Khi động cơ đốt trong hút khí tự nhiên không thể tiết kiệm hơn nữa thì những lựa chọn mà các hãng xe nghĩ đến sẽ lần lượt là động cơ tăng áp và hệ thống động cơ xăng lai điện. Những giải pháp mới không chỉ mang lại mức tiêu thụ nhiên liệu tốt hơn, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, mà hơn thế nữa nó cũng giúp các hãng xe đáp ứng được những yêu cầu ngày một nghiêm ngặt hơn về mặt khí thải. Nhưng liệu động cơ xăng lai điện có tiết kiệm đáng kể hơn động cơ xăng tăng áp? Và loại nào đáng để đầu tư hơn? Cuộc chiến giữa 2 chiếc xe Mitsubishi Outlander PHEV xăng lai điện cắm sạc và Mercedes-Benz C250 AMG xăng tăng áp đến một trong những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam sẽ hé lộ cho các bạn nhiều thứ.
Mình sẽ làm rõ với các bạn từ đầu rằng đây không phải là một bài so sánh 2 chiếc xe Outlander PHEV và C250 AMG vì cơ bản là 2 chiếc này gần như không có điểm chung nào. Một chiếc đến từ Nhật, một chiếc từ Đức; một chiếc SUV phổ thông, một chiếc sedan cao cấp. Có chăng thì nó cũng có vài điểm chung để chúng ta lấy đó làm cơ sở so sánh về mức tiêu hao nhiên liệu: đều là xe 5 chỗ và mỗi chiếc đều có 1 động cơ xăng 2,0 lít. Mọi sự so sánh ở đây đều chỉ là tương đối. Trong phạm vi bài nhật ký test xăng này mình cũng sẽ chia sẻ nhiều hơn về những trải nghiệm 800 km sau tay lái chiếc Outlander PHEV. Bài đánh giá Mercedes-Benz C250 thì mod @levuongthinh sẽ chia sẻ sau.
Đầu tiên, chúng ta sẽ điểm qua thông số của cả 2 chiếc xe. Outlander PHEV được trang bị 2 động cơ điện, một đặt ở cầu trước, một đặt ở cầu sau, làm nhiệm vụ dẫn động 4 bánh. Hai động cơ điện có tổng công suất 160 mã lực và tổng mô men xoắn 332 Nm. Bộ pin dung lượng 12 kWh có khả năng giúp chiếc xe đi được quãng đường lên đến 60 km giờ ở chế độ chạy điện hoàn toàn.
Ngoài hệ thống động cơ điện, Outlander PHEV còn có thêm 1 động cơ xăng 2,0 lít, 4 xy lanh thẳng hàng, công nghệ MIVEC, cho công suất tối đa 121 mã lực ở vòng tua 4.500 vòng/phút và mô men xoắn cực đại 190 Nm ở vòng tua 4.500 vòng/phút. Động cơ đốt trong duy nhất này có nhiệm vụ dẫn động cầu trước ở tốc độ cao và làm máy phát điện sạc điện cho bộ pin. Trọng lượng của Outlander PHEV là 1810 kg.
Mức tiêu hao nhiên liệu trung bình của Outlander PHEV Mitsubishi công bố là 1,9 lít/100 km trong điều kiện phòng thí nghiệm lý tưởng và kiểu chạy kết hợp 52 km ở chế độ chạy điện hoàn toàn và 25 km ở chế độ song song xăng và điện. Con số thực tế Mitsubishi ước lượng là khoảng 5,3 lít/100 km.
Mercedes-Benz C250 AMG được trang bị động cơ xăng tăng áp, 4 xy lanh thẳng hàng, dung tích 2,0 lít, cho công suất tối đa 208 mã lực ở 5.500 vòng/phút và mô men xoắn cực đại 350 Nm ở dải tua 1.500-4.000 vòng/phút. Sức mạnh trên đường truyền thông qua hộp số tự động 7 cấp đến cầu sau. C250 AMG cũng được tích hợp tính năng tái sử dụng năng lượng phanh. Chiếc sedan cao cấp có trọng lượng 1480 kg và mức tiêu hao nhiên liệu trung bình 5,3-5,6 lít/100 km.
