ASUS ProArt PA32UC: dải màu rất rộng, Delta-E thấp nhưng nhiệt độ màu cao, giá trên 40 triệu

bk9sw
2/6/2018 9:9Phản hồi: 18
ASUS ProArt PA32UC: dải màu rất rộng, Delta-E thấp nhưng nhiệt độ màu cao, giá trên 40 triệu
ProArt PA32UC là chiếc màn hình đồ họa chuyên nghiệp được ASUS ra mắt tại triển lãm Computex năm ngoái và đây cũng là phiên bản flagship của dòng ProArt hướng đến đến đối tượng người dùng cao cấp như các nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, chuyên viên đồ họa hay sản xuất nội dung số. PA32UC sở hữu thông số rất đáng chú ý và anh em làm đồ họa hẳn sẽ rất quan tâm như có độ bao phủ dải Rec. 2020 đến 85%, 99,5% Adobe RGB, 95% DCI-P3 và dĩ nhiên 100% sRGB. Ngoài ra tấm nền AVHA còn hỗ trợ 14-bit màu cho khả năng tái tạo đến 1,07 tỉ màu sắc, Delta-E dưới 2 và đặc biệt có hỗ trợ HDR. Giờ thì mời anh em cùng xem qua chiếc màn hình này nhé.


PA32UC có thiết kế theo phong cách đặc trưng của dòng ProArt với những đường nét tối giản, vật liệu và kiểu hoàn thiện cao cấp. Phần đế cách điệu với một tấm nhôm hình chữ nhật gọn gàng và nó có một phần giống chiếc cốc để ráp chân đế vào. Nhờ đó màn hình có thể xoay sang các góc từ -60 đến 60 độ, nâng lên hạ xuống trong khoảng 10 cm.

Tinhte.vn_ASUS_ProArt_PA32UC-11.jpg
Thêm vào đó khớp bản lề màn hình cho phép xoay 90 độ, một thiết kế bắt buộc đối với những chiếc màn hình đồ họa chuyên nghiệp và cũng như cho phép chúng ta bật ngửa nghiêng màn hình ở góc từ -5 đến 23 độ. Thiết kế đơn giản nhưng linh hoạt là điều đầu tiên khiến mình ấn tượng trên chiếc mành này. Thế nhưng thiết kế màn hình lại không mấy hiện đại, phần viền vẫn dày và nếu anh em thích ráp nhiều màn hình với nhau để làm việc thì viền dày sẽ không mang lại trải nghiệm tối ưu. Có lẽ do đặc thù của một chiếc màn hình đồ họa với hệ thống đèn nền cao cấp buộc ASUS phải thiết kế viền dày để tạo không gian tích hợp. Riêng phần màn hình cũng không mỏng, nó dày như những chiếc màn hình chơi game cong hầm hố dù thiết kế không cong.

Tinhte.vn_ASUS_ProArt_PA32UC-10.jpg
Hệ thống cổng kết nối đặt tại mặt sau với rất nhiều cổng như DisplayPort 1.2, 4 cổng HDMI 2.0, 2 cổng Thunderbolt 3 để hỗ trợ dock gắn ngoài cũng như kết nối với các màn hình PA32UC khác.

Tinhte.vn_ASUS_ProArt_PA32UC-9.jpg
Ngoài ra nó vẫn có 2 cổng USB 3.0 (USB-A), 1 cổng USB 3.0 (USB-C) để chúng ta gắn các thiết bị ngoại vi và jack âm thanh 3,5 mm.

Tinhte.vn_ASUS_ProArt_PA32UC-8.jpg
Điều mình không thích trên ProArt PA32UC là nó không có khe để luồn dây, toàn bộ dây nhợ đều bò lổm ngổm bên ngoài. ASUS có tặng kèm một cái móc nhỏ để luồng dây nhưng thực sự nó không phát huy tác dụng mấy.

