Bạn nghĩ gì về lối sống giả tạo?

sangtao70
15/6/2022 17:36Phản hồi: 0
Bạn nghĩ gì về lối sống giả tạo?
Sống giả tạo được hiểu đơn giản là che đậy bản chất bằng "hành động giả tạo" bên ngoài, nhằm lấy được niềm tin của người khác, thỏa mãn tính ích kỷ, ham muốn và mục đích cá nhân đen tối.
Lối sống giả tạo được dùng để chỉ tính cách con người, tuy không cụ thể, hữu hình mà khá đa dạng, và khó nắm bắt.

(Minh họa)

Sống giả tạo, mệt mỏi cho bản thân và người khác

Giả tạo đồng nghĩa với giả dối, gian dối nên khả năng nói dối của những người này co đẳng cấp rất cao và thuộc dạng siêu đẳng. Họ thường tỏ ra "ngọt ngào, dể thương” để che mắt người khác và khó ai có thể biết được bản chất thật. Những người này thường rất biết cách ăn nói lấy lòng người khác. Đôi khi vì những ham muốn cá nhân họ sẵn sàng hãm hại, làm tổn hại người khác. Sự biến hóa khôn lường của lối sống giả tạo đôi khi làm người khác mệt mỏi.

Phải chăng nguyên nhân bắt nguồn lối sống giả tạo là do cái tôi cá nhân quá lớn, ham muốn quá nhiều, cảm thấy bản thân không bằng người khác "ghen ăn tức ở". Những thứ chưa đạt được sẽ tìm mọi cách để đạt được cho dù phải dùng thủ đoạn hay phải hi sinh một điều gì đó. Vì cái tôi quá lớn nên lúc nào họ cũng muốn được người khác quan tâm, tung hô, chìu chuộng và là trung tâm của mọi sự chú ý.

Đầu tiên, giả dối có thể chỉ là một kiểu ứng xử đánh lừa người khác, nhưng nếu sự giả dối diễn ra nhiều lần, dần dần sẽ trở thành thói quen, ngấm sâu vào bản chất, sau đó biến thành lối sống giả tạo. Mà một khi đã trở thành thói quen xấu rồi, với lối sống này thì khó mà nhận ra đâu là sai trái, phải quấy hay biết ở đâu có điểm phải dừng lại. Đôi khi họ lại quên mất bản thân mình là ai nữa!

Vì sao có người chọn cho mình cách sống giả tạo?

Những người sống giả tạo thường hay tạo cho mình một lớp "vỏ bọc" để thực hiện mục đích riêng. Lớp "vỏ bọc" này rất nguy hiểm vì nó là lớp vỏ ngụy trang, che đậy bản chất xấu xa thật sự của họ. Ngoài miệng họ không ngớt lời tung hô, khen ngợi nhưng trong lòng luôn nghĩ xấu, toan tính điều gây hại nào đó. Đối với ý kiến nào bạn đưa ra họ luôn tán thành, tỏ ý ủng hộ, lúc nào cũng tỏ ra thân thiết, nhưng bên trong có thể họ đang toan tính, rình rập những sai sót, ngầm để tìm cách hãm hại bạn.

Những người sống giả tạo không bao giờ yêu thương người khác mà họ chỉ yêu chính bản thân mình và luôn tự đánh giá bản thân là “trung tâm của vũ trụ” ma không ai khác có thể sánh bằng! Cuộc sống hiện tại tồn tại thế giới mạng ảo, số lượng người "sống ảo", “sống giả tạo” vì thế ngày càng càng nhiều.
Đây là một hiện tượng xã hội, khi con người mất đi những nền tảng giá trị đạo đức cơ bản, niềm tin thực sự. Họ thích sống trong sự tung hô ảo, ca ngợi ảo…
khi con người mất đi những nền tảng giá trị đạo đức, niềm tin thực sự

