Yota Phone 2 không còn sở hữu một cấu hình trung bình như khi Yota đời đầu ra mắt, nó mạnh mẽ hơn đáng kể. Tuy chưa phải cấu hình mạnh nhất ở thời điểm này nhưng với SnapDragon 800, 2GB RAM và 32GB bộ nhớ trong thì bạn cũng không cần lo lắng quá. Thử nghiệm cho thấy Yota Phone 2 hoạt động tốt, vẫn có độ trễ nhẹ khi điều khiển màn hình ở mặt trước nhưng hoàn toàn chấp nhận được. Có lẽ một phần làm cho máy chạy khá mượt là vì nó chạy Android 4.4 gần như nguyên bản, không chỉnh sửa nhiều.
Yota Phone 2 đặc biệt là nhờ màn hình của nó, phía trước chúng ta có màn hình 5” AMOLED còn phía sau là 4.7” e-ink. Màn hình phía trước dùng AMOLED nhưng màu sắc không quá rực rỡ, dễ chấp nhận, thậm chí một vài kênh còn hơi dễ chịu hơn các màn hình LCD cố đẩy saturation lên mức cao. Màn hình đằng sau mới là độc chiêu của Yota Phone 2: nó có độ phân giải 960x540, có thể bạn nghĩ không cao nhưng so với e-ink thì đây là một cái gì đó quá tốt rồi. Bản chất màn hình e-ink cũng sắc nét nên khi đọc chữ nó tương đương với khoảng 720p hoặc hơn chút trên các màn hình màu. Yota có trang bị khả năng cảm ứng cho màn hình này và làm nó cong dần về hai bên khá nhiều, tạo cảm giác sử dụng rất mới lạ. Mình vẫn cảm thấy màn hình phía sau hơi đục, giống như có một lớp phủ mờ nhẹ, sẽ theo dõi kỹ hơn.
Có nhiều bạn sẽ hỏi màn hình phụ này làm gì, nó đóng góp được gì cho chúng ta. Câu trả lời rất đơn giản: Yota cho phép hiển thị toàn bộ nội dung của màn hình phía trước lên phía sau, trừ các nội dung video. Điều này đồng nghĩa với khi gần hết pin, bạn chỉ việc dùng màn hình phía sau tiết kiệm pin hơn rất nhiều lần so với phía trước. Ngoài ra, bản chất e-ink chỉ tốn pin khi thay đổi nổi dung nên các bạn có thể dùng hiển thị thông tin lịch, thời tiết, pin hay các widget mà không cân lo lắng gì cả, nó sẽ luôn nằm ở đó cho chúng ta xem mà không cần bấm bất cứ nút nào, và nội dung này có thể song song hay độc lập với nội dung của màn hình chính. Đáng nói hơn nữa, Yota đã tích hợp cơ chế đẩy nổi dụng từ mặt trước ra mặt sau chỉ bằng một cú vuốt nên việc chuyển đổi là rất đơn giản và dễ sử dụng. Trong video mình có thử sử dụng một vài tính năng cho các bạn xem, chúng ta sẽ nói rõ hơn trong bài review vào cuối tuần này. Có thể nói đã lâu mình mới hứng thú với một chiếc điện thoại Android sáng tạo như vậy.
Cách đóng hộp của Yota 2 khá lạ, và hoàn toàn xứng đáng với cách giá người ta phải trả
Phụ kiện được đóng gói đẹp mắt và sáng tạo, dù đôi khi mình thấy nó hơi "làm màu" một chút
Tai nghe đi kèm khá tốt, nhiều núm đi kèm. Ở trên là cây chọc SIM hơi quái một chút
Cáp microUSB và cục sạc 7.5W đầu cắm kiểu Anh
Yota Phone 2 được thiết kế rất cong, làm mình nhớ tới Palm Pre
Bóng bẩy và không hề dỏm chút nào
Mặt trước phẳng, chỉ có các cạnh dưới và góc là cong
Viền màn hình không lớn cũng chẳng nhỏ
Cứ tưởng với 2 màn hình thì máy sẽ rất dày nhưng nó hoàn toàn chấp nhận được
Phím tăng giảm âm lượng kiêm khay SIM và phím nguồn, đóng dấu khá cẩn thận
Lỗ loa và microUSB
Mặt sau cong, nhìn vào khá lạ và rất có thể nó là nguyên nhân làm cho màn hình hơi đục một chút
e-ink thì chúng ta không phải lo lắng về góc nhìn, đây là màn hình hiển thị thực tế, không phải miếng dán.
Mình đang đọc thử nội dung sách điện tử trên màn hình này
Camera 8MP, flash LED. Thiết kế màn hình phụ cho phép chúng ta tận dụng nó để chụp tự sướng😁
Cảm ơn Clickbuy đã cho Tinhte.vn mượn máy để thực hiện bài viết này