Như các bạn biết, thị trường streaming video (chiếu phim trực tuyến) đang “trăm hoa đua nở” hơn bao giờ hết. Hiện tại đã chia thành hai phe, Big Tech (Netflix, Amazon, Apple) và nhóm kia là Big 4 Hollywood (Disney, Warner Bros., Universal và Paramount), một bên là các công ty công nghệ, bên còn lại là các studio hàng đầu Hollywood.
Tuy nhiên, có 1 studio lại đứng ngoài cuộc chơi này và người ta đang bàn về khả năng họ bị thâu tóm. Sau vụ Amazon mua MGM 8,5 tỷ USD (đang bị kêu gọi điều tra chống độc quyền), người ta đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh việc phe Big Tech sẽ mua tiếp một studio nào đó. Và studio duy nhất trong Big 5 Hollywood không có dịch vụ trực tuyến, chính là Sony Pictures.
Có nhiều lo ngại rằng, Sony là Big 5 Hollwood duy nhất không tham gia thị trường chiếu phim trực tuyến D2C (dịch vụ phân phối trực tiếp tới khách hàng). Việc không có nền tảng streaming video riêng sẽ khiến họ bị tụt hậu so với các Big 5 Hollywood khác. Thậm chí, có thể bị thâu tóm bởi một gã khổng lồ công nghệ (nếu không phải Apple, Alphabet, có thể là Facebook hay Microsoft nếu họ muốn nhảy vào thị trường này) như số phận MGM.
Vậy Sony định làm gì với nhánh phim?
Tuy nhiên, có 1 studio lại đứng ngoài cuộc chơi này và người ta đang bàn về khả năng họ bị thâu tóm. Sau vụ Amazon mua MGM 8,5 tỷ USD (đang bị kêu gọi điều tra chống độc quyền), người ta đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh việc phe Big Tech sẽ mua tiếp một studio nào đó. Và studio duy nhất trong Big 5 Hollywood không có dịch vụ trực tuyến, chính là Sony Pictures.
Có nhiều lo ngại rằng, Sony là Big 5 Hollwood duy nhất không tham gia thị trường chiếu phim trực tuyến D2C (dịch vụ phân phối trực tiếp tới khách hàng). Việc không có nền tảng streaming video riêng sẽ khiến họ bị tụt hậu so với các Big 5 Hollywood khác. Thậm chí, có thể bị thâu tóm bởi một gã khổng lồ công nghệ (nếu không phải Apple, Alphabet, có thể là Facebook hay Microsoft nếu họ muốn nhảy vào thị trường này) như số phận MGM.
Vậy Sony định làm gì với nhánh phim?
Liệu Sony có bán đi đơn vị sản xuất phim ảnh và truyền hình? (từ trái qua: Spider-Man: Homecoming; Better Call Saul; The Blacklist)
Nội dung sẽ dễ hiểu hơn nếu bạn đã có nền tảng từ hai bài viết dưới đây:
*Lưu ý: Bài viết rất dài, hãy cân nhắc trước khi đọc! Bên cạnh trọng tâm là chiến lược kinh doanh của Sony Pictures, bài viết cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn bối cảnh xung quanh xu hướng streaming video.
Sony Pictures is not for sale
CEO Sony đã có một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times. Ông đã giải tỏa nghi vấn ở trên của mọi người - liệu Sony có bán đi đơn vị sản xuất phim ảnh và truyền hình? Trong bối cảnh hiện tại, việc phát giá bán Pictures hoàn toàn phù hợp với xu hướng streaming video đang nóng, chắc chắn đem về một khoản tiền lớn. Song, theo CEO Kenichiro Yoshida, không có chuyện họ sẽ bán hoặc bỏ rơi đơn vị này.
