Về mặt cấu hình, hai chiếc laptop gaming bình dân Gigabyte G5 ra mắt tháng 9/2022 và G5 ra mắt tháng 3/2023 đều có những thông số kỹ thuật vô cùng tương đồng. G5 GE 2022 được bán với giá 19.990.000 VNĐ, còn G5 MF 2023 thì lại có giá 23.990.000 VNĐ.
Cách nhau 4 triệu Đồng về mức giá, với một thay đổi duy nhất về cấu hình bên trong, bản thân hai chiếc máy của chúng ta cũng được định hướng tới hai đối tượng người dùng phổ thông tương đối khác, chứ không chỉ đơn giản là máy mới ra, máy cũ sẽ trở nên lỗi thời, không ai mua nữa.
Cách nhau 4 triệu Đồng về mức giá, với một thay đổi duy nhất về cấu hình bên trong, bản thân hai chiếc máy của chúng ta cũng được định hướng tới hai đối tượng người dùng phổ thông tương đối khác, chứ không chỉ đơn giản là máy mới ra, máy cũ sẽ trở nên lỗi thời, không ai mua nữa.
Thiết kế của Gigabyte G5 2023
Thực tế anh em có thể nhìn những hình ảnh so sánh hai chiếc máy ra mắt cách nhau sáu tháng, có lẽ thứ dễ phát hiện ra nhất chỉ là font chữ trên bàn phím full size của hai chiếc laptop kích thước 15.6". Còn lại, những chi tiết khác về mặt ngoại hình, từ những hoạ tiết trên touchpad, rồi thiết kế vent tản nhiệt, hay chính bản thân những cổng kết nối trên hai chiếc laptop đều giống hệt nhau. Rồi nhìn vào màn hình, tấm nền kích thước 15.6" độ phân giải Full HD, tần số quét 144Hz cũng giống nhau luôn.
Một lời khen dành tặng cho Gigabyte, đó là độ bền chassis của chiếc máy. Nặng 1.9 kg, độ dày 2.26 cm, ấn hai ngón tay xuống chính giữa bàn phím, biến dạng chassis là rất ít, dù lớp vỏ của cả hai cái laptop đều làm bằng nhựa. Kết hợp điều đó với bản thân chiếc bàn phím gõ êm, nhẹ, hành trình phím không quá ngắn, tạo ra trải nghiệm rất ổn với anh em chọn một trong hai chiếc máy này về chơi game.
Một chi tiết khác chứng minh sự tương đồng của hai phiên bản Gigabyte G5 ra mắt cách nhau 6 tháng chính là hệ thống những cổng kết nối trang bị trên hai chiếc máy. Dù nằm ở phân khúc phổ thông, nhưng G5 vẫn trang bị đủ hai cổng USB Type A, hai cổng USB Type C, thậm chí còn có đủ hai kết nối xuất tín hiệu hình ảnh ra màn hình ngoài HDMI và Mini DisplayPort nữa. Bản thân kết nối Mini DisplayPort là thứ cực kỳ có giá trị, khi nó đủ băng thông phục vụ những màn hình ngoài với yêu cầu hình ảnh cao nhất trên thị trường hiện giờ. Từ độ phân giải 4K 10bit màu, cho tới tần số quét 240Hz trở lên, DP luôn là lựa chọn hợp lý thay vì HDMI.

Cùng với đó là hai cổng nhận và xuất tín hiệu audio từ tai nghe của anh em, và cả khe đọc thẻ nhớ MicroSD.
Chỉ có hai chi tiết thiết kế trên Gigabyte G5 mà mình nghĩ sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm sử dụng của anh em. Số là, chơi game thì không ai dùng touchpad cả, phải dùng chuột rời để bên phải chiếc máy. Nhưng ở cạnh phải vừa là cổng cắm cáp ethernet kết nối internet có dây, lại vừa có khe thổi gió nóng từ hệ thống tản nhiệt ra ngoài. Vậy là vị trí anh em cầm chuột lúc chơi điện tử sẽ bị ảnh hưởng phần nào, một vì vướng (nếu muốn cắm dây LAN chơi game cho đỡ lag), và hai là gió nóng từ tản nhiệt sẽ thổi thẳng vào tay.


Nói vậy nhưng ở khía cạnh tích cực hơn, kết cấu hệ thống tản nhiệt của Gigabyte G5 thực sự đã làm tốt công việc của nó. Tốt đến mức nào thì mong anh em đợi tới đoạn mình đánh giá hiệu năng của cả hai chiếc máy nhé.
Quảng cáo
Tổng hợp lại, với mức giá 20 triệu cho phiên bản 2022, và 24 triệu cho bản 2023, Gigabyte G5 không sở hữu những chi tiết quá rườm rà hướng tới thị trường gaming. Những hoạ tiết cách điệu tạo ra cảm hứng cho một chiếc gaming laptop vẫn có, nhưng xét về tổng thể, Gigabyte G5 sở hữu dáng vẻ tương đối truyền thống và có phần giản dị, phục vụ phần nhiều về công năng hơn là ngoại hình.
Cấu hình Gigabyte G5
Cả hai chiếc máy đều sở hữu chip CPU Core i5-12500H. Con chip do Intel sản xuất này trang bị 4 nhân hiệu năng cao, 8 nhân hiệu năng thấp, tổng cộng là 16 luồng xử lý phục vụ mọi nhu cầu của anh em, từ công việc cơ bản cho tới học tập, và đương nhiên là cả chơi game nữa. Cũng vì được trang bị chung CPU, nên mọi khác biệt về mặt hiệu năng đều được tạo ra từ GPU khác nhau trang bị trên hai chiếc máy.
Với Cinebench R23, thực tế benchmark cả hai phiên bản Gigabyte G5 đều tạo ra kết quả tương đồng, loanh quanh tầm 12 nghìn điểm, không có chênh lệch.

Cùng với đó, ở cấu hình cơ bản, cả G5 GE lẫn G5 MF đều được trang bị 8GB RAM và 512GB SSD. Từ ngoại hình đến linh kiện bên trong, cả hai phiên bản G5 đều không có quá nhiều khác biệt. Đương nhiên bây giờ với Windows 11, để một chiếc máy có thể phục vụ người dùng trong khoảng thời gian dài, việc nâng cấp lên 16GB RAM là điều nên làm.
Quảng cáo
Rồi cũng phải kể đến kết nối WiFI 6E mà cả hai chiếc máy hỗ trợ, với băng thông dữ liệu tối đa có thể đạt được ở ngưỡng 1200 Mbps, dĩ nhiên là nếu đường truyền internet và chính bản thân router ở nhà anh em đạt được tốc độ cao. Bản thân việc kết hợp băng tần 6 GHz trong WiFi 6E cũng giúp khả năng kết nối của laptop được đảm bảo, có thể chơi game online mà không sợ packet loss hoặc khựng giật trong quá trình kết nối với internet. Dù vậy đương nhiên vẫn sẽ có những anh em tin tưởng kết nối dây LAN cắm thẳng vào chiếc laptop cho an tâm.

Tất cả những điểm tương đồng kể trên đưa chúng ta đến với khác biệt duy nhất khiến hai chiếc máy vừa có giá khác nhau, vừa có định hướng tới những người dùng khác nhau trong cùng phân khúc phổ thông.
Khi RTX 3050 ra mắt, định hướng những chiếc laptop trang bị mẫu GPU rẻ nhất trong thế hệ sản phẩm kiến trúc Ampere đủ để chơi những game online thể thao điện tử, CS:GO, Valorant hay LMHT chẳng hạn. Đương nhiên cài game bom tấn vào thì vẫn chơi được thôi, nhưng sẽ phải đẩy chất lượng đồ hoạ xuống hết mức có thể. Cũng may là DLSS 2 trên RTX 30 series vận hành không đến nỗi nào, nên ở độ phân giải Full HD, RTX 3050 vẫn chơi được game.
Nhưng với RTX 4050, kiến trúc Ada Lovelace tạo ra bước nhảy quá khủng khiếp, đặc biệt là ở hai phân khúc high end và phổ thông. Hệ quả là, cùng một trò chơi, cùng một tuỳ chỉnh đồ hoạ, nhưng hai chiếc máy với mức giá cách nhau chỉ 4 triệu Đồng tạo ra hiệu năng có khi chênh lệch gấp ba, thậm chí gấp 4 lần.
RTX 4050 và DLSS 3, đấu với RTX 3050 và DLSS 2
Công nghệ hiện giờ đang độc quyền trên RTX 40 series của Nvidia là thế hệ thứ 3 của kỹ thuật tăng độ phân giải hình ảnh DLSS. Bên cạnh việc ứng dụng nhân tensor cùng thuật toán machine learning nâng cấp độ phân giải hình ảnh, DLSS 3 còn có một tính năng mà theo mình, đó là một trong số những giải pháp hữu ích nhất của AI trong giải trí tương tác. Đấy là Frame Generation.
Trên những GPU RTX 40 series là một cụm chip tên là OFA, Optical Flow Accelerator. Nó đảm nhiệm vai trò xác định hướng di chuyển của những vật thể trong màn chơi, trong từng khung hình. Từ đó, OFA sẽ tạo ra những khung hình chèn vào giữa những frame được GPU và CPU render trước đó.
Kết hợp OFA với thuật toán DLSS, tốc độ khung hình khi anh em chơi game sẽ tăng một cách chóng mặt, kể cả khi sử dụng một chiếc máy bình dân trang bị RTX 4050.

Nói không đâu xa, mình chỉ cần duy nhất một tác phẩm để chứng minh sức mạnh của RTX 40 series trên những chiếc laptop gaming phổ thông. Đấy là Cyberpunk 2077. Hãy tạm bỏ qua bản cập nhật path tracing vốn chỉ phù hợp với những card đồ hoạ cao cấp nhất, RTX 4090 ở độ phân giải 4K cũng chỉ được từ 70 đến 80 FPS. Bản thân việc chơi được Cyberpunk 2077 ở thiết lập đồ hoạ Medium - High, kèm thêm ray tracing chất lượng medium, máy vẫn tạo ra được tốc độ khung hình từ 60 đến 68 FPS là điều quá ấn tượng, nhất là khi chúng ta đang đề cập đến mẫu GPU rẻ nhất của thế hệ Ada Lovelace hiện giờ.
Còn RTX 3050, cùng chất lượng đồ hoạ như vậy thì sao? Con số tạo ra chỉ bằng 1/3. Benchmark Cyberpunk 2077 chỉ được 18 đến 22 FPS, gần như không thể chơi được, dù đã sử dụng DLSS 2.

Một ví dụ khác, cũng có DLSS 3, cũng có Frame Generation là Forza Horizon 5, game đua xe được rất nhiều anh em Việt Nam yêu mến. Khác biệt lần này thậm chí còn lớn hơn. Ở tuỳ chọn đồ hoạ High - Ultra, có ray tracing, độ phân giải FullHD, kết quả RTX 3050: 25 FPS với DLSS 2, RTX 4050: 100 FPS với DLSS 3 và Frame Generation.

Nhắc đến một chiếc laptop gaming mà không đề cập tới tản nhiệt thì sẽ là thiếu sót. Phải thừa nhận, cả hai chiếc G5 ồn ào, anh em chơi game nên dùng tai nghe vì hai quạt tản nhiệt chủ động vận hành ở công suất cao tạo ra tiếng hú không thể lờ đi được.

Nhưng ở khía cạnh tích cực của thứ tiếng ồn ấy, là nhiệt độ của CPU và GPU bên trong chiếc máy được giữ ở mức khiến mình tương đối hài lòng. GPU tối đa cũng chỉ chạm ngưỡng 80 độ C, không hơn, còn thông thường khi chơi game đều chỉ đứng ở ngưỡng 74 đến 77 độ C. Đó là những thử nghiệm với Resident Evil 4, một trong những game PC mới nhất và đẹp nhất hiện giờ.
Ai nên mua bản nào?
Như đã nói, không phải bản mới ra thì mặc định phiên bản cũ, cấu hình yếu hơn sẽ trở nên lỗi thời và bị đào thải. Chênh lệch 4 triệu Đồng với nhiều người, đặc biệt đối với các bạn sinh viên, là thứ không phải ai cũng “cố” để mua phiên bản mới trang bị GPU cao cấp. Dù rẻ hơn, nhưng ở mức 20 triệu Đồng, G5 GE 2022 vẫn sở hữu màn hình Full HD tần số quét 144Hz, cho phép anh em tạo ra những pha xử lý thần sầu, miễn là kỹ năng cho phép. Kết hợp với CPU Core i5-12500H, hầu hết những game eSports ngốn CPU (LMHT, Dota 2, CS:GO, Valorant), và hầu hết những game online phổ biến hiện giờ đều có thể toả sáng trên cấu hình trang bị RTX 3050.

Còn cấu hình mới, dù trang bị GPU phổ thông với mức giá rẻ nhất trong dàn sản phẩm Ada Lovelace của Nvidia, nhưng những thử nghiệm thực tế đều đã cho thấy, nó hoàn toàn đủ sức đem lại trải nghiệm game vừa đẹp vừa mượt mà cho anh em. Đương nhiên với RTX 4050, không phải game nào cũng kéo hết được chất lượng đồ hoạ lên mức tối đa.

Nhưng bù lại, anh em cũng sẽ không phải đặt hết mọi tuỳ chọn đồ hoạ ở mức Low và Medium chỉ để chơi mượt trò chơi anh em yêu mến. Sự kết hợp của sức mạnh xử lý rasterization lẫn DLSS 3 kèm thêm Frame Generation trên những trò chơi có hỗ trợ là thứ khiến RTX 4050 trở thành một trong những GPU phổ thông ngon nhất hiện tại. Và suy rộng ra trong số những thương hiệu laptop gaming hiện giờ, Gigabyte G5 MF chính là sản phẩm rẻ ở mức nhất nhì thị trường, xét tới những sản phẩm được trang bị RTX 4050.
Anh em quan tâm sản phẩm có thể xem thêm tại đây.