Có lẽ địa điểm đầu tiên anh em nghĩ tới khi nhắc đến những chiếc đồng hồ cơ chính là những nhà máy với những nghệ nhân, nơi những cỗ máy cơ khí đo đếm thời gian được sản xuất. Nhưng, sản phẩm thì luôn phải tuân theo nhu cầu sử dụng thực tế, và điều đó không thể chỉ được nhìn nhận từ những khu nhà xưởng xứ Thụy Sỹ. Nhìn xa hơn một chút, thì những chiến hào đẫm máu của Thế chiến thứ Nhất, hay trên con tàu vũ trụ Lunar Module đầy cô tịch của nhiệm vụ Apollo 11 cũng chính là những nơi định hình lịch sử ngành đồng hồ đeo tay.
Và nếu tìm kiếm sâu hơn, để ý kỹ hơn dòng chảy của lịch sử, thì năm địa danh dưới đây đã góp phần tạo ra những cỗ máy thời gian như chúng ta biết ngày hôm nay.
Quần đảo giờ đây là khu tự trị thuộc lãnh thổ Bồ Đào Nha, chỉ nằm cách bờ biển châu Phi có vài trăm km. Những người khách du lịch tìm được đến Madeira sẽ thực sự bị cuốn hút bởi khung cảnh tuyệt vời, những công thức đồ tráng miệng và thứ rượu vang trứ danh. Ơ bài viết này nói về đồng hồ cơ mà? Ở Madeira làm gì có lịch sử sản xuất đồng hồ?
Và nếu tìm kiếm sâu hơn, để ý kỹ hơn dòng chảy của lịch sử, thì năm địa danh dưới đây đã góp phần tạo ra những cỗ máy thời gian như chúng ta biết ngày hôm nay.
Madeira
Quần đảo giờ đây là khu tự trị thuộc lãnh thổ Bồ Đào Nha, chỉ nằm cách bờ biển châu Phi có vài trăm km. Những người khách du lịch tìm được đến Madeira sẽ thực sự bị cuốn hút bởi khung cảnh tuyệt vời, những công thức đồ tráng miệng và thứ rượu vang trứ danh. Ơ bài viết này nói về đồng hồ cơ mà? Ở Madeira làm gì có lịch sử sản xuất đồng hồ?
Đúng là Madeira giờ chỉ mang giá trị du lịch đầy tiềm năng, nhưng cũng chính hòn đảo thuộc địa xưa kia của thực dân Bồ Đào Nha này, vào thế kỷ XVIII, đã giúp các nhà khoa học thời bấy giờ giải đáp được vấn đề vài thế kỷ chưa có câu trả lời xác đáng. Vấn đề đó chính là tính toán kinh độ địa lý. Cho tới khi những thiết bị theo dõi thời gian chính xác trong ngành hàng hải được phát minh ra, con người khám phá thế giới trên những con tàu thủy muốn xác định vị trí kinh độ đều cần những bảng tính vô cùng phức tạp, cũng như đo đạc tuần trăng, phép đo chẳng mấy khi chính xác hoàn toàn. Hậu quả của việc tính kinh độ sai, các cụ nhà mình ngày xưa có một câu rất chuẩn mực: “Sai một li, đi một dặm.”
Giải quyết vấn đề xác định kinh độ, triệt tiêu sai số thời ấy là nhiệm vụ rất nghiêm túc của các nước thực dân thời bấy giờ. Năm 1714, Anh Quốc thông qua một đạo luật, thưởng cho bất kỳ ai tìm ra được giải pháp đo kinh độ chính xác khoản tiền 20 nghìn Bảng Anh. Số tiền ấy tương đương 3.17 triệu Bảng ngày hôm nay. Và một giải pháp đã được John Harrison, một thợ mộc kiêm nghệ nhân đồng hồ sinh năm 1693 tạo ra, sau hàng thập kỷ quan sát và nghiên cứu ra những giải pháp đo đạc thời gian phức tạp và chính xác hơn. Từ đó, chiếc H4 được ra đời.
Chiếc đồng hồ quả quýt có bộ vỏ bạc và máy cơ truyền động bằng bánh xích kết hợp với hệ thống thoát cỡ lớn. Nó tiêu tốn của Harrison 6 năm ròng rã để hoàn thiện, và đến năm 1761, chiếc đồng hồ này được thử nghiệm trên chuyến hành trình xuyên Đại Tây Dương để kiểm tra độ chính xác. Ngày 18/11/1761, con trai của John Harrison, William, khởi hành từ cảng Portsmouth đến Jamaica trên con tàu HMS Deptford. Nhờ chiếc đồng hồ của cha, William đã dự đoán được chính xác thời điểm con tàu cập bến cảng Porto Santo, hòn đảo ở mạn đông bắc quần đảo Madeira. Cũng trên chuyến hành trình này, chiếc đồng hồ H4 đã được thử nghiệm thành công cả về khía cạnh khoa học lẫn thực dụng.
