Tương lai của Wi-Fi sẽ ra sao? 802.11ac Wave 2, 802.11ax và hơn thế nữa

Duy Luân
7/7/2014 15:35Phản hồi: 63
Tương lai của Wi-Fi sẽ ra sao? 802.11ac Wave 2, 802.11ax và hơn thế nữa
Wi-Fi_tuong_lai.jpg

Trong khoảng một năm trở lại đây, chúng ta đã bắt đầu thấy sự xuất hiện của ngày càng nhiều các thiết bị tương thích chuẩn Wi-Fi 802.11ac, từ máy tính, điện thoại cho đến router phát sóng không dây. Đến tháng 12/2013, chuẩn mạng này đã chính thức được phê chuẩn bởi Viện nghiên cứu kĩ thuật điện, điện tử (IEEE). Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết rằng những gì xảy ra trong thời gian qua với Wi-Fi 802.11ac chỉ mới là giai đoạn đầu tiên mà thôi. Vậy điều gì sắp diễn ra trong thời gian tới?

802.11ac và tương lai gần


Theo Cisco, hiện chúng ta đang ở giai đoạn "Wave 1" của Wi-Fi 802.11ac, sau đó sẽ có thêm "Wave 2" (đầu năm 2015) và thậm chí là "Wave 3". Bạn hãy nhìn biểu đồ bên dưới, đường màu đỏ là tốc độ tối thiểu, đường màu xanh dương là tốc độ phổ biến. Đường màu đen ghi chữ Product Max là tốc độ tối đa chúng ta có thể thấy trên các sản phẩm thương mại, còn đường STD Max là tốc độ cao nhất có thể đạt được theo cấu hình lý thuyết.

Wi-Fi_ac_wave.jpg


Về mặt lý thuyết, Wi-Fi 802.11ac sẽ cho tốc độ cao gấp ba lần so với Wi-Fi 802.11n ở cùng số luồng (stream) truyền, ví dụ ở Wave 1, khi dùng ăng-ten 1x1 thì Wi-Fi ac cho tốc độ 450Mb/s, trong khi Wi-Fi n chỉ là 150Mb/s. Còn nếu tăng lên ba luồng, Wi-Fi ac có thể cung cấp 1300Mb/s, trong khi Wi-Fi n chỉ là 450Mb/s. Lên đến Wave 2, tốc độ của Wi-Fi ac trong các máy móc bán ra sẽ vào khoảng 3500Mbps, tức nhanh hơn 2,69 lần so với hồi Wave 1. Nếu xét về tốc độ tối đa thì con số này là 7000Mbps.

Tất nhiên, những con số trong biểu đồ chỉ là tốc độ tối đa trên lý thuyết, còn trong đời thực thì tốc độ này sẽ giảm xuống tùy theo thiết bị thu phát, môi trường, vật cản, nhiễu tín hiệu... nhưng nói chung là tốc độ của chuẩn ac nhanh hơn rất nhiều so với những gì chuẩn n có thể đạt được.

Cũng cần phải nói thêm rằng mãi đến tháng 12 năm ngoái thì 802.11ac mới được phê chuẩn, còn những thiết bị ra mắt trước đó thực chất chỉ sử dụng phiên bản 802.11ac "nháp" (thuộc Wave 1). Điều này không có nghĩa là tốc độ truyền tải của những sản phẩm này chậm hơn, chỉ là các đặc tả kĩ thuật dùng để triển khai thiết kế bộ thu - phát sóng chưa được IEEE chính thức thông qua mà thôi. Điều tương tự cũng từng diễn ra với Wi-Fi chuẩn n nhiều năm về trước.

Vậy làm thế nào mà các thiết bị Wave 2 có thể đạt được tốc độ nhanh hơn trong khi vẫn sử dụng cùng đặc tả 802.11ac? Đó là do các máy móc đời mới sẽ kết hợp nhiều kênh thuộc băng tần 5GHz lại với nhau để tạo ra một kênh có băng thông 160MHz. Các router 802.11ac Wave 1 cũng có khả năng này, nhưng kênh gộp lại chỉ rộng 80MHz mà thôi.