Cung đường thử nghiệm lần này dài khoảng 380 km từ TP.HCM đến Vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận. Điều kiện thử nghiệm là chiếc Outlander PHEV chở 4 người, còn C250 AMG chở 3 người cùng hành lý. Cả 2 chiếc xe đều di chuyển với tốc độ thoải mái nhất có thể và bật máy lạnh trong suốt quá trình di chuyển.
Đúng 9 giờ tối cả nhóm khởi hành đi Vịnh Vĩnh Hy. Sau khi đi hết cao tốc Long Thành - Dầu Giây thì cả nhóm dừng ở 1 trạm xăng địa phận tỉnh Đồng Nai đổ đầy bình xăng 2 xe và reset lại đồng hồ trip về 0. Khi đến nơi thì sẽ đổ đầy bình lần nữa và dựa vào lượng xăng tiêu thụ của từng chiếc cũng như quãng đường đi được trên đồng hồ trip để tính ra kết quả cuối cùng.
Quảng cáo
Lúc dừng ở trạm xăng thì bộ pin Outlander PHEV đã sạc đầy được 90%. Khi xuất phát ở trạm xăng thì mình cố tình để cho chiếc xe Outlander PHEV chỉ chạy ở chế độ điện hoàn toàn (EV only) xem đi được bao xa mới hết được lượng pin. Kết quả là mình đi được quãng đường khoảng 45 km thì lúc này pin mới hết và động cơ xăng 2,0 lít trên xe mới bắt đầu hoạt động ở chế động xăng nối tiếp điện (Series Hybrid).
Mặc dù chọn thời gian di chuyển là gần nửa đêm nhưng Quốc Lộ 1 lại rất đông xe nên tốc độ di chuyển trung bình chỉ vào khoảng 37 km/h và số lần thắng cũng khá nhiều. Nếu điều kiện đường lý tưởng hơn và lượng pin sạc đầy 100% thì mình nghĩ con số 60 km ở chế độ chạy điện hoàn toàn là có thể đạt được trên Outlander PHEV.
Điều ấn tượng nhất Outlander PHEV có lẽ là trải nghiệm yên tĩnh mà nó đem lại. Khi khởi động chiếc xe, chỉ có dòng chữ "Ready" màu vàng hiện lên trên bảng đồng hồ báo cho chúng ta biết là động cơ điện đã được kích hoạt và chỉ cần vào số là chạy. Không hề có sự hiện diện của tiếng động cơ hay ít ra một dấu hiệu rung động từ thân xe nào có mặt bên trong khoang xe như những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong. Cũng chính vì động cơ điện hoạt động quá êm như vậy mà Mitsubishi phải trang bị riêng cho Outlander PHEV một bộ phát tiếng động cơ giả đặt ở khoang động cơ nhằm gây chú ý cho người xung quanh và bảo đảm an toàn.
Khi Outlander PHEV bắt đầu di chuyển ở chế độ chạy điện hoàn toàn, những gì người trong khoang xe có thể nghe được là tiếng lốp loạt xoạt từ mặt đường vọng lên. Nhưng thật ra tiếng ồn này cũng không đáng kể đến mức làm phiền bất cứ ai bởi vì khả năng cách âm của chiếc xe xăng lai điện này về cơ bản là khá tốt. Có thể nói trải nghiệm yên tĩnh trên Outlander PHEV không thua gì những chiếc sedan cao cấp như Mercedes-Benz S hay BMW 7-Series.
Quảng cáo
Chỉ khi tốc độ lên trên 60 km/h thì lúc này động cơ điện hoạt động ở vòng tua cao mới bắt đầu phát ra âm thanh "ré ré", thì thầm nhưng cũng rất đặc trưng của những chiếc xe chạy điện. Âm thanh này làm cá nhân mình liên tưởng đến một phương tiện giao thông tương lai bắt gặp đâu đó những bộ phim khoa học giả tưởng. Chính xác thì cảm giác điều khiển một chiếc xe điện như Outlander PHEV có một vẻ gì rất hiện đại.
