Là một thiên tài thời Phục Hưng, Leonardo da Vinci nổi tiếng với những tác phẩm hội họa cùng với hàng loạt phát minh ấn tượng. Sinh ra tại một điền trang gần thành Florence ở Ý vào năm 1452, lúc nhỏ ông nhận được một nền giáo dục bài bản và tất cả đã tạo nên nền tảng cho những phát minh sau này. Dưới sự bảo trợ của các nhà quý tộc, Da Vinci đã thiết kế ra những phát minh đi trước thời đại từ máy bay, bộ đồ lặn cho đến xe bọc thép.
Công tước xứ Milan rất quan tâm đến công nghệ quân sự và Da Vinci là nhà phát triển các thiết bị quân sự cho vị công tước này. Vì việc theo dõi chính xác khoảng cách đã đi sẽ gặt hái được thông tin giá trị về vị trí và năng lực của một người lính, nên ông đã tạo ra một thiết bị có thể ước tính khoảng cách một người đã đi bằng cách đếm số bước chân.
Thiết bị cơ học này được đeo ở thắt lưng, với một con lắc đong đưa qua lại sau mỗi bước chân. Từ đó nó sẽ kích hoạt các bánh răng để đếm quãng đường một người đã đi. Có điều thiết bị này chưa bao giờ được áp dụng trong thực tế.
Máy đếm bước chân
Công tước xứ Milan rất quan tâm đến công nghệ quân sự và Da Vinci là nhà phát triển các thiết bị quân sự cho vị công tước này. Vì việc theo dõi chính xác khoảng cách đã đi sẽ gặt hái được thông tin giá trị về vị trí và năng lực của một người lính, nên ông đã tạo ra một thiết bị có thể ước tính khoảng cách một người đã đi bằng cách đếm số bước chân.
Thiết bị cơ học này được đeo ở thắt lưng, với một con lắc đong đưa qua lại sau mỗi bước chân. Từ đó nó sẽ kích hoạt các bánh răng để đếm quãng đường một người đã đi. Có điều thiết bị này chưa bao giờ được áp dụng trong thực tế.
Thang leo
Thời đó các thành phố thường có những tường thành bao bọc xung quanh và có đủ nguồn thực phẩm, nên khi bị bao vây có thể cầm cự hàng tháng trời. Quân thủ thành thường dùng cung tên và dầu sôi để phòng thủ, đặt ra một thách thức lớn khi leo lên bờ thành.
Nhằm tăng độ an toàn, Da Vinci đã chế ra một chiếc thang có thể đặt tựa vào tường thành và triển khai nhanh. Hệ thống thang này hoạt động bằng tay quay kết hợp với bánh răng, nó cũng tạo thành một góc nghiêng để dễ leo lên và khiến quân thủ thành khó bắn trúng hơn.
Súng máy
Nhiều phát minh của Da Vinci xoay quanh hoạt động quân sự vì ông từng là kỹ sư quân sự trưởng của Milan. Vào thời đó thì súng ống đã khá phổ biến và đem lại lợi thế nhờ tầm bắn xa, nhưng lại nạp đạn khá chậm.
Cho nên vào năm 1481 Da Vinci đề xuất một cỗ máy mang tên "Đàn organ 33 nòng”. Nó gồm 3 hàng nòng súng, mỗi hàng là 11 nòng và xếp theo hình tam giác trên một giá đỡ có gắn bánh xe. Khi bắn xong hàng đầu tiên đã nạp đạn sẵn thì thiết bị sẽ quay để tạo ra một loạt đạn mới để bắn. Ngay lúc đó người ta sẽ tranh thủ nạp đạn vào các nòng trống, nhờ vậy nó có thể duy trì hỏa lực ổn định.
Xe "bọc thép"
Chiếc xe này có khả năng di chuyển theo mọi hướng và trang bị một số khẩu pháo hạng nhẹ được xếp trên một bệ tròn. Dù đúng là có được gia cố bằng những tấm kim loại, nhưng phần lớn xe được bao phủ bởi các tấm gỗ giống y mai rùa, nên gọi nó là xe bọc gỗ thì đúng hơn.
Quảng cáo
Phần mái được làm nghiêng khoảng 45° để làm chệch hướng hỏa lực và có một tháp ngắm ở trên cùng để điều phối việc bắn súng và lái xe. Ở bên trong có thể chứa vừa 8 người và họ phải luân phiên điều khiển bằng tay quay để xe chạy. Nó có thể được coi là tiền thân của xe tăng dù nhìn giống UFO hơn.
Xe "bọc thép" được làm dựa trên bản vẽ của Da Vinci.
Xe ngựa tự động
Bản phác thảo thiết kế xe ngựa tự động của Da Vinci đã đi trước động cơ hơi nước hàng trăm năm. Một loạt sơ đồ trong nhật ký cho thấy ông đã nghiên cứu ý tưởng này trong giai đoạn 1478-1485. Sau 8 tháng phục dựng bằng cách kết hợp các bản vẽ cùng công nghệ hiện đại, nhóm kỹ sư từ Bảo tàng Lịch sử Khoa học ở Florence đã phục dựng được một chiếc xe tương tự.
