Có ý định lang thang những địa danh và con hẻm Sài Gòn từ lâu, nhưng bản thân mình càng ngày càng cảm thấy không thể thực hiện. Phần vì cơm áo gạo tiền ngày qua ngày cuốn đi như con thiêu thân, phần sức khoẻ và vốn kiến thức giới hạn không biết bắt đầu từ đâu và thực hiện thế nào cho thoả ý. Rồi thiển nghĩ, cứ gom góp vụn vặt đó đây, mỗi khi có dịp lang thang một chút, thấy gì chụp lại nấy, rồi coi như góp nhặt dông dài. Đây là những bức ảnh vài nơi của Sài Gòn, chụp đó đây bằng điện thoại Galaxy S6 Edge. Mời anh em xem ảnh.
Cầu Sài Gòn một buổi bình minh. Ảnh nhìn từ trên cầu về hướng Đông. Người dân đi về các Khu Công Nghiệp ngoại thành qua cây cầu này từ rất sớm.
Khu Trung Tâm Thành Phố, nhìn từ trên cao phía Cửa Tây Chợ Bến Thành.
Khu Trung Tâm Thành Phố, nhìn từ trên cao phía Cửa Tây Chợ Bến Thành.
Trung Tâm Sài Gòn nhìn từ bờ Thủ Thiêm - Quận 2. Khu vực bờ sông này đang có những công trình sắp được xây dựng phát triển đô thị Thủ Thiêm.
Trung Tâm Thành Phố buổi tối, nhìn từ Cửa Tây Chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành nhìn từ trên cao. Chợ Bến Thành có kiến trúc cổ xưa nhất, được xây dựng vào năm 1870, chợ Bến Thành có tên gọi ban đầu là Les Halles Centrales trước khi được đổi tên thành Bến Thành vào năm 1912.
Trải qua biết bao thăng trầm, hiện Bến Thành là một trong những ngôi chợ có lịch sử lâu đời nhất tại Sài Gòn.
Cửa Đông Chợ Bến Thành vào buổi đêm.
Quảng cáo
Từ 19 giờ tối, hai mặt đường Cửa Đông và Cửa Tây sẽ trở thành hai khu chợ Đêm rất nhộn nhịp. Các gian hàng được dựng lên bán mọi thứ đồ dùng, lưu niệm và các món ăn đặc sản Sài Gòn.
Một quầy lưu niệm tại chợ Đêm Bến Thành ở Cửa Đông
Khu đô thị mới Quận 2 nhìn từ trên Cầu Thủ Thiêm
Hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn là một trong những dự án đồ sộ của khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Quảng cáo
Trong đường Hầm Thủ Thiêm
Phà Cát Lái - Khi cầu Phú Mỹ thông xe cuối năm 2009, xe cộ từ các tỉnh miền Tây đi về các tỉnh miền Đông và ngược lại đã chọn qua phà Cát Lái để rút ngắn trên 30 km quãng đường thay vì đi theo quốc lộ 1A rẽ ngã ba Vũng Tàu vào quốc lộ 51 như trước.
Cảng Cát Lái
Nhìn từ trên cầu vượt ngã tư 3/2 - Nguyễn Tri Phương - Quận 10
Bưu Điện trung tâm Sài Gòn được người Pháp xây dựng trong khoảng năm 1886 - 1891 theo đồ án của Kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux.
Bên trong Bưu điện có hai bức bản đồ trên tường cao, đó là hai bản đồ lịch sử mang tên: "Saigon et ses environs 1982" (là bức ảnh trên) và "Lignes télégraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge 1936".
Ngày nay, Bưu Điện này là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh, toạ lạc tại số 2 Công trường Công Xã Paris - Quận 1.
Ảnh Dinh Thống Nhất vào một buổi tối. Tháng 2/1868, Dinh này được thống đốc Nam Kỳ Lagrandière khởi công xây dựng làm Dinh Thống Đốc Nam Kỳ mới tại Saigon thay cho dinh cũ bằng gỗ (1863), về sau được đổi tên là Dinh Độc Lập và sau 1975, được gọi là Dinh Thống Nhất.
