Những ngày cuối năm âm lịch thì thường chúng ta sẽ bắt đầu dọn vệ sinh nhiều thứ trong nhà để đón năm mới. Ngoài nhà cửa, xe cộ thì mình còn có thêm nhiệm vụ vệ sinh các dàn máy tính nên muốn chia sẻ với anh em. Suốt 1 năm hoạt động, kể cả trong phòng máy lạnh, dàn máy ít nhiều đều có bụi bám, đặc biệt ở quạt, radiator tản nước hoặc khối tản nhiệt CPU, lưới lọc bụi cũng như nhiều khu vực khác.
Quá trình dọn vệ sinh máy tính thì chắc chắn là phải quét bụi rồi, sau đó đẩy bụi và gom chúng lại. Nếu không còn bụi, khả năng tản nhiệt của hệ thống sẽ cải thiện hơn, bên cạnh đó cũng tăng tuổi thọ cho các linh kiện. Những thứ mình chuẩn bị để dọn vệ sinh máy tính gồm có:
Mình thấy có nhiều anh em nói là khỏi cần vệ sinh từng chút chi cho mệt, cứ đem ra các tiệm rửa xe, sửa xe nhờ người ta lấy máy nén khí thổi vài cái là xong. Mình thấy điều này không nên, lý do là mình từng có ý định xài máy nén khí để thổi bụi, thổi thử thì có nước trong đó. Hơi nước (và nước) có trong máy nén khí là chuyện bình thường, nhưng nó sẽ rất tệ nếu anh em không cẩn thận và thổi khí vào linh kiện máy tính, sau đó mở máy lên lúc còn ướt mà không biết. Đây cũng là lý do mình mua jetfan để làm vệ sinh không chỉ máy tính mà còn nhiều việc khác.
Quá trình dọn vệ sinh máy tính thì chắc chắn là phải quét bụi rồi, sau đó đẩy bụi và gom chúng lại. Nếu không còn bụi, khả năng tản nhiệt của hệ thống sẽ cải thiện hơn, bên cạnh đó cũng tăng tuổi thọ cho các linh kiện. Những thứ mình chuẩn bị để dọn vệ sinh máy tính gồm có:
- Khẩu trang: cực kỳ quan trọng vì khi thao tác, bụi bay trong không khí rất nhiều, nếu không có khẩu trang thì anh em sẽ hít phần lớn bụi vào phổi, như vậy không tốt chút nào.
- Cọ quét bụi: cái này thì ra tiệm điện hoặc các cửa hàng có liên quan, cửa hàng vật liệu xây dựng chẳng hạn, mua cọ lông thỏ loại vừa đủ với hệ thống của anh em. Mình thường xài loại cọ cỡ 1-1/2 inch (khoảng 38 mm) và 1 vài cọ nhỏ hơn để dễ quét ở nơi hẹp.
- Khăn lau kính: mình xài loại khăn lau kính vì nó lau sạch được các bề mặt bóng, không bị xù lông hay rớt sợi vải nên không bị bám bụi lại sau khi vệ sinh. Loại này giá rẻ, anh em mua ở các tiệm mắt kính hoặc có sẵn thì xài luôn.
- Cồn: mình hay xài loại cồn 90 độ để thấm ướt khăn rồi lau các chỗ cần thiết. Theo ý kiến cá nhân thì mình chọn cồn 90 độ vì nó bay hơi nhanh, tỉ lệ nước ít hơn so với cồn 70 độ.
- Công cụ hỗ trợ: là tuốc nơ vít, đầu Phillips hay còn gọi là vít bake. Đây là đầu vít sử dụng phổ biến nhất trong các thành phần máy tính. Anh em có thể chuẩn bị sẵn vít loại dài để gỡ được các ốc siết cứng, vít nhỏ và ngắn để mở 1 số thành phần như khối tản nhiệt trên mainboard nếu cần.
- Quạt thổi bụi: năm nay mình nâng cấp thêm nên mua quạt thổi bụi, mình không thích loại máy hút bụi vì cảm giác nó hút yếu quá. Anh em không có điều kiện thì có thể xài loại thổi bụi bóp tay bằng cao su, còn mình mua 1 cái jetfan 110,000 vòng/phút. Trước đây chưa có thì mình hay thổi bằng miệng, khuyết điểm dễ thấy nhất là mệt, hết hơi, văng nước miếng, bụi bay ra tiện hít vô luôn cho sạch không khí... Mình xài jetfan thì cũng mở tốc độ vừa phải khi thổi trên bề mặt mainboard, quạt hay thùng máy thì mở tốc lớn được, chứ mình sợ mấy cái linh kiện nhỏ nhỏ trên mainboard nó bay mất luôn.
