Cụ thể thì AI trên TV của Samsung sẽ làm được gì?

ND Minh Đức
23/4/2024 3:0Phản hồi: 48
Cụ thể thì AI trên TV của Samsung sẽ làm được gì?
Từ ứng dụng, dịch vụ trực tuyến, phần mềm offline, cho tới phần cứng máy tính, điện thoại hay mới nhất là TV, các hãng công nghệ đều tìm cách ứng dụng sức mạnh của AI để nâng cấp sản phẩm của họ. Tại sự kiện mới đây, Samsung đã giới thiệu loạt TV mới và tất nhiên, trong đó công ty cũng nói rõ cách tiếp cận AI của họ để hoàn thiện khả năng trình chiếu nội dung trên một thiết bị tưởng chừng như "không còn gì để nâng cấp" này.

Nếu như khoảng 5 năm trước, các hãng TV chạy đua nâng độ phân giải với đích đến là 8K, 3 năm trở lại đây bắt đầu có sự xuất hiện của các tính năng gaming với tốc độ làm tươi cao cùng loạt các công nghệ hỗ trợ game như VRR, G Sync,... thì năm nay, cuộc đua đó là AI. Và tùy vào mỗi hãng, cách sử dụng AI của họ cũng khác nhau. Qua sự kiện, chúng ta thấy Samsung đã dùng AI để hoàn thiện một kỹ thuật không quá mới và nếu không quá AQ, đây có thể sẽ là cách để họ tiếp tục giữ vai trò là hãng TV lớn nhất thế giới từ 18 năm qua.

Vậy AI trên TV Samsung được dùng để làm gì?

Cho đến tận cùng, khi xem TV, mưu cầu căn bản của người dùng là "rõ" và "mượt". Khi sự xuất hiện của các TV độ phân giải 4K hay 8K thì nhu cầu đó càng mạnh mẽ hơn nữa. Đơn giản vì có một thực tế, số lượng các nội dung 4K hay 8K vẫn còn chưa thực sự phổ biến hoàn toàn. Trong khi đó, nguồn xem nội dung của người dùng trên các TV thông minh chủ yếu vẫn là qua các ứng dụng Netflix, Youtube, VieOn, VTVCab,... vốn số lượng các nội dung 4K hiện ở mức "vừa đủ" còn 8K thì rất hiếm.

Bởi thế, bài toán mà bất cứ nhà sản xuất TV nào cũng phải đối mặt chính là câu hỏi của chính người dùng "rồi nội dung 8K đâu mà coi". Và những giải pháp các năm qua mà các hãng theo đuổi chính là upscale hình ảnh và tăng frame hình. Upscale để hình ảnh "rõ" hơn, chi tiết hơn. Tăng frame hình để chuyển động mượt hơn.


Upscale hình ảnh độ phân giải thấp bằng AI


2 cách tiếp cận trên trước đây đã có và bản chất nó vẫn chính là thuật toán. Trước đây, cách làm phổ biến biến nhất chính là sử dụng thuật toán phân tích các pixel trên frame hình trong source gốc > so sánh các vùng có sự chênh lệch màu sắc, tương phản > tìm ra đường viền > dùng thuật toán nội suy để tăng độ phân giải, rồi cũng nội suy để tạo ra thêm các frame hình. Chỗ này khi dùng AI vào, thì nó sẽ giải quyết vấn đề theo một cách tiếp cận hoàn toàn khác, đúng như tên gọi của nó là "tạo sinh" - Generate". Và đây cũng là cách Samsung sử dụng AI cho các TV mới.

