Phân biệt đĩa vinyl stereo và mono

AudioPsycho
31/12/2022 2:17Phản hồi: 20
Phân biệt đĩa vinyl stereo và mono
Ngoài dạng đĩa vinyl phổ biến ngày nay được thu âm theo chuẩn stereo, những chiếc đĩa vinyl được thu âm theo chuẩn mono ít được biết đến hơn, nhưng không có nghĩa là chúng không tồn tại. Đối với người sưu tầm các bản thu xưa của dòng nhạc cổ điển, jazz và rock, đôi khi một chiếc đĩa mono còn quý hơn nhiều so với đĩa stereo.

Chuẩn thu âm mono

5035555_cover_tinhte_at_lpw40wn_audiotechnica_13.jpg

Chuẩn thu âm mono (monaural) được dùng để miêu tả âm thanh được thu và phát lại bằng 1 kênh. Do chỉ được thu âm bằng 1 kênh nên âm thanh mono chỉ nghe được từ 1 vị trí. Điều này nghĩa là ngay cả khi bạn thiết lập dàn âm thanh nhiều loa thì tiếng phát ra từ mỗi loa là như nhau, hoàn toàn không có cảm nhận hướng âm hay âm thanh vị trí nhạc cụ hoặc tiếng hát. Khi nghe bằng tai nghe, âm thanh mono cũng phát ra y hệt nhau ở cả 2 tai chứ không thể cảm nhận âm trường động.

Đĩa LP thu âm mono sẽ chỉ cần cắt rãnh theo chiều ngang mà bỏ qua chiều dọc do kim stylus chỉ cần dao động hai bên là đủ (do tín hiệu âm thanh là mono).


Chuẩn thu âm stereo
tinhte-mono-vinyl-3.jpg

Định dạng stereo thu âm từ 2 kênh trở lên và cho cảm nhận âm thanh phát đến từ nhiều phía, tương tự với khi bạn đang nghe nhạc sống trong phòng hòa nhạc. Đĩa LP thu âm stereo sẽ cần cắt rãnh cả chiều ngang và chiều dọc để kim stylus có thể di chuyển lên xuống trong rãnh đĩa, tạo ra các kênh âm thanh khác nhau.

Sự khác biệt về cảm nhận khi nghe

mono_stereo.jpg

Cách dễ nhất để phân biệt chuẩn thu mono và stereo (mà không cần nhìn vào ghi chú trên bìa đĩa) là nghe bằng tai nghe rồi chú ý xem có cảm nhận được không gian âm thanh dàn trải hay không. Nếu nghe bằng loa, âm thanh stereo sẽ tạo được âm trường rộng với tiếng nhạc phát ra từ nhiều vị trí, trong khi âm thanh mono chỉ gói gọn tiếng nhạc vào một chỗ (thường là ở trung tâm vị trí ngồi nghe).
Thêm vào đó, chuẩn thu âm stereo cũng giúp tiếng nhạc “lan tỏa” ra xung quanh, đi cùng khả năng tách lớp giúp người nghe đoán được vị trí từng nhạc cụ trên sân khấu.

Đĩa vinyl mono có nghe được trên dàn stereo hay không?

tinhte-mono-vinyl-4.jpg

Quảng cáo



Đĩa vinyl mono hoàn toàn có thể sử dụng trên dàn âm thanh stereo tuy nhiên âm thanh mà bạn nghe được vẫn chỉ là mono. Như nói trên, tiếng nhạc khi thu âm mono sẽ co cụm lại một vị trí thay vì dàn trải như stereo. Ngoài ra, một số định dạng đĩa mono cũ có chuẩn Shellac 78-RPM cũng sẽ không tương thích với dàn âm thanh stereo đời mới mà cần đến thiết lập riêng biệt.

Đĩa LP stereo thì hoàn toàn không nên sử dụng trên turntable mono do kết cấu mono cartridge không hỗ trợ di chuyển lên xuống tự do, từ đó sẽ làm hư hỏng rãnh đĩa và cả cartridge/stylus.

Sự ra đời của chuẩn thu âm mono và stereo

tinhte_mono_album_vinyl.jpg

Chuẩn thu âm mono xuất hiện rất lâu trước stereo, bắt nguồn từ chiếc máy thu âm phonograph. Thời đó khi nghe nhạc bằng đĩa vinyl, người ta sẽ cần một chiếc máy hát gắn kèm với một loa monoblock (hay thấy trong các bộ phim cổ điển).

Chuẩn thu âm stereo bắt đầu được thử nghiệm từ khoảng những năm 1930, sau đó đến năm 1940 Disney chính thức thu âm nhạc phim Fantasia theo chuẩn stereo và phát surround trong các rạp phim. Đầu những năm 1950, kỹ sư Emory Cook bắt đầu thử nghiệm công nghệ “thu âm hai kênh” (binaural), thực hiện bằng cách thu 2 track ở mỗi bên và phát cùng lúc, tạo thành hiệu ứng âm thanh 2 lớp tương tự như thu âm stereo ngày nay. Âm thanh được thu kiểu này cần một máy phát có tonearm gắn 2 cartridge và 2 kim stylus dò trên 2 đĩa để phát cùng lúc. Emory Cook sau đó sáng lập công ty thu âm Cook Records cũng trong giai đoạn 1950 để tiếp tục theo đuổi kỹ thuật này.