Ảnh chụp buổi tối - Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng những năm đầu thế kỷ XX, có tên là Hotel de ville và tên tiếng Việt là Dinh Xã Tây. Sau này được gọi là Toà đô chánh Saigon là nơi làm việc và hội họp của chính quyền. Từ sau 1975 đến nay, toà nhà là nơi làm việc của Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được xây năm 1877 - Sau gần 140 năm, nhà thờ Đức Bà đã trở thành một công trình kiến trúc biểu tượng của Sài Gòn. Nằm ở trung tâm quận 1, có kiến trúc đặc biệt và nhiều cổ vật bên trong nhà thờ.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vào một đêm mưa lớn. Chụp từ Diamon.
Công viên Đức Mẹ, phía trước nhà thờ Đức Bà
Các em thiếu nhi ngồi vẽ dọc bên công viên
Các "hoạ sĩ" nhí rất nhiều vào mùa hè ở các công viên
Một quầy móc khoá lưu niệm. Một em bé không được đi chơi như các bạn, phải phụ cha mẹ ngày hè. Ảnh chụp tại đường Ngô Quyền - Quận 5
Một kiểu trưng bầy hàng vải ở chợ Vải Soái Kinh Lâm - Quận 6
Thiếu nữ áo dài Sài Gòn - Chụp ở Văn Thánh - Bình Thạnh
Lăng Ông - Lăng Ông Bà Chiểu, hay gọi tắt là Lăng Ông, có tên là Thượng Công Miếu. Đây là khu đền và mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832). Nay toạ lạc trên đường Đinh Tiên Hoàng - Bình Thạnh - Tp. Hồ Chí Minh.
Hàng năm có 2 lễ hội lớn tại lăng, đó là ngày giỗ của Tả quân Lê Văn Duyệt từ ngày 1 đến 3 tháng 8 âm lịch, và ngày hội đầu xuân, mồng một và mồng 2 Tết. Người dân Sài Gòn đến lăng mộ để tưởng niệm công ơn của ông, nhưng những thế hệ sau tin tưởng rằng lăng mộ của một vị thần hiển linh, đề cầu an và cầu phước.
Nơi đây, khi nào hương khói cũng nghi ngút. Hôm mình ghé là ngày thường, vào buổi trưa, người dân đến thắp hương khấn vái đều đều.
Có đôi bạn trẻ mua hai lồng chim, sau khi hương khói khẩn nguyện thì mang ra sân phóng sanh.
Tả quân Lê Văn Duyệt là bậc khai quốc công thần, là vị tướng giỏi phò Chúa Nguyễn Ánh vạn dặm trường chinh từ khi Chúa Nguyễn còn gian nan bôn tẩu cho đến lúc lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long. Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định Thành hai lần. Lần thứ nhất từ 1813 đến 1816, lần thứ hai từ 1820 cho đến lúc qua đời năm 1832. Ông rất có uy quyền, ai ai cũng kính phục, gọi ông là “Ông Lớn Thượng”.
Hoa Súng
Sài Gòn có những con Kênh đã được cải tạo, hiện nay khá sạch, người ta thả cá rô phi rất nhiều.
Đời sống trên Kênh - Ảnh chụp gần cầu Lò Gốm - Quận 6
Những khu nhà dọc bờ Kênh
Ảnh chụp trên đường Võ Văn Kiệt - khu vực Quận 6
Một ngôi chùa cạnh bờ Kênh Nhiêu Lộc, cầu Trương Minh Giản - Quận 3
Sài Gòn nhìn từ trên cao về hướng Tây. Phía dưới là con đường Hai Bà Trưng, băng qua Kênh Nhiêu Lộc, Cầu Kiệu - Phú Nhuận
Ảnh chụp buổi tối - Cảnh nhìn xuống khu dân cư P.14,15... Quận Phú Nhuận
Khi thành phố lên đèn
Một nhà bếp của quán bánh canh cá lóc ở đường Nguyễn Trọng Tuyển - Tân Bình
Sài Gòn - quán hàng rong - Bắp xào - Dọc đường Trường Sa - Quận 3
Sài Gòn - quán hàng rong - Bò Bía
Sài Gòn - quán hàng rong - hovilo (hột vịt lộn) 😃
Sài Gòn - quán hàng rong - Xoài cóc bánh đa
Và, những cơn mưa đêm, luôn buồn.
Sài Gòn mùa này chợt mưa bất thường. Đi bộ thì ướt chạy trú không kịp. Đi xe hơi thì khó ghé đó ghé đây. Ảnh trên chỉ là chiếc xe mô hình, em chụp trước hiên nhà khi mưa.
Xin cảm ơn anh em.