Ông nói: “Có một sự tái sắp xếp sâu rộng đang diễn ra trong ngành truyền thông, nhưng tôi nghĩ chiến lược sáng tạo nội dung với tư cách một studio độc lập, song song là hợp tác cùng lúc với nhiều công ty khác, sẽ đem lại hiệu quả”. Sử dụng từ “độc lập” có nghĩa, Sony xem Pictures là một phần không thể tách rời của mình. Họ sẽ không để studio vuột khỏi tầm kiểm soát.
Tổng quan thị trường streaming video giữa hai phe Big Tech và Big 4 Hollywood (Hulu thuộc sở hữu của Disney)
Chia sẻ kỹ hơn về chiến lược đối với kinh doanh phim, CEO Tony Vinciquerra cho biết: “SPE có nhiều lí do để cảm thấy lạc quan về những gì sắp xảy đến”. Họ sẽ tiếp tục duy trì là một studio độc lập không sản xuất riêng cho bất kỳ dịch vụ nào; cam kết phát hành tại rạp theo lối truyền thống; mở rộng sản xuất phục vụ nhu cầu của các nền tảng trực tuyến đang nở rộ.
Sony đã quan sát thấy sự thay đổi trong ngành khi có hãng thì chiếu rạp một thời gian ngắn rồi phát trực tuyến. Một số thì chọn phát hành song song cùng lúc, phá vỡ nguyên tắc ưu tiên rạp chiếu. Tuy nhiên, đối với một studio độc lập thì chỉ có hai lựa chọn với một bộ phim - chiếu rạp theo truyền thống hoặc “bắn” thẳng lên một nền tảng nào đó chịu bỏ tiền mua.
Quảng cáo
Tùy tình hình mà công ty sẽ cân nhắc phương án đem lại lợi ích kinh tế và trải nghiệm điện ảnh một cách phù hợp. Dù vậy, Vinciquerra lưu ý rằng các nhà làm phim tài năng ưa thích hình thức truyền thống hơn. Họ vẫn muốn phim của mình được chiếu rạp để khán giả thưởng thức có chất điện ảnh đúng nghĩa. Do vậy, hình thức chiếu rạp sẽ được ưu tiên cho các dự án trọng điểm.
Hãng sẽ sớm quay lại guồng sản xuất như trước thời dịch, năng suất khoảng 12-15 phim mỗi năm bên cạnh những đầu phim được mua về. Sony có một đơn vị là Sony Pictures Classics, chuyên về dòng phim nghệ thuật (art house) và phim độc lập (indie). Gần đây, họ đã mua lại quyền phát hành The Father, tác phẩm có Anthony Hopkins đóng chính và xuất sắc thắng hai giải Oscar.
Tái khởi động sản xuất phim sau một thời gian gián đoạn vì dịch (vài phim tiêu biểu: Spider-Man: No Way Home; Uncharted; Don't Breath 2; Spider-Man: Into the Spider-Verse II; Hotel Transylvania: Transformania)
Đây không phải lần đầu Sony tuyên bố chắc nịch không bán đơn vị phim. Với tầm nhìn này, họ muốn duy trì bản thân là studio độc lập duy nhất trong Big 5 Hollywood, đứng ngoài đường đua phim trực tuyến. Vì thế, công ty không có động lực để phát hành song song cả ở rạp lẫn Internet. Nếu phim đã ấn định ra rạp thì nó sẽ ra rạp, trừ khi được bán lại cho một bên làm streaming.
Những hãng phim Hollywood như Disney, Warner Bros. đang chạy đua để bắt sóng xu hướng streaming video do Netflix khởi xướng, còn Sony, hãng vẫn trung thành với mô hình studio truyền thống đem phim chiếu tại rạp. Bên cạnh điều chỉnh chiến lược phù hợp hơn với thời đại mới.
TSMC của ngành phim
Không bán lại cho một công ty nào đó muốn chơi lớn ở thị trường streaming video, nhưng cũng không chịu ra dịch vụ riêng, Sony chọn cách trở thành một nhà sản xuất và cấp phép tự do. Giờ chúng ta sẽ nói kỹ hơn về cái ý làm phim cho các dịch vụ trực tuyến.