Tinhte.vn_ASUS_ProArt_PA32UC-6.jpg
Menu OSD được điều khiển bởi một nút D-Pad kèm 6 nút tròn đặt tại mặt sau cạnh phải màn hình. Đây là một kiểu thiết kế công thái học, khi đặt tên lên thì chúng ta có thể định hình được vị trí nút bấm và cần điều khiển ngay. Các nút bấm cũng được làm lõm để khớp với đầu ngón tay, bấm rất dễ và chính xác.

Tinhte.vn_ASUS_ProArt_PA32UC-3.jpg
Màn hình cũng được tích hợp 2 loa 3 W tại cạnh dưới nhưng âm thanh đầu ra không lớn, chỉ đủ nghe và mang tính có còn hơn không là chính.

Chất lượng hiển thị ra sao?


Thông số theo ASUS công bố:
  • Cỡ màn hình: 32"
  • Tấm nền: AU Optronics M320QAN01.3 AHVA
  • Phân giải: 3840 x 2160 px
  • Độ sáng thông thường: 400 nit > 1000 nit (HDR)
  • Màu sắc: 1,07 tỉ màu (14-bit)
  • Dải màu: 85% Rec.2020, 99.5% Adobe RGB, trên 95% DCI-P3 và 100% sRGB
  • Độ chính xác màu: Delta-E <2
  • Tương phản: 1000:1 (SDR) > 20000:1 (HDR)
  • Tần số quét: 60 Hz có AMD FreeSync
  • Tốc độ phản hồi GtG: 5 ms

ASUS ProArt PA32UC được trang bị tấm nền AHVA (Advanced Hyper-Viewing Angle) - một dạng tấm nền giống IPS do AU Optronics phát triển và phiên bản trên màn hình nó mang mã M320QAN01.3. Anh em cũng cần phải lưu ý rằng AHVA được phát triển dựa trên IPS và nó không giống VA (Vertical Alignment) như loại tấm nền thường dùng trên màn hình chơi game. Do đó đặc tính hiển thị của AHVA khác biệt lớn với VA. Có thể hiểu đơn giản AHVA chính là IPS, nó cũng giống như PLS của Samsung đều dựa trên IPS. Góc quan sát của màn hình rất rộng, 178 độ từ các phía.

Tinhte.vn_ASUS_ProArt_PA32UC-2.jpg
Thông số được ASUS đưa ra là màn hình có độ phân giải UHD (3840 x 2160 px), độ sáng tối đa 400 nit và có thể lên đến 1000 nit ở chế độ HDR. Nói tới đây thì mình cũng đã hiểu vì sao ProArt PA32UC lại dày như vậy bởi nó tích hợp đến 384 vùng sáng direct-LED để hỗ trợ HDR với công nghệ ASUS LED Driving. Màn hình có tốc độ làm tươi 60 Hz, thời gian đáp ứng GtG 5 ms và cũng hỗ trợ Adaptive Sync.

Quảng cáo


Kích thước 32" và độ phân giải 4K cho mật độ điểm ảnh khoảng 137 ppi. Ở cự ly gần như mình vẫn hay ngồi vào khoảng hơn 1 cánh tay thì hình ảnh vẫn đạt độ mịn rất cao, khó có thể thấy được điểm răng cưa trên font chữ, chỉ khi soi gần ở cự ly khoảng 50 cm mới thấy. Thực tế thì khi ngồi trước màn hình cỡ lớn như vậy, bạn cần phải ngồi xa ra bởi nếu ngồi quá gần, cảm giác sẽ rất ngợp và cũng không tận dụng được hết không gian hiển thị.

Trong menu OSD, mình phát hiện ra ASUS đã nạp sẵn nhiều chế độ hiển thị trong Splendid, đáng chú ý là các chế độ sRGB, Adobe RGB, Rec. 2020, DCI-P3 và HDR. Ngoài ra còn có 2 chế độ tùy chỉnh cho người dùng, anh em có thể chỉnh các thông số màn hình theo ý và lưu vào. Dựa trên các chế độ này, mình tiến hành đo bằng Spyder4Elite để kiểm tra.