Ngoài ra còn một yếu tố khác nữa giúp tốc độ Wave 2 nhanh hơn Wave 1, đó là số lượng spatial stream được tăng lên. Mỗi spatial stream là một luồng dữ liệu được truyền đi bằng công nghệ đa ăng-ten MIMO. Nó cho phép một thiết bị mạng có thể phát đi cùng lúc nhiều tín hiệu bằng cách sử dụng nhiều hơn một ăng-ten. 802.11n có thể đảm đương tối đa 4 stream, còn 802.11ac Wave 1 là 3 stream. Lên đến 802.11ac Wave 2, con số này được tăng thành 8 stream khác nhau, tức là hơn gấp đôi so với Wave 1. Tương ứng với đó sẽ là 8 ăng-ten, còn gắn trong hay ngoài thì tùy nhà sản xuất nhưng thường họ sẽ chọn giải pháp gắn trong để đảm bảo tính thẩm mỹ.

Beam_Forming.png
Beamforming - một kĩ thuật mới của Wi-Fi 802.11ac

Có một điểm lưu ý, đó là không phải thiết bị nào cũng sẽ hỗ trợ cả hai biện pháp gộp băng thông và tăng số lượng spatial stream. Hầu hết những chiếc router không dây sắp bán ra sẽ xài một trong hai công nghệ này, kết hợp với các kĩ thuật cải tiến tín hiệu như Beamforming để định hướng tín hiệu truyền nhận, từ đó tăng tốc độ trao đổi dữ liệu.

Nếu muốn tìm hiểu kĩ hơn về Wi-Fi 802.11ac, mời bạn đọc bài viết Một số thông tin cơ bản về 802.11ac, chuẩn Wi-Fi thế hệ thứ năm

Quảng cáo


Thế hệ mạng không dây kế tiếp: Wi-Fi 802.11ax?

Trong một phiên thảo luận gần đây, Phó chủ tịch mảng công nghệ của Liên minh Wi-Fi - ông Greg Ennis - đã cho biết 802.11ac sẽ được thay thế bởi một chuẩn mới hơn là 802.11ax. Tất nhiên điều đó sẽ không diễn ra trong tương lai gần đâu bởi IEEE dự báo rằng đến tháng 3/2019 thì họ mới có thể chính thức phê chuẩn cho chuẩn mạng mới này. Tuy nhiên, chúng ta có thể sẽ thấy các sản phẩm sử dụng 802.11ax xuất hiện sớm nhất vào năm 2016. Và lại một lần nữa, những thiết bị này sẽ sử dụng bộ đặc tải kĩ thuật "nháp", cũng y hệt như 802.11n "nháp" và 802.11ac "nháp" vậy.

Wi-Fi-80211ax.png

Ennis cho biết thêm rằng mục tiêu hàng đầu của 802.11ax đó là tăng gấp 4 lần tốc độ mạng đến từ thiết bị cá nhân, không chỉ là tăng tốc độ của cả mạng lưới. Hãng sản xuất Huawei, vốn có kĩ sư nằm trong nhóm phát triển của IEEE, mới đây đã thử nghiệm thành công việc truyền tải dữ liệu theo chuẩn 802.11ax với tốc độ 10,53Gbps trên băng tần 5GHz. Liên minh Wi-Fi và IEEE hi vọng chuẩn mạng mới sẽ giúp việc kết nối của người dùng trở nên dễ dàng hơn, nhất là ở những nơi đông người như bệnh viện, công viên, công sở, sân bay, ga tàu... Hai cơ quan này cũng đang làm việc để giúp việc kết nối vào các điểm phát Wi-Fi được nhanh và ổn định hơn.

Chuẩn 802.11ax sẽ sử dụng phương pháp cho phép truy cập trực giao theo kiểu chia tần số (orthogonal frequency-division multiple access - OFDMA) để giúp tăng lượng dữ liệu mà router có thể truyền tải. Phương pháp này sẽ mã hóa dữ liệu trên nhiều tần số phụ để "đóng gói" được nhiều thông tin hơn trong cùng một không gian. Chữ "multiple access" trong OFDMA có nghĩa là mỗi một tần số phụ như thế sẽ được gán cho một người dùng độc lập, đảm bảo không xung đột với những người khác đang cùng truy cập mạng.