Dấu hiệu giúp nhận biết đâu là người sống giả tạo

Bề ngoài luôn thân thiện với nụ cười trên môi, cách ứng xử hòa nhã, người sống giả tạo không dễ để mọi người ở chung quanh nhận biết. Bạn có thể nhận diện những người này thông qua hành động, cử chỉ, thái độ như:
  • Người sống giả tạo nói không giữ lời: Nếu tình trạng "nói được mà không làm được" lặp lại quá nhiều lần, đây có thể là dấu hiệu chứng tỏ người ấy đang nói dối.
  • Người sống giả tạo xuất hiện khi có lợi: Bạn sẽ thấy kiểu người này luôn vắng mặt mỗi khi bạn cần có sự giúp đỡ, nhưng lại có mặt mỗi khi có gì lợi ích cho bản thân.
  • Người sống giả tạo không lắng nghe bạn: Họ chỉ giả vờ ngồi đó nhưng không nắm bắt thông tin bạn đề cập, sau này nhắc lại sẽ không nhớ.
  • Người sống giả tạo thường tỏ ra vui vẻ: Dạng người này có biệt tài có thể cười nói vui vẻ với cả người mà họ ghét hoặc ngay sau khi bị sếp phê bình!
  • Người sống giả tạo nói xấu sau lưng bạn: Không có ai hoàn hảo, song họ luôn cố ý "vạch lá tìm sâu" để nói những điều tiêu cực về bạn, thậm chí nói sai sự thật về bạn.
  • Người sống giả tạo thích khoe thành tích: Những giá trị cuộc sống hiện đại có thể khiến cho họ thích chạy theo danh vọng và các mối giao tiếp có lợi cho mình.
  • Người sống giả tạo thường biện minh: Thay vì thừa nhận lỗi lầm hoặc sai sót, họ có xu hướng đưa lý do biện minh để tự bảo vệ mình.
  • Người sống giả tạo thích đổ lỗi: Để đánh lạc hướng đối phương khi xung đột, họ sẽ tìm cách đổ lỗi cho người khác.
  • Người sống giả tạo thường tám chuyện: Họ thường tụ tập buôn chuyện về người thứ ba. Nếu đang túm tụm nói chuyện mà tản ra khi bạn đến thì có thể đang nói về bạn đấy.
  • Người sống giả tạo hay lấy lòng cấp trên: Kiểu người này sẽ rất chú ý xây dựng mối giao tiếp với cấp trên bằng cách khen ngợi, tặng quà, mời đi ăn…

Cách ứng xử với người sống giả tạo

Người sống giả tạo thì ngay từ lần gặp đầu tiên sẽ tạo cho bạn cảm giác dễ chịu, nhưng khi gặp vấn đề nào đó, gây ra xung đột khi bộ mặt thật bị lộ ra.

Một vài cách ứng xử lành mạnh giúp bạn tránh xa rắc rối với người sống giả tạo và tập trung vào những điều ý nghĩa hơn.
  • Giữ khoảng cách với người sống giả tạo: Kiểu người này căn bản khá nguy hiểm vì bạn thường không nhận ra ngay từ đầu nên có thể sẽ chia sẻ với họ những thông tin cá nhân. Khi đã mơ hồ nhận ra họ không thật lòng, bạn tốt nhất nên tránh xa.
  • Bình thản với biểu hiện tiêu cực: Ngay cả khi họ đổ lỗi hay bới móc sai lầm của bạn, hãy luôn tỏ ra bình thản. Vì nếu bạn nổi giận sẽ có thể nói nặng lời và họ sẽ vin vào sơ hở của bạn để tấn công.
  • Đừng trách cứ bản thân khi xung đột: Stress vì các mối giao tiếp xã hội là một trong những nguyên nhân gây ra mất ngủ. Vì thế, bạn nên xem người sống giả dối như một vấn đề khách quan bên ngoài mà bạn cần tìm cách giải quyết thay vì trách cứ bản thân mình có gì không ổn.
  • Trò chuyện với người bạn thân thiết: Nếu người đó là bạn bè hay người thân mà bạn quý mến, hãy thử trò chuyện với họ để tìm hiểu lý do. Đây là cách giúp bạn loại trừ trường hợp họ nói dối vì đang gặp khó khăn nên tự bảo vệ mình.
  • Tháo mặt nạ của người sống giả tạo: Trường hợp người đó gây nhiều tổn hại đến danh dự và các mối giao tiếp của bạn, đã đến lúc bạn nói rõ vấn đề với mọi người. Nếu bạn im lặng, tình hình có thể sẽ tệ hơn vì họ sẽ tiếp tục gây tổn hại cho người khác.
  • Kiểm soát cảm xúc của bạn thật tốt: Ngay cả khi cảm thấy bị tổn thương và giận dữ, bạn cũng cần tìm cách kiểm soát cảm xúc. Người có trí thông minh cảm xúc cao cảm thông với nỗi sợ hãi của đối phương nhưng cũng biết đâu là giới hạn để không bị cảm xúc tiêu cực lấn át.
  • Đối xử tử tế với người sống giả tạo: Bạn không thích người sống giả tạo, song bạn cần tìm lại cảm giác bình yên. Cách khôn ngoan nhất để gìn giữ sự bình yên là đối xử tử tế với họ trong chừng mực cho phép.
Tóm lại, sống giả tạo làm con người mất đi niềm tin, cả người "sống ảo" cũng không thể có hạnh phúc thật sự. Hãy cứ sống thật với chính mình bạn sẽ giúp mọi người ở chung quanh bớt đi rất nhiều sự giả tạo.
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019