Trong 81 ngày lênh đênh trên biển, sai số của H4 là 3 phút 36.5 giây, quy đổi ra sai số kinh độ khi tàu chạy là khoảng 1 hải lý, tức chỉ chưa đầy 2km! Ở thế kỷ XVIII, đây là con số trong mơ. Nhưng vòng quay lịch sử đôi lúc cũng trớ trêu, vì sau khi thử nghiệm thành công, Harrison đã phải chiến đấu để giành được sự công nhận của cộng đồng đối với những thành tựu mà ông đã đạt được.
Đài thiên văn Greenwich
Nếu như quần đảo Madeira ghi nhận thành tựu của John Harrison để xác định chính xác mối tương quan giữa thời gian và kinh độ địa lý trong hàng hải, thì một địa danh khác cũng có mối quan hệ vô cùng mật thiết với những gì Harrison đã đem lại được cho ngành đồng hồ ngày hôm nay. Đó là Đài thiên văn Hoàng gia Anh tại Greenwich. Được thành lập năm 1675, đài thiên văn Greenwich là phòng nghiên cứu đầu tiên được xây dựng để phục vụ mục đích khoa học, ở thời điểm mối tương quan giữa đo đạc thời gian và thiên văn học có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Đối với Harrison, Greenwich là trung tâm của ngành nghiên cứu kinh độ địa lý. Còn đối với chúng ta, Greenwich giờ được coi là kinh độ gốc, là múi giờ số 0.
Tại đài thiên văn Greenwich, một khoa học gia khác cũng đã có những đóng góp vô giá. Đó là Nevil Maskelyne, người tìm ra giải pháp theo dõi thời gian theo tuần trăng để xác định kinh độ địa lý cho những con tàu viễn dương. Sau đó, Greenwich được cộng đồng khoa học gia quốc tế thế kỷ XIX công nhận là tiêu chuẩn chung trong quá trình đo đạc thời gian theo chuyển động của mặt trời, và những múi giờ kế cận ở những vùng khác nhau trên thế giới được tính toán dựa vào kinh độ gốc Greenwich.
Quảng cáo
Khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trên toàn thế giới, việc đo đạc thời gian chính xác và đáng tin cậy trở thành yêu cầu rất quan trọng. Đường sắt Anh Quốc năm 1847 công nhận múi giờ Greenwich là khung giờ tiêu chuẩn để tàu hỏa vận hành. Đến năm 1880, toàn bộ Anh Quốc áp dụng múi giờ Greenwich trong cuộc sống hàng ngày. Năm 1884, múi giờ ấy trở thành GMT (Greenwich Mean Time), tiêu chuẩn được cả các hãng vận chuyển của Mỹ thời bấy giờ áp dụng để hoạt động.
Sau này, GMT được thay thế bởi UTC (Universal Time Coordinated), một giải pháp đo đạc thời gian bằng đồng hồ nguyên tử, chính xác và đáng tin cậy hơn so với giải pháp đo đạc thời gian bằng thiên văn. Nhưng dĩ nhiên trong thế giới đồng hồ, cụm từ GMT có giá trị lịch sử hơn nhiều, khi mọi chiếc đồng hồ có khả năng theo dõi nhiều khung giờ hoặc theo dõi thời gian dưới dạng 24 giờ hàng ngày hầu hết đều được đặt tên là GMT.
Đài thiên văn Neuchâtel
Sau ví dụ về đài thiên văn Greenwich, tầm quan trọng của quá trình quan sát khoa học trong nỗ lực đạt được sự chính xác của thời gian đã được khẳng định. Nếu Greenwich có thể là đài thiên văn nổi tiếng nhất, chắc chắn nó không phải địa danh duy nhất đảm bảo mọi chiếc đồng hồ vận hành chính xác. Giữa thế kỷ XX, những cuộc thi và giải thưởng dành cho những chiếc đồng hồ chính xác nhất thường được tổ chức. Cũng từ đó, những tiêu chuẩn chronometer cũng ra đời.
Một trong những cái tên nổi tiếng nhất của thời kỳ này là Geneva và Neuchâtel ở Thụy Sỹ, Besançon ở Pháp, hay Kew ở Anh Quốc. Nhắc đến Neuchâtel, các sử gia hiếm khi nhấn mạnh đến những thành tựu khoa học mà đài thiên văn này tạo ra, mà thay vào đó thường nhắc tới tác động của nó đối với ngành kinh doanh đồng hồ thế giới, đặc biệt là với những hãng đồng hồ đến từ châu Á tham gia cuộc thi mà người Thụy Sỹ tổ chức.