Vẫn còn một số chuẩn mạng khác đang được phát triển


Ngoài 802.11ax, IEEE cũng đang làm việc để xây dựng nên các chuẩn mạng khác nhằm giải quyết những nhu cầu khác. Một chuẩn mà chúng ta mới nghe được đó là 802.11ad, hay còn được gọi bằng cái tên WiGig. Chuẩn mạng này hứa hẹn mang lại tốc độ lên đến vài Gigabit trên băng tần 60GHz, ngoài ra nó cũng hỗ trợ thêm băng tần 2,4GHz và 5GHz truyền thống. Số lượng ăng-ten mà một thiết bị 802.11ad có thể sử dụng lên tới 10 cái, cao hơn con số 8 của 802.11ac và 4 của 802.11n.

Quảng cáo


WiGig_Alliance_Logo.jpg

Ở triển lãm MWC 2014, công ty Wilocity (Israel) đã trình diễn bản mẫu của con chip "Sparrow Wil6300" 60GHz và họ đạt được tốc độ truyền tải tối đa vào khoảng 7Gbps. Tốc độ này tương đương với khả năng phát sóng của một router 802.11ac với 8 ăng-ten, trong khi con chip 802.11ad nói trên lại rất nhỏ gọn. Mới đây Qualcomm đã mua lại Wilocity để tiếp tục tích hợp chuẩn mạng mới vào các SoC di động và trước mắt sẽ có chip Snapdragon 810 hỗ trợ 801.11ad khi nó chính thức được phân phối.

Vấn đề của WiGig đó là băng tần 60GHz có thể mang lại tốc độ cao nhưng khả năng truyền đi xa lại kém, ngoài ra việc truyền sóng xuyên qua các bức tường, chướng ngại vật cũng là một bài toán cần giải quyết. Nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về giá trị thương mại dài lâu của băng tần này. Họ cho rằng WiGig chỉ phù hợp với những tình huống sử dụng ở khoảng cách ngắn, ví dụ như hai thiết bị di động trao đổi tập tin cho nhau, dock mở rộng laptop (Dell Wireless Dock 5000), thiết bị truyền nội dung HD (DVDO Air) hoặc mục đích chơi game độ phân giải cao trong mạng nội bộ. Còn nếu muốn truyền tín hiệu đi xa hơn, thiết bị WiGig sẽ phải chuyển sang dùng băng tần 2,4GHz hoặc 5GHz.

Dell.jpg
Dell Wireless Dock 5000

Ngoài Qualcomm, trong liên minh WiGig còn có nhiều cái tên nổi tiếng khác như AMD, Intel, Broadcom, Cisco, Microsoft, Nokia, NVIDIA, Panasonic, Samsung, Toshiba và tất nhiên là có cả Wilocity. Liên minh Wi-Fi sẽ cho phép dán tem "WiGig Certified" lên các thiết bị tương thích đầy đủ với chuẩn 802.11ad.

Song song đó, IEEE còn xây dựng thêm chuẩn 802.11ah. Về mặt kĩ thuật thì nó trái ngược so với 802.11ad. Chuẩn ah hoạt động ở băng tần thấp hơn là 900MHz, chính vì thế nó có thể dễ dàng đi xuyên qua tường và các chướng ngại vật. Tuy nhiên, 802.11ah lại không có băng thông rộng như ad. Tốc độ truyền dữ liệu tối đa chỉ vào khoảng 100Kbps đến 40Mbps, thậm chí còn chậm hơn nhiều so với các chuẩn Wi-Fi mà chúng ta đang xài hiện nay. Bù lại, tầm phủ sóng của thiết bị ah sẽ xa hơn, mức độ tiêu thụ năng lượng cũng thấp hơn nhiều so với các chuẩn Wi-Fi khác.

Wi-Fiah.png

Vậy ứng dụng của 802.11ah sẽ ra sao? Nó có thể được dùng trong các cảm biến, các thiết bị gia dụng thông minh để truyền tải dữ liệu về bộ xử lý trung tâm. Thường loại dữ liệu xuất phát từ những sản phẩm này không lớn, chính vì thế băng thông hẹp cũng đã đủ dùng. 802.11ah có thể được xem như đối thủ của kết nối ZigBee và Z-Wave trong mảng thiết bị Internet of Things (tức các thiết bị gia dụng có thể kết nối mạng). IEEE dự kiến sẽ phê chuẩn cho 802.11ah vào tháng 1 năm 2016.