Ở chế độ Standard, mặc định thiết lập độ sáng màn hình 100%, độ tương phản 80%, bão hòa màu 50%, gamma 2.2 và white point 6500K tiêu chuẩn. Mình cho Spyder4Elite cân màu và đo các thông số để tìm sự chênh lệch giữa preset màn hình và thông số lý tưởng. Ngay sau khi đo xong thì điều mình có thể cảm nhận ngay bằng mắt thường là màn hình ProArt PA32UC hơi lạnh, Spyder4Elite trả về nhiệt độ màu ấm hơn. Điều này gợi ý white point của màn hình cao hơn so với mức chuẩn đã thiết lập là 6500K.

Mình đo 2 lần thì nhận thấy độ bao phủ màu sắc của ProArt PA32UC không ngoài dự đoán với 99% AdobeRGB, 94% NTSC và 100% sRGB - rất rất rộng và dĩ nhiên là yêu cầu bắt buộc đối với một chiếc màn hình chuyên dùng để làm đồ họa, chỉnh sửa ảnh và in ấn. ASUS cho biết hãng đã cân chỉnh để Delta-E của mỗi chiếc ProArt PA32UC khi xuất xưởng đều dưới 2. Kiểm tra ở chế độ Standard, Delta-E trung bình ở 0.77, nhìn chung rất tốt chỉ ngoại trừ tone màu đen và nâu đậm lọt ra ngoài mức 2, mức sai lệch ở 3.46 và 2.44. Các màu sắc còn lại của dải màu cơ bản đều dưới 2.

Gamma Standard.jpg
Cũng ở chế độ Standard, thang gamma 2.2 của ProArt PA32UC rất rất chuẩn, anh em có thể thấy đường màu đen như trùng khít với đường màu xanh dương (gamma 2.2 lý tưởng). Màn hình cho chỉnh nhiều thiết lập gamma từ 1.8, 2.0, 2.2 đến 2.4 và 2.6. Gamma 2.2 là tỉ lệ lý tưởng đối với nhu cầu chỉnh sửa ảnh, làm phim và thông số gamma tốt sẽ mang lại khả năng tái tạo các tone màu giữ chính xác, nếu gamma quá cao so thì tone giữa sẽ trở nên quá tối và ngược lại.

Brit Contrast.jpg
Kiểm tra độ sáng, tương phản, black level và white point của màn hình ở nhiều mức độ sáng thì PA32UC đạt độ sáng tối đa 240 nit (ở 100%) và 166 nit (ở 50%) và 27 nit (ở 0%). Theo thông số ASUS công bố thì độ sáng ở các chế độ thông thường của màn hình có thể đạt 400 nit và tương phản động tiêu chuẩn (SDR - không kích hoạt HDR) là 1000:1. Kết quả đo cho thấy độ sáng trung bình ở 240 nit, riêng tương phản rất tốt với tỉ lệ 980:1 ở độ sáng 100%, 860:1 ở độ sáng 50% và 27230:1 ở độ sáng 0%. Cũng tương ứng với 3 mức sáng làm mốc này, black level của ProArt PA32UC rất tốt với tỉ lệ lần lượt là 0.20, 0.11 và 0.00 - càng gần 0 càng tốt bởi black level thể hiện khả năng tái tạo màu đen của màn hình, 0.00 thì màu đen như những gì chúng ta thấy trong màn đêm, đen thui!