Quảng cáo
Đài thiên văn Neuchâtel thành lập vào năm 1858, nhưng mãi đến tận năm 1959, một thế kỷ sau, Neuchâtel mới tổ chức cuộc thi đầu tiên cho phép những “thí sinh” không phải từ các quốc gia châu Âu tham dự. Thực tế thì Neuchâtel nằm ở trung tâm của ngành đồng hồ Thụy Sỹ, nơi những ông vua không ngai ngự trị: Omega, Longines và Zenith. Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 1963, khi nhà máy Suwa-Seikosha tham dự cuộc thi đo đạc thời gian của đài thiên văn Neuchâtel, gửi tới đây một chiếc đồng hồ máy quartz bỏ túi tên là Crystal Chronometer, được phát triển để phục vụ cho Thế vận hội 1964 diễn ra năm sau đó. Đáng tiếc, chiếc đồng hồ chuẩn chronometer máy quartz đầu tiên không thể cạnh tranh được với những tượng đài khi ấy là Patek Philippe và Ebauches SA.
Hẳn anh em còn nhớ thời ấy, Seiko chia thành hai đơn vị vận hành độc lập, Suwa và Daini. Năm 1964, Suwa-Seikosha trở lại đài thiên văn Neuchâtel trong hạng mục đồng hồ đeo tay chronometer, nhưng chỉ đạt kết quả ở vị trí thứ 144. Daini cũng không khá khẩm hơn. Năm ấy, người Thụy Sỹ vẫn hả hê vì người Nhật chưa tạo ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với họ cả.
Những năm tiếp theo, người Nhật Bản không chùn bước, với bộ máy 052 của nhà máy Daini lọt vào top 10 bộ máy đồng hồ chính xác nhất trong cuộc thi năm 1966. Một năm sau đó, trong top 10, Seiko có tới 4 “thí sinh” dự thi. Năm 1968, trước sức ép của các hãng đồng hồ Thụy Sỹ, đài thiên văn Neuchâtel dừng thi hạng mục đồng hồ đeo tay chronometer vì người Nhật mạnh quá. Vậy là Seiko đem đồng hồ của họ sang đài thiên văn Geneva dự thi. Tại đây, 7 vị trí đầu tiên đều thuộc về người Nhật, ba vị trí đầu tiên thuộc về bộ máy thử nghiệm quartz beta-21. Không lâu sau đó, Geneva cũng chẳng tổ chức những cuộc thi dành cho những chiếc đồng hồ chính xác nhất nữa.
Basel
Thành phố Basel có lẽ là thánh địa của ngành đồng hồ thế giới. Nằm bên bờ sông Rhine, gần biên giới Thụy Sỹ - Pháp - Đức, trong một khoảng thời gian rất dài, Basel là một thành phố quan trọng trong tiến trình giao thương châu Âu. Năm 1917, thành phố tổ chức hội chợ Schweizer Mustermesse Basel. Năm 1931, ngành công nghiệp đồng hồ tại đây đã phát triển đến mức có nguyên một sự kiện riêng, Schweizer Urhenmesse, tạm dịch là Hội chợ Đồng hồ Thụy Sỹ. Nó là sự kiện lâu đời tới mức, từ năm 1932, Patek Philippe đã tham gia không bỏ sót năm nào, và Rolex cũng tương tự kể từ năm 1939.
Basel Watch Fair là nơi giới thiệu đến thế giới không ít những đột phá của ngành đồng hồ, những cỗ máy thời gian kinh điển, và những thiết kế bất tử với thời gian, như chiếc El Primero và Royal Oak.
Năm 1982, khi phải ngủ trong một chiếc xe van đỗ ngoài ga tàu, thiên tài Jean-Claude Biver đã định hướng ra tầm nhìn mới của ông đối với thương hiệu Blancpain lâu đời. Hội chợ đồng hồ Basel thực sự là một sự kiện lớn trong một khoảng thời gian rất dài, là nhân chứng cho những xu hướng mới thay đổi qua thời gian, từ những chiếc đồng hồ xa xỉ được coi là món đồ trang sức, cho tới sự trỗi dậy của đồng hồ quartz.
Tác động thực sự của hội chợ Basel đối với ngành đồng hồ không thể chỉ đo đếm qua những bữa tiệc, những sự kiện hay những thông cáo báo chí mà các hãng gửi cho những kênh media. Nó là một cơ hội lớn để mở rộng hợp tác và kết nối. Lấy một ví dụ đã đi vào sử sách. Câu chuyện mà Evelyne Genta, người bạn đời của Gerald Genta huyền thoại kể lại. Kỳ hội chợ Basel năm 1974, nhà thiết kế đồng hồ lỗi lạc đang ngồi ở khách sạn Euler ăn trưa, vài năm sau khi ông thiết kế ra chiếc Royal Oak cho Audemars Piguet. Ông vô tình nghe được câu chuyện ở bàn kế bên, nơi những vị giám đốc của Patek Philippe, trong đó có cả Philippe Stern, người mà Genta rất quý mến và tôn trọng, bàn về việc làm thế nào để tạo ra một sản phẩm cạnh tranh với Royal Oak, thứ được coi là chiếc đồng hồ thể thao xa xỉ đầu tiên trên thị trường.