Quảng cáo
Theo Sony, xu hướng chung là loại hình series (phim nhiều tập) dần bị cắt giảm trên các kênh truyền hình và mạng cáp, giảm cả về số tập một mùa lẫn số series sản xuất. Tuy nhiên, nhu cầu giải trí vẫn tăng cao và đơn vị SPTV (Sony Pictures TV) vẫn đang bận rộn với các dự án phim bộ, chương trình thực tế và game show. Họ đang sản xuất trở lại sau khi bị dịch làm cho gián đoạn nhằm đáp ứng thị trường.
Các chương trình truyền hình được tái sản xuất (một số tiêu biểu: Wheel of Fortune; Better Call Saul; Jeoparody; The Crown; Cobra Kai; Sex Education; The Boys; For All Mankind; Shark Tank; Good Doctor)
Điều quan trọng mà ông muốn thông báo là hai thỏa thuận cực lớn với Netflix và Disney, đem về hàng trăm triệu USD mỗi năm từ việc bán lại và cấp phép phim cho hai nền tảng đứng đầu hai phe này. Cụ thể, Netflix được quyền đánh giá đầu tiên với bất kỳ bộ phim nào mà Sony muốn đem thẳng lên chiếu trực tuyến. Hoặc phim đó sau khi chiếu rạp sẽ được cấp phép để streaming.
Thỏa thuận có phạm vi hiệu lực ở Mỹ, Netflix là đơn vị phát hành độc quyền cho vòng chiếu đầu tiên sau khi Sony đã chiếu rạp “chán chê” và phát hành băng đĩa, bán lẻ/cho thuê bản digital trên mạng. Disney sẽ là đối tác ở vòng chiếu thứ hai sau khi Netflix hết độc quyền, áp dụng cho tất cả mạng lưới kênh truyền hình và nền tảng trực tuyến của họ.
“Cả hai đều là những thỏa thuận tuyệt vời với chúng tôi. Phản ánh giá trị khi bạn là một studio độc lập và có kho phim phong phú. Chúng tôi làm việc linh hoạt với bất kỳ đối tác nào, bất kỳ nền tảng nào [miễn là trả tiền], bất cứ thương vụ nào cũng có thể xảy ra. Đây sẽ tiếp tục là lợi thế chiến lược của chúng tôi trong tương lai” - CEO Sony Pictures nói.
Nếu nhìn vào danh sách TV series và movie của Sony đang phát trên các dịch vụ streaming video, sẽ thấy họ làm việc với hầu hết các dịch vụ lớn. Netflix có The Crown thì Amazon có The Boys. HBO Max đã “ôm” The Last of Us. Apple mua quyền phát hành phim Chiến hạm thủ lĩnh và Cuộc Chiến Không Gian. Disney thì vừa mới ký thỏa thuận ở trên.
Trong kỳ dịch, vì không thể phát hành ra rạp nên Sony đẩy mạnh bán phim cho các bên dịch vụ trực tuyến (từ trái qua: The Mitchells vs. the Machines - Netflix; Greyhound - Apple TV+; Happiest Season - Hulu; An American Pickle - HBO Max)
Sony Pictures giờ là một phiên bản của TSMC trong ngành phim. Triết lý của những công ty pure-play như TSMC là: không cạnh tranh trực tiếp với chính khách hàng của mình.
Thà làm vua nước nhỏ còn hơn xưng thần nước lớn
Tuy nhiên, không vì thế mà họ bỏ qua kinh doanh dịch vụ D2C. Hãng quyết định không cạnh tranh trực diện với những công ty mà họ xem là khách hàng. Thay vào đó, chọn đánh vào thị trường ngách.