Quảng cáo


Tuy nhiên, như mình đã nói về cảm nhận ngay sau khi cân màu, màn hình ProArt PA32UC có màu hơi lạnh và kết quả đo cho thấy white point của màn hình rất cao, ở độ sáng 100% là 8700, 50% là 8500 và 0% là 8200, thông số này đo bằng nhiệt độ K (Kelvin). White point là thông số thể hiện khả năng tái tạo màu trắng trên màn hình. Những chiếc màn hình đồ họa chuyên nghiệp như ProArt PA32UC cho phép chúng ta chỉnh nhiều mức white point khác nhau, nó nằm trong một menu hay gọi là nhiệt độ màu (color temp). Mức white point phổ biến là 6500K và cũng là white point mặc định trên hầu hết màn hình. Trên ProArt PA32UC thì mặc dù đã chỉnh white point về mức 6500K nhưng kết quả đo cho thấy sự chênh lệch lớn. Ở độ sáng 100%, white point 8700K - 8800K vẫn quá cao, khiến màu sắc trở nên lạnh hơn.

White Point.jpg
Nếu anh em làm việc in ấn mà để chế độ Standard này thì … màu sắc trên màn hình khi in ra sẽ không chính xác. Giấy thường có màu trắng ấm hơn so với màu trắng trên màn hình ở mức white point 6500K. Cũng tùy vào loại giấy in nữa mà white point của giấy có thể sẽ từ rất ấm (hơi vàng) khoảng 4800 - 5000K đến lạnh hơn (trắng xanh) ở mức 7500K hoặc hơn. Thành ra tùy theo loại giấy in và white point của giấy, chúng ta cần phải chọn white point và cân chỉnh white point trên màn hình phù hợp để đảm bảo hình ảnh mà chúng ta thấy trên màn hình khi đem in ra là gần như tương đương, khó có thể đòi hỏi là giống nhau hoàn toàn. Như trên là 3 mức white point chỉnh được trong menu OSD, ở 5500K thì đo được 6400K, ở 9300K thì đo được 14000K còn ở 6500K thì đo được 8800K.

OSD 5000K.jpg
Mình thử chỉnh white point ở mức 5000K và đo lại một lần nữa thì nhận thấy white point của màn hình vẫn ở mức 6200K, một khoảng cách còn xa đến 1200K và dĩ nhiên màu sắc vẫn lạnh hơn đáng kể so với thông số lý tưởng. 5000K là white point được khuyên dùng nếu anh em làm ảnh trên Photoshop bởi Photoshop có hệ thống quản lý màu riêng và mặc định nó sẽ cần theo white point 5000K, còn gọi là D50.

BritUniform1.jpg
Cũng ở chế độ Standard để kiểm tra vài thông số nữa, cụ thể là độ đồng đều về độ sáng vài sai lệch về màu sắc giữa các vùng trên màn hình. Về độ sáng, ở 100% thì vùng giữa màn hình có độ sáng cao nhất, riêng vùng bên phải có mức chênh khá cao, từ 10 đến 12% thấp hơn.

ColorUniform.jpg
Riêng Delta-E thì vùng trung tâm lại có tỉ lệ 2.5 cao nhất ở độ sáng 100%, các vùng xung quanh thấp hơn, đều dưới 1.2. Khi giảm xuống độ sáng 50% thì tỉ lệ chênh lệch này thấp hơn và đều hơn. Những thông số này mình đo với thiết lập Dynamic Dimming tắt - một chức năng tự động điều chỉnh độ sáng theo từng vùng trên màn hình. Mình kỳ vọng cao hơn về độ đồng đều màu sắc và độ sáng trên một chiếc màn hình như ProArt PA32UC, ở tỉ lệ chênh lệch này thì mình vẫn chấp nhận được nhưng những anh em làm đồ họa in ấn chuyên nghiệp sẽ cần phải lưu ý.

Ở các chế độ khác, mình tiếp tục đo để anh em quan tâm có thể tham khảo qua. Có một điều cần lưu ý là đối với một số chế độ hiển thị, anh em sẽ không chỉnh được độ sáng màn hình cũng như gamma, white point, các thông số này được khóa cứng theo cân chỉnh của ASUS.