Và rồi chúng ta có 802.11ai. Chuẩn mạng không dây này vẫn còn trong giai đoạn rất sơ khai và nó được thiết kế để rút ngắn thời gian truy cập mạng của một thiết bị di động với router không dây. Bằng cách đơn giản hóa quy trình xác thực và gán địa chỉ IP, thời gian thiết lập ban đầu để vào mạng sẽ giảm đi khoảng 2-3 giây. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng smartphone, tablet sẽ có nhiều thời gian hơn trong việc thật sự sử dụng Internet được cấp bởi router không dây.

wifi-adv-802-11ai-fh_504x225_v2.png

Ngoài ra, 802.11ai còn cải thiện quá trình chuyển tiếp router không dây. Ví dụ, khi bạn đang ở quán cà phê A, bạn sẽ truy cập vào bộ điện tuyến của quán. Khi bạn di chuyển sang quán ăn B kế bên, thiết bị di động của bạn sẽ tự động chuyển sang xài mạng của B mà không cần sự can thiệp của người dùng. Thời gian đứt kết nối gây ra bởi việc chuyển tiếp cũng sẽ được rút ngắn nhờ vào 802.11ai. Nó cũng giúp hạn chế việc không thể truy cập mạng tại những nơi có đông người sử dụng Wi-Fi.

Kết


Với 802.11ac, ad, ax và ah, có vẻ như tương lai của Wi-Fi sẽ khá rối rắm vì có quá nhiều chuẩn xuất hiện. Tuy nhiên, chuẩn nào được sử dụng rộng rãi, chuẩn nào sẽ được sử dụng trong phạm vi hẹp thì vẫn chưa biết được. Dù sao đi nữa thì trong vài năm tới đây, chúng ta sẽ được chứng kiến một "cuộc cách mạng của Wi-Fi" với hàng loạt những thiết bị mới ra đời. Chúng sẽ hỗ trợ cho những chuẩn mạng không dây nhanh hơn, hiệu quả hơn và đáp ứng cho các mục đích khác nhau, từ việc điều khiển các cổ máy công nghiệp to lớn cho đến bật tắt bóng đèn trong nhà. Một tương lai như thế chắc chắn sẽ rất thú vị, chúng ta hãy chờ xem sao.

Tham khảo: PCWorld, IEEE, Qualcomm (1), (2)
63 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

em chỉ thích tương lai gần đi đâu cũng có wifi miễn phí. vừa đỡ tốn tiền vừa tốc độ cao thôi. 802.11ac hay gì gì cũng được. đó mới là một phần của xã hội phát triển và thông minh chứ. đằng này mỗi tháng 70k được 5 ngày tốc độ tạm được, 25 ngày còn lại liên tục chửi thề :oops:
@kiemphisongdao 70k to quá. adsl 250k/1 tháng rồi 😁
@hieupy89 thế ra đường thì mang ADSL theo sài nhé
cantho_
TÍCH CỰC
10 năm
@kiemphisongdao Tương lai là trên toàn thế giới là thế, vn thì chưa chắc, mọi người dân vn đều mong muốn như thế
@trantrungkien.ct 70K/1 tháng ra đường đem theo đòi như tốc độ 250K adsl được voi đòi 2 bà trưng rồi.
Muốn 3G mạnh như adsl xài thoải mái giá 300-400K so với giá 250K adsl
wifi chuẩn n còn chưa được dùng 😔
@toan tran 1992 ko phải khinh chứ bác đang ở trên núi à @.@
@trankhanh2210 ở nông thôn 😔
bà cô cạnh nhà mình lắp wifi nhưng không cho mình pass 😔 làm thế nào bây giờ? khi mà 3G 5kb/s thì sống làm sao
@Mi Xì Trét Bà Tám Ng
u thì chấp nhận ng
u đi con.
@JerryKist Ờ , cứ việc ẳng nhặng xị đi con 😁
Tao đạp phải đuôi của mày à ?
Xin lỗi nha, ngoan nào ngoan nào :p







