữ chức giám đốc công nghệ đồ hoạ (CTO). Tới 2009, Raja gia nhập Apple, chủ yếu làm các việc liên quan tới đồ hoạ và macOS. Đến 2013 thì Raja quay về lại AMD. Đây là giai đoạn tương đối thú vị của AMD vì công ty này cũng đang trải qua giai đoạn "khoảng trống quyền lực" khi ghế CEO liên tục đổi tên từ Hector Ruiz qua Dirk Meyer rồi Rory Read rồi mãi tới 2014 mới là Lisa Su. Vai trò của Raja lúc này là phó chủ tịch tập đoàn cấp cao (tương đương bên Intel) kiêm trưởng nhóm kiến trúc Radeon (RTG).

Raja Koduri 2019.jpg
Raja Koduri tại DevCon 2019

Nếu là fan AMD, bạn có thể nhớ ra đây là giai đoạn mà GPU phe đỏ không còn "cân tài cân sức" với phe xanh lá nữa. Nhưng đổ hết lỗi cho Raja thì không hoàn toàn đúng vì con đường mà Lisa chọn lấy CPU làm trọng tâm. Trong tầm nhìn của Lisa, mọi chiếc máy tính có thể không cần tới GPU (chẳng hạn như server) nhưng CPU là hiển nhiên phải có. Doanh số (tính theo đơn vị) của CPU luôn luôn áp đảo GPU. Mà AMD lúc đó đang ngập trong nợ nần, sản phẩm nào thực sự có lãi thì hãy làm. Thế nên các dự án của RTG không được xem là quan trọng nữa.

Thêm vào đó, một yếu tố khách quan là sự trỗi dậy của smartphone. Trước đấy, AMD và NVIDIA là 2 khách hàng quan trọng nhất của TSMC, thường xuyên có đơn hàng cho những dây chuyền mới nhất. Nhưng từ khi smartphone bùng nổ và lần lượt Apple, Qualcomm, Huawei... cùng gọi điện cho TSMC, thì AMD không còn là "khách VIP". Thực tế có giai đoạn TSMC đã tăng giá wafer lên rất cao và NVIDIA "phát cáu" vì điều đó. Dĩ nhiên, AMD cũng không vui vẻ gì. Nhiều dự án GPU bị huỷ bỏ vì chi phí sản xuất tăng quá cao (đặc biệt ở node 20 nm). Nên nói Raja "cùi bắp" thì cũng không đúng vì hoàn cảnh chung không cho phép AMD đốt quá nhiều tiền.

NV TSMC 01.jpg
NV TSMC 02.jpg
NV TSMC 03.jpg

Quảng cáo


Chi phí sản xuất chip ngày càng tăng khiến các dự án 20 nm bị huỷ bỏ

Nhưng điểm nhấn câu chuyện hôm nay nằm ở chỗ tới 2017, Raja sau một chuyến nghỉ phép đã xin nghỉ việc ở AMD. Và gần như lập tức sau đó (chỉ 1 ngày sau khi rời AMD), Raja đã có chức danh mới tương đương bên Intel (là một vị trí rất cao).

Công thần hay tội đồ?


Lại nói thời điểm Raja rời nhà riêng đi làm nhưng điểm đến không phải văn phòng AMD mà là Intel, là vào cuối 2017. Đấy là lúc Brian đang nắm quyền CEO Intel. Brian giao cho Raja trọng trách làm ra con GPU "xịn xò" để cạnh tranh với AMD, NVIDIA ("hãy đến nơi chưa từng đến"). Nhưng chưa tới 1 năm sau thì Brian mất chức. Lúc này không có ai ở Intel "đủ trình" để kiểm soát Raja nữa. Bob vốn xuất thân là CFO, chuyên môn không phải kỹ sư công nghệ. Và Intel lúc đấy đang trong tình trạng cần "một hit lớn" để gây ấn tượng với giới công nghệ. Raja với những cái tên oneAPI, XPU, Ponte Vecchio nghiễm nhiên chiếm hết spotlight sân khấu. Bob cũng không dám can thiệp vì "sợ múa rìu qua mắt thợ".