Chỉ với cây bút và tờ giấy ăn, Genta phác họa một chiếc đồng hồ lấy cảm hứng từ ô cửa sổ của những con tàu, và đem mảnh giấy ấy sang nói chuyện với phía Patek Philippe cũng như ngài Stern. Mọi chuyện còn lại giờ đã thành lịch sử.
Le Mans, Daytona và Sebring
Có vẻ hơi gian lận khi đưa hẳn 3 đường đua khác nhau, chập thành một địa danh để bài viết đủ 5 cái tên thay vì 7. Nhưng ở một khía cạnh khác, những cái tên kể trên chỉ là ba trong số vô vàn những đường đua tốc độ đã định hình lịch sử ngành đồng hồ hiện đại. Đường đua mới là yếu tố quan trọng, còn vị trí địa lý của chúng ở đâu, có lẽ chỉ là thứ yếu. Và tại những đường đua này, trong khoảng thời gian những năm 60 đến 80 của thế kỷ trước, thời kỳ hoàng kim của đồng hồ cơ đeo tay đã được định hình và góp phần biến cỗ máy trên cổ tay các tay đua trở thành những biểu tượng. Trùng hợp thay, đó cũng là thời kỳ hoàng kim của thể thao tốc độ.
Có rất ít hình ảnh trên đường đua có được giá trị lịch sử mạnh mẽ như tấm hình Steve McQueen lừng danh trên đường đua Le Mans nước Pháp, trong bộ đồ đua Nomex với logo Heuer rất to trên ngực, và chiếc Monaco trên cổ tay. Chiếc Heuer đó không phải ngẫu nhiên trở thành một phần quan trọng của lịch sử, mà đó còn liên quan tới tay đua Jo Siffert. Ông là tay đua công thức 1 đầu tiên được một hãng đồng hồ tài trợ. Trong bộ phim Le Mans năm 1971, McQueen chạy chiếc Porsche 917 khét tiếng đánh số 20. Nhưng trong cuộc đua diễn ra vào năm 1970, ngồi sau tay lái chính là Jo Siffert.
McQueen nhớ lại, “tôi được chạy chiếc xe của Jo Siffert, và muốn mặc đúng bộ đồ giống hệt của ông ấy.” Và chiếc đồng hồ cũng phải phù hợp với bộ đồ đua, dẫn đến việc Jack Heuer, người cung cấp những chiếc đồng hồ cho đoàn làm phim, nhận ra một cơ hội để quảng bá chiếc Monaco bộ máy caliber-11 với những đường nét nam tính góc cạnh. Lại một lần nữa chỉ một khoảnh khắc đã làm nên lịch sử.
Còn ở phía bên kia bờ đại dương, bên Mỹ, một thương hiệu khác cũng nhanh chóng có được mối quan hệ khăng khít với bộ môn thể thao tốc độ. Năm 1962, Rolex trở thành thương hiệu chính thức của trường đua Daytona International Speedway ở Florida, 1 năm trước khi họ cho ra mắt chiếc Cosmograph ref. 6239. Nhưng phải đến tận năm 1965, những chiếc Cosmograph mới có dòng chữ Daytona đỏ chót nổi bật ở phía trên ô số góc 6 giờ. Và từ đó đến giờ, Cosmograph Daytona luôn có một giá trị vô hình không thể tách rời khỏi những cỗ xe đua siêu tốc.
Tương tự như vậy là ở Sebring, đường đua nổi tiếng với thử thách 12 giờ thi đấu liên tục. Dù không có được sự nổi tiếng như Le Mans hay Daytona, Sebring vẫn có dấu ấn riêng của lịch sử ngành đồng hồ. Năm 1962 ở Sebring, Jack Heuer gặp cha mẹ của hai tay đua người Mexico, Pedro và Ricardo Rodriguez, những người cảm thấy nhẹ nhõm vì hai đứa con của họ không tham gia cuộc đua đường trường đầy nguy hiểm Carrera Panamericana. Cụm từ “Carrera” ngay lập tức khiến Heuer chú ý, và nhanh chóng đăng ký bản quyền thương hiệu Heuer Carrera. Năm 1963, chiếc Carrera đầu tiên được ra đời, và giờ đây đã trở thành một trong những mẫu đồng hồ kinh điển.
Đấy chẳng phải là một trong những lần thể thao tốc độ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự ra đời của những sản phẩm của ngành đồng hồ thế giới?
Theo A Collected Man