Hôm nay tàu đệm từ của công ty đường sắt JR Central (Nhật Bản) lại tiếp tục lập kỷ lục mới với vận tốc 603 km/h, phá vỡ kỷ lục 590 km/h vừa được xác lập hôm thứ 5 tuần trước. Theo tờ Kyodo News, kỷ lục mới được xác lập trên một đường ray thử nghiệm tại quận Yamanashi và tính đến hiện tại JR Central cho biết vẫn chưa có trục trặc nào xảy ra với đoàn tàu.Video từ đài NHK.
Theo kế hoạch, JR Central sẽ khai trương dịch vụ vận chuyển bằng tàu maglev vào năm 2027 và tốc độ chạy tàu cao nhất theo ước tính là 505 km/h. Với tốc độ này, hành khách có thể đi từ Tokyo đến Nagoya chỉ trong vòng 40 phút.
Tốc độ trên đạt được nhờ một công nghệ mới được gọi là L-Zero (L0). Con tàu thực chất vẫn có hệ thống bánh xe. Khi chạy ở tốc độ thấp, các bánh xe vẫn tiếp xúc với đường ray nhưng khi đạt tốc độ trên 160 km/h, hệ thống đệm từ sẽ được kích hoạt, con tàu được nhấc bổng, các bánh xe không tiếp xúc với đường ray nữa để giảm tối đa ma sát.
Theo tìm hiểu của mình thì JR Central có thể sử dụng công nghệ SCMaglev cho đoàn tàu thử nghiệm. SCMaglev sử dụng một hệ thống treo điện động (Electrodynamic Suspension - EDS). Các nam châm điện siêu dẫn (Superconducting - SC) mạnh nhưng nhẹ được lắp trên các giá chuyển hướng của tàu và đường dẫn (guideway) được lắp các bộ 2 cuộn dây đối cực.
Nam châm siêu dẫn và các cuộn dây sẽ tạo ra một dòng cảm ứng hình số 8 dọc theo 2 bờ tường và đường dẫn. Tức là khi khi tàu tăng tốc, từ tường của các nam châm siêu dẫn sẽ dẫn một dòng điện cực mạnh vào các cuộn dây theo hiệu ứng cảm ứng từ trường.
Nếu tàu đứng yên, nằm giữa các cuộn dây, điện thế có thể cân bằng và không có dòng điện được tạo ra. Tuy nhiên, khi tàu chạy trên các bánh xe (thường là bánh xe cao su) ở tốc độ thấp, từ trường bắt đầu sản sinh bên dưới tâm của các cuộn dây khiến cho điện thế không còn cân bằng. Điều này tạo ra một từ trường đối nghịch với cực phía dưới của nam châm siêu dẫn (theo địch luật Lenz) và một cực phía trên sẽ hút lấy nam châm. Khi tàu đạt tốc độ từ 150 km/h, dòng điện đủ mạnh để có thể nhấc tàu lên 100 mm so với mặt đường dẫn. Và nhờ khả năng "nổi" cao hơn nên tàu dùng công nghệ SCMaglev có thể chạy nhanh hơn.
Nam châm siêu dẫn và các bánh xe trên giá chuyển hướng của tàu.
Còn đây là các cuộn nâng và cuộn dẫn lắp 2 bên bờ tường.
Các cuộn dây này cũng tạo ra lực để dẫn đường và ổn định thân tàu. Do chúng kết nối chéo bên dưới đường dẫn, trong trường hợp tàu bị lệch tâm thì dòng điện sẽ được dẫn theo các kết nối chéo này để điều chỉnh vị trí cho tàu.
Theo: Wikipedia