Vì công nghệ AI, đầu tư ngành giáo dục trực tuyến toàn cầu năm 2024 giảm kỷ lục

P.W
25/12/2024 11:47Phản hồi: 7
Vì công nghệ AI, đầu tư ngành giáo dục trực tuyến toàn cầu năm 2024 giảm kỷ lục
Những công cụ AI miễn phí với khả năng tạo sinh ra những bài giảng hay phục vụ nhu cầu giáo dục đang khiến những startup giáo dục trực tuyến gặp khó khăn. Bằng chứng là khoản đầu tư vào công nghệ giáo dục trực tuyến trên toàn thế giới trong năm 2024 sắp qua đi đang ở mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua.

Con số này ước tính chỉ vỏn vẹn 3 tỷ USD. Năm 2021, ngành giáo dục trực tuyến toàn cầu nhận được khoản đầu tư đạt kỷ lục, 17.3 tỷ USD. Đây là số liệu của PitchBook. Lần gần đây nhất những startup giáo dục trực tuyến (edtech) bị các nhà đầu tư bỏ rơi như thế này, là vào năm 2014, khi tổng giá trị đầu tư của cả ngành chỉ đạt 2.3 tỷ USD.

Screenshot 2024-12-26 123312.jpg

Tình hình đầu tư suy giảm kể trên chính là hệ quả của hai thay đổi trên thị trường công nghệ nói chung và giáo dục trực tuyến nói riêng. Những startup edtech bùng nổ về sức hút khi COVID-19 càn quét, mọi ngôi trường trên toàn thế giới phải tạm đóng cửa. Nhưng khi mọi thứ bình thường hóa, các startup này không giữ nổi tốc độ tăng trưởng như thời điểm 2020 - 2021.

Khiến mọi thứ tệ hơn chính là cơn sốt AI tạo sinh trong vòng 2 năm qua. Những công cụ thu phí của các startup edtech trở nên cổ lỗ và không thể cạnh tranh được với những công cụ vận hành nhờ mô hình ngôn ngữ lớn, nhiều công cụ trong số đó miễn phí hoàn toàn. Vậy là giá trị vốn hóa của những startup edtech cắm đầu.


THE-SURPRISING-ASPECTS-OF-ONLINE-LEARNING.jpg

Sabah Baxamoosa, giám đốc phát triển tại nền tảng khởi nghiệp OneValley nói: “Trong khi các ứng dụng giáo dục trực tuyến có tiềm năng rút ngắn khoảng cách về kỹ năng, nhiều nhà đầu tư và khách hàng của các ứng dụng này cho rằng chúng không thể thực hiện những lời hứa ban đầu.”

Ở thái cực hoàn toàn ngược lại, là khoản tiền đầu tư mà các quỹ và các tập đoàn đang rót cho những startup nghiên cứu công nghệ AI. Con số năm 2021 là 16.5 tỷ USD, còn trong năm nay, nó có thể chạm mốc 51.4 tỷ USD.

Chegg, một startup edtech có trụ sở tại California, Mỹ là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thông báo thua lỗ do sự ra đời của ChatGPT. Kể từ đó, Chegg liên tục gặp khó khăn trong kinh doanh. Tháng 11 vừa rồi, họ công bố cắt giảm 21% tổng số nhân sự, chỉ 6 tháng kể từ khi thực hiện thanh lọc nhân sự gần nhất hồi tháng 5. Lượng người đăng ký dịch vụ giáo dục của họ giảm 13% so với cùng kỳ, xuống còn 3.8 triệu tài khoản trong quý III. Trong năm nay, giá cổ phiếu Chegg đã giảm tới 84%.

6727735813-5caedeb117-o.webp

Nathan Schultz, CEO kiêm chủ tịch Chegg nói: “Những tiến bộ hiện tại trong trải nghiệm tìm kiếm thông tin bằng AI, và việc thị trường, đặc biệt là các bạn học sinh sinh viên sử dụng những dịch vụ AI tạo sinh đã tạo ra những thử thách rất lớn đối với chung tôi. Thay vì xây dựng kỹ năng tư duy phản biện, giờ các bạn thường dựa vào AI để tìm ra những câu trả lời nhanh, thứ gây ảnh hưởng tới khả năng hiểu biết kiến thức về lâu dài.”

