Logo thời trang không thể đi theo những xu hướng chỉ được tính bằng ngày trong khi đang tham vọng biến thương hiệu của mình trở thành cái tên sống mãi với thời gian.
Thiết kế logo thời trang không chủ động tạo ra thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Mà ngược lại chính khách hàng là người xây dựng mối dây liên kết thiên về cảm xúc, đối với từng logo của thương hiệu thời trang mà họ yêu thích.
Vì thế không nhiều nhà mốt mặn mà với việc thiết kế logo dựa trên những xu hướng thức thời. Thay vào đó họ tham vọng vẽ nên những bản thiết kế logo đủ sức trường tồn theo thời gian. Dưới đây sẽ là 10 ví dụ điển hình như vậy đến từ các thương hiệu hàng đầu thế giới.
Nguồn hình ảnh shutterstock
Thiết kế logo thời trang không chủ động tạo ra thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Mà ngược lại chính khách hàng là người xây dựng mối dây liên kết thiên về cảm xúc, đối với từng logo của thương hiệu thời trang mà họ yêu thích.
Vì thế không nhiều nhà mốt mặn mà với việc thiết kế logo dựa trên những xu hướng thức thời. Thay vào đó họ tham vọng vẽ nên những bản thiết kế logo đủ sức trường tồn theo thời gian. Dưới đây sẽ là 10 ví dụ điển hình như vậy đến từ các thương hiệu hàng đầu thế giới.
Logo thời trang Hugo Boss
Nguồn hình ảnh shutterstock
Logo của thương hiệu Hugo Boss là một trong những thiết kế đáng ngưỡng mộ nhất trong thế giới thời trang. Logo thời trang của thương hiệu đứng trước áp lực phải nói lên tinh thần tiên phong, lãnh đạo và phần nào đó là sự quyền quý đúng với tên gọi của công ty – Boss.
Vì thế font chữ tối giản cùng với hai sắc màu chủ lực đen trắng đã được lựa chọn. Hugo Boss cho rằng đây là hai màu thường xuyên được chính phủ và lãnh đạo cấp cao tin dùng. Nó làm toát lên vẻ sang trọng, đẳng cấp và dễ dàng nhận diện đối với khách hàng.
Logo thời trang Ray-Ban
Nguồn hình ảnh shutterstock
Hướng đến tính toàn cầu trong quá trình xây dựng thương hiệu. Thiết kế logo thời trang của Ray-Ban như muốn tuyên bố với cả thế giới rằng, bất cứ ai cũng có thể sở hữu sản phẩm và trở thành khách hàng của họ. Thiết kế logo thời trang của thương hiệu ra mắt từ năm 1936 vì thế dựa trên nền tảng của sự cổ điển, phóng khoáng và ngay lập tức tạo nên thiện cảm về tính thẩm mỹ.
Nét chữ viết tay mang lại cảm giác đặc biệt và hoài cổ đúng theo tinh thần thương hiệu. Khách hàng có thể ngay lập tức liên tưởng đến lối sống thoải mái, hoang dã và nuông chiều bản thân nhiều hơn. Cũng chính nhờ nét chữ viết tay này trên logo thương hiệu mà Ray-Ban đã trở thành cái tên nổi bật và dễ nhớ ở trên thị trường.
Logo thời trang Calvin Klein
Nguồn hình ảnh shutterstock
Quảng cáo
Thiết kế logo của Calvin Klein là đại diện của sự giản đơn, sạch sẽ nhưng không kém phần sang trọng. Dù liên tục thay đổi và biến hoá sau nhiều năm, nhưng thiết kế logo của thương hiệu này vẫn là biểu tượng cho sự hào nhoáng mà không cần thiết phải phô trương.
Được tạo ra bởi nhà thiết kế tài ba Welsh Jeffrey vào năm 1970, thiết kế logo thời trang của Calvin Klein sử dụng font chữ Futura bao gồm hai thành tố. Một là wordmark Calvin Klein theo đúng tên của nhà mốt khai sinh, hai là biểu tượng viết tắt CK vốn thường xuyên được sử dụng trong các thiết kế sản phẩm của hãng. Thương hiệu hiện thuộc quyền sở hữu của PVH Corp, cùng với hàng loạt tên tuổi danh tiếng khác như Olga hay Tommy Hilfiger.
Logo thời trang Gucci
Nguồn hình ảnh shutterstock
Cũng như Calvin Klein, tên gọi của Gucci cũng gắn liền với tên khai sinh của nhà sáng lập thương hiệu Guccio Gucci. Sử dụng một màu đen duy nhất cho cả wordmark lẫn biểu tượng thiết kế logo, logo của Gucci có thể linh hoạt sử dụng và ứng dụng trong nhiều hoạt động hay phương tiện truyền thông khác nhau.