Tinhte.vn_sRGB_Mode-1.jpg
sRGB Mode.jpg
Chẳng hạn như chế độ sRGB, gamma mặc định 2.2 và kết quả đo cho thấy độ sáng lúc này là 132 nit, khoảng 47% so với độ sáng tối đa, tương phản đén 131950:1, black level đạt 0.00 còn white point ở mức 8500K. So với chế độ Standard thì màu sắc ở chế độ này hơi bợt, ít bão hòa hơn và lạnh hơn. Vì vậy, Delta-E cũng thay đổi theo với tỉ lệ trung bình 2.01, rất nhiều màu sắc có độ lệch lớn như tone từ vàng đến cam với Delta-E trên 5, xám đến đem với Delta-E trên 3 gần mức 4.0.

Tinhte.vn_AdobeRGB_Mode-1.jpg
AdobeRGB Mode.jpg
Ở chế độ Adobe RGB, gamma mặc định 2.2, độ sáng đo được ở 177 nit, trên 50% một chút, black level 0.00, tương phản rất cao lên đến 177050:1 và white point vẫn ở 8600K. Ở chế độ này thì màu sắc có phần bão hòa hơn nhưng vẫn lạnh và độ nét được đẩy lên quá cao. Delta-E cũng có sự khác biệt với tỉ lệ trung bình 1.37, các tone màu từ vàng đến cao giờ đây có tỉ lệ sai thấp hơn nhưng vẫn trên 2.0.

Tinhte.vn_Rec2020_Mode-1.jpg
Rec2020 Mode.jpg
Rec. 2020 là không gian màu mới thường dùng cho UHDTV với các biến thể độ phân giải 4K và 8K. Khi bật chế độ này, màn hình sẽ mô phỏng không gian màu Rec. 2020 tương tự như trên những chiếc TV UHDTV với tối đa 12 bit màu, dải màu khi đó cũng rộng hơn, chiếm 75,8% không gian màu CIE 1931 xy, vượt ngoài khả năng nhận biết của mắt người và white point chuẩn 6500K (D65). Đây cũng là chế độ mà mình nhận thấy ProArt PA32UA tái hiện tốt nhất về màu sắc. Kết quả đo cho thấy độ sáng mặc định ở chế độ này là 175 nit, tương phải 174500:1 và white point 8500K, vẫn lạnh nhưng Delta-E đã giảm đáng kể với tỉ lệ trung bình 1.17, các màu sắc chính có độ sai lệch cao nhất cũng chỉ là 1.38 với màu tím đậm, các màu còn lại đều dưới 1.0. Thành ra trong hầu hết các tình huống sử dụng mình đều để chế độ Rec. 2020 để làm hình ảnh.

Tinhte.vn_DCIP3_Mode-1.jpg
DCIP3 Mode.jpg DCI-P3 cũng là một dải màu ít thấy trên màn hình thông thường, đây là dải màu RGB để trình chiếu phim kĩ thuật số và nó do tổ chức điện ảnh kĩ thuật số (DCI) của Mỹ đề ra. Dải màu này thường được Apple sử dụng trên những chiếc iMac và gần đây nhất là iPad Pro, MacBook Pro, iPhone X. Đến hiện tại thì nhiều thiết bị điện tử cũng đã bắt đầu hỗ trợ P3. DCI-P3 về cơ bản có độ phủ rộng hơn 25% so với dải sRGB và nó cũng dùng white point 6500K (D65). Khi chọn chế độ này, màu sắc trên ProArt PA32UC có phần bão hòa hơn và gamma cũng tự đẩy lên mức 2.8. Độ sáng mặc định ở chế độ này là 143 nit, tương phản 142920:1 và white point rơi xuống còn 6900K, ấm hơn hẳn so với các chế độ còn lại. Dù vậy Delta-E lại sai quá nhiều, tỉ lệ trung bình 2.92 trong đó rất nhiều màu sắc có tỉ lệ trên 4.