Bộ pin dung lượng 12 kWh có thể sạc đầy với mạng điện dân dụng trong khoảng 5 giờ
Outlander PHEV có tất cả 3 chế độ chạy: điện hoàn toàn (EV only), điện nối tiếp xăng (Series Hybrid), và điện song song với xăng (Parallel Hybrid). Ở chế độ chạy điện hoàn toàn thì Outlander PHEV có thể chạy được quãng đường lên đến 60 km và đạt tốc độ tối đa 120 km/h. Khi bộ pin gần hết thì chiếc xe sẽ tự động chuyển qua chế độ thứ 2 là điện nối tiếp xăng. Lúc này động cơ xăng sẽ được khởi động nhưng chỉ để chạy máy phát điện sạc điện lại cho bộ pin 12 kWh và gần như không tham gia vào việc dẫn động chiếc xe. Cho đến khi đạp chân ga đủ sâu, khi xe lên dốc cần lực kéo hay tốc độ vượt qua mức 120 km/h thì chiếc xe mới chuyển qua chế độ thứ 3 là điện song song xăng và động cơ xăng mới chính thức tham gia ở vai trò dẫn động cầu trước. Với 2 hệ thống động cơ xăng điện hoạt động cùng lúc thì chiếc xe có thể đạt tốc độ tối đa 170 km/h và đi được quãng đường lên đến 820 km.
Điều đặc biệt là chúng ta gần như không thể nào tự chọn chế độ hoạt động của Outlander PHEV mà chiếc xe sẽ tự quyết định. Ví dụ như khi tăng tốc từ lúc đứng yên thì mặc định là xe sẽ chỉ chạy ở chế độ điện hoàn toàn, chúng ta không có cách nào để kích hoạt động cơ xăng dẫn động cùng lúc với động cơ điện. Điều này vô tình làm chiếc xe bị hạn chế về khả năng tăng tốc. Nếu cả 2 hệ thống động cơ xăng và điện dẫn động cùng lúc ngay từ khi bắt đầu tăng tốc thì mình tin là Outlander PHEV sẽ tăng tốc từ 0-100 km/h nhanh hơn con số 11 giây mà Mitsubishi công bố.
Những gì chúng ta có thể can thiệp vào chế độ chạy của chiếc xe xăng lai điện cắm sạc này nằm ở 2 nút bấm nằm bên dưới cần chuyển số điện. Nút "CHRG" (Charge) sẽ ra lệnh cho chiếc xe kích hoạt động cơ điện chạy máy phát sạc nhồi vào bộ pin (chế độ điện nối tiếp xăng) cho dù dung lượng pin lúc này vẫn còn nhiều. Nút "SAVE" thì ngược lại nếu như xe đang chạy ở chế độ điện nối tiếp xăng thì khi nhấn nút này chúng ta sẽ ngắt động cơ xăng đi để xe chỉ chạy ở chế độ điện hoàn toàn với điều kiện là lượng pin còn đủ để duy trì hoạt động cho 2 động cơ điện.
Sự thật là khi động cơ xăng hoạt động cầm chừng đủ để sạc điện cho bộ pin thì chúng ta cũng khó mà nghe thấy tiếng máy khi ngồi trong khoang xe. Chỉ khi thốc ga hay xe chạy ở vòng tua cao thì khi đó âm thanh từ động cơ xăng 2,0 lít mới vọng vào trong xe đủ nhiều để cảm nhận được. Bên cạnh ưu điểm êm ái, những xe không sử dụng hộp số như Outlander PHEV hay xe sử dụng hộp số biến thiên vô cấp CVT cũng có nhược điểm đó là ở tốc độ cao thì vòng tua của động cơ sẽ lớn hơn loại hộp số nhiều cấp nhiều và vì thế tiếng ồn từ động cơ cũng sẽ lớn hơn. Outlander PHEV cũng không phải ngoại lệ, khi di chuyển trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây ở tốc độ 120 km/h thì tiếng ồn động cơ vọng vào khá rõ rệt. Nếu di chuyển ở tốc độ cao hơn nữa thì mình nghĩ tiếng động cơ sẽ càng lớn hơn và có thể gây ảnh hưởng đến cảm giác thoải mái cho người ngồi bên trong xe.
Chắc hẳn sẽ nhiều bạn thắc mắc rằng liệu một chiếc xe điện thì cảm giác lái có nhanh, bốc hay thú vị như những chiếc xe chạy xăng hay dầu truyền thống hay không? Câu trả lời của mình là những chiếc xe điện thật sự rất bốc ở ga đầu và đáp ứng theo yêu cầu chân ga rất tốt. Vì sao? Đặc trưng của động cơ điện là chỉ cần bạn đạp chân ga lút sàn là giá trị mô men xoắn sẽ đạt cực đại ngay tức thì chứ không như những động cơ đốt trong truyền thống phải mất một quãng thời gian thì giá trị mô men mới đạt cực đại ở một ngưỡng tua máy nhất định.
