Xin chúc mừng anh em nào đã cùng với người bạn đời của mình đi được một chặng đường 5 năm hoặc tốt hơn nữa là 10 năm (có thể kết hôn hoặc không kết hôn). Sống cùng một người khác biệt về tính cách, sở thích là một điều không hề dễ dàng, và càng không dễ dàng hơn nữa sau một thời gian bên nhau. Các cụ có câu, cả thèm chóng chán: sau những hân hoan ban đầu khi về chung một nhà thì dần dần ai cũng có những cảm xúc chán chường, không còn sự đồng điệu và nồng ấm như xưa. Kéo theo những yếu tố cơm áo gạo tiền cộng với sự tác động không ngừng nghỉ của tin tức, công nghệ, lối sống, hai mảnh đời dần dần xa nhau lúc nào mà không hay. Các cặp đôi ít nói chuyện thường xuyên hơn trước, mà có nói chuyện thì cũng chỉ là những chuyện chẳng liên quan gì đến mối quan hệ giữa hai người. Các nhà tâm lý học khuyên các cặp đôi nên nói chuyện thường xuyên với nhau để hiểu nhau hơn và cùng nhau bước qua 5 hoặc 10 năm nữa của cuộc đời. Sau đây là một số câu hỏi mà mình gạn lại và theo mình là hợp lý và quan trọng các cặp đôi cần trao đổi với nhau khi đã đi được cùng nhau một chặng đường; chặng đường đó có thể là 5 năm, 7 năm, hoặc 10 năm.
1 – Anh/em có hạnh phúc với cuộc sống mà chúng ta đã và đang xây đắp cùng nhau?
Câu hỏi này quan trọng vì nó buộc hai người suy nghĩ về hoàn cảnh cuộc sống hiện tại, những khó khăn gian khổ đã trải qua và quan trọng hơn cả là có muốn tiếp tục hay không. Đây là một câu hỏi mở để hai bên có thể trao đổi thẳng thắn và rõ ràng với nhau về đoạn đường đã đi và là câu hỏi đặt nền tảng để thay đổi nếu một trong hai không hài lòng về những gì đang có. Chúng ta có thể hài lòng mặt này nhưng không vui vẻ với khía cạnh kia và điều quan trọng là làm thế nào để hai bên có thể cùng nhau giải quyết vấn đề đó.2 – Chuyện con cái
Chuyện con cái mình chỉ bàn đến vụ nuôi con thôi, còn chuyện quyết định có con hay không có con hơi nhạy cảm và phức tạp nên xin phép không bàn ở đây. Có con, đối với mình và chắc cũng đối với nhiều anh em, là một sự kiện xáo trộn cuộc đời, phải mất một thời gian mới làm quen được với sự hiện diện của một đứa nhóc. Dù xáo trộn rối tung rối mù đó nhưng dần dần cũng đâu vào đấy và thấy vui khi có con trong cuộc đời. Tuy nhiên, để niềm vui đó trọn vẹn nhất có thể thì hai bên cần chia sẻ công việc chăm sóc và dạy dỗ con. Điều này giúp giảm sự căng thẳng ở người bạn đời và gia tăng sự gắn kết. Ví dụ người cho con ăn thì người chơi với con, người giặt giũ thì người tắm cho con. Cha mẹ đôi khi còn cần phải là đồng minh của nhau để “đương đầu” với lũ trẻ nữa. Nếu chỉ một trong hai mà làm hết những công việc này thì sẽ rất khó để hai bên có thể xây dựng được một mối quan hệ bền bỉ được.3 – Anh/Em có còn hấp dẫn với em/anh không?
Thời còn yêu nhau, cuộc sống là những chuyến phiêu lưu, làm những điều mà có lẽ nếu sống một mình ít ai dám nghĩ dám làm. Cả hai cuốn vào nhau như hai cực nam châm. Nhưng khi về ở chung, sau thời gian trăng mật, cuộc sống dần trở thành thói quen, ngày nào cũng có một danh sách việc cần làm: thức dậy, nấu hoặc mua đồ ăn sáng, đưa con đi học, đi làm, đón con, chăm con buổi tối… Cuối tuần thì cà-phê, lâu lâu thì có một chuyến đi ngắn. Kiểu kiểu như thế. Và những chuyện này dẫn đến một hệ quả đó là cặp đôi không còn nhận ra nhau nữa, đặc biệt là mối quan hệ bị bó buộc trong những công việc thường nhật. Đây là một câu hỏi khó để trả lời và có thể không thoải mái đối với người được hỏi. Nhưng là một câu hỏi cần phải hỏi để hai bên có thể hiểu hơn và biết được sự tồn tại của phía kia, và có hướng đi cho cả hai.4 – Năm năm, mười năm tới chúng ta muốn đạt được những gì?
Thiết lập các mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn làm mới các mối quan hệ vì cả hai có một điều gì đó chung để xây dựng và phấn đấu. Dĩ nhiên các mục tiêu này cần được đồng ý bởi cả hai bên vì một người đạp ga một người đạp thắng thì không khí sẽ rất căng thẳng và các mục tiêu cũng khó đạt được. Và những mục tiêu lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta sống ở thời điểm hiện tại. Ví dụ, mua xe ô tô hoặc chuyển tới sống ở một nơi khác buộc chúng ta phải tiết kiệm hơn trong các khoản chi tiêu của mình.5 – Anh/Em có thỏa mãn với cuộc sống hiện tại?
Câu hỏi này có vẻ giống như câu hỏi số 1 ở trên kia nhưng thực ra không phải vậy. Câu hỏi số 1 hỏi cảm nhận của một người với nửa kia, còn câu hỏi này hỏi về cảm nhận về chính bản thân. Khi sống chung, mỗi người phải bỏ đi nhiều đam mê và lựa chọn cá nhân để dồn sức xây dựng đời sống chung. Hệ quả là qua thời gian người đó sẽ cảm thấy không thỏa mãn và dần dần mất kết nối với cuộc sống của chính họ, cho dù họ vẫn đang làm hết sức để cống hiến cho cuộc sống chung. Điều quan trọng là mỗi người cảm thấy thỏa mãn với chính bản thân họ (tới một mức độ nào đó) để mối quan hệ chung không bị tác động tiêu cực.Quảng cáo
Những câu hỏi trên đây là những câu hỏi không dễ có câu trả lời ngay lập tức từ đối tác và có thể không thoải mái lắm khi trả lời nhưng sau một khoảng thời gian đủ dài sống bên nhau, ngồi lại với nhau cùng ấm trà hay ly cà-phê để nhìn lại những gì đã qua, hướng tới những gì muốn làm sắp tới và nói lên những suy nghĩ và cảm nhận cá nhân là điều mỗi cặp đôi nên làm.