Quảng cáo



Kỹ thuật thu âm mono tuy nhiên vẫn tiếp tục được sử dụng do thu âm stereo quá tốn kém, mãi cho đến năm 1957 Audio Fidelity phát hành bản thu stereo đầu tiên cho Dukes of Dixieland hường đến người dùng phổ thông, lúc đó kỹ thuật âm thanh stereo mới bắt đầu được đưa vào ứng dụng đại trà.

Quá trình chuyển hóa từ mono sang stereo

Không như giai đoạn phát triển nhanh chóng từ định dạng đĩa Shellac 78-RPM sang 45-RPM và 33-RPM, quá trình chuyển hóa từ mono sang stereo tốn hơn 1 thập kỷ do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Đầu tiên là người nghe phải mua turntable mới để sử dụng được đĩa stereo, ngoài ra cũng cần thêm mono amplifier để tiếp tục sử dụng chuẩn đĩa cũ. Tiếp theo, họ lại phải mua thêm loa, gần như xây dựng hẳn 1 hệ thống âm thanh mới để có thể nghe đĩa stereo. Số lượng đĩa thu âm stereo chưa nhiều cũng khiến người ta chưa thực sự để tâm.

Về phía nhà sản xuất cũng vậy. Các công ty thu âm phải cắn răng đầu tư trước các thiết bị mới, đồng thời trau dồi thêm kỹ thuật thu âm stereo cùng lúc với việc thuyết phục khách hàng rằng chi tiêu của họ là xứng đáng với chất lượng. Khi stereo còn chưa thông dụng, các nhãn thu phải phát hành những chiếc đĩa “âm thanh stereo nghe thử” để giới thiệu và khuyến khích khách hàng ủng hộ định dạng mới mẻ này. Sau năm 1970, hầu hết tất cả những bản thu đều đã sử dụng công nghệ thu âm stereo, nhưng riêng trong giai đoạn 1958-1969 nhiều nghệ sỹ và nhãn thu vẫn phải phát hành cả đĩa stereo lẫn mono để củng cố doanh thu.

Kỹ thuật thu âm “giả stereo”

Mục tiêu lớn nhất mà các nhãn thu hướng đến không gì khác vẫn là lợi nhuận. Nhiều nhãn thu như RCA Records hay Atlantic Records đã chớm dự đoán được sự bùng nổ của stereo nên bắt đầu phát hành bản thu stereo cho các album đã ra mắt trước đó. Những bản thu dạng này còn được gọi là “Duophonic Stereo”, hay nói cách khác là bản thu mono được remaster thành stereo. Kỹ thuật thu âm này được thực hiện bằng cách tách tín hiệu mono thành 2 kênh sau đó thêm hiệu ứng reverb nhằm tạo ra cảm giác không gian âm thanh đa hướng. Sau RCA và Atlantic, Columbia Records và Capitol Records cũng tận dụng triệt để chiến thuật trên.

Về chất âm, nhiều người chơi audiophile cho cảm nhận không mấy lạc quan đối với dạng đĩa “giả stereo” nói trên, cho rằng nó làm mất đi những điểm riêng của cả chuẩn thu stereo và mono. Tuy vậy nếu đặt trong quá trình phát triển của âm thanh thì chuẩn “giả stereo” này cũng là một tiêu điểm đáng nhớ.

Một số album LP mono và stereo nổi tiếng

tinhte-mono-vinyl-5.jpg

Một trong những album LP mono nổi tiếng và được săn đón nhất hiện nay là boxset master mono của The Beatles, bao gồm tất cả những tác phẩm hiếm nhất của huyền thoại âm nhạc này ở định dạng mono. Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band ban đầu cũng được thu âm ở định dạng mono sau đó được tái phát hành ấn bản stereo. Nhiều album của The Beatles được phát hành bởi Abbey Road cũng được thu âm mono sau đó remaster thành stereo.

tinhte-mono-vinyl-7.jpg

Album tổng hợp Original Mono Recordings của Bob Dylan cũng được thu âm hoàn toàn ở định dạng mono để phát trên các đài radio AM, hoặc The Piper at the Gates of Dawn (Pink Floyd) cũng là từ mono mix thành stereo như hiện nay (mà nhiều người lầm tưởng rằng nó được thu âm stereo nguyên bản).

Nhận biết định dạng mono hay stereo theo thời điểm album được phát hành

Dễ dàng nhất là nhìn vào năm phát hành. Những album ra đời trước năm 1959 hầu như luôn là mono (để thuận tiện phát trên đài radio AM). Giai đoạn 1959-1969 khá khó phân biệt do nhiều album được phát hành ở cả định dạng mono lẫn stereo, tuy nhiên có thêm các album mono được remaster lại thành stereo để tái phát hành. Từ những năm 1970 trở đi, hầu hết các album đều được thu âm theo chuẩn stereo trừ phi nghệ sỹ yêu cầu album của mình được thu âm theo kiểu cũ. Hoặc bạn có thể dùng google theo cú pháp : tên album + mono.
20 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Mỗi loại đĩa đều có giá trị quý giá riêng của nó.
chưa dám chơi món này
Cỡ 15t trở xuống thì mua đầu đọc nào tốt nhỉ
@congthanhgiong bạn nghiên cứu TEAC TN-4D, mình mua 2 năm trước khoảng 16trd.

Xu hướng

Bài mới








  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2025 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019