CEO Schultz cho biết thêm, Chegg có lịch sử lâu năm và là một thương hiệu có sức chịu đựng tốt, trong năm sau, họ “sẽ tiếp tục củng cố trải nghiệm học tập với các bạn học sinh sinh viên thực sự muốn học hỏi chứ không phải tìm câu trả lời nhanh.”

Screenshot 2024-12-26 123319.jpg

Quảng cáo



Coursera, startup cung cấp những khóa học, chứng chỉ và bằng cấp trực tuyến cũng phải chịu tình trạng giá cổ phiếu giảm hơn 56% trong năm nay. Một dịch vụ tương tự, Udemy, thì có giá cổ phiếu giảm hơn 43% trong năm nay.

Tuy nhiên, Duolingo lại là một trong số hiếm những cái tên hiếm hoi tránh được xu hướng này. Trong năm 2024, giá cổ phiếu của họ tăng gần 60%, nhờ vào lượng người dùng lẫn tài khoản trả tiền tăng mạnh, sau khi Duolingo cập nhật những tính năng mới trong ứng dụng. Vài tính năng trong số đó thậm chí còn dựa trên GPT-4 của OpenAI để cung cấp đánh giá cá nhân hóa trong quá trình học những ngôn ngữ mới.

duolingo-character-wordmark-41.jpg

Sự cạnh tranh từ những công ty AI mà những startup edtech phải chịu trong năm nay chỉ có tăng lên chứ không giảm đi. OpenAI và Google đều củng cố những tính năng phục vụ giáo dục dựa trên những mô hình ngôn ngữ AI mà họ phát triển. Hồi tháng 5, OpenAI cho ra mắt ChatGPT Edu, một phiên bản chatbot nhắm tới ngành giáo dục, hiện đang được trường kinh doanh London và đại học Arizona, Mỹ sử dụng. Còn Google đã phát triển LearnLM, một nhóm những mô hình AI được tùy chỉnh riêng cho nhu cầu giáo dục.

Cũng chính vì lẽ đó, các đơn vị edtech đang chạy đua ứng dụng những tính năng AI vào sản phẩm và các khóa học của họ, và cho rằng công nghệ này sẽ cải thiện được dịch vụ của họ. Những nền tảng như Khan Academy hay Coursera đã tích hợp những tính năng AI tạo sinh dưới dạng những trợ lý ảo tương tác với các học viên. Nền tảng học ngoại ngữ Speak thì dùng mô hình tạo sinh âm thanh Whisper của OpenAI để mọi người có thể học thông qua những cuộc trò chuyện với máy móc.

Connor Zwick, CEO của Speak cho biết: “AI sẽ tạo ra những tác động lớn trong cách mọi người học tập, hơn hẳn so với bất kỳ khía cạnh tương tác xã hội nào khác của con người. Điều này đặc biệt đúng khi giáo dục đang là một trong số ít những ngành mà phần mềm công nghệ chưa tạo ra được những chuyển biến có giá trị.”

Quảng cáo



Gần đây, Speak, trụ sở tại San Francisco, Mỹ đã gọi thêm được 78 triệu USD tiền vốn, nâng giá trị vốn hóa của họ lên 1 tỷ USD, nhờ nguồn tiền từ Accel, quỹ đầu tư của chính OpenAI, Khosla Ventures và Y Combinator.

speak-preview.png

CEO Zwick cho rằng, các cá nhân sẵn sàng trả tiền cho trải nghiệm cá nhân hóa hơn, nhưng ông không tự coi startup Speak là một đơn vị edtech: “Tôi không nghĩ các nhà đầu tư cảm thấy ngành edtech thực sự hấp dẫn, và cũng không đổ lỗi cho họ được, sau quá trình kinh doanh gần đây của các startup. Giờ edtech là một cụm từ không mang nhiều giá trị.”

Vài công ty edtech khác thì đang tìm nguồn thu mới thông qua việc giúp đỡ các giáo viên xác định những bài tập về nhà, những bài luận mà học sinh hay sinh viên của họ nộp có phải do AI viết hay không, hoặc có dùng AI để gian lận thi cử hay không. Một trong số đó là Turnitin. Năm ngoái, họ cho ra mắt công cụ nhận diện văn bản viết bằng AI. Kể từ đó tới nay, tính năng này đã giúp đánh giá hơn 200 triệu bài luận.