Tinhte.vn_HDR_Mode-1.jpg
Chế độ còn lại là HDR, một chế độ chỉ nên kích hoạt khi anh em xem nội dung hỗ trợ HDR còn bình thường thì mọi thứ sẽ rất gắt. Màu sắc, độ sáng, độ tương phản, … tất cả đều cường hóa lên, rất khó nhìn và cảm thấy nhức đầu. Mình cũng đã thử trải nghiệm một đoạn clip có hỗ trợ HDR và nhận thấy trải nghiệm rất tuyệt vời, các mảng sáng tối được tối ưu với những vùng tối được đẩy tương phản lên, vùng sáng đẩy lên nhưng với các độ sáng khác nhau chẳng hạn như vùng trời và mây, không bị cháy, vẫn giữ được độ tách bạch của chủ thể. Ở chế độ này, độ sáng tối đa đo được khoảng 300 nit nhưng tương phản lên đến 10240:1, rất cao.

Tinhte.vn_OSD-4.jpg
Còn với những ai có nhu cầu chơi game thì mình cũng nói luôn dòng ProArt không dành cho game, nó có tần số quét 60 Hz, tốc độ phản hồi 5 ms và có hỗ trợ AMD FreeSync. Với tần số quét tiêu chuẩn như vậy và tốc độ phản hồi chậm thì bạn vẫn có thể chơi game được nếu hài lòng với tỉ lệ khung hình 60 fps hoặc dưới. Thêm vào đó FreeSync là một tính năng hay, giúp đồng bộ khung hình với dải tần số từ 48 đến 60 Hz nhưng chỉ dùng được với card đồ họa AMD Radeon RX thành ra anh em dùng với Nvidia GeForce, Quadro thì tính năng này không có giá trị. Mình cũng có thử qua với UFO Test và kết quả là tình trạng ghosting và nhòe motion blur rất rõ ràng, anh em chơi game đi cảnh thì được còn chơi game FPS thì không lý tưởng.

Tinhte.vn_OSD-1.jpg
Tinhte.vn_OSD-2.jpg Tinhte.vn_OSD-3.jpg
Menu OSD của PA32UC rất dễ dùng và cho phép chúng ta can thiệp nhiều thứ. Ngoài các chế độ thiết lập sẵn có thể thể dùng ngay thì menu OSD còn cho chỉnh tay các thông số như độ bão hòa màu, tương phản, sắc độ, nhiệt độ màu với 4 mức D50, D55, D65 và D93, gamma từ 1.8, 2.0, 2.2, 2.4 và 2.6. Ngoài ra chúng ta có thể bật tắt các chế độ như khử ánh sáng xanh, Dynamic Dimming, FreeSync. Riêng về một số thiết lập khác như độ nét thì nó chỉ cho phép chỉnh ở một số preset như Standard, nếu anh em chọn các preset khác thì nó khóa lại.

Tinhte.vn_ASUS_ProArt_PA32UC-4.jpg
ProArt PA32UC là một chiếc màn hình rất thú vị bởi thật sự đó giờ mình chưa từng được trải nghiệm dòng màn hình chuyên nghiệp của ASUS, đa phần mình dùng các dòng đối thủ của hãng này như HP Zdisplay, Lenovo ThinkVision … với thiết kế công nghiệp đã quen nên giờ nhìn sang ProArt, mình thấy mọi thứ hiện đại và mới mẻ hơn. Thiết kế lịch sự, lạ lẫm khiến ProArt PA32UC là một điểm sáng trên bàn làm việc, thêm vào đó nó được trang bị nhiều tính năng hay và dễ dùng, cho phép chỉnh nhanh các chế độ màu sắc, có cả HDR để làm việc hay giải trí với các nội dung có dải tương phản động lớn cũng như hỗ trợ cả những tính năng vốn ít thấy trên màn hình chuyên nghiệp như Dynamic Dimming, FreeSync.

