Bạn có muốn chơi các trò chơi đơn giản hay dùng những ứng dụng hay ho của Android trên máy tính không? Việc này không thật sự quá khó như bạn nghĩ, cũng không phải cài đặt hệ điều hành chạy song song gì cả. Thay vào đó, ta sẽ thực hiện việc này một cách nhanh chóng nhờ vào phần mềm BlueStacks. Phần mềm này cho phép chúng ta chạy khoảng 400.000 ứng dụng Android trên Windows nhờ một công nghệ mang tên Layercake. Bạn có thể chạy ứng dụng ở chế độ đầy màn hình hoặc cửa sổ nhỏ tùy thích. Mặc dù mới chỉ ở phiên bản Beta nhưng BlueStacks hoạt động đã khá tốt.
Đầu tiên, chúng ta cần phải tải về tập tin cài đặt của BlueStacks ở trang web của hãng. Tập tin này thực chất chỉ là file chạy nhỏ. Sau khi download về, hãy chạy nó lên và nó sẽ tải tập tin cài thật sự của BlueStacks. Quá trình tải khá nhanh, bạn chỉ cần chờ một lát là quá trình cài đặt hoàn tất. Bạn cũng có thể chạy BlueStacks trên Windows 8 nữa, đúng như những gì hãng phát triển đã công bố ở CES 2012.
Lưu ý: khi thanh tiến trình của cửa sổ cài đặt còn chạy có nghĩa là việc cài đặt chưa hoàn thành, bạn hãy kiên nhẫn chờ đợi, đừng chạm gì BlueStacks cả vì nó có thể bị đứng, ta phải tốn công cài lại.
Nhìn lên cạnh trên màn hình, bạn sẽ thấy một thanh công cụ của BlueStacks. Thanh này cho phép bạn tải về các ứng dụng trên kho App Store của Amazon, 1Mobile hoặc GetJar, tất nhiên là Google Play Store cũng được hỗ trợ trên bản Beta này. Bạn có thể quản lí các ứng dụng mình đã cài đặt hoặc xem những ứng dụng phổ biến cũng ngay tại thanh công cụ này.
Sau khi ứng dụng Android đã tải về, việc sử dụng nó giống hệt như lúc chúng ta chạy ứng dụng trên smartphone hay tablet vậy. Có thể trải nghiệm sẽ hơi khác một tí vì ta phải dùng chuột chứ không có màn hình cảm ứng, nhưng bạn sẽ cảm thấy rất thích thú, thậm chí là hữu dụng nữa. Và tất nhiên, với một chiếc máy tính thì việc chạy các ứng dụng này không hề gặp khó khăn. Hiện tượng giật, chậm, trễ cũng ít khi xảy ra. Bạn có thể nhấp vào từng hình ảnh bên dưới để xem hình ảnh cụ thể và lời nhận xét về các tính năng của BlueStacks. Đặc biệt, BlueStacks cho phép ứng dụng chạy ở các chế độ khác nhau. Ví dụ, mình có thể chạy Evernote nhưng ở chế độ máy tính bảng (giống trên Android Honeycomb 3.x hoặc Android 4.0), hoặc dùng ở chế độ điện thoại màn hình to (như Galaxy Note chẳng hạn) và màn hình điện thoại thông thường. Như vậy ta sẽ linh hoạt hơn trong việc chạy phần mềm Android.
Ngoài ra, BlueStacks hỗ trợ chúng ta đồng bộ ứng dụng trên điện thoại Android với máy tính. Bạn cần phải tải và cài đặt phần mềm BlueStacks Cloud Connect trên Google Play. Sau đó trên máy tính, bạn nhấn vào biểu tượng Cloud Connect ở thanh công cụ của BlueStacks nằm ở cạnh trên màn hình. Bạn sẽ được yêu cầu nhập số điện thoại và địa chỉ email. Sau đó ứng dụng sẽ hiện một dãy mã, bạn nhập dãy này vào điện thoại Android là xong. Tất cả phần mềm trên điện thoại tự động được đồng bộ hóa với BlueStacks trên máy tính. Thật tiện lợi.
Lưu ý:
- Không phải tất cả ứng dụng Android đều chạy được với BlueStacks.
- Các bạn dùng Mac có thể chạy BlueStacks trong máy ảo trên môi trường Mac, tuy nhiên nó sẽ khá giật. Do đó, nên chạy Windows dạng Bootcamp để có thể dùng BlueStacks một cách ngon lành nhất.