Intel DevCon 2019.jpg
Các sự kiện công nghệ của Intel sau 2018 đều có mặt của Raja

Nếu điểm lại quãng thời gian Raja ở Intel, có thể nói phần lớn mọi thứ đều xoay quanh Ponte Vecchio. Đấy là một dự án siêu lớn. Không chỉ lớn cả về phần cứng mà cả phần mềm. Để đảm bảo kiến trúc Xe hoạt động hiệu quả, nó đòi hỏi cả sự tối ưu về code (tương tự kiến trúc CUDA của NVIDIA). Và khách hàng mà Raja ngắm đến là những siêu máy tính. Trên thực tế Intel đã ký hợp đồng cung cấp chip xử lý cho Aurora, chiếc siêu máy tính hiện đứng hạng 2 trên TOP500 (dù chưa full công suất). Giả định nếu Raja vẫn tiếp tục làm việc tại Intel, thì Ponte Vecchio sẽ còn tồn tại rất lâu nữa.
SC21 Intel Ponte Vecchio.jpg
Ponte Vecchio có thiết kế phức tạp và tốn kém

Intel SC19 Aurora.jpg
Intel SC19 Aurora 2.jpg
Siêu máy tính Aurora chỉ dùng CPU+GPU của Intel

Nhưng Ponte Vecchio là một dự án quá lớn, và lại bị trì hoãn rất nhiều lần. Với thiết kế 47 chiplet, dựa trên 3 dây chuyền bán dẫn khác nhau (10 nm, 7 nm, 5 nm). Tuy được nêu tên từ SC19, "trên tay" vào 2020 (bị ảnh hưởng dịch Covid) nhưng cho tới 2024 này, Intel vẫn chưa cung cấp đủ chip cho Aurora. Kế hoạch ban đầu Aurora sẽ đạt sức mạnh 2 EFlops. Nhưng đã 5 năm trôi qua, cỗ máy này mới đạt được 1 EFlops... Trong khi đó, Frontier (sản phẩm cạnh tranh từ AMD), hoàn tất từ 2022 và đã đứng đầu TOP500 từ đó cho đến giờ. Một chi tiết khác là dù hiện mạnh thứ 2 thế giới, Aurora lại tốn quá nhiều điện (hơn Frontier tới 70%), cũng do được sản xuất trên các tiến trình cũ. Frontier không chỉ đứng đầu TOP500 và còn đứng hạng 11 trên GREEN500 với hiệu quả tiêu thụ điện 57 GFlops/Watt.

Raja Koduri (@RajaXg) on X

BFP - big ‘fabulous’ package😀
twitter.com

Raja "khoe" một số chip siêu bự vào 2020

Intel-Argonne-installation-1.jpg.jpg
Cho tới hiện tại, Aurora vẫn chưa hoàn thành

Pat Gelsinger và cuộc "thay máu"


Dù tới 2019, Bob đã có toàn quyền CEO, nhưng phần lớn các sự kiện công nghệ của Intel đều do Raja cầm trịch. Thực tế là hội đồng quản trị Intel vẫn tìm kiếm một nhân vật có đủ sức lèo lái công ty vì Bob dù sao không thích hợp để nhận định và dự đoán các xu thế công nghệ, không phải là người đảm lược.

ISC22 Rialto Bridge GPU.jpg
Rialto Bridge dự tính sẽ thay thế Ponte Vecchio

ISC22 Falcon Shores Flexible.jpg
Falcon Shores ban đầu là XPU (CPU+GPU)

Lúc bấy giờ đã từng có một số thảo luận rằng Raja sẽ là CEO tiếp theo của Intel. Tất nhiên nếu oneAPI thực sự thành công thì chẳng ai tốt hơn để giữ chức ấy. Ponte Vecchio có thể không hoàn hảo, nhưng nó là tiền đề cho các thế hệ Xe GPU tiếp bước. Sau Ponte Vecchio, Rialto Bridge là cái tên Xe GPU thứ 2 được nhắc đến tại sự kiện ISC 2022. Kế đó là Falcon Shores. Hãy chú ý Falcon Shores lúc này vẫn có mác XPU, chứng tỏ Raja vẫn còn tác động tới lộ trình sản phẩm của Intel.

Intel-March-2023-SC-GPU-Roadmap.jpg
Các dự án của Raja bị huỷ bỏ 1 năm sau đó

Nhưng tới tháng 3 năm sau, Intel bất ngờ ra thông cáo sẽ huỷ bỏ dự án Rialto Bridge. Còn Falcon Shores thuần tuý chỉ còn mác GPU (không phải XPU nữa). Không lâu sau đó, Raja thôi làm việc tại Intel. Chi tiết thú vị là đích thân Pat đăng dòng tweet "chia tay" với Raja ngay cùng ngày. Tuy đọc bề ngoài thì đấy là phép lịch sự nhưng suy xét lại cũng không khác câu "Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu" mà Trần Thủ Độ từng nói với Lý Huệ Tông là bao.

