Mình luôn để sẵn ở nhà một cái BlackBerry Z3 để có gì cần nghịch BB OS 10 thì có cái mà nghịch. Kể cả các màn up ROM cho Z3 lên 10.3.1, dù chỉ mới là bản không chính thức, mình cũng đã chiến qua. Nhưng vấn đề là để trải nghiệm BB OS 10 trên một thiết bị tầm thấp như Z3 thì quả thật bị hạn chế quá, hiệu năng không cao khiến cả hệ thống cứ như trì trệ lại, mọi thứ sử dụng không được như mình kỳ vọng, chưa kể camera xấu và màn hình không đẹp khiến mình chẳng muốn bỏ SIM vào dùng. Thế rồi @cuhiep cho mình mượn BlackBerry Passport để dùng thử, và mọi chuyện bắt đầu từ đây.
Lần quay trở lại đầu tiên: thất bại!
Trước khi nói về Passport thì xin chia sẻ một chút với các bạn rằng mình cũng từng là fan BlackBerry những thời Bold 9000, sau đó lên 9700 và cũng như các anh em BB khác, đã từng chết mê chết mệt trước anh Bold 9900 đẹp và sang (nhưng lại không có auto focus máy ảnh, quá đáng tiếc). Thế nhưng mình cảm thấy rằng BlackBerry đang bị bỏ rơi lại phía sau trong khi mấy anh Android và iOS, hay thậm chí là Windows Phone đang phát triển rất nhanh chóng. BlackBerry vẫn mãi cung cấp một trải nghiệm phức tạp trong khi các nền tảng khác thì ngày càng đơn giản hơn, dùng tiện hơn và nhanh hơn. Thế là mình chia tay BlackBerry và chuyển sang sử dụng các thiết bị khác làm điện thoại chính (là điện thoại có bỏ SIM và mang thường xuyên theo người, chứ còn các máy khác mình cũng có nhưng để ở nhà viết bài thôi).
Hồi khoảng giữa năm 2014, khi Z3 ra mắt, mình cảm thấy rằng có vẻ như đây là một thiết bị rất đáng dùng để trải nghiệm BB 10. Trước đó mình có xài qua Q10 nhưng không hài lòng do màn hình nhỏ và một số điểm yếu trong thiết kế khiến trải nghiệm không “sướng”. Thế là mình xách xe chạy ra mua Z3 về xài. @vuhai6 còn nói đùa rằng em về xài coi có viết được một bài “Z3 đã khiến mình quay trở lại với BB như thế nào” không.
Mình cũng dùng Z3 làm điện thoại chính trong khoảng 1 tháng, trong thời gian đó mình tranh thủ viết một đống bài để chia sẻ cách xài BB 10 cho anh em, vài thủ thuật vui vẻ giúp anh em dùng máy dễ hơn, cũng có viết một số bài nhỏ nhỏ về các phần mềm hay. Nhưng do quen dùng các thiết bị cao cấp (sướng quá quen thói 😁) nên mình càng lúc càng cảm thấy chán Z3, màn hình xấu, camera không ngon và hiệu năng chậm khiến mình không còn muốn xài nó nữa. Mình để máy ở nhà và thậm chí có khi cả 2-3 tuần quên hẳn việc sạc pin cho nó luôn. Đôi khi cũng muốn cầm máy lên nghịch cái gì đó rồi chia sẻ cho anh em nhưng không có “hứng” để xài. Thế là thôi.
Sẵn nói về cái “hứng”, mình rất thích những thiết bị nào cầm vào là cho cảm giác thích thú, và mình tin anh em cũng vậy. Chỉ khi nào chúng ta cảm thấy thật thích chiếc điện thoại đó thì việc sử dụng mới thoải mái, mới khai thác được hết tính năng và quan trọng là máy xứng đáng để đi theo chúng ta trong cuộc sống hằng ngày mà không phải lo nghĩ gì thêm. Hiện tại số lượng thiết bị làm cho mình có “hứng” xài không nhiều, chúng ba gồm iPhone 6 Plus, HTC One M8, Lumia 1520 và mới đây nhất là Passport.
Lần quay trở lại thứ hai: tốt hơn!
Quay trở lại với các cục vuông vuông Passport, lần đầu tiên mình nhìn thấy nó là mình đã có cảm giác thích thú ngay bởi thiết kế rất lạ. Mình thích những thứ gì đó lạ lạ, chứ cứ hình chữ nhật và màn hình to hoài thì cũng hơi chán rồi. Phần nữa mình cũng muốn xem liệu BlackBerry có làm cho mình có cảm hứng trở lại hay chưa, nhất là với các thiết bị có bàn phím cứng. Thế là mình cho cuhiep mượn iPhone 6 Plus của mình, còn ổng thì đưa cho mình Passport xài.