Thiết kế logo thời trang sử dụng kỹ thuật monogram, bằng cách lồng ghép hai chữ cái vào nhau và tuỳ biến để tạo thành một tổng thể liền lạc. Được thiết kế một cách đối xứng, nên logo của Gucci mang tính nhận diện rất cao vì cho dù được bố trí như thế nào đi chăng nữa. Hoặc khi người tiêu dùng vô tình lộn mặt trái của logo trên khoá túi xách và thắt lưng ra ngoài, thì ý nghĩa và hình tượng thiết kế của Gucci vẫn không hề mất đi.
Quảng cáo
Logo thời trang Versace
Nguồn hình ảnh shutterstock
Logo của Versace sử dụng hình tượng nữ thần Medusa cùng chi tiết đường viền đều xuất phát từ thần thoại Hy Lạp. Gianni Versace – nhà sáng lập của thương hiệu này đã chia sẻ rằng hình tượng nữ thần Medusa được chọn là bởi vì, theo truyền thuyết người phụ nữ này có siêu năng lực làm cho mọi người đều phải yêu mình ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Gianni Versace hy vọng rằng thiết kế logo thời trang sử dụng hình tượng Medusa cũng sẽ mang lại hiệu ứng tương tự, từ phía thị trường cũng như khách hàng trung thành của thương hiệu.
Logo thời trang Jimmy Choo
Nguồn hình ảnh shutterstock
Jimmy Choo là một thương hiệu thời trang cao cấp đến từ Vương quốc Anh, là cái tên không thể xoá nhoà trong trí nhớ của hội chị em đam mê giày cao gót nói riêng.
Với thành phần biểu trưng ở trong thiết kế logo, Jimmy Choo khéo léo kéo dài độ bo tròn của hai chữ viết tắt J và C, để gợi nhớ đến hình ảnh của hai chữ O tròn cũng đồng thời xuất hiện trong tên gọi thương hiệu. Nhưng sự tinh tế của Jimmy Choo không dừng lại ở đó, mà còn xuất hiện cả trong thiết kế của thành tố wordmark.
Sử dụng font chữ serif tuỳ chỉnh, thiết kế logo thời trang của Jimmy Choo sở hữu thành phần wordmark đơn giản, sang trọng nhưng vẫn đầy sức cuốn hút. Bằng các chi tiết gạch chân cùng dáng chữ siêu mảnh, người tiêu dùng cũng như giới mộ điệu có thể phần nào suy đoán ra tinh thần và giá trị trực tiếp của thương hiệu.
Tuy nhiên độ dài của “Jimmy” và “Choo” tương đối chênh lệch nhau, nên nhà thiết kế đã cố tình tạo ra độ mỏng của bộ đôi hai chữ M, đồng thời tạo ra hình ảnh bộ đôi chữ O tròn trịa một cách hoàn hảo. Nhờ đó thành tố wordmark Jimmy Choo mang đến sự cân bằng hoàn hảo về phần nhìn, thể hiện sự tinh tế và phần nào đó là cầu toàn của đội ngũ xây dựng hình ảnh thương hiệu.
Logo thời trang Dolce & Gabbana
Nguồn hình ảnh shutterstock
Thương hiệu Dolce & Gabbana được thành lập bởi hai nhà mốt danh tiếng là Domenico Dolce và Stefano Gabbana, thiết kế logo của thương hiệu cũng lấy cảm hứng từ hai chữ cái viết tắt trong tên của bộ đôi này.
Không như phần lớn các thương hiệu ứng dụng thiết kế chữ viết tắt của tên nhà mốt vào trong logo, thiết kế logo thời trang của Dolce & Gabbana hoàn toàn không sử dụng kỹ thuật lồng ghép monogram. Thay vào đó hai chữ viết tắt D và G cùng với wordmark Dolce & Gabbana được sử dụng theo font sans serif hiện đại, mang phong cách Baroque cổ điển và đặc biệt hấp dẫn khi nhìn nhận đến yếu tố nghệ thuật thị giác.
Logo của thương hiệu Dolce & Gabbana chính là ví dụ điển hình cho sự kết hợp giữa cách tiếp cận hiện đại, cùng với định hướng chức năng đơn giản trong thiết kế.
Logo thời trang Burberry
Nguồn hình ảnh shutterstock
Vương quốc Anh không chỉ tự hào với Jimmy Choo, mà từ trước đó rất lâu đời đất nước này đã được thế giới thời trang biết đến rộng rãi thông qua thương hiệu Burberry – thành lập từ tận giữa thế kỷ 19 bởi nhà mốt Thomas Burberry.