Raja Koduri (@RajaXg) on X

Thank you Pat and @intel for many cherished memories and incredible learning over the past 5 years. Will be embarking on a new chapter in my life, doing a software startup as noted below. Will have more to share in coming weeks.
twitter.com

Đoạn tweet "chia tay lịch sự" của Pat dành cho Raja

Và mới đây nhất, ServeTheHome cho hay Intel vừa thông báo với các đối tác rằng họ sẽ không cung cấp Ponte Vecchio nữa. Thay vào đó công ty này dường như đang dồn lực vào Gaudi 2/3 (chuyên dụng cho AI hơn) cũng như là Falcon Shores (không còn XPU) cho 2025 tới. Có vẻ Intel sẽ "ráng" làm đủ Ponte Vecchio cho Aurora và đó cũng là dấu chấm hết cho con chip siêu bự và siêu tốn kém này.

Nếu quả thật là thế, có nghĩa quãng thời gian gần 6 năm của Raja tại công ty này xem như là muối bỏ bể. Gần đây nhất, có rất nhiều tin đồn về tương lai thế hệ GPU Xe2 dành cho người dùng phổ thông với tên gọi Battlemage. Có nguồn cho thấy chúng vẫn tồn tại, nhưng có nguồn lại nói rằng nó sẽ bị hoãn ra mắt, hoặc thậm chí là không bao giờ được thấy ánh Mặt Trời! Sự chồng chéo này thể hiện team GPU mà Raja cất công xây dựng vẫn tiếp tục làm việc như kế hoạch ban đầu. Song khi Raja rũ áo ra đi thì tương lai của "đàn em" cũng rất mông lung vô định. Duy trì tiếp Intel Arc hay kết thúc nó hoàn toàn tuỳ thuộc vô "tâm tình" của Pat lúc này.

oneAPI code BMG.jpg
Tồn tại hay không tồn tại, đó mới là vấn đề

Phải chăng là trojan?


Từ đây trở đi là nhận định của riêng người viết. Bạn có thể xem là chuyện tiếu lâm cũng được.

Có thể nói mọi nghi vấn của mình xuất phát từ việc Raja xin nghỉ AMD hôm trước và lập tức qua Intel làm việc ngày hôm sau. Mặc dù mỗi quốc gia có quy định khác nhau về luật lao động song ở mảng công nghệ cao, nhất là những vị trí cao cấp nắm được nhiều bí mật tập đoàn, hành vi này gây ra nhiều câu hỏi về mức độ rủi ro bảo mật. Mà cả 2 vị trí gần nhất Raja nắm giữ ở AMD lẫn Intel đều phó chủ tịch cấp cao tập toàn, có nghĩa quyền hạn chỉ ở dưới CEO. Liệu chăng có thật sự Raja "bất mãn" với Lisa mà quay sang đối thủ để kiếm tiền?


Lisa và Raja hồi 2017

Tại thời điểm Raja sang Intel, sản phẩm của công ty này đang gặp một số vấn đề, đặc biệt với tiến trình 10 nm. Là những guru công nghệ, cả Lisa và Raja thừa hiểu Intel hoàn toàn không có khả năng làm ra một con GPU "xịn xò" đúng nghĩa. Về mặt phần cứng, Intel đang tụt hơi so với Samsung và TSMC. Về mặt phần mềm, code driver GPU khác 180 so với CPU. Bạn hầu như không bao giờ phải update driver CPU (trừ phi có bug), nhưng GPU sẽ lên đời liên tục. Để tối ưu phần mềm cho CPU, coder chỉ cần tải về compiler mới nhất. Nhưng để tối ưu game cho GPU thì AMD hay NVIDIA phải tích cực làm việc với các game studio. Nói cách khác tại thời điểm 2017, năng lực làm GPU của Intel là con số không tròn trĩnh (vẫn có IGP nhưng không đáng nhắc tới).

KL-Intel-i740-AGP.jpg
i740, chiếc card VGA duy nhất của Intel thời "tiền sử"

Nhưng Ponte Vecchio là một con chip siêu bự và quan trọng hơn là nó sử dụng tới 3 tiến trình bán dẫn khác nhau. Mặc dù có thể trách Brian có lỗi lớn nhất khi để Intel bị thua hụt về công nghệ, song việc đi thuê TSMC gia công chip với Pat mà nói là một "sự sỉ nhục" (Pat từng làm ở Intel một thời gian dài dưới sự dìu dắt của Andrew Grove, đến 2009 mới nghỉ việc). Và những dự án đi thuê TSMC đều xảy ra trong giai đoạn Raja xuất hiện ở Intel (cả Meteor Lake, Lunar Lake, Panther Lake, Alchemist, Battlemage). Không khó để nhận ra Ponte Vecchio sẽ gặp đủ các vấn đề về thiết kế, sản lượng, kiểm lỗi, vân vân và mây mây. Trì hoãn là dễ hiểu. Trong giới công nghệ, dự án càng trì hoãn nhiều nghĩa là càng đốt tiền nhiều. Lisa và Raja hiểu điều đó hơn ai hết.