CEO Turnitin, Annie Chechitelli cho biết, công cụ nhận diện này chính xác khoảng 86%, tỷ lệ nhầm lẫn văn bản do người viết nhưng máy lại kết luận là AI chỉ dưới 1%.

Cô Chechitelli nói: “Chúng tôi có thể phán ứng nhanh hơn vì chúng tôi đã bắt đầu tìm cách giải quyết vấn đề văn bản do AI viết từ tận năm 2020. Nhưng kể từ khi năm học bắt đầu, các bạn học sinh sinh viên đã liên tục tìm ra những cách để đánh lừa hệ thống, và luôn luôn có những nguy cơ mới xuất hiện khiến hệ thống nhận diện trở nên bớt chính xác.”

turnitin-ai-writing-detector.png

Nhiều người trong ngành giáo dục bày tỏ quan điểm nghi ngờ rằng những thay đổi và ứng dụng AI có giúp triển vọng phát triển của những doanh nghiệp công nghệ giáo dục trở nên sáng sủa hơn hay không.

Giám đốc Baxamoosa của OneValley cho biết việc triển khai những mô hình AI chất lượng cao vào các sản phẩm công nghệ giáo dục rất tốn kém, và luôn có nguy cơ xuất hiện thiên kiến, những rủi ro về quyền riêng tư cũng như bảo mật. Bà cho rằng, những trở ngại này, kết hợp với tốc độ thay đổi và phát triển của ngành AI đang khiến các nhà đầu tư bớt quan tâm hơn tới công nghệ giáo dục.

Jared Cooney Horvath, một nhà thần kinh học kiêm chuyên gia giáo dục cho biết cơn sốt xoay quanh AI tạo sinh đã khiến các startup giáo dục trực tuyến nhét từ khóa đó vào mọi khía cạnh trong sản phẩm của họ, kể cả khi nó chẳng phù hợp chút nào: “Những công ty giáo dục trực tuyến hầu hết bao gồm những kỹ sư phát triển, những doanh nhân và những nhà quản lý kinh tế. Rất hiếm khi bạn thấy những giáo viên hay một nhà giáo dục đang làm việc tại các trường làm việc cho một đơn vị edtech. Thất bại của họ trong việc tạo ra tác động tích cực đối với giáo dục là gì họ không hiểu gì về cái ngành họ đang cố thay đổi.”

Theo FT
7 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

cám ơn bạn đã chia sẻ
ChatGPT gánh hết các chức năng, giờ này ai mà còn đầu tư edtech thì cũng lạy.
@Methylamine không nên bỏ hết trứng vào 1 giỏ
Với một xã hội học tập, đối tượng c ý thức đã định hình, các công cụ AI sẽ là công cụ đắc lực giúp cho việc học của họ mà ít cần đến trainer/guider là người thực. Nhưng với các đối tượng khác, đa phần vẫn cần con người thực giúp đỡ cho quá trình học tập, vì con người là động vật xã hội cần tương tác để tạo động lực học tập.

“Những công ty giáo dục trực tuyến hầu hết bao gồm những kỹ sư phát triển, những doanh nhân và những nhà quản lý kinh tế. Rất hiếm khi bạn thấy những giáo viên hay một nhà giáo dục đang làm việc tại các trường làm việc cho một đơn vị edtech. Thất bại của họ trong việc tạo ra tác động tích cực đối với giáo dục là vì họ không hiểu gì về cái ngành họ đang cố thay đổi.”

Có lẽ mấu chốt của vấn đề edtech là ở điểm này. Các doanh nhân, nhà quản lý kinh tế hay dev khi làm sản phẩm về edtech thì cái cốt lõi của họ hướng tới vẫn là lợi nhuận chứ ko phải vì mục đích giáo dục. Thế nên khi AI đủ mạnh thì nó cho các sản phẩm của họ ra đi hết.
@alex.hn Hợp lí
@alex.hn Mình nghĩ giáo dục thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. học qua cái máy dạy thì không có nhiều động lực để mà học tập
Một số trường đại học ở VN cũng đang mạnh tay đầu tư áp dụng AI vào việc học và quản lý hỗ trợ sv, chắc một số nhân sự công việc như trung tâm hỗ trợ sinh viên, phòng công tác sv sẽ giảm nhân sự trong tương lai rất gần.

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019