Khi mới nhận máy vài xài thử trong vài giờ đầu tiên, thú thật là mình cảm thấy không thoải mái. Mình đã quen với bàn phím ảo nên việc nhấn nhấn các phím cứng QWERTY khiến mình cảm thấy khó chịu. Nhưng chưa từ bỏ, mình vẫn tiếp tục làm quen thêm vài tiếng nữa, cố gắng bấm bấm mạnh lên tí xíu, rồi cũng làm quen với dãy phím cảm ứng trên màn hình nữa. Đây là chi tiết lạ bởi trước đây khi cần nhấn dấu mình toàn với ngón tay xuống phía dưới bàn phím QWERTY của BB thôi chứ có bao giờ với lên đâu.
Cũng chính bởi chi tiết này mà mình không cảm thấy vui khi sử dụng các ứng dụng quen thuộc. Khi lướt status Facebook cũng không, khi lướt web cũng không, lúc trả lời email hay chat thì lại càng thấy khó chịu. Mình thậm chí còn nói với mấy người bạn xung quanh là “Chắc tao không thể quay lại với bàn phím cứng rồi tụi bây ơi”.
Quảng cáo
Nhưng sau khoảng 2 tiếng “tập” gõ lại bàn phím, mọi chuyện đã từ từ tốt lên. Mình không còn cảm thấy khó chịu, không còn phải suy nghĩ về cái bàn phím nữa và mình có thể tập trung hơn vào nội dung đang hiển thị trên màn hình. Mình có lại cảm giác vui vẻ khi lướt Facebook và xem ảnh của mấy bạn nữ dễ thương, lại cảm thấy hứng thú để cuộn qua trang chủ Tinh tế, và cảm thấy thú vị khi cầm Passport để chat Facebook Messenger với bạn bè. Tốc độ gõ có thể chưa nhanh, nhưng mình đã dần làm chủ được bàn phím được Passport.
Sang đến sáng hôm sau thì mình lại phải trả lời một bức email khá dài trên điện thoại, và đây chính là lúc Passport chính thức làm mình “yêu” nó. Do màn hình vuông nên nội dung hiển thị rất tốt, mình có thể thấy được phần lớn bức email mà không phải cuộn lên cuộn xuống liên tục như khi dùng các máy iOS, Android hay Windows Phone. Cảm giác vừa trả lời email vừa gõ gõ bàn phím QWERTY nó mới thú vị làm sao, nó tạo cảm giác chắc chắn hơn, chuyên nghiệp hơn (dù chỉ là cảm giác).
Tương tự, khi mình lướt web thì cũng thấy rất đã vì nội dung được dàn dài ra, không phải xuống hàng liên tục như các điện thoại sử dụng màn hình chữ nhật. Mình cũng rất thường xuyên dùng Evernote để tạo và xem ghi chú, và đây là điểm mà màn hình vuông thể hiện hết lợi thế của nó. Việc xem nội dung văn bản chưa bao giờ tuyệt đến thế.
Tất nhiên, màn hình vuông cũng có những hạn chế của nó. Các status Facebook đều là những dòng thông tin ngắn, vì thế nó sẽ hiển thị tự nhiên hơn trên các màn hình dài. Tương tự, một vài ứng dụng trông cũng khá buồn cười khi thể hiện trên màn hình vuông, ví dụ như app Connect to Dropbox hay các trình chơi video (vì hầu hết video đều ở dạng 16:9, không phải 1:1 như màn hình Passport). Đó là chưa kể đó giờ mình toàn dùng điện thoại chữ nhật nên nhìn vào màn hình vuông ban đầu cảm thấy khá khó chịu, mãi về sau mới quen.
Nhưng chỉ nhiêu đó thì chưa đủ, Passport còn thuyết phục mình bằng chất lượng màn hình cực kì tốt, hoàn toàn có thể sánh ngang với những thiết bị cao cấp khác trên thị trường. Mình đặt rất nặng yếu tố màn hình khi xài smartphone bởi nó là thứ mà chúng ta nhìn vào hằng ngày, màn hình phải đẹp thì việc sử dụng mới thoải mái và ngon lành. Chất lượng hoàn thiện của Passport cũng rất tuyệt, máy chắc chắn, cầm đầm tay (nhưng hơi nặng tí xíu), trong khi mình thì cực ghét những máy có chất lượng hoàn thiện thấp nên Passport nhanh chóng được đưa vào tầm ngắm.