Intel-Data-Center-Max-GPU-1100-Series-PCIe-at-SC22-6.jpg
Ponte Vecchio có tên thương mại Intel Data Center Max GPU

Sau cùng, là sự "đấu đá nội bộ" giữa các dự án chồng chéo. Gaudi và Xe GPU tuy bản chất khác nhau (1 bên là GPGPU, 1 bên là ASIC) nhưng cùng "đè" lên nhau ở mảng AI. Gaudi vốn đến từ Habana Labs, một công ty AI "bị" Intel mua lại. Trong lộ trình sản phẩm vài năm qua của Intel đều cho thấy Gaudi và Xe GPU có chung tập khách hàng. Vậy sales của Intel sẽ tư vấn như thế nào nếu họ có nhu cầu mua card tăng tốc AI từ Intel? Chọn Gaudi hay cho Xe GPU? Thật có chút đau đầu! Rõ ràng tình trạng "gà nhà đá nhau" cũng góp phần gây chia rẽ nội bộ không ít. Ai từng ở vị trí lãnh đạo cấp cao tự rõ điều này.

Intel ISC23 Press deck-09.jpg
Gaudi vs. Xe GPU

Vì thế dưới cái nhìn của một cựu nhân viên Intel, hẳn Pat sẽ thấy hoài nghi không ít kẻ đến từ công ty đối thủ kia. Và rõ ràng những dự án Raja "vẽ" ra, cho tới nay lợi nhuận đem về không bao nhiêu mà chi phí, thời gian, công sức phải bỏ ra quá nhiều.

Cá nhân mình cho rằng nếu vài năm tới, thương hiệu Intel Arc có trở thành dĩ vãng thì điều đó cũng không có gì khó hiểu 😃
32 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Tèo thì sắp tới sóng còn nhiều, có khi cả sóng thần 😆
arbre
TÍCH CỰC
24 ngày
@grozar Đấu đá nội bộ, dự án chồng chéo, bỏ rơi dự án hèn chi sản phẩm cũng trì trệ.
@grozar bị amd bỏ quá xa rồi
Boeing, Intel rất cần new CEO lúc này và new CEO nên là người Ấn Độ hoặc Đài Loan.
@Louis Tran 2019 Sao không phải người Việt nhỉ, thấy những mem tinh tế comment như chuyên gia, Intel phati thế này Google phải thế kia
tuha1288
TÍCH CỰC
24 ngày
@Doof Heinz Thật. Mem tinh tế coi mấy cty trăm tỏi, ngàn tỏi biden như đbrr mà ko ra ứng cử nó phí đi nhỉ
@arbre Đúng rồi ngày xưa tìm kiếm thì ra thông tin hữu ích giờ tìm kiếm toàn qc thông tin sai lệch dễ mang hoạ
@Louis Tran 2019 Tất nhiên là nhiều anh em không thích thậm chí kỳ thị người Ấn. Nhưng thực tế thì dân Elite của họ ở cái tầm rồi, kể sơ ra CEO Microsoft, IBM, Google, Adobe, Novartis , Starbuck,... thủ tướng Anh, ptt Mỹ,....
Intel giàu mà đốt vài tỷ $ có gì đâu 😆)))
Bài hay.
TLTR;

"Sóng ngầm" ở Intel - GPU Ponte Vecchio bị "kết án tử", dồn lực cho Falcon Shores

• Raja Koduri, cựu phó chủ tịch cấp cao của Intel, đã rời công ty sau gần 6 năm gắn bó. Sự ra đi của ông đánh dấu sự kết thúc của nhiều dự án đầy tham vọng, trong đó có GPU Ponte Vecchio và bộ xử lý trung tâm đồ họa (CPU) Rialto Bridge.

• Ponte Vecchio là một dự án chip tham vọng của Intel, được thiết kế cho các siêu máy tính. Tuy nhiên, dự án này đã bị trì hoãn nhiều lần và không đáp ứng được kỳ vọng. Intel hiện đã hủy bỏ Ponte Vecchio và chuyển hướng sang các dự án khác, bao gồm GPU Falcon Shores.

