Cuối tuần đi nghe nhạc, và tản mạn về thú chơi audiophile

P.W
11/4/2024 8:5Phản hồi: 79
Cuối tuần đi nghe nhạc, và tản mạn về thú chơi audiophile
Dễ nhận ra một thực tế. Hễ khi nào con người tạo ra được một tiến bộ về khoa học kỹ thuật, rất nhanh chóng sẽ có những con người biến những tiến bộ ấy trở thành một cuộc chạy đua và nỗ lực cuồng nhiệt, thậm chí có phần ám ảnh để biến công nghệ ấy trở nên hoàn hảo, bất chấp chi phí để tạo ra những món đồ hoàn hảo như vậy cao tới đâu đi chăng nữa.

Nhìn tới ngành nghề nào cũng sẽ thấy những cá nhân như vậy. Bên xe hơi thì ngài Henry Ford từng có một câu nói mình cực kỳ tâm đắc: “Con người ta bắt đầu đua xe đúng thời điểm chiếc ô tô thứ hai được xuất xưởng.” Đồng hồ đeo tay cũng không khác, khi những nghệ nhân ở châu Âu vẫn đang cố gắng nhồi nhét càng nhiều những tính năng độc đáo vào những bộ máy với những cái bánh răng nhỏ tới mức phải bỏ dưới kính phóng đại cả chục lần mới nhìn rõ.

Đồ công nghệ thì hiện giờ người ta đang cố nhét hàng chục, hàng trăm tỷ transistor logic trên một die silicon chỉ bằng cái móng tay, bên trong chiếc điện thoại, chiếc máy tính anh em đang sử dụng để đọc chính bài viết vui vẻ này.

Vì vui vẻ, nên anh em cứ chuẩn bị một ly cafe, vừa nhâm nhi vừa đọc. Đây chẳng phải một bài trên tay, một bài tổng hợp sự kiện, hay giới thiệu sản phẩm gì hết. Mọi thứ đều chỉ là những thắc mắc và luồng suy nghĩ trong đầu mình mà thôi.

Loa-tinhte-1.jpg


Đồ âm thanh cũng chẳng phải ngoại lệ. Từ cái thời điểm con người tìm ra cách biến sóng điện trở thành sóng âm, cuộc đua cũng đã bắt đầu. Nghe nhạc từ những hệ thống thu phát sóng radio từ các đài phát thanh là chưa đủ, thế hệ đi trước bắt đầu nghĩ ra những giải pháp lưu trữ, để mọi gia đình đều được thưởng thức âm nhạc chất lượng cao.

Song song với công nghệ lưu trữ tự cổ chí kim, có lẽ là cuộc chạy đua để tạo ra một hệ thống âm thanh hoàn hảo. Mục tiêu của cuộc đua đó trước giờ chỉ có một: Những hệ thống máy móc tạo ra được thứ âm thanh hệt như lúc mọi người ngồi trong khán phòng hòa nhạc. Mọi thứ phải được thể hiện một cách chân thực, sống động và chính xác nhất.

Thành ra mình mới dùng từ “ám ảnh” ở đầu bài viết. Những kỹ sư và nghệ nhân thì ám ảnh việc tạo ra những cục driver từ lớn đến bé, khi có dòng điện chạy qua, chúng thể hiện thứ âm thanh chính xác và chân thực nhất. Còn người chơi, như mình và anh em, thì ám ảnh chuyện làm cách nào để dàn nghe ở nhà chơi nhạc ưng ý nhất.

Loa-tinhte-2.jpg

Quan điểm của mình sau gần 2 chục năm chơi đồ âm thanh tương đối rõ ràng. Có hai kiểu người nghe nhạc. Thứ nhất là những người mượn thiết bị điện tử và công nghệ để phiêu cùng âm nhạc. Kiểu thứ hai kỳ dị hơn, đó là những người mượn những bản thu để thưởng thức chất lượng của thiết bị âm thanh của họ.

Oái oăm ở chỗ, cuộc phiêu lưu với âm thanh đẹp lúc nào cũng dễ biến thành một thứ mà anh em tụi mình hay gọi là hố vôi. Từ tai nghe chuyển qua loa, từ nguồn phát chuyển qua đến nâng cấp hệ thống xử lý âm thanh, cuộc chơi không chỉ mệt mỏi về mặt tài chính, mà đôi khi cũng chỉ đánh giá khác biệt dựa trên khía cạnh định tính thuần túy, chẳng mấy khi định lượng được.