Mô hình hoạt động được có tỷ lệ bằng 1/3 thiết kế của Da Vinci.
Quảng cáo
Bằng cách đẩy xe về phía sau thì bánh xe sẽ lên dây cót cho cơ cấu lò xo ở mặt dưới, để khi thả ra thì xe có thể tự di chuyển nhưng chỉ được vài mét rồi dừng. Dù rất sáng tạo, phát minh này không thể đánh bại sức ngựa nên chỉ mãi là một bản phác thảo.
Bộ đồ lặn
Năm 1499 Da Vinci chuyển từ Milan tới Venice sống. Nhưng chỗ đó nằm rất gần Đế quốc Ottoman mới thành lập năm 1453 và họ đặt ra một mối đe dọa lớn từ đường biển. Để tạo lợi thế cho đội hải quân yếu hơn của Venice, Da Vinci đã phát minh ra bộ đồ lặn cung cấp dưỡng khí để một người có thể lặn xuống và đục thủng đáy tàu của đối phương.
Bộ đồ này làm bằng da và kín nước, bao gồm một túi hơi có thể thổi đầy hoặc xả khí thông qua một cái van để giúp thợ lặn chìm hoặc nổi. Trên mặt nạ có gắn một ống mềm dẫn lên mặt nước, ở đó đầu mở của ống được đặt trên một phao nổi nhỏ làm bằng nút bần để cấp dưỡng khí. Ông thậm chí còn làm một túi đựng nước thải phòng khi phải lặn lâu. Có điều là hải quân Venice đã đẩy lùi được quân Ottoman trước khi phải viện tới một bộ đồ lặn quá rủi ro như vậy.
Phao cứu sinh
Da Vinci đã phác thảo ra một trong những loại phao cứu sinh đầu tiên vào năm 1485 khi còn ở Milan. Phao này có các các túi khí bơm căng và được xếp thành một chiếc vòng có thể đặt quanh eo của một người sắp bị chìm. Đặc biệt, nó có thể được ném cho nạn nhân từ xa nên người ta không cần phải nhảy xuống nước để đưa nó cho họ. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ông từng chế tạo một chiếc phao thực sự.
Bản phục dựng phao cứu sinh của Da Vinci.
Dù
Thiết kế dù của Da Vinci có hình kim tự tháp, không giống những chiếc dù tròn ngày nay. Ông mô tả nó như một cái lều làm bằng vải lanh, có bề rộng và bề sâu đều chừng 7 mét và được căng trên một khung gỗ. Trong sổ tay, ông cam đoan rằng nếu một người có một cái lều làm bằng vải lanh mà tất cả các lỗ đều được bịt kín, thì sẽ có thể nhảy xuống từ bất kỳ độ cao nào mà chẳng bị gì.
Thời đó thiết kế này chưa hề được kiểm chứng. Tới năm 2000 thì một vận động viên nhảy dù là Adrian Nicholas đã chế một cái dựa trên bản vẽ của Da Vinci và đánh liều thử nghiệm bằng cách nhảy từ độ cao 3 ngàn mét. Ngạc nhiên thay Nicholas đã đáp xuống thành công, thậm chí ông còn nhận thấy nó êm hơn những chiếc dù hiện đại.
Máy bay
Một trong những phát minh nổi tiếng nhất của Da Vinci là máy bay. Theo phác họa, cỗ máy này gồm một bộ khung gỗ có sải cánh dài hơn 10 mét, với hai cánh được phủ căng bằng lụa mịn để làm thành một lớp màng nhẹ mà chắc chắn giống cánh dơi.
Người lái sẽ nằm sấp trên một tấm ván ở giữa và dùng chân đạp liên hồi để vận hành một hệ thống phức tạp gồm các thanh gỗ, bánh răng và ròng rọc. Một người học việc của Da Vinci được cho là từng bay thử nó và đã bị té gãy chân, nhưng câu chuyện này không chắc có thực. Cứ cho là cỗ máy này bay được trên không, thì một người cũng khó mà tạo đủ năng lượng để nhấc nó khỏi mặt đất.
Bánh răng
Bánh răng là một phát minh cơ khí quan trọng có từ thời cổ đại, nhưng chính Da Vinci đã đưa bánh răng lên một tầm cao mới. Ông sử dụng một thanh gỗ, có một đầu ăn khớp với một bánh răng. Bản thân các răng của bánh răng này được làm theo hình dốc nghiêng, thay vì kiểu tam giác thông thường. Khi quay bánh răng theo chiều xuôi thì thanh gỗ này sẽ bập vào các răng liên tiếp nhau. Lúc bánh răng dừng lại, thanh gỗ sẽ ngăn không cho nó quay ngược về phía sau.
Theo PopMech, SlashGear, Ancient Origins.