Khi cần vượt xe phía trước, chỉ cần nhấn chân ga là chiếc Outlander PHEV sẽ cho chúng ta trải nghiệm cảm giác dính ghế ngay, không một chút nao núng. Không như chiếc C250 AMG sử dụng động cơ xăng tăng áp thì từ lúc đạp chân ga đến lúc cảm thấy dính ghế phải mất ít nhất là gần 1 giây do độ trễ của bộ phận tăng áp. Thuật toán của xe cũng tự động kích hoạt động cơ xăng hỗ trợ cho hệ thống động cơ điện mỗi khi người lái đạp ga lút sàn. Công bằng mà nói thì chân ga của Outlander PHEV rất dễ kiểm soát và dù 2 động cơ điện 160 mã lực phải gánh thân xe trọng lượng 1,8 tấn, cùng 4 người và hành lý nhưng trong suốt quá trình thử nghiệm chưa 1 lần chiếc xe tỏ ra bị "đuối máy".
Cảm giác điều khiển Outlander PHEV cũng không có gì quá nổi bật. Vô lăng điện cho cảm giác đầm vừa phải khi thao tác nhưng lại khá mờ nhạt vì không cung cấp nhiều phản hồi từ mặt đường. Độ nghiêng thân xe khi vào cua vẫn hiện diện nhưng được kiểm soát ở mức tốt đối với 1 chiếc SUV và tốt hơn nhiều so với người anh em Pajero Sport. Khi vào cua ở tốc độ cao khoảng 80-90 km/h thì Outlander PHEV hơi thiêng về xu hướng thiếu lái (understeer), chứ không bám sát theo ý muốn của người lái như đối thủ trong bài này là chiếc C250 AMG. Dẫu biết so sánh cảm giác lái giữa 1 chiếc xe Nhật và 1 chiếc xe Đức là khập khiễng, nhưng mình không thể phủ nhận một điều là cảm giác lái của chiếc C250 AMG thế hệ mới quá tuyệt vời.
Trải qua 8-9 tiếng lái xe xuyên màn đêm để đến được Vĩnh Hy, điều mà mình chưa hài lòng trên chiếc xăng lai điện cắm sạc này nằm ở hệ thống đầu giải trí thông tin chưa thật sự tương đồng với giá trị chiếc xe. Thật khó để chấp nhận được khi chiếc xe có giá ước tính 1,8 tỉ đồng lại không có kết nối bluetooth với điện thoại để nghe nhạc không dây và âm thanh "bíp bíp" phát ra mỗi khi thao tác với màn hình cảm ứng cho cảm giác giống một món đồ chơi. Mặc dù dàn lạnh trên xe Mitsubishi nổi tiếng là tốt và làm lạnh sâu, nhưng việc không trang bị cho hàng ghế sau cửa gió làm mát khiến hàng ghế này chịu thiệt thòi vì hơi lạnh không thể đáp ứng nhanh trong những buổi trưa nắng nóng.
Nhưng bù lại hệ thống treo cho cảm giác mềm và khá thoải mái của Outlander PHEV giúp cho mọi người có được một chuyến đi chất lượng và ít mệt mỏi. Bên cạnh đó, lái xe 1 mình cả đêm và trong người đang bị cảm nhưng đến nơi tinh thần mình vẫn rất sảng khoái và bệnh cũng có phần giảm bớt là nhờ cơ thể mình được giữ ấm trong bộ ghế da có tích hợp tính năng sưởi cho người ngồi phía trước.
Đến địa phận thành phố Phan Rang đã là 6 giờ sáng, lúc này cả đoàn dừng chân bên 1 vườn nho chụp hình check-in
Tiếp theo là khám phá Hang Rái, một địa điểm chụp hình nằm gần Vịnh Vĩnh Hy với khung cảnh rất ngoạn mục. Chỗ này sở hữu 3 tầng cảnh sắc đan xen nhau rất thú vị. Bên trên là trầm tích san hô hóa đá, ở giữa là bãi rêu xanh rì nước trong vắt tới đáy, cuối cùng là phần đại dương xanh. Rất lý tưởng cho các bạn chụp hình cưới với chủ đề "thề non hẹn biển", hay "em sẽ nói anh nghe về đại dương xanh".