“Bộ mới hay hơn bộ cũ” đôi khi chỉ là những đánh giá vô cùng mơ hồ và 100% dựa trên cảm xúc. Đánh giá ấy tuyệt đối không giống như lúc mình ngồi mở benchmark đo sức mạnh của vài con chip xử lý, lúc Nghĩa cầm máy cân màu đo độ chính xác của một cái màn hình phục vụ cho đối tượng người làm nội dung và thiết kế, hay như lúc anh Tùng nhấn chân ga đo thời gian tăng tốc trên một chiếc xe anh đang tiến hành đánh giá.

Rồi ở khía cạnh ngược lại, cũng sẽ có những người mệt mỏi chán nản với cuộc chơi phối ghép, để trở về với những giải pháp đơn giản hơn, nghe nhạc vẫn thấy đủ hay, miễn vui là được.

Quảng cáo



Loa-tinhte-3.jpg

Trước giờ mình luôn thích tham gia những sự kiện âm thanh, ngồi nghe các chú, các anh lớn nói về những đột phá mới của ngành âm thanh. Nhưng lần nào cũng vậy, luôn thấy hơi cấn cấn vì lựa chọn âm nhạc các cửa hàng dùng để trình diễn những dàn loa mà họ phân phối.

Cũng không trách các chú các anh được. Ai mà chẳng muốn dàn loa và những cục âm li tiền tỷ của họ trình diễn tối đa sức mạnh nội lực vốn có của nó? Nhưng nghe nhiều thì mệt lắm, vả lại điều đó lại càng củng cố quan điểm, audiophile hầu hết mượn nhạc để chơi loa, chứ không phải mượn loa để nghe nhạc.

Loa-tinhte-13.jpg

Thành ra hôm vừa rồi, ông anh chơi thân rủ sang phòng nghe bên đó chơi, nhân tiện chạy mấy bộ loa mới, mình nhận lời ngay. Không chỉ nhận lời mà còn đến sớm nữa cơ. Vì mình biết rằng, ở thời điểm ấy, mọi người chưa có mặt đông đủ, thì dàn loa là của riêng mình, không phải tranh giành với ai, từ thể loại nhạc, cho tới cả cái chỗ ngồi chính diện, khoảng cách hoàn hảo từ dàn loa tới hai tai.

Đấy là một trong những lần hiếm hoi mình được nghe một dàn loa trăm triệu như thể là của riêng mình vậy. Ừ thì cũng phải nhờ anh lớn, đại diện của hãng bật nhạc giúp, vì loa kết nối với điện thoại của anh ấy, nhưng mọi lựa chọn thì là của riêng mình. Chẳng hề có một lời hỏi han hay phàn nàn gì về cái gu nhạc càng lúc càng “thị trường” của mình cả, vì khi ấy làm gì có ai khác?

Quảng cáo



Loa-tinhte-6.jpg

Thời điểm những bản nhạc mình nghe hàng ngày với Spotify khi làm việc, trên cặp tai nghe rẻ tiền được thể hiện trên dàn với đầy đủ những củ loa thể hiện từng dải âm tách biệt, cảm xúc đương nhiên vừa mãnh liệt vừa khác biệt. Nhưng trong đó tuyệt đối không có cái cảm giác quá khứ ùa về, cái thời ngồi tỉ mẩn ghép từng chiếc DAC để giải mã nhạc số, rồi đưa vào ampli, từ tụ đến đèn, tìm ra sự kết hợp, không phải để nghe nhạc hay nhất, mà để bật được ra những chi tiết đôi tai mình không thể nghe được trên những dàn âm thanh đã có trước đó.

Giờ nói quay trở lại thời kỳ ấy hay không, câu trả lời của mình chắc chắn là không.

Loa-tinhte-9.jpg

Đến sớm nên được nghe nhiều, từ Zhao Peng đến Emi Fujita, rẽ từ An Hà Kiều của Tống Đông Dã, ngoặt sang cả nhạc trẻ trữ tình Việt Nam mới… Tất cả đều trình diễn trên nền nhạc số, đúng như cách mà rất nhiều người đang thưởng thức âm nhạc hàng ngày, chứ không cố gắng phô trương sức mạnh từ nguồn phát như mấy lần ra khách sạn xem AVShow hay Hi-End Show.