Gõ xong và gửi đi tức thì từ vỉa hè Tinh Tế !
@Tú art thì bạn kéo net rồi không cho bà cô gần nhà biết pass là hòa.....;););)
@Tú art thì bạn kéo net rồi không cho bà cô gần nhà biết pass là hòa.....;););)
Tình hình này chắc mỗi năm thay một cái wifi rùi ;)
phát triển không đồng nhất các thiết bị cứ bị lạc hậu nhanh chóng
Đang dùng ac1750 (ac=1300 + n=450)
shakaro
TÍCH CỰC
10 năm
Mình ước ở VN tốc độ full n là OK rồi. Ko biết ở TP thế nào chử ở quê toàn bóp băng thông quá.
badboyasd
TÍCH CỰC
10 năm
AB, AC, A.... CHÚNG TA CẦN TẤT CẢ CÁC CHỮ TRONG BẢNG CHỮ CÁI.
vtsn
ĐẠI BÀNG
10 năm
Trong tương lai, wifi sẽ chỉ có "quai" mà không cần "phai" nữa 😁
3G lên 4G định vượt mặt wifi .
wifi lên thêm 1 bậc vượt xa lại 3G.
Dữ liệu ngày càng phình to, tốc độ cần phải nhanh hơn . đó là đà tiến tất yếu
Hỏi ngu tí, router chuẩn n, dt chuẩn ac và chuẩn n, thì cái dt nào bắt wifi tốt hơn🆒
Xperios
TÍCH CỰC
10 năm
@ba vuong tri Bắt sóng wifi tốt hơn thì ko phụ thuộc vào chuẩn nào cả.
Cứ chipset xịn ví dụ như chipset của Broadcom chẳng hạn, rồi thiết kế bao nhiêu ăng ten, ăng ten để lộ thiên hay là để ngầm, để lộ thiên thì xấu nhưng bù lại cho khả năng bắt sóng khỏe hơn.
Đại loại là vậy.
@Xperios Tui hỏi thế là vì con z2 cua tui bắt sóng wifi kém hơn hẳn con lumia 625, 3g thì kém hơn con g2, thật chẳng hiểu nó ra lam sao nửa:eek:
hieutu007
TÍCH CỰC
10 năm
@ba vuong tri Không chỉ Z2 mà iphone 5s cũng vậy nè. Sài iphone 5s ức chế nhất là phần bắt Wifi yếu. Trong khi các điện thoại G2, HTC 8X ở cty bắt wifi rất tốt thì con 5s của mình cứ chập chờn lúc có lúc không (đã dùng 3 con 5s kết quả vẫn vậy)... Việc bắt sóng mạnh yếu chủ yếu là do cái anten nội gắn phía trong điện thoại thôi. Hy vọng ở iphone 6 và Z3 thì Apple và Sony cải thiện tốt hơn.
@hieutu007 Biết thế đã chẳng mua z2, con này xai hơn 1th, mà đã thấy nhiều lổi rồi..haizzz:mad:
anluu
ĐẠI BÀNG
10 năm
Bác nào biết phần mềm nào nhận diện được pass wifi mình đã kết nối không? Trên window hay android cũng được. Giúp e với

gửi từ dép lào bằng nhôm mua bên Cam....ranh
thick cái 900Mhz xuyên tường ấy
Chuẩn nào chuyển đc hình ảnh 4k ko dây thì ngon.
Sóc Gia
ĐẠI BÀNG
10 năm
Máy mình lên W8.1 chẳng bát được giao thức 801 b/g/n( dù đã chỉnh setting driver) ... cứ phải chuyển modem về b/g chạy down chậm hẳn.

Nên khi nào máy tình hỗ trợ hết các chuẩn n đi đã , chứ nâng cấp lên được có mấy máy sài 😆
Vấn đề là tốc độ đầu vào của ta vẫn cứ như rùa bò
Thì có mỗi cái Router dù có là ac, ax, ad,.... cũng có giải quyết vấn đề gì đâu nhỉ
à thấy cái ah cũng được đấy nhỉ, tốc độ hơi chậm thôi nhưng gắn trên cột điện cho cả xóm dùng cho sướng 😆
Em chỉ ước Hà Nội free wifi thôi
gói 300k của FPt có chuẩn ZZZ thì xem phim vẫn lag

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019