Quảng cáo
Kén - nhưng đã
Tại sao mình gọi Passport là một thiết bị kén? Như mình đã nói ở trên, các bạn có thể thấy rằng mình đã phải bỏ thời gian ra khoảng 6 tiếng để làm quen cách sử dụng Passport, từ việc tập nhìn vào màn hình vuông cho và cực nhất là tập gõ lại bàn phím cứng sau một thời gian dài quá quen với bàn phím ảo. Với những người muốn sự đơn giản, họ sẽ bỏ ngang quá trình này và không chấp nhận vượt qua cái khó của Passport đâu. Ngay cả mình, một người rất dễ thay đổi theo công nghệ, cũng còn cảm thấy khó chịu ở thời gian đầu nữa cơ mà. Phải là một người chịu bỏ thời gian ra làm quen thì mới dùng tốt Passport, nếu không thì chỉ có mỗi cảm giác bức bối mà thôi.
Cái kén thứ hai nằm ở màn hình. Chất lượng hiển thị của Passport xứng đáng ngang tầm với những mẫu điện thoại cao cấp khác, nhưng còn tỉ lệ 1:1 vuông thì không phải ai cũng quen. Cách hiển thị nội dung văn bản của máy rất tuyệt vời, bạn không cảm thấy chật chội tí xíu nào cả, nhưng còn để xem video thì thành thật mà nói là vô cùng khó chịu. Mình không thường hay xem clip trên smartphone nên đây không phải là vấn đề với mình, nhưng mình biết nhiều bạn rất hay lên YouTube để coi clip, hoặc chép phim vô điện thoại để xem. Passport chắc chắn không dành cho những bạn như thế.
Và bạn đừng nghĩ rằng mình là một người “doanh nhân”, một người lúc nào cũng “xử lý công việc” nên mới thích Passport. Không, không hề! Mình cũng là một người sử dụng smartphone rất bình thường, mình thích lên Facebook, thích lên Tinh tế, thích đọc báo mạng, lâu lâu trả lời vài cái email ngắn, tạo vài ba cái ghi chú đơn giản chứ không hề làm việc gì nghiêm trọng hết. Những việc này những smartphone khác cũng làm rất tốt, nhưng Passport đơn giản là mang lại một trải nghiệm mới mẻ hơn, thú vị hơn, và tất nhiên cũng tốt không kém.
Cái kén thứ ba nằm ở chỗ kích thước và cảm giác cầm. Việc cầm một cái điện thoại chữ nhật sẽ gọn và thuông theo bàn tay hơn là hình vuông của Passport. Kích thước to bề ngang cũng sẽ khiến vài bạn cảm thấy khó chịu khi nhét vào túi quần jean (quần tây thì không sao, thoải mái), ngồi lái xe có thể sẽ hơi cấn một chút nếu túi chật.
Cái kén cuối cùng là giá bán. Passport chính hãng có giá là 15,5 triệu đồng, nếu kiếm xách tay thì cũng tầm 14, 13 triệu còn second hand thì vào khoảng 12 triệu hay thơm hơn tùy bạn. Nhưng với giá này, bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn ngon lành khác từ Android cho đến Windows Phone và iOS.
Kết luận
Như đã nói ở tiêu đề, Passport là một thiết bị rất kén người dùng. Nó không phải là một thứ điện thoại có thể bán nhanh và chạy như iPhone, không có giá hấp dẫn như nhiều smartphone Android hay Windows Phone, nhưng bù lại trải nghiệm mà Passport mang lại là rất tuyệt. Nếu bạn muốn thứ gì đó đơn giản, quen thuộc thì đừng mua Passport, còn nếu bạn muốn trải nghiệm một thứ mới mẻ, thú vị và chấp nhận bỏ thời gian làm quen thì Passport mới phù hợp. Kén là vì như vậy đó, nhưng bù lại chúng ta được “sướng” vì những tiện ích và cảm hứng mà máy mang lại. Passport như một cơn gió lạ thổi vào việc sử dụng smartphone hằng ngày, và hiện tại mình đang hài lòng về điều này.
Tái bút: Hiện tại mình đã bán BlackBerry Z3 và mua Passport rồi. Sắp tới sẽ cố gắng viết thêm bài về Passport cũng như BB 10 để chia sẻ với anh em những thứ giúp chúng ta dùng máy tốt hơn.