Samsung QLED 8K-5.jpg

Trong sự kiện, Samsung nói rằng họ đã train một model AI tạo sinh với lượng lớn dữ liệu hình ảnh, cho nó học các pattern phức tạp, các texture chất liệu bề mặt, chi tiết,... của rất nhiều những nội dung khác nhau, từ cảnh thiên nhiên đại cảnh, tới bầu trời, thành phố, mặt người, đồ vật trong nhà,... Dựa trên những kiến thức đã học, khi upscale hình ảnh, model AI sẽ dự đoán và tạo ra các chi tiết hợp lý nhất của vật thể ở độ phân giải cao hơn source gốc. Thí dụ như khi người dùng đang coi hình ảnh độ phân giải thấp của cây cỏ, bức tường gạch của tòa nhà,.... thì các chi tiết này sẽ không được thể hiện. Lúc này AI nó sẽ nhận diện đâu là cỏ, tường gạch,... sau đó nó biết rõ hình dáng của các chi tiết này, tái tạo thêm ở độ phân giải cao.

Về bản chất, cách làm này cũng giống chư ChatGPT tạo ra câu trả lời dạng text dựa trên prompt mà người dùng đưa vào. Prompt sẽ cung cấp cho AI của ChatGPT một "ngữ cảnh", lúc này nó mới đi tìm coi trong ngữ cảnh này sẽ có những từ gì, câu gì, rồi ghép ghép lại coi cái nào đúng nhất để trả về câu trả lời có vẻ rất tự nhiên và hợp lý. Tuơng tự như vậy đối với model upscale bằng AI của Samsung, "ngữ cảnh" ở đây chính là các hình ảnh độ phân giải thấp trong source gốc, AI sẽ dùng cái này, coi lại kiến thức nó đã học, và tạo ra hình ảnh độ phân giải cao của hình ảnh ban đầu. Đây chính là bản chất của công nghệ mà Samsung gọi là Quantum Super Resolution (tên nghe ghê ha anh, lượng tử này nọ).

Để chạy cái model AI đó, chúng ta cần phần cứng. Và Samsung dùng con chip NQ8 AI Gen 3 (thực ra nó là nguyên cái máy tính trong đó luôn rồi) với vai trò nòng cốt để xử lý các tác vụ AI là NPU. Anh em nào quan tâm có thể đọc thêm ở bài NPU là gì, khác, CPU hay GPU chỗ nào, và nó được dùng để làm gì? để hiểu rõ hơn nha.

Samsung QLED 8K-3.jpg
Samsung QLED 8K-4.jpg
2 bức ảnh trên, anh em để ý dòng chữ trên tòa nhà, một bên là 480p còn bên còn lại là sau khi AI nó đẩy lên 8K,

Quảng cáo


Tới đây, có khi anh em sẽ nhận thấy một chính là source gốc ban đầu độ phân giải thấp và source độ phân giải cao mà AI tạo ra có khác nhau không. Câu trả lời là chắc chắn sẽ khác! Nó không chỉ khác về độ phân giải mà đôi khi, khác cả một số chi tiết trong đó bởi AI nó tạo ra chứ nhiều chỗ rất nhỏ không có thật. Theo cá nhân mình, ở đây chúng ta sẽ nhìn nhận vấn đề theo hướng là cuối cùng chúng ta muốn dùng hình ảnh do AI tạo ra để làm gì. Đối với các nhu cầu đòi hỏi sự chính xác cao của hình ảnh, thí dụ như phân tích khoa học, hình ảnh chụp siêu âm cho bác sĩ chẩn đoán bệnh, hình ảnh để cơ quan điều tra phá án,... thì độ chính xác của nó phải 100% không có nhưng.

Tuy nhiên, đối với nội dung giải trí như phim ảnh, phim truyền hình và cả video game,... Samsung cho rằng mục tiêu chính của AI là tăng cường sự đắm chìm và niềm vui của người xem. Bởi thế những chi tiết do AI tạo ra sẽ giúp nội dung trở nên sống động hơn, hấp dẫn hơn. Đồng thời họ khẳng định rằng cách làm này vẫn không làm mất đi ý đồ nghệ thuật hoặc cốt truyện mà bản thân nguồn video đó hàm chứa. Đối với mình, một cảnh phim lướt qua rất nhanh, ngồi ở khoảng cách 2 mét, mình chỉ có thể theo dõi cốt truyện, coi cảm xúc nhân vật, rồi nghe âm thanh,... còn đi soi chi tiết từng frame hình coi nó thế nào thì mình không có nhu cầu lẫn thời gian làm cái đó. Còn anh em thấy sao?