Thích không? Thích chứ, còn gì bằng việc đôi loa không phải của mình nhưng nó vẫn phải phục vụ theo gu âm nhạc của mình? Thực sự ở thời điểm ấy, đầu óc mình trống rỗng, không phải để cố tìm ra những thứ mà dàn loa trăm triệu làm tốt hơn, mà đơn giản vì được chìm đắm trong cái không gian toàn âm thanh, của những bản nhạc mình đang mê mỗi ngày, nghe đi nghe lại, chưa có dấu hiệu chán.

Nhưng cái trống rỗng ấy nhanh chóng bị lấp bởi một mớ hỗn độn những ý nghĩ chồng chéo lên nhau, lúc có những vị khách đầu tiên xuất hiện trong buổi chiều thứ 7. Có lẽ mọi thứ trong đầu hỗn độn, cũng vì chính những câu chuyện mà những người bạn, người anh mang tới căn phòng diện tích chỉ chừng 40 mét vuông này.

Loa-tinhte-5.jpg

Có người thì thì thầm những thứ liên quan tới kỹ thuật và công nghệ của dàn loa. Người khác thì ngồi thụp xuống sàn nhà để driver toàn dải của hai cột loa hướng thẳng âm thanh về đôi tai. Có người thì nói rằng cặp này phải cho chạy rà cỡ trăm tiếng thì mới thực sự hay được. Rồi đâu đó ở góc phòng là vài câu thì thầm trao đổi về bản thân thương hiệu.

Nhưng có một điều chắc chắn, mỗi người có một quan điểm và chia sẻ riêng, nhưng đôi tai của tất cả mọi người trong căn phòng đều hướng về những bản nhạc thính phòng đang được trình diễn. Bằng chứng rõ ràng, là khi người cầm chiếc điện thoại điều khiển cặp loa chuyển bài hay đổi âm lượng, mọi con mắt đều hướng về phía đôi loa, cứ như họ lo ngại đang có chuyện gì trục trặc mà âm nhạc dừng bất chợt.

Lúc ấy đầu óc mình cũng chẳng còn để tâm tới từng bản nhạc và cách cặp loa trình diễn nữa.

Loa-tinhte-10.jpg

Thỉnh thoảng đúng là có quên, nhưng những khoảnh khắc như vậy ngay lập tức nhắc nhở mình, nghề chơi nào cũng lắm công phu. Và đôi khi nghề chơi ấy nó còn đi ngược lại hoàn toàn cái mục tiêu tạo ra trải nghiệm tiện lợi và gọn gàng cho con người. Cuhiep cũng có lúc như vậy, ngồi nghe nhạc lúc làm việc là bên cạnh phải có nguyên một dàn nối Chord Hugo 2 với Abyss Diana, dây ở khắp mọi nơi, nhưng đổi lại là thứ âm thanh tuyệt hảo.

Cũng may là mấy năm gần đây thú chơi có cảm giác càng lúc càng dễ tiếp cận, và phù hợp hơn với thời đại. Mấy năm trước còn thấy mọi người sôi nổi thảo luận xem tai có dây hay không dây nghe nhạc hay hơn, chứ giờ mọi thứ đã khác.

Có lẽ một ví dụ nổi bật cho quan điểm công nghệ đang giúp thu gọn khoảng cách giữa các thiết bị âm thanh không dây với những thiết bị âm thanh ở phân khúc audiophile, thứ mình từng có cơ hội trải nghiệm, là cặp tai game Maxwell của Audeze. Đồng ý là so với LCD-4 thì Maxwell còn cách xa về chi tiết lắm, nhưng so với tai nghe không dây cho anh em game mấy năm trước, chất lượng âm thanh đã khác biệt rất nhiều, nói theo hướng tích cực.

Loa-tinhte-15.jpg

Ngồi nói chuyện với anh lớn đại diện bên hãng loa nọ, cũng thấy một điều rõ ràng. Người trẻ giờ cũng muốn có cả sự tiện lợi lẫn chất lượng âm thanh. Họ, à không, chúng ta mua loa active nhiều vô cùng, bất kể tầm giá, từ 10 đến 100 triệu. Cứ mua về, đặt đúng vị trí, có lúc kết nối với nguồn phát không dây, có lúc kết nối hẳn với internet qua dây LAN để loa lấy dữ liệu âm thanh, cho cục ampli bên trong xử lý và trình diễn.

Nghề chơi chưa bao giờ hết công phu, phải khẳng định là vậy. Chọn loa xong còn chọn sang cả dây nguồn rồi cả ổ cắm, để nhiễu sóng đường dây tải điện không ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh. Cái này chẳng riêng các chú các anh lớn thời kỳ cũ chơi loa đài kiểu phối ghép, mà mình bắt đầu thấy có những anh em tầm tuổi mình quan tâm rồi.