• Sự ra đi của Raja Koduri cũng đặt dấu hỏi về tương lai của mảng GPU của Intel. Intel Arc, dòng GPU dành cho người tiêu dùng của công ty, vẫn chưa đạt được thành công như mong đợi. Có thông tin cho rằng Intel có thể sẽ từ bỏ mảng GPU hoặc hoãn ra mắt các sản phẩm GPU trong tương lai.

• Những thay đổi gần đây tại Intel phản ánh những thách thức mà công ty đang phải đối mặt trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ như AMD và NVIDIA. Intel đang cố gắng bắt kịp về mặt công nghệ và giành lại thị phần đã mất. Tuy nhiên, con đường phía trước còn nhiều khó khăn và Intel cần phải có những chiến lược đúng đắn để thành công.
@dungdung1341 Thay mặt Đảng, Nhà Nước, Nhân dân và chính quyền địa phương tôi trân trọng cám ơn sự đóng góp to lớn của đồng chí
@sốt-siêu-vi-sốt-phát-ban-2024 Có gì đâu, bảo Chat GPT-4o tổng hợp đó mà, nhưng mà nó tổng hợp không đúng, phiên phiến 50-60% thông tin chính xác thôi
Nhân tài ko lo chỗ dụng võ
Các hạ chỉ cần có tài có thể đầu quân cho Huawei nhé
@Doãn_Chí_Bình Làm chừng đó năm cho Intel, AMD, Apple với vị trí cấp cao mà nhảy sang Huawei là dễ bị mấy anh Mẽo cho ăn cơm nhà nước lắm.
@Doãn_Chí_Bình Về tàu+ cho bị ăn hành hay gì 😆
Intel giờ thêm QC nhảy vô cạnh tranh nữa sao thở nổi đây
Raja Koduri, tướng tài nhưng cứ đổi chủ suốt thì cũng chẳng nên cơm cháo gì. Quanh đi quẩn lại mãi không tìm đc chỗ phù hợp để cống hiến tâm sức, cứ loay hoay tìm "chỗ" mãi, chỗ này vài năm chỗ kia vài năm, cả thèm chóng chán.
Riêng đối với Tèo thì với sự tham gia của QC vào thị trường chip PC thì nay mai còn sóng gió bão bùng dài dài.
Driver cũa Xe là do đội dev bên Nga làm, sau COVID thì chiến tranh Nga Ukr bùng nổ, + tình hình cấm vận khiến cho đội dev đó k reallocate qua các nước thân thiện với Intel, dẫn tới driver lỗi liên tục giai đoạn 2022-2023, làm gpu đắp kệ sale k được hàng thì dù Raja có 3 đầu 6 tay cũng phải chịu phép. Ổng hết thời thôi.
@godofspace Lần đầu nghe đội Nga làm
GLES
TÍCH CỰC
24 ngày
@godofspace Đợt 2022 thì đúng là job low level C/C++ đổ về rất nhiều từ chiến tranh Nga ngố và U Cà. Còn vụ intel dev driver ở Nga ngố lần đầu nghe thấy, bác có thêm thông tin ko? cho mình xin
trước QC còn nghèo, lượm nó luôn thì giờ Intel ngon rồi 😁
Ông Raja này đợt làm ở AMD cũng có gánh nổi đâu, đợt đó card AMD vừa nóng vừa ngốn điện lại còn chậm.
Kèo căng quá
Intel Arc không hắn là tệ ở mức khởi đầu mà do các đối thủ có những bước tiến quá mạnh mẽ. Để đủ sức cạnh tranh thì sẽ phải đổ thêm rất nhiều tiền nên có thể bị dẹp bỏ để đảm bảo về lợi nhuận trong tương lai gần.
Đầu tư dài hạn chắc chắn tốn kém mà chưa chắc đã thành công.
Qua tinh tế liền, CEO tiên tài trên đây đông như quân nguyên ấy.
Tóm tắt, AMD đã rất thành công khi chuyển nhượng Raja cho Intel.
Intel có 1 cái ngu là chỉ ôm CPU, giờ đi thiết kế GPU từ đầu thì đã muộn rồi, nếu tự thiết kế được thì AMD đã ko phải bỏ tiền ra mua ATI ngày xưa. Intel quen thói con buôn ôm thị trường bằng cách đi đêm cửa sau với các hãng, giờ công nghệ nó tụt hậu với AMD về mặt thiết kế, giờ fab cũng tụt luôn. có khả năng 10 năm tới intel và AMD thay vị trí cho nhau
amdxxx
TÍCH CỰC
23 ngày
Thanks bài viết! Đọc bài mới thấy tầm quan trọng to lớn của vị trí CEO ở các c.ty thuần công nghệ như Intel/AMD/Nvidia ...

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019