Sony hiện đang nắm trong tay hai dịch vụ streaming video thuộc thị trường ngách (niche), chỉ chuyên phục vụ nhóm người xem rất nhỏ của một loại phim. Đó là Funimation chuyên về anime và Pure Flix chuyên về phim có chủ đề tôn giáo dành cho gia đình. Funimation thì có thể các bạn đã nghe qua, vậy còn Pure Flix?
Đây là dịch vụ streaming video mà Sony thâu tóm vào năm ngoái, thông qua Affirm Films, studio chuyên sản xuất và phân phối phim chủ đề tôn giáo thuộc Sony. Affirm Films là studio phim Cơ Đốc giáo thành công nhất mọi thời đại, doanh thu phòng vé trên 550 triệu USD với tổng doanh thu của studio hiện đã vượt quá 2 tỷ USD. Các tác phẩm nổi bật gồm có War Room (74 triệu USD), Miracles from Heaven (73,9 triệu USD), The Star (62,8 triệu USD). Trong danh sách 10 phim Cơ Đốc giáo doanh thu cao nhất, Sony có 4 vị trí (tính thêm cả Heaven Is for Real - phim công giáo doanh thu cao thứ 2 mọi thời đại).
Một số studio dưới trướng Sony Pictures
Nói tóm lại, Sony bỏ thị trường khó có thể cạnh tranh với các studio lớn cùng trong hàng ngũ Big 5 Hollywood, tránh trở thành đối thủ của chính các khách hàng Big Tech vốn “chẳng có gì ngoài tiền.” Họ hài lòng với việc thống trị hai thị trường ngách là anime dành cho wibu và otaku, bên cạnh phim tôn giáo phục vụ người theo đạo. Ngoài ra, công ty còn một dịch vụ trực tuyến khác ở Ấn Độ là SonyLiv. Đây là dịch vụ OTT Freemium lớn thứ 2 thị trường này, có trong tay hàng triệu khách hàng.
Mục tiêu 1 tỷ khách hàng
Không chỉ riêng đơn vị phim ảnh, Sony đang hướng tới cái đích “1 tỷ khách hàng trên toàn cầu” đối với toàn bộ hoạt động giải trí. Theo CEO Yoshida, chiến lược sắp tới sẽ là liên kết tổ hợp giải trí để tạo ra sức mạnh chinh phục 1 tỷ khách hàng trên toàn cầu. Bao gồm tất cả những dịch vụ nghe xem chơi trong tay họ.
Hiện tại, lĩnh vực giải trí của Sony đang có khoảng 160 triệu thuê bao khách hàng. Mục tiêu 1 tỷ nghe có vẻ xa vời vì hãng không cho biết mốc thời gian nhắm đến hoàn thành nó. Khi được Financial Times hỏi về thương vụ thâu tóm studio lâu đời MGM của Amazon, CEO Sony đánh giá “MGM có một thư viện rất đáng kể, nhưng cái gì cũng có cái giá của nó”.
Hàm ý Sony cũng có thể thực hiện mua bán như vậy để hiện thực hóa mục tiêu 1 tỷ khách hàng. Tuy nhiên, chi phí có thể rất tốn kém mà họ lại không cần thiết phải mất nhiều tiền như vậy. Thay vào đó, Sony thông báo sẽ dành ra ngân sách 18 tỷ USD trong vòng 3 năm tới, chi tiêu cho nhiều khoản đầu tư chiến lược. Chủ yếu là đầu tư vào video game và anime, bên cạnh âm nhạc, dịch vụ D2C, công nghệ, cảm biến, mua lại cổ phiếu,...
Các khoản đầu tư đã được thực hiện tại Sony, ngoài cùng bên trái toàn là về trò chơi, âm nhạc, phim ảnh
Trước khi Amazon ra giá 8,5 tỷ USD, đại gia truyền thông Comcast (sở hữu Universal Pictures và NBCUniversal) cũng đã “nhăm nhe” MGM. Nhưng công ty cho rằng giá trị không lớn đến vậy nên đã bỏ thầu. Y hệt vụ mua 20th Century Fox, họ cũng đẩy giá lên rất cao rồi bỏ dù chỉ kém Disney chưa tới 2 tỷ USD. Có lẽ Sony không quá quyết liệt cũng vì thiếu động lực, cả họ lẫn Comcast đều đã có studio.