Rồi thì loa tốt, nhưng nguồn nhạc không hay thì cũng lại phiền toái. Có những đôi tai thỏa hiệp với Spotify và Apple Music. Nhưng cũng lại có lúc, phải Tidal và Qobuz mới chiều chuộng được người nghe. Giờ dù là chơi nhạc hay chơi đồ âm thanh cũng dễ hơn xưa nhiều rồi, không cần phải đi mò mẫm tìm nguồn nhạc ngoài tiệm băng đĩa, hay lên mạng internet tải về rồi lưu trữ trong ổ cứng hay máy tính để nghe dần nữa.

Loa-tinhte-11.jpg

Ý nghĩ về sự tiện lợi nhanh chóng rẽ sang một chiều hướng khác. Tiện đến đâu thì tiện, vẫn có những yếu tố mặc định của vật lý quyết định chất lượng âm thanh mà một dàn loa tạo ra trong một không gian nhất định. Từ độ vang, vị trí đặt loa, rồi cả công suất của chính bộ loa đó có phù hợp với căn phòng hay không. Đấy là lúc câu chuyện hoàn toàn khác được đề cập, nhưng xa quá không dám nghĩ tiếp: Xử lý âm học cho phòng nghe.

Nhưng mới chỉ dám nghĩ tới câu chuyện các nhà sản xuất làm thế nào giải quyết mọi vấn đề liên quan tới công nghệ màng loa dynamic cũng đã có cảm giác ngợp. Làm thế nào những dải âm bước sóng dài không lấp kín những dải âm bước sóng ngắn trình diễn cùng lúc khi củ loa vận hành? Rồi thì làm cách nào khắc phục tình trạng loa nhiều driver đồng bộ một cách tuyệt đối âm thanh?

May quá, đó là công việc của các kỹ sư đến từ các hãng, không phải của mình.

Loa-tinhte-12.jpg

Còn đối với mình và anh em, hiện giờ có lẽ đồ chơi âm thanh là một trong những thú vui dễ tiếp cận nhất, dễ phục vụ thư giãn nhất, chứ không như đồng hồ và ô tô. Đồng hồ giờ trở thành những món trang sức đúng nghĩa đen, vì có xem giờ chính xác được như cái điện thoại đâu? Ô tô thì với phần đông trong số chúng ta, đều là một thứ phương tiện phục vụ cho sự tiện lợi của cả gia đình hàng ngày, chứ không có chỗ để bàn tới sức mạnh máy móc cơ khí bên trong.

Cứ chìm nghỉm trong những ngổn ngang như vậy, bên cạnh vài phút chuyện phiếm với những người bạn, người anh, người chú có mặt chiều hôm ấy, thấm thoát cũng hết buổi chiều. Vừa thỏa mãn với âm thanh, vừa có thêm vài khoảng trống trong tư tưởng phải tự đi tìm câu trả lời, mình quyết định xin phép về trước.

Giờ nghe kể lại, hôm ấy, các anh các chú ngồi lại tới tận gần giờ cơm tối với mấy cặp loa.