- Bao tay (tùy chọn): để bảo vệ tay cho anh em, mình thì thấy khó thao tác nên không xài.
- Vòng tay khử tĩnh điện (tùy chọn): cái này mình thấy nhiều lời khuyên nên sử dụng để khử tĩnh điện lúc tháo lắp phần cứng. Mình không xài từ xưa tới giờ chưa thấy bị gì (chắc do hên) nên tới nay vẫn chưa xài.
- Kem tản nhiệt (tùy chọn): nếu anh em có thay kem tản nhiệt mới cho CPU thì chuẩn bị trước.
- Mèo (tùy chọn): như trên hình đầu bài, để moi ra chơi những lúc cần hoặc nghỉ giải lao.
Mình thấy có nhiều anh em nói là khỏi cần vệ sinh từng chút chi cho mệt, cứ đem ra các tiệm rửa xe, sửa xe nhờ người ta lấy máy nén khí thổi vài cái là xong. Mình thấy điều này không nên, lý do là mình từng có ý định xài máy nén khí để thổi bụi, thổi thử thì có nước trong đó. Hơi nước (và nước) có trong máy nén khí là chuyện bình thường, nhưng nó sẽ rất tệ nếu anh em không cẩn thận và thổi khí vào linh kiện máy tính, sau đó mở máy lên lúc còn ướt mà không biết. Đây cũng là lý do mình mua jetfan để làm vệ sinh không chỉ máy tính mà còn nhiều việc khác.
Nếu không có kinh nghiệm về tháo ráp phần cứng máy tính, anh em có thể nhờ trợ giúp từ người thân hoặc người không thân (ra tiệm) để tránh sự cố đáng tiếc. Dĩ nhiên tự làm thì nó vui và thú vị hơn nhiều. Trong khi vệ sinh thì anh em cũng cẩn thận những vị trí dán tem bảo hành của sản phẩm còn hạn.
Vệ sinh thì cũng đơn giản với những thao tác lặp đi lặp lại, anh em tháo gỡ linh kiện ra khỏi thùng máy, quét bụi bằng cọ, sau đó thổi bụi, rồi xài cồn thấm khăn lau bề mặt nếu cần. Thực hiện với tất cả những linh kiện rồi ráp lại là xong. Riêng thùng máy thì anh em có thể gỡ hết những gì gỡ được, kể cả cổng giao tiếp mặt trước (thường các thùng máy đời mới hoặc thiết kế tốt sẽ cho phép tháo rời phần này), rồi đem đi xịt nước rửa cho sạch. Sau đó lau sơ rồi hong khô thùng máy bằng cách phơi nắng hoặc quạt, chừng nửa buổi là xong.
Đối với bàn phím thì anh em lấy cọ quét bụi dính ở bề mặt, ở các khe giữa phím, sau đó lật ngược bàn phím lại rồi thổi để bụi bay ra ngoài. Chuột lâu ngày có thể bám đất và chất bẩn ở 2 nút trái phải, anh em có thể lấy khăn giấy thấm cồn rồi lau nhẹ từ từ. Riêng màn hình thì anh em cần cẩn thận và nhẹ nhàng hơn 1 chút, cũng với khăn giấy mềm hoặc khăn lau kính, thấm cồn (hoặc dung dịch lau màn hình) rồi lau theo đường ngang, tránh lau không theo thứ tự sẽ khó quản lý cũng như trây trét vết bẩn ra nhiều nơi hơn.
Anh em nhớ thao tác trong không gian thông thoáng hoặc ngoài trời, hạn chế bụi bay lung tung trong phòng rồi cuối cùng bám lại vào những nơi vừa vệ sinh xong. Chúc anh em dọn dẹp máy tính sạch sẽ để đón Tết 2024 vui vẻ hơn, chơi game hay làm việc cũng thoải mái hơn. Anh em có thêm ý kiến gì thì chia sẻ ở phần bình luận nhé.