Biểu tượng oai phong của chàng hiệp sĩ cưỡi ngựa đã song hành cùng thương hiệu Anh Quốc từ hơn 100 năm trước, nhưng mọi thứ thay đổi chóng mặt từ khi Riccardo Tisci – Giám đốc sáng tạo mới của thương hiệu này bắt đầu nhậm chức. Ông định hình thiết kế logo phải đi theo xu hướng hiện đại, tôn sùng phong cách tối giản và thể hiện giá trị thương hiệu một cách trực quan.
Thiết kế logo với thành phần duy nhất là wordmark tên thương hiệu ra đời, được thể hiện qua font chữ không chân hiện đại, nét viết đậm và vững chắc dưới bàn tay thiết kế của chuyên gia đồ hoạ Peter Saville. Theo cách mô tả của nhà thiết kế này, logo mới của Burberry “nhìn như đã tồn tại từ lâu, nhưng đồng thời không kém phần hiện đại và sang trọng cần thiết.”
Cho đến hiện tại, thiết kế logo thời trang theo đuổi xu hướng kỹ thuật số và ưu tiên tính đơn giản này, đã ghi nhận hàng loạt kết quả kinh doanh ấn tượng cho thương hiệu Burberry.
Logo thời trang Givenchy
Nguồn hình ảnh shutterstock
Năm 1995 ông Bernard Arnault – giám đốc điều hành LVMH đã nói như thế này về Givenchy: “Đây là thương hiệu có sự pha trộn giữa hiện đại và cổ điển trong mọi sản phẩm thiết kế.” Quả thật như vậy, khi nhìn vào thiết kế logo thời trang của Givenchy thì người ta có thể vỡ ra rất nhiều điều, làm liên tưởng đến cả yếu tố truyền thống lẫn hiện đại.
Người thì nói rằng logo của Givenchy mang chút hơi hướng của thần thoại Hy Lạp, có người lại ngay lập tức hình dung đến một mật mã QR khi nhìn vào tính phức tạp vốn có của nó. Tuy nhiên khi đặt thiết kế này dưới góc nhìn đơn giản nhất, chúng ta có thể ngay lập tức nhận ra sự xuất hiện cùng lúc của bốn chữ G, được bố trí xoay mặt vào nhau để tạo thành một khối hình vuông hoàn hảo.
Thiết kế này làm gợi nhớ đến ngôn ngữ thiết kế của những món trang sức đến từ Ireland, được tạo ra bởi một loạt yếu tố cân xứng và xoay mặt vào nhau để tạo thành một khối hình thể hoàn chỉnh.
Logo thời trang Louis Vuitton
Nguồn hình ảnh shutterstock
LVMH không chỉ có Givenchy, mà thương hiệu mang đến sự tự hào lớn nhất và lòng tự tôn cao nhất của ông trùm thời trang phải là Louis Vuitton – còn được biết đến rộng rãi qua cái tên viết tắt là LV. Đây là thương hiệu được ra đời từ tận năm 1854 tại Paris, thủ đô nước Pháp và có xuất phát điểm là nhà cung cấp sản phẩm hành lý, như vali cỡ lớn hay túi xách cá nhân các chủng loại.
Louis Vuitton có lẽ là thương hiệu mang đến hiệu ứng vang dội nhất khi sử dụng kỹ thuật lồng ghép các chữ cái viết tắt, vào trong thiết kế logo thời trang của mình. Ít người biết rằng, logo ghép chữ LV được tạo ra bởi con trai của nhà sáng lập Louis Vuitton, ông Georges Vuitton vào năm 1896 để chính thức nâng tầm thương hiệu.
Không sử dụng kỹ thuật phản chiếu hai đối xứng cân bằng như Gucci, logo thời trang của thương hiệu Louis Vuitton được tạo thành bởi một chữ L in nghiêng và một chữ V thẳng đứng, ngay ngắn. Điều này giúp làm nên một tổng thể hài hoà cả về thiết kế lẫn mắt nhìn, góp công lớn mang lại hiệu ứng tích cực trên toàn cầu của thiết kế logo LV.
Lời kết
Xu hướng thiết kế logo thời trang ngày nay đi theo hai xu hướng chủ đạo. Một là vô cùng đơn giản với thành phần chính là wordmark tên thương hiệu hoặc là hai chữ cái viết tắt, như trường hợp của D&G. Hai là sử dụng kỹ thuật lồng ghép chữ cái, tạo thành một hình khối đạt đến độ hoàn hảo của nghệ thuật thị giác. Sau đó sử dụng chúng như một chi tiết điểm nhấn trên sản phẩm của mình, như khoá cài thắt lưng hay nút cài túi xách chẳng hạn.
Nguồn bài viết:
https://vudigital.co/10-thiet-ke-logo-thoi-trang-khong-bao-gio-loi-thoi.html