Mặt khác, “mức độ nâng cấp” cũng sẽ được tùy chỉnh trong cài đặt của TV. Điều này đồng nghĩa rằng, trong tình huống muốn xem các nội dung đặc biệt nào đó mà khung hình được đạo diễn cố tình làm ra một cách có chủ đích dù độ phân giải gốc đã rất cao, chúng ta vẫn có thể không sử dụng tính năng AI upscale nữa để đảm bảo ý đồ của đạo diễn không bị AI bỏ qua.

Tạo thêm frame hình để tăng FPS bằng AI


Samsung QLED 8K-8.jpg

Trong sự kiện, Samsung đã có một demo thú vị. Họ để một chiếc TV 8K QLED QN900D so với 1 TV khác của một hãng được che kín lại. Sau đó họ cho thấy AI trên TV Samsung sẽ phát hiện ra các đối tượng di chuyển như quả bóng trong game hoặc một dòng chữ chạy ngang trong một chương trình tin tức, sau đó tạo ra thêm khung hình mới xen giữa các khung hình cũ để mượt hơn, giảm mờ do thiếu khung hình.

Chỗ này mình được cho coi thêm tại demo mới đây các cảnh (hình trên), anh em để ý thấy dòng chữ bên dưới, bên trái nó sẽ bị Motion Blur, nhưng bên phải thì AI nó nhận diện và bù khung hình vào nên trên nhìn chữ nó chạy sẽ mượt hơn rất nhiều. Theo Samsung, thuật toán AI này có thể xác định các bộ môn thể thao cụ thể như đá bóng, bóng chày, golf, tennis,... để đạt hiệu quả tối ưu trong việc bổ sung khung hình nhằm tạo chuyển động chính xác tương ứng với từng bộ môn.

Quảng cáo



Cái này để mình tìm cách thử thực tế rồi mình báo cáo với anh em xem sao nha.

Một số vai trò khác của AI


Samsung QLED 8K-7.jpg

Trên mẫu TV mới, Samsung cũng nói rằng họ sử dụng 512 mạng nơ ron thần kinh trong hệ thống AI mới của con chip NQ8 AI Gen 3 (so với thế hệ trước là 64) để liên tục phân tích nội dung đang được chiếu trên TV theo thời gian thực, từ đó liên tục điều chỉnh các setting trong TV nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng mà không ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng hình ảnh. Tại triển lãm, Samsung còn so sánh giữa mẫu QN900D với mẫu QN900C năm ngoái, cả 2 đều mở chế độ hình ảnh tiêu chuẩn mặc định, kích hoạt chế độ eco. Kết quả là mặc dù độ sáng và màu sắc có vẻ giống nhau khi demo, nhưng mẫu 900D tiêu thụ ít điện hơn so với thế hệ trước đây trong cùng một quãng thời gian.

Đối với chức năng chơi game của TV, Samsung đã giới thiệu tính năng gọi là AI Auto Game Mode với khả năng tự động chuyển đổi cài đặt trò chơi trên TV để phù hợp với thể loại trò chơi, tối ưu hóa hình ảnh mà không cần can thiệp thủ công. Bản chất của công nghệ này, Samsung dùng AI để "đọc" được tên của game ở dạng text, từ đó xác định trò chơi đó thuộc thể loại gì, nhập vai hành động hay thể thao, bắn súng góc nhìn thứ nhất,... Sau đó, AI sẽ tự động chọn cài đặt phù hợp trong trò chơi.