79 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Bolero lời hay êm tai là ok rồi, khỏi màu mè
@GiT Dùng tai vừa đúng vừa sai đó bạn.
Nếu một thiết bị có THD tốt, đáp ứng xung tốt với các loại xung sin và vuông... thì chưa chắc nghe đã hợp tai bởi vì nó lạ tai.
Thiết bị ko chuẩn, chúng color the sound (cái này hay bị dịch là màu mè, ko cx) theo đặc tính riêng và nếu ai hợp tai thì cá nhân đó thấy hay, họ đánh giá cao, ko thể bắt họ chê đc. Nhưng với người khác họ thích âm thanh bị color theo cách khác nên họ thấy ko hay.
Nhưng nếu nói về độ nhạy mà tai nhận ra thì hẳn thua thiết bị đo nhiều lắm.
GiT
CAO CẤP
3 tháng
@T.NC Thế thưởng thức âm nhạc lại cứ phải nhìn từng loại đồ đạc xem nó thế nào sao bạn? Vậy trở thành chơi đồ rồi, chứ thưởng thức gì nữa. Âm nhạc là phạm trù trừu tượng, đến cái gu âm nhạc còn khác nhau thì càng không nên so sánh, nên quan trọng nhất là cái "hợp tai" đó. Còn đã chơi đồ, chơi thông số, thì cứ đọc catalogue của hãng, và ai sở hữu được bộ thiết bị có thông số đỉnh nhất thì người đấy auto chiến thắng, càng khỏi phải so sánh làm gì.
@GiT Khó ở cái chữ "hợp tai" đó!
Cũng như hợp nhãn ấy, khi chỉ nhìn vk thì ổn ổn. Nhìn em hàng xóm lại hoặc em gái trẻ xinh đẹp ở cty lại thấy mắt như tinh hơn. Ko có điểm dừng. Hợp tai có thể vẫn hợp, nhưng "nâng cao" thì vẫn ham. Giống như ai thích da trắng mặt trái xoan thì thích gu đó, dù có ko đổi cũng vẫn thấy gương mặt nào đó hợp nhãn hơn, ko phải chỉ 1 gương mặt quen
GiT
CAO CẤP
3 tháng
@T.NC "Hợp tai" trong thời điểm đấy thôi chứ, ngay cả cùng 1 bộ âm thanh, nghe 2 bài khác nhau dù cùng thể loại thì cảm xúc vẫn khác nhau, chứ đừng nói đến 2 thể loại nhạc khác nhau nữa luôn. Nên để sang nghe nhạc với em hàng xóm thì em ấy cho gì mình dùng cái đấy, còn ở nhà nghe nhạc với vk thì bộ đó mới đúng chuẩn gu những gì mình muốn nghe, thưởng thức. Điểm dừng thì dĩ nhiên là chẳng bao giờ có, nhưng để đánh đổi sự sang chảnh, lòe thiên hạ mà đánh mất đi cái gu thưởng nhạc thì mình nghĩ không nên, mất cái thưởng thức âm nhạc bằng tâm hồn cảm xúc, mà chuyển sang thưởng thức thiết bị bằng tài khoản rồi. Đừng để cái ví nó lừa cái tâm... 🤣
datvn
CAO CẤP
3 tháng
Lời thì ko nhắc đến, nhưng hình ảnh thì toàn loa KEF
@datvn Hình như buổi này là do hãng mời hay tài trợ gì đó mà phải không ta?
@datvn chưa thấy ai thử KEF R3 meta nhỉ. tui hay nghe ô này với vài ô nữa bàn luận về audiophile