Hãng chọn tăng cường sức mạnh của Pictures bằng các thương vụ quy mô nhỏ hơn. Ví dụ mua lại dịch vụ chiếu anime Crunchyroll, dịch vụ chiếu phim dựa theo đức tin Pure Flix, studio sản xuất TV series Giáo dục giới tính (Sex Education) Eleven. Cả ba đều xảy ra trong năm ngoái khi đại dịch gây khó khăn cho toàn ngành.
Như vậy, họ giữ đơn vị phim là để củng cố sức mạnh chung của kinh doanh giải trí, vốn đang đóng góp hơn một nửa doanh thu và tạo ra nguồn lợi nhuận chính. Cùng với các dịch vụ liên quan đến game PlayStation, phim ảnh sẽ giúp Sony hiện thực hóa mục tiêu 1 tỷ người dùng toàn cầu ở trên.
Cơ hội đi cùng với thách thức
Theo cách nào đó, việc Sony tránh tham gia streaming video sẽ giúp họ tiết kiệm ối tiền. Những công ty vận hành dịch vụ này luôn phải bơm tiền hàng năm để tạo ra nội dung mới. Nếu là studio Hollywood thì sẽ bớt áp lực hơn một chút vì tạm thời có thể dựa vào thư viện phim có sẵn để giữ chân khách hàng, dựa hơi vào những IP nổi tiếng để quảng cáo và hứa hẹn. Trong khi đổ tiền sản xuất phim mới.
“IP” hay “tài sản trí tuệ” là thứ mang tính quyết định đối với một dịch vụ streaming video
Còn với Big Tech, họ không có nền tảng nên càng bị áp lực phải cho ra lò nội dung mới, IP nổi tiếng không có cũng phải tự tạo. Đó là cách chơi mà Netflix và Amazon đã và đang áp dụng, dựa trên lợi thế tài chính của họ (cùng lắm thiếu tiền thì đi vay mượn). Còn nếu “lười biếng” cập nhật nội dung mới, cũng không dám bạo chi để xây dựng những IP hàng đầu, hãy nhìn vào tấm gương chính là Apple TV+, dịch vụ kém hấp dẫn nhất hiện nay.
Với bối cảnh như thế này, phần đông giới phân tích đều cho rằng nó phù hợp với nội lực của họ và là cách tiếp cận thông minh. Dưới đây là ý kiến từ vài chuyên gia.
Giám đốc điều hành một công ty quản lý tài sản và đầu tư chuyên về ngành giải trí, Ross Gerber, nhận xét: “Cuối cùng thì Sony có lẽ không phải một streamer xuất chúng. Nếu họ có thể kiếm tiền từ phim chiếu rạp sau đó bán lại cho các dịch vụ, họ vẫn sống khỏe. Đầu tiên là ‘trúng mánh’ một bộ phim tỷ đô, sau đó Netflix mua bản quyền và lại kiếm về thêm lần nữa”.
Peter Newman, một nhà sản xuất và là người đứng đầu chương trình giản dạy MBA/MFA tại Trường Nghệ thuật Tisch thuộc Đại học New York, cũng đồng tình. Với việc không có dịch vụ chiếu trực tuyến riêng, Sony một mặt có thể “ve vãn” các nhà làm phim yêu thích kiểu phát hành truyền thống, những người đã phản đối kế hoạch phát hành song song của Warner Bros. (chiếu trực tuyến và chiếu rạp trong cùng ngày). Mặt khác, lại có thể mời gọi bất kỳ dịch vụ nào mua phim mình.