Thí dụ như nếu nó xác định bạn đang bắn Call of Duty, nó biết được "à đây là game FPS", sau đó sẽ tự động chỉnh các thiết lập như tăng chi tiết vùng shadow để nhìn rõ hơn trong khu vực tối. Kiểu vậy. Cơ bản thì trước đây, trên các màn hình máy tính gaming hay cả TV các năm gần đây, chúng ta có thể tùy chọn thủ công các cài đặt này. Tuy nhiên ở mẫu TV mới, Samsung dùng AI để tự động làm cái đó luôn, chúng ta khỏi chỉnh nữa.

Độ thông minh của AI sẽ được nâng cấp theo thời gian?


Samsung QLED 8K-1.jpg

Cơ bản thì trên đây là những vai trò cụ thể của AI trên chiếc TV 2024 mà Samsung mới ra mắt. Rõ ràng là có sự thông minh của AI, trải nghiệm xem lẫn sử dụng, điều khiển của người dùng sẽ được hoàn thiện hơn, đúng nghĩa là cứ ngả lưng ra sofa bấm một phát là thưởng thức, khỏi chỉnh gì nhiều. Tất nhiên nhiều anh em vẫn sẽ có sở thích tinh chỉnh nhiều cho đúng ý, tuy nhiên đối với đại đa số người dùng thì mình ủng hộ việc nhà sản xuất làm cố làm sẵn mọi thứ hơn, người dùng chỉ việc bấm coi, tập trung vào nội dung đang được chiếu. Thí dụ như mình mua TV cho phụ huynh lớn tuổi chẳng hạn.

Tại sự kiện vừa diễn ra, mình có hỏi một số thắc mắc xoay quanh câu chuyện “độ thông minh” của AI trên chiếc TV này, đặc biệt là cách model AI nó chạy trên các mạng nơ ron thần kinh. Samsung họ cho biết họ đã train nó với tập dữ liệu rất lớn để có thể nhận diện được các vật thể đang xuất hiện trong khung hình, từ đó dùng AI gen ra đúng các hình đó ở độ phân giải cao hơn. Và quan trọng hơn hết, Samsung có nói rằng "kiến thức" của model AI mà họ tích hợp trong đó sẽ được cập nhật thường xuyên. Cái này khá thú vị. Về cơ bản, toàn bộ các xử lý của AI sẽ chạy ngay trên phần cứng của máy. Về độ thông minh sẽ phụ thuộc vào tập dữ liệu. Samsung nói rằng họ vẫn tiếp tục huấn luyện và sẽ nâng cấp độ thông minh của AI thông qua các bản cập nhật phần mềm trong tương lai.