purplenova
ĐẠI BÀNG
3 tháng
@datvn Đọc và xem ảnh cũng làm mình có cảm giác muốn mua sắm. Tút lùa gà khéo thật.
ủa ông cũng chơi sang món điếc tai này rồi à 😁 lắc tay với pc master race là chưa đụ
KEF LS60 - Nhân vật chính của bài viết trên. Giá hãng niêm yết nghe đâu 120tr. Nhưng tin mình đi, bạn dễ dàng mua được với giá tầm chưa tới 90tr nhờ mấy mặt hàng chiết khấu, lướt,… Khéo mua lại thì 70-80tr nhiều bạn thanh lý. Về chất âm con này mình thành thật xin can anh em, bass dư, dải trầm lấn, dải mid treb rất rẻ tiền nếu ko muốn nói là còn thua cả con LS50W2.
@Quick2Silver_Mx Bác kiếm đâu đc LS50W2 3x với LS60 70-80tr thì nhắn mình nhé.
Còn bác kêu LS60 lấn thì do bác không biết setup
tung.nt169
ĐẠI BÀNG
3 tháng
@Quick2Silver_Mx cặp này hôm nghe thử ở sự kiện mà bài viết nói thấy đúng còn kém hơn cả LS50 luôn, nghe giao hưởng bị dính và rối. cặp LS50 bookshelf mà chơi khá chắc, dĩ nhiên không thể đòi hỏi tách bạch chi tiết nhiều ở 1 cặp active bookshelf cỡ nhỏ.
@Quick2Silver_Mx Mình đủ kiến thức và kĩ năng mấy cái sơ đẳng này bạn ạ. Phòng mình cần tránh tần số nào mình cut off trong setting. Sau gáy mình 1m là tán âm luôn nhé. Chân loa đổ thạch anh và bi sắt vừa đổ vừa dò cộng hưởng.
Đôi chút thông tin tới bạn
Mình ko lọ mọ như mấy ông chơi loa, nào là power line, ground box cho tới cái cầu chì lượng tử giá... 600tr/chiếc. Mình lọ mọ với tai nghe, có cái sờ nhiều, cái sờ ít tùy mức độ sợ: sợ ko hay, sợ hỏng đi phải mua mới.
Tai nghe vẫn cần "xử lý phòng" dù cái phòng đó bé và ngay lỗ tai.
Trong quá trình mò đó mình thấy âm thanh tuyệt vời khi bỏ cái chắn bụi (ê căng) và sd pad da cừ thay vì pad nhung và thay đổi nhỏ như ảnh
20240411-190101.jpg
@T.NC Thấy nhiều ng nói pad rin hay nhất. Mới hư cái pad rin lun mà vn hết hàng rin
@tamle_o Khám phá đống này đi bạn.
Mỗi bộ pad zin bằng 5 bộ này https://shp.ee/t4n4gk0
Mình vẫn loay hoay để nâng cấp bộ dàn cỏ từ marantz qua thử arcam alpha 10 hoặc tandberg 2075 của nauy. Ở SG ae nào chơi 2 amp này cho nghe ké chút nào
Thú chơi Audiophile
GiT
CAO CẤP
3 tháng
Chơi đồ ít thôi, nên nhắm mắt lại và cảm nhận (blind test) thì sẽ chọn được những gì phù hợp với bản thân nhất. Âm thanh/âm nhạc là thưởng thức bằng đôi tai, đừng để con mắt đánh lừa. Đắt rẻ không nên quá để tâm (blind test mà)… 😁
Edit: Bài viết thiếu ghi chú 'QC' ở đầu tiêu đề.
😁 Tự thuốc ^^
Nghiện là dở rồi haizzz
Bỏ tiền tỉ chơi audio gì gì đó mà cái lỗ tai đóng ráy 3 năm thì có hay được ko các thánh lùa. 😂
Dạo này thấy thiết kế và âm ngạc từ châu á k còn hay như hùi trẻ thấy nữa. Nói ra thì nge tự phân biệt chủng tộc nhưng càng lớn càng thấy đồ ngệ thuật tụi tây nó ở cái tầm khác . Dĩ nhiên k phải tây làm ra j cũng best nhưng da đen vs trắng có đầu óc ngệ thuật hơn á
@tamle_o Bọn ắ trừ lũ ấn 5 đẵng ra: còn lại toàn bọn dỡ hơi:
đến như bịn khựa có 2 CeO amd và nvidia những: đc đào tạo ỡ đâu mới là quăng chọng:
kkkk
còn bọn zịt ta thì toàn trà đá vĩa hề xI
cdang
TÍCH CỰC
3 tháng
KEF gần đây tăng giá lên khá nhiều so với trước rồi, ko hấp dẫn lắm…
mới bắt đầu chơi thì kiếm mấy cặp loa cỏ chơi cho đỡ hao tiền
Toàn bòn xI:
Có QC cho Kef ko nhỉ ae 😁
Wangdang76
ĐẠI BÀNG
3 tháng
@HaiChin chắc là không đâu, ngẫu nhiên hãng nhờ tí thôi 😆
@Wangdang76
Yêu quá
mình cũng từng chơi món này. cuối cùng về với cặp loa toàn dải tự đóng, tự hài lòng với cái gì mình có, việc chạy theo không tạo ra khác biệt quá lớn, chính xác là khi đó đã bị loa chơi như bài viết.
drizzles
TÍCH CỰC
3 tháng
@visaodemroi Đúng là chạy theo mấy cái này vừa tốn tiền vừa tốn thời gian và nhiều thứ khác nữa. Giờ mình chỉ nghe đôi loa có hơn 2tr và thấy hài lòng.
@drizzles chuẩn cmnl. âm nhạc là cảm xúc. việc phụ thuộc chăm chú ngồi nghe thiết bị, ráng phát hiện chút khác biệt và trầm trồ là việc làm vô nghĩa, đi ngược lại triết lý giải trí vốn có
laicuong88
ĐẠI BÀNG
3 tháng
@visaodemroi Do kỹ thuật âm thanh hiện nay đã rất phát triển nên các bộ dàn phổ thông đã đáp ứng khá tốt nhu cầu. Để tái tạo 100% âm thanh gốc là không thể, 94-95% là quá tốt rồi. Từ 85% lên 95% chỉ cần bỏ ra 50-100tr nhưng từ 95% lên 98% cần vài tỷ. Đắt tiền nó vẫn hơn, chỉ có điều quá đắt so với giá trị đem lại.
Bỏ cả tỷ chơi audiophile mà tai trâu thì cũng thế, toàn lùa gà là chính =))

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019