Lịch phát sóng các chương trình truyền hình kể từ năm 2021 trở đi, có thể thấy ai Sony cũng chơi
Atul Goyal của công ty đầu tư Jefferies thì cho biết: “Chúng tôi nhận thấy Sony đang củng cố vị thế ở tất cả các hoạt động kinh doanh. Nếu có nơi nào rơi vào thế yếu thì họ chỉ việc thu hẹp quy mô, rút lui hoặc tiến tới cộng tác.”
Đứng trước nhu cầu “khát” nội dung mới của các dịch vụ trực tuyến, một studio lớn mà lại tự do không bị ràng buộc như Sony đúng là “mặt hàng hot”. Nhưng bài toán bây giờ là - liệu Sony có thể đáp ứng hết được không?
Một số tin rằng vẫn có khả năng, nếu những gì CEO tập đoàn hứa hẹn là chính xác. Có nghĩa, Sony phải làm cho các đơn vị trong tập đoàn gắn kết chặt chẽ với nhau hơn. Sau tất cả, Sony vẫn đang sở hữu hãng trò chơi điện tử lớn nhất thế giới* và hãng thu âm lớn thứ hai. Nhà phân tích Martin Yang cho biết, có thể dựa vào kho IP game giàu có để làm các bộ phim kinh phí hợp lý.
*Tính theo doanh thu từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử năm 2020, Sony là công ty đứng đầu ngành. Nếu bỏ qua doanh thu từ bán phần cứng, Tencent sẽ là nhà phát hành video game lớn nhất.
Lợi thế “độc nhất vô nhị”
Ở trên, hãng đã nhắc đến hai thỏa thuận quan trọng cấp phép nội dung cho Netflix và Disney, trị giá ước đoán trên 3 tỷ USD. Chia sẻ về quyết định hợp tác với hai ông lớn, CEO Yoshida cho biết: “Tôi nghĩ cơ sở để có thể đi đến hai thỏa thuận rất có lợi với Netflix và Disney, trong cùng một lúc, là vì họ bị thu hút bởi PlayStation Productions. Chúng tôi có thể ‘cường hóa’ khả năng sáng tạo nội dung dựa vào sự phối hợp toàn cầu theo kiểu như vậy”.
Sony Pictures hợp tác PlayStation Productions sản xuất phim
Ý của ông, Sony có thể tạo ra những dự án liên kết giữa các đơn vị giải trí. Làm việc cùng nhau, phim, nhạc, trò chơi điện tử, có thể tạo ra sản phẩm độc đáo hơn để thu hút khách hàng. Ví dụ, trong hội nghị các nhà đầu tư diễn ra trong hai ngày tháng Năm, ngài Yoshida đã nêu ra hai ví dụ cho thấy sự khác biệt của họ so với các công ty khác trong kinh doanh nội dung giải trí.
Đầu tiên, ông nhắc đến bom tấn anime Nhật Bản Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận (tựa Anh: Demon Slayer The Movie: Mugen Train), được chuyển thể từ manga của Gotouge Koyoharu. Anime là dự án do Aniplex sản xuất, tiếp nối thành công của phim truyền hình mùa 1 năm 2019. Cuối năm nay sẽ lên sóng mùa 2. Và không chỉ anime, họ còn phụ trách cả bài hát chủ đề trong phim. Sắp tới còn hai trò chơi điện tử chuyển thể từ anime, phát hành trên các nền tảng di động và PC/console.
Thứ hai là dự án phim điện ảnh Uncharted, dựa trên một trò chơi điện tử nổi tiếng của hệ console PlayStation, dự kiến công chiếu trong năm nay. Đây là dự án đầu tiên của Sony Pictures và Sony Interactive cộng tác cùng nhau, nằm trong một chuỗi các phim chuyển thể từ game lên phim. Thông qua loạt dự án này, họ muốn tăng cường sự phổ biến và giá trị các IP game của nền tảng PlayStation. Trong khi phía Pictures có thêm chất liệu mới để làm phim, một nguồn tài nguyên độc quyền.