Chụp hình chán chê xong thì cả bọn kéo nhau kiếm chỗ ngả lưng và tranh thủ rửa xe để lên phim cho đẹp. Thấy nhiều bạn lên diễn đàn cứ hay thần thánh mod. Là mod thì ko đc sai, mọi điều phải biết tuốt. Mình cho rằng đó là tư tưởng rất điên khùng, kiểu như hồi lớp 1 nghĩ cô giáo là không bao giờ đi tè vậy. (Cô mà đi là hỏng hết thần tượng). Mod cũng là người thường, không thể tránh khỏi thiếu sót. Như trong hình dưới thì mod cũng phải xắn tay rửa xe như ai thôi :p
Nghỉ ngơi xong thì cả bọn kéo nhau ra cầu cảng Vịnh Vĩnh Hy săn ảnh. Mình đã từng đi qua địa phận Ninh Thuận nhiều lần cũng như ghé chơi thành phố biển Phan Rang nhưng không thật sự ấn tượng với vùng đất nắng gió này lắm. Đây là lần đầu tiên mình đến Vịnh Vĩnh Hy, một địa điểm du lịch cách thành phố Phan Rang khoảng 30 km, thuộc tỉnh Ninh Thuận, thì thật sự bị cuốn hút bởi cảnh đẹp còn khá tự nhiên, có phần hoang sơ nơi đây.
Một góc Vịnh Vĩnh Hy êm đềm nhìn từ trạm dừng chân trên đường đèo Núi Chúa. Phong cảnh nơi đây là một sự tương phản mạnh giữa một bên là sự yên bình của vùng vịnh và một bên là nét đẹp hùng vĩ của Núi Chúa. Sự lựa chọn nghỉ lại nơi đây cũng khá giới hạn, ngoài khu nghỉ dưỡng cao cấp Amanơi có giá lên đến 100 triệu đồng/đêm (giá khởi điểm thì 17 triệu đồng/đêm) thì còn có một khu resort giá rất phải chăng và tương phản cũng khá mạnh với Amanơi 😁 Lựa chọn ăn chơi ở đây cũng không nhiều. Ngoài thuê tàu đáy kính ra ngắm bãi san hô thì mình cũng không thấy còn món nào khác.
Mục đích chính là làm việc ngoài trời (Working Outdoor) mà dừng lại ăn chơi thì mang tiếng quá nên cả bọn kéo nhau chinh phục cung đường đèo ven biển tuyệt đẹp từ Vịnh Vĩnh Hy ra đến Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Dĩ nhiên là kết hợp quay clip test xe.
Không hổ danh một trong những cung đường ven biển đẹp và đáng đi nhất Việt Nam. Cảm giác ôm cua trên chiếc Outlander PHEV với hệ thống dẫn động 4 bánh rất chắc tay và tự tin, một phần nhờ độ bám đường khá tốt. Thoát ra mỗi góc cua là một khung cảnh khác nối tiếp nhau hiện ra, hết núi non trùng điệp lại đến cảnh biển mênh mông. Nhưng một lần nữa thú thật nếu cho mình chọn thì mình vẫn thích lái C250 AMG để khám phá cung đường tuyệt đẹp này. Vì dường như cái Outlander PHEV nói riêng và những chiếc xe điện nói chung bị thiếu đó là một chút cảm xúc trong từng tiếng pô kích thích, tiếng tua máy dồn dập mà việc này thì C250 AMG hay những chiếc xe động cơ đốt trong làm rất tốt.
Theo mình điều tuyệt vời nhất của những chuyến đi du lịch đường bộ (road trip) đó là dám khám phá những cung đường mới và ít người biết đến. Qua khỏi đoạn đường đèo là đến khúc đường cận kề những bãi biển còn hoang sơ và đẹp như tranh. Máu mạo hiểm nổi lên và cả nhóm quyết định tách đường chính, rẽ vào đường mòn để đi về hướng biển.