Tinhte.vn_ASUS_ProArt_PA32UC-7.jpg
Chất lượng tấm nền AHVA rất cao, phân giải 4K mịn màng, dải màu rộng, hỗ trợ các dải DCI-P3 và Rec. 2020, gamma chuẩn, tương phản cao, black level lý tưởng nhưng nhiệt độ màu thiếu chính xác khiến ProArt PA32UC khó chiều lòng những ai thường làm việc in ấn cũng. Ngoài ra thiết kế của ProArt PA32UC cũng cần phải được cải tiến, cá nhân mình không thích chân dế dạng trụ như vậy bởi nó không có chỗ để luồn dây. Ở mức giá trên 40 triệu đồng thì mình nghĩ ProArt PA32UC khá xứng đáng với những gì nó mang lại, tuy nhiên, ASUS cần phải đầu tư nhiều hơn về khoản cân chỉnh trước khi xuất xưởng để ProArt PA32UC có thể cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc.
18 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

ASUS ProMoney 😆)) Nhìn giá cái xong đi ra :3
Search GG thì thấy bọn Tây nói AHVA trội hơn IPS về respond time và contrast nhưng thua kém về colour
Biết được hết đặc điểm cấu trúc của các loại tấm nền của màn hình máy tính chắc cũng thuộc dạng siêu phàm, quá nhiều
http://www.tftcentral.co.uk/articles/panel_technologies.htm
Nhiều công nghệ quá . mà chắc có dùng hết ko nhỉ.
[HỎI NGU] Sao giá con này cao thế nhỉ :rolleyes:
Giá cao vì nó là dòng cho thiết kế, chứ màn giải trí thông thường thì cần gì color gamut cao tới cỡ gần 100% Adobe RGB hay dải màu DCI-P3. Mà thị trường màn hình cho dân đồ họa chuyên nghiệp có nhiều tên tuổi lâu đời thống trị rồi, không biết Asus mon men bước vào mảng này có ăn thua không đây.
@sozuoka Phủ hết RGB với trả đúng màu khác nhau bác ạ. Chưa chắc cái 120% RGB đã hiển thị đúng giá trị màu/khoảng màu nào đó.
@sozuoka hãng nào tên tuổi lâu đời v bạn. chỉ mình dc ko ?
@hoangtuechmo Nec chẳng hạn
Đanh xài con HP tì tì màu ngon lắm rồi.Giá 40 chai.Ghê..ghê
@Lovetech36 Seri gì vậy bác!?! Đang kiếm một em để làm PS!
akb48
TÍCH CỰC
7 năm
thấy dân làm gaming đồ hoạ ben US toàn dùng màn Dell
luồng dây???
10 bit màu đã ghê rồi đây là 14 bit màu màn thường 8bit hoặc 6bit +HRC là đẹp rồi
Dell ultrasharp và không có động cơ khác để thay màn hình điểm danh 😁
BengPr0
CAO CẤP
7 năm
@quang577 Dell U thực ra là dòng thiên về giải trí hơn là làm đồ họa. Vì dải màu nó hỗ trợ cũng chỉ 100% sRGB thôi. Và các thông số khác về màu sắc cũng k có gì nổi trội.
@BengPr0 Nó như kiểu cô vợ quốc dân ấy 😃
BengPr0
CAO CẤP
7 năm
@quang577 Mình biết rất rõ dòng dell U vì bản thân mình cũng đang dùng 😁. Nói chung là những nhu cầu giải trí hoặc làm việc nhẹ nhàng với ảnh và video thì ok. Nhưng nếu để phục vụ những nhu cầu chuyên sâu hơn về đồ họa thì chưa đủ bạn ạ :D
Lượng
ĐẠI BÀNG
7 năm
Cho mình hỏi Dell UP so với con này @@, chất lượng màu sắc hình ảnh khác nhau nhiều ko ạ?

Xu hướng

Bài mới








  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2025 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019