Nếu nó làm được vế sau này thì sớm thôi, nó sẽ ngày càng hoàn thiện và thông minh hơn, như cách mà các đơn vị phát triển mô hình ngôn ngữ lớn như OpenAI, Google hay StabilityAI vẫn đang làm để nâng cấp và cập nhật model của họ từng phút từng giây.
48 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Chúa làm màu, cứ cố nhét chữ AI vào để marketing chứ ứng dụng không được bao nhiêu, điện thoại rồi giờ đến TV
@iPhan Chính Hãng Con AI sẽ canh me khi vừa hết BH 1 ngày thì sẽ tự hư chứ còn làm gì nữa 😂
@iPhan Chính Hãng hình như tấm nền oled mua của LG thì phải?
@╰‿╯ Tính năng này hay, camera tích hợp AI sẽ phân tích hành vi của gia chủ, hình ảnh nhà cửa để đánh giá tài chính qua đó sẽ quyết định khi nào nên tèo để gia chủ đổi TV, đấy mới là AI
@iPhan Chính Hãng chả thế, chả đc cái mẹ gì nhu cầu chả dùng tới
ntqdbibibi
ĐẠI BÀNG
3 tháng
@iPhan Chính Hãng Do bạn thần thánh cái chữ AI chứ bản thân nó cũng đâu phải công nghệ cao siêu, thần thánh gì lắm
Bật lên mà thấy CAHN đang đá với Manchester United là biết AI nha
Có ai đã test thực tế mấy chức năng ai này chưa nhỉ. Như cái upscale chẳng hạn.
Chứ giờ TV 4k nào cũng có chức năng upscale mà không biết hiệu quả tới đâu. Vì tín hiệu TV HD giờ đa số vẫn 1080i hoặc 1080p thôi.
@Erik Vu Mấy cái bạn nói tôi đều có. Nhưng nội dung cũng chỉ FHD là chủ yếu. Đâu có mấy nội dung 4k đâu.
@tethien Toàn Full HD upscale đa số hết bạn ơi, 4K gốc đâu ra mà có nhiều thế để xem.
trexjunk
ĐẠI BÀNG
3 tháng
@Tweener Lob @TweenerLob Cái này đúng này, bản thân mình cũng thích xem truyền hình qua Set-Top-Box hoặc cable. Còn xem film và clip thì OTT như netflix, youtube,... Mỗi cái có ưu việt riêng của nó.
@trexjunk Ai mà thích xem LIVE các môn như football, tennis thì đều thích xem qua cable và set top box vì nó nhanh, ổn định hơn hẳn xem qua account online.
alphi
TÍCH CỰC
3 tháng
Tìm kiếm giọng nói như 1 phế vật mà bày đặt AI
ThànhYx
ĐẠI BÀNG
3 tháng
Cái upscale Video nhìn ngon nhỉ, xài của Nvidia thấy kém hơn nhiều so với ảnh chụp ở trên.
vn587990
TÍCH CỰC
3 tháng
Muốn xem hình ảnh đẹp thì né tivi Samsung ra. Trước đây vẫn nghĩ màn oled là auto đẹp do sài Tivi oled LG. Nhưng từ khi lụm con tab oled S9 của Sam về thì quá thất vọng về màu sắc. Màu bệt và không có chiều sâu.
Ai đọc phiên âm tiếng Việt thì bản chất nó là của ai á. Kg phải của mình
cvn
TÍCH CỰC
3 tháng
“Nói cho cùng…” thay vì “Cho đến tận cùng…”
IMG-9262.jpeg
Đồ gia dụng Samsung lởm nhất trong các thằng
sony 55x80L có AI không?
mấy đĩa vcd hồi trước upscale lên 4k được ko?
Có tivi nào có cảm ứng như máy tính bảng ko nhỉ!?
Sao các hãng không thiết kế AI tạo phụ đề nhỉ?
Rất nhiều người bị điếc nặng và có nhu cầu xem TV nhưng gần như không thể hiểu được những chương trình không có phụ đề. Hi vọng tương lai gần sẽ có những AI trên TV có khả năng này.
mua QLED samsung dùng 5 năm được ko ạ
@Lê Ngọc Toàn Cứ LG mà táng.
Có ai thấy Công nghệ AI đã giúp nâng cao chất lượng hình ảnh ti vi thật rõ rệt ko?
Tự động điều chỉnh độ phân giải video dựa trên tốc độ mạng là một cải tiến xuất sắc của AI. Không còn lo giật, lag khi xem TV nữa. Ngon!
Thật tuyệt vời khi thấy AI giúp cải thiện không chỉ chất lượng hình ảnh mà còn cả trải nghiệm xem tổng thể. Tôi nóng lòng muốn xem những gì công nghệ này có thể làm được trong tương lai
AI trên TV không chỉ thông minh mà còn rất thân thiện với người dùng, đặc biệt là với những người lớn tuổi ở nhà. Họ có thể dễ dàng tìm kiếm và điều khiển nội dung yêu thích
Công nghệ AI giúp nâng cao chất lượng hình ảnh thật ấn tượng. Các bạn đã thấy sự khác biệt rõ rệt chưa?

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019