Mục đích chính là để thử tính năng khóa vi sai bốn bánh Twin Motor 4WD Lock. Ngoài 2 động cơ điện dẫn động 4 bánh liên tục, thì việc Mitsubishi tích hợp cho Outlander PHEV tính năng khóa vi sai trung tâm cho 4 bánh xe đồng nghĩa với việc chiếc xe xăng lai điện cắm sạc này hoàn toàn có khả năng offroad nhẹ. Nếu khoảng sáng gầm của Outlander PHEV cao hơn và có thêm tính năng lựa chọn cầu nhanh/chậm thì mình tin rằng chiếc xe này cũng offroad ngon lành một 9, một 10 với đàn anh Pajero.
Cung đường cát trắng mịn và khá xốp có thể gây khó khăn cho chiếc C250 AMG dẫn động cầu sau nhưng với Outlander PHEV thì không bao giờ. Bật chế độ khóa vi sai trung tâm 4 bánh, Outlander PHEV di chuyển trên cung đường cát một cách nhẹ nhàng với 4 bánh xe luôn được đảm bảo phân bổ lực đều nhau. Đây có thể sẽ biến thành trò "chơi ngu" nếu chẳng may chiếc xe bị mắc kẹt trong cát thì việc cứu hộ sẽ không dễ dàng chút nào. Nhưng rất may là chuyện đó đã không xảy ra và kết quả cuối cùng thì cũng rất đáng tưởng thưởng.
Sau một ngày khám phá cung đường ven biển tuyệt đẹp và quay clip đánh giá thì cả bọn quay về Phan Rang và kiếm một trạm xăng đổ đầy bình xăng cả 2 chiếc và dựa trên quảng đường đi được trên đồng hồ trip để tính ra mức tiêu hao nhiên liệu cuối cùng. Trong gần 1 ngày di chuyển khoảng 410 km, thì Outlander PHEV và C250 AMG lần lượt tiêu thụ hết 30 lít và 34,7 lít xăng. Kết quả cuối cùng thì Outlander PHEV tiêu thụ trung bình 7,2 lít/100 km, còn C250 AMG tiêu thụ trung bình 8,5 lít/100 km. Mức tiêu thụ này có thể là khá cao đối với cả 2 xe vì trong cả quá trình test 2 xe đều mất thời gian nổ máy chờ và chạy rà ở tốc độ thấp nhiều để chụp hình, quay phim.
Hệ thống động cơ điện trên Outlander PHEV chiếm 41% quá trình truyền động trong suốt thời gian di chuyển
Kết quả cuối cùng thì phần thắng đã thuộc về Mitsubishi Outlander PHEV chiếc xe xăng lai điện. Tuy nhiên, chiến thắng này vẫn chưa thật sự thuyết phục vì mức tiêu hao nhiên liệu của Outlander PHEV chỉ tốt hơn khoảng 15% so với chiếc C250 AMG sử dụng động cơ xăng tăng áp.
Nếu làm 1 bài toán chiếc C250 AMG trong 5 năm di chuyển 100.000 km với mức tiêu hao nhiên liệu trung bình là 9 lít/100 km và giá xăng lấy 20.000 đồng/lít thì tổng tiền xăng sẽ rơi vào khoảng 180 triệu đồng. Trong trường hợp Outlander PHEV tiêu hao ít hơn C250 AMG 15% thì số tiền xăng chúng ta tiết kiệm được trong 5 năm đó chỉ là 27 triệu đồng.
Trong khi giá của Outlander PHEV xăng lai điện cắm sạc cao hơn bản Outlander chạy xăng tại thị trường khác là 30%, ở VN thì mức chênh lệch này có thể quy đổi ra khoảng 500-600 triệu đồng. Đồng nghĩa với việc là chúng ta phải bỏ ra đến 500-600 triệu để đầu tư cho công nghệ xăng lai điện hiện đại. Cho dù lượng xăng tiết kiệm được trong 5 năm trên Outlander PHEV có thể gấp 2 hay gấp 3 con số 27 triệu đồng ở trên nếu chúng ta sử dụng nhiều ở chế độ chạy điện hoàn toàn, thì rõ ràng là ở thời điểm hiện tại những gì chúng ta bỏ ra cho công nghệ mới so với những gì chúng ta nhận được là vẫn chưa thật sự xứng đáng.
Hình ảnh Mitsubishi Outlander PHEV
Hình ảnh nhật ký test xăng