Đây chính là lợi thế mà các chuyên gia nhắc đến ở trên, vấn đề còn lại chỉ là hãng tận dụng nó như thế nào trong thực tế. Vừa sản xuất phim độc quyền cho từng dịch vụ, lại vừa cấp phép chiếu trực tuyến phim chiếu rạp, hãng sẽ cần bơm nội dung mới liên tục. Trong khi IP anime được khai thác đa dạng qua nhiều hình thức khác nhau, dựa trên cấu trúc tập đoàn toàn diện hơn các nhà sản xuất anime khác.
So với các nhà sản xuất khác, Sony có cấu trúc toàn diện hơn để khai thác tối đa giá trị một IP anime
Rủi ro
Song, không vì thế mà chiến lược này đã trở nên hoàn hảo. Vận còn một số hoài nghi về việc bỏ qua dịch vụ chiếu phim trực tuyến. Có thể trong ngắn hạn 3-5 năm nữa hãng sẽ gặt hái thành công từ cách làm này, nhưng trên đường dài 10-20 năm hoặc xa hơn nữa, liệu quyết định này có phản tác dụng và khiến Sony hối hận?
Năm 2020 ghi nhận lợi nhuận Sony Pictures tăng so với các năm trước, bất chấp rất ít phim có thể ra rạp. Bởi họ tiết kiệm được rất nhiều tiền trước đây phải chi cho những chiến dịch quảng bá tốn kém, trong khi lại không phải ăn chia tiền bán vé với hệ thống rạp chiếu (tỉ lệ thường 50:50). Rõ ràng nếu đẩy mạnh hình thức trực tuyến, dù trải nghiệm điện ảnh bị suy giảm nhưng lợi ích kinh tế sẽ lớn hơn.
Phát hành tại rạp vẫn luôn có rủi ro bị lỗ khi phải ăn chia doanh thu với rạp, sau đó lại trừ đi ngân sách marketing. Chiếu trực tuyến, Sony có thể đút túi trọn vẹn và giảm thiểu gánh nặng tiếp thị. Một số dự án cũng có thể được tránh lỗ nặng nếu chiếu trực tuyến ngay từ đầu (vẫn có thể thu thêm phí theo hình thức PVOD trước khi mở miễn phí). Bỏ qua một kênh phân phối an toàn như vậy liệu đã chính xác?
Việc Sony nhắm thống trị phân khúc ngách anime trực tuyến cũng chưa an toàn. Họ đang bị giới cầm quyền Mỹ điều tra chống độc quyền thị trường phân phối anime, nếu thâu tóm Crunchyroll thành công.
Sony đang bị điều tra chống độc quyền vì muốn nắm cả Funimation lẫn Crunchyroll
Ngoài ra, Netflix cũng đang đầu tư sản xuất rất nhiều anime mới. Gã khổng lồ trực tuyến hiểu rõ mình không nắm chắc thư viện, nếu không có phương án backup, công ty sẽ mất kha khá đầu phim anime khi bị đối tác quay lưng. Các studio cũng có thể không cung cấp nội dung mới cho hãng nếu có kế hoạch khác - “bơm” cho dịch vụ trực tuyến riêng hoặc bán độc quyền phát hành cho bên trả giá cao hơn.
Nếu không thỏa thuận được, vừa không giữ được nội dung cũ mà ngay cả nội dung mới cũng có nguy cơ bị mất quyền truy cập. Đây là điểm chung của các dịch vụ streaming nhạc/phim/game khi chủ vận hành nền tảng không sở hữu nội dung trên đó.
Liệu Sony có thể xử lý được không? Thuyết phục rằng dịch vụ của mình là lựa chọn hàng đầu đối với người yêu thích anime kể cả khi họ đã có Netflix. Không phải tranh giành khách của dịch vụ hàng đầu, mà là chung sống và chứng minh mình xứng đáng được đăng ký thêm.
Nguồn: