Sau khi đọc bài của bác Trungdt, mình thấy có nhiều bạn thắc mắc về vấn đề thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ... nên mình làm một topic này để giải thích một số vấn đề liên quan nhé. Mình thì không phải chuyên về ngân hàng, nên mình dùng một số từ ngữ bình dân để giải thích cho mọi người hiểu là chính thôi nhé.
1. Phân biệt thuật ngữ Thẻ ngân hàng, thẻ ATM, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ debit, thẻ credit
Thẻ ngân hàng, hay còn gọi là thẻ ATM: là thuật ngữ chung để chỉ các loại thẻ được các ngân hàng (hoặc tổ chức tín dụng) phát hành, có tác dụng thanh toán giao dịch giữa người mua và người bán. Và dĩ nhiên còn để dùng để giao dịch tại máy ATM nữa.
Người VN hay dùng nhầm khái niệm thẻ ATM với thẻ debit, thực ra thẻ credit cũng là thẻ ATM, credit ra máy ATM rút tiền cũng được hết. Thậm chí rất đông dân số còn đánh đồng việc sử dụng thẻ ATM chỉ là để rút tiền tại ATM (trong khi đi siêu thị thanh toán cái rẹt, vừa văn mình, vừa đơn giản thì không chịu làm).
Thẻ ngân hàng tạm chia làm 2 loại thẻ chính là thẻ Credit (tín dụng) và Debit (ghi nợ). Thực ra còn nhiều loại lắm, nhưng thôi biết nhiều đau đầu, biết 2 loại này đủ rồi.
Debit (thẻ ghi nợ): loại này dễ hiểu lắm. Có 10 triệu trong tài khoản thì chỉ được xài đến 10 triệu đấy thôi. Có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Hết tiền là nghỉ. Nói nôm na là ngân hàng giữ mình dùm 1 khoản tiền, rồi khi nào đi đâu xài tiền thì ngân hàng trích ra trả hộ mình vậy đó
Credit (thẻ tín dụng): loại này là thế này. Ngân hàng sẽ cấp cho bạn 1 hạn mức tín dụng để mình xài trước. Rồi đến cuối tháng mình trả lại tiền cho ngân hàng. Nói chung là ngân hàng dựa trên uy tín của mình, để cho mình vay nóng một khoản đó
2. Ơ thế còn Visa, Master card... là gì?
Visa, Master card, American Express (hay còn gọi là thẻ Amex), JCB là các công ty dịch vụ tài chính. Nó giúp cho các giao dịch thanh toán điện tử trên toàn cầu được dễ dàng hơn. Đọc xong định nghĩa vẫn chưa hiểu đúng không 😃
Giải thích bình dân là thế này. Bây giờ tui có một cái thẻ Debit (ghi nợ) của VCB. Thẻ này có thể thanh toán trong nước Việt Nam, hoặc ATM của Việt Nam thôi. Ra nước ngoài là tịt luôn. Công ty Visa sẽ kết hợp với VCB để phát hành thẻ Visa debit VCB. Giờ thì ngon rồi, ra nước ngoài tui cà thẻ thoải mái, miễn là chỗ đó có ghi ở cửa: "chấp nhận thẻ Visa", hoặc rút tại các máy ATM tại nước ngoài vô tư nhé.
Lưu ý là không phải toàn bộ các thẻ Ghi nợ quốc tế có thể sử dụng để thanh toán Online toàn cầu đâu nhé. Ví dụ thẻ HSBC Visa Debit không thanh toán Online được đâu nhé.
Vì thế mới có 2 loại:
Visa debit (hay còn gọi là thẻ ghi nợ quốc tế): đã giải thích rồi nhé. Nó là thẻ Debit, nhưng có tác dụng thanh toán quốc tế. Từ giờ đến cuối bài mình sẽ dùng thuật ngữ Visa Debit để chỉ thẻ ghi nợ quốc tế, còn trên thực tế sẽ có các thẻ Master card debit, Amex debit, JCB debit nữa nhé.
Visa credit: cơ chế hoạt động là xài trước trả sau. Theo như hiểu biết giới hạn của mình thì 99% số thẻ Credit đều là thẻ thanh toán quốc tế. Có nghĩa là nó phải gắn với một trong những cái tên như Visa, Master card, American Express (hay còn gọi là thẻ Amex), JCB...
Quảng cáo
Lưu ý: rất nhiều người nhầm thẻ Visa là thẻ Credit (tín dụng). Không phải đâu nhé còn có cả Visa Debit nữa. Ngược lại, không phải tất cả thẻ tín dụng đều là Visa. Còn có thẻ Mastercard, thẻ Amex, thẻ JCB nữa nhé.
3. Một số vấn đề cần lưu ý khi xài thẻ Credit (tín dụng), thẻ visa Debit (thẻ ghi nợ quốc tế)
a. Vấn đề thanh toán thẻ tín dụng hàng tháng
Mỗi ngân hàng sẽ có một ngày gọi là ngày thanh toán. Lấy ví dụ HSBC, tầm khoảng ngày 22 hàng tháng sẽ là ngày thanh toán. Ngày 7 hàng tháng sẽ là ngày chốt sao kê.
Các bạn sales, marketing hay nói với khách hàng thế này nè: "các anh chị có thể xài tiền trước của ngân hàng trong vòng 45 ngày mà không bị tính lãi". Thực ra không hẳn là thế đâu nhé.
Lấy ví dụ ngày 22/2 sắp tới là ngày thanh toán. Vậy thì tất cả các giao dịch diễn ra từ ngày 7/1 đến ngày 7/2 sẽ bị chốt sao kê. Có nghĩa là ngày 7/2 bạn vừa hí hửng đi mua cái TV 20 chai bằng thẻ tín dụng, rồi ngồi rung đùi đợi 45 ngày mới thanh toán là nhầm rồi đó. Nếu mua cái TV vào đầu kỳ ngày 7/1 thì đúng là được 45 ngày. còn mua vào ngày cuối kỳ 7/2 thì được có 15 ngày thôi. Về chuẩn bị tiền thanh toán đi nhé
Để thanh toán thẻ tín dụng thì có nhiều cách:
Quảng cáo
- Ra ngân hàng thanh toán, bảo với em giao dịch viên xinh đẹp là: "Em ơi, anh muốn thanh toán thẻ tín dụng"
- Chuyển khoản, hoặc thanh toán cùng hệ thống Internet banking. Trường hợp này bạn cần có một tài khoản Debit tại cùng hệ thống ngân hàng. Login vào Internet banking là thanh toán dễ như ăn kẹo. Thậm chí tiện lợi hơn, bạn có thể set chế độ thanh toán tự động. Đến đúng ngày thanh toán là tự động thanh toán tiền cho ngân hàng luôn.
- Chuyển khoản khác ngân hàng. Bạn thực hiện giao dịch như một lệnh chuyển khoản thông thường. Với số tài khoản nhận tiền là số thẻ Credit.
b. Vấn đề thanh toán full, thanh toán minimum, lãi xuất thẻ tín dụng
Giờ mới đến vấn đề đau khổ của thẻ tín dụng đây. Về cơ bản thẻ tín dụng là một hình thức vay nóng của ngân hàng thôi.
- nếu bạn thanh toán full payment. Sao kê ra 10 triệu, trả luôn 10 triệu, đúng hẹn và trước ngày thanh toán. Ok, đời đẹp như mơ, ngân hàng không thể tính lãi xuất dù chỉ 1 xu
- Nếu không thanh toán full payment. Có nghĩa là phần còn thiếu chưa trả sẽ bị ngân hàng tính lãi xuất đó. Và lãi xuất này không hề rẻ đâu nhé. Nó cao hơn lãi xuất cho thế chấp (bằng tài sản) gấp nhiều lần. Vì thế cân nhắc việc chi tiêu thẻ tín dụng nhé 😔(
Lưu ý là một số ngân hàng tính theo tiền. Ví dụ sao kê ra 10 triệu, trả 5 triệu, thì 5 triệu còn lại bị tính lãi. Một số ngân hàng khác tính theo giao dịch. Ví dụ mua TV 10 triệu, trả 5 triệu, nhưng nó vẫn tính lãi trên 10 triệu (do là chưa trả xong giao dịch này). Check kỹ lại với ngân hàng của bạn đi nhé.
c. Các loại phí của thẻ Credit và Visa Debit
Ngoài ra thẻ tín dụng, và Visa Debit còn một số loại phí khác như sau:
- phí thường niên. Rẻ thì như VCB tầm 100-200k một năm, xịn như kiểu Citi Bank thì có khi đến cả 1tr2 một năm
- Phí chuyển đổi ngoại tệ. Nếu như bạn hay sử dụng thẻ tín dụng và Visa Debit để mua hàng online, thanh toán quốc tế thì lưu ý phí này. Nó tính khoảng 2-4% trên giá trị giao dịch tùy theo loại thẻ và ngân hàng. Nếu như mua vé máy bay giá trị lớn thì khoản này không hề rẻ đâu nhá. Khi cà thẻ tại nước ngoài, hoặc rút tiền tại ATM nước ngoài cũng sẽ bị tính phí này
d. Lưu ý khi rút tiền mặt bằng thẻ Credit và Visa Debit
Nếu bạn dùng thẻ Credit-Tín dụng để rút tiền mặt thì bạn sẽ bị tính 2 loại phí
- Ngay lập tức sẽ bị tính phí rút tiền mặt Credit (2-4%)
- Đồng thời bạn sẽ bị tính lãi xuất ngay lập tức kể từ ngày rút tiền (chứ không phải đợi đến quá ngày thanh toán mới bị tính lãi đâu nhé)
- Nếu rút tiền mặt tại ATM nước ngoài thì sẽ bị tính thêm 2-4% phí chuyển đổi ngoại tệ nữa. Phí đè chết người luôn
Kết luận là cực kỳ hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Vì ngân hàng coi như là bạn đang vay nóng của họ. Thấy mấy thằng chuyên đòi nợ vay nóng rồi chứ hả 😃)
Rút tiền bằng Visa Debit thì không bị tính phí rút tiền mặt và lãi xuất (vì tiền của mình, ngân hàng giữ dùm thôi mà). Tuy nhiên vẫn bị tính 2-4% phí chuyển đổi ngoại tệ trong trường hợp rút tiền tại nước ngoài. Ngoài ra do thẻ Visa debit là loại thẻ đặc biệt, nên nếu rút tiền tại ngân hàng khác hệ thống thường bị tính phí rút tiền rất cao 10-20k một lần rút tiền (so với 3k nếu rút tiền trong thẻ Debit thường)
Lưu ý là có một số trường hợp đặc biệt như: rút tiền qua thẻ HSBC Visa debit tại đúng máy HSBC toàn cầu thì không bị tính phí chuyển đổi ngoại tệ.
e. Vấn đề bảo mật thẻ tín dụng và Visa Debit
Một số bạn thì vẫn lo ngại vấn đề bảo mật thẻ, rồi sợ mất thẻ Credit và Visa debit. Nên mình note cho các bạn một số ý sau nhé:
- Đa số thẻ tín dụng thế hệ mới là thẻ có gắn chip. Không phải dễ mà làm giả được
- Các ngân hàng đều có dịch vụ tin nhắn, thẻ tín dụng vừa được sử dụng là có tin nhắn báo vào điện thoại liền. Hao hụt dù là 1 đồng cũng báo. Nếu như bạn nhận tin nhắn báo có giao dịch, và nghi ngờ thẻ bị hack. Hãy báo ngay cho đường dây nóng của ngân hàng, họ sẽ khóa thẻ và tạm ngưng các giao dịch bị nghi ngờ lại ngay lập tức.
- Nếu bạn đang ở VN, và có một giao dịch từ thẻ của bạn xuất phát tại một nước khỉ ho cò gáy nào đó như Somali, một số ngân hàng sẽ có nhân viên gọi điện báo ngay cho bạn về trường hợp nghi vấn này
Update: hiện nay Visa hay Master card đều có thêm chế độ: Verify thêm 1 lần password nữa. Nên hầu như chuyện bị hack thẻ Online lại càng giảm đi nữa
Về cơ bản nếu quản lý tốt thẻ tín dụng, và có hệ thống tin nhắn báo động thì thẻ tín dụng và Visa Debit an toàn đến 99.9%
Lưu ý: vẫn có một số trường hợp xui xẻo. Ví dụ mình có người bạn bị hack thẻ. Hacker sử dụng thẻ vào nửa đêm (tại Mỹ) nên có nhận được tin nhắn báo, nhưng mà nửa đêm đang ngủ đâu có biết. Đến sáng dậy bạn mình có báo cho ngân hàng tại VN (xin phép không tiết lộ tên ngân hàng), nhưng bị từ chối giải quyết do giao dịch dưới 10$. Trường hợp xui xẻo 0.1% là đây
f. Một số vấn đề khác liên quan đến thẻ Credit và Visa debit
- Nên chọn thẻ Credit (tín dụng) hay Visa Debit (thẻ ghi nợ quốc tế). Về cơ bản chức năng thanh toán của Credit và Visa Debit là giống nhau. Nhờ có Visa bảo hộ nên có thể thanh toán quốc tế được. Tuy nhiên lưu ý là không phải thẻ Visa Debit nào cũng có thể thanh toán Online được, nên kiểm tra với ngân hàng trước khi làm nhé.
- Thẻ Credit dĩ nhiên là hay hơn (được ngân hàng ứng tiền xài trước mà), đồng thời có nhiều ưu đãi hơn. Mặt trái là phải nhớ thanh toán đúng hẹn, không thì bị ngân hàng tính lãi ngập đầu luôn, đồng thời làm thẻ tín dụng cũng phải chứng minh bảng lương với ngân hàng. Nếu không thì phải thế chấp sổ tiết kiệm. Nói chung là khá phức tạp
- Visa Debit thì ko có nhiều ưu đãi bằng. Bù lại không phải lo thanh toán hàng tháng, dễ kiểm soát chi tiêu hơn. Làm thẻ Visa Debit cũng đơn giản hơn. Bạn chỉ cần ra ngân hàng nói với em giao dịch viên xinh đẹp: "Em ơi, anh muốn làm thẻ ghi nợ quốc tế"
Dùng thẻ tín dụng và Visa Debit thì cũng có nhiều phiền phức, tuy nhiên lợi ích từ nó cũng không phải là nhỏ, để hôm nào rảnh mình sẽ bàn về lợi ích của tất cả các loại thẻ sau. Cá nhân mình luôn có đủ cả 3 loại thẻ ở trong ví. Thông thường hầu hết giao dịch của mình (cafe, siêu thị, quán ăn...) là dùng credit. Thẻ Debit bình thường sẽ dùng để rút tiền mặt tại ATM, còn Visa debit là khi đi du lịch nước ngoài mang theo rút tiền trong trường hợp khẩn cấp.
Bài viết mang tính chất tổng kết từ kinh nghiệm cá nhân nên chắc còn nhiều thiếu sót, ai có thêm ý kiến gì thấy chưa đúng cứ nêu ra để sửa nhé.