Apple mới đây đã bị Đại học Wisconsin kiện với lời cáo buộc rằng con chip Apple A7 dùng trong iPhone 5s, iPad Air và iPad mini đời mới đã vi phạm bằng sáng chế số 5,781,752 của họ nói về một hệ thống xử lí thông tin. Bằng sáng chế này đã được đăng kí từ năm 1998. Wisconsin Alumni Research Foundation (WARF), bên đại diện cho Đại học Wisconsin, nói rằng Apple không chỉ lợi dụng bản quyền của họ để có được hiệu suất và hiệu năng cao hơn cho chip A7 mà còn làm việc này một cách cố tình. "WARF được thông báo và tin rằng, dựa trên những cáo buộc cơ bản này, rằng hành động của bị đơn đã và sẽ tiếp tục mang tính chất cố tình, có chủ đích rõ ràng".
Tổ chức này yêu cầu tòa án thi hành lệnh cấm bán đối với tất cả những sản phẩm sử dụng chip A7, đồng thời buộc Apple phải trả tiền đền bù cho họ. Và với cáo buộc "cố tình, có chủ đích", WARF có thể yêu cầu mức đền bù tăng gấp 3 lần theo luật của Mỹ.
WARF là một tổ chức độc lập chuyên hành động vì lợi ích của các trường đại học liên quan đến bản quyền. Không như những công ty "troll" chuyên mua bán bản quyền và đi kiện để kiếm lời, WARF dành công sức để đi cấp quyền sử dụng bằng sáng chế cho các công ty dựa trên những phát minh của các trường. Hồi năm 2012, với quy mô lớn của bộ sưu tập bằng sáng chế mà WARF nắm giữ, tờ Business Insider đã liệt kê WARF vào danh sách "những tổ chức troll bản quyền đáng sợ nhất".
Liệu Apple có thật sự vi phạm bản quyền '752 hay không, và nếu có thì phải đền bù bao nhiêu thì vẫn còn phải chờ tòa xử lí. Cũng có khả năng Apple sẽ đứng ra dàn xếp vụ kiện trước khi hai bên phải đưa ra nhau ra phòng xử án. Năm 2013, Apple là một trong những công ty công nghệ bị kiện bởi Đại học Boston vì một công nghệ dùng trong màn hình của iPhone và iPad. Đến gần đây, trường nói rằng họ đã đạt được thỏa thuận với 25 trong tổng số khoảng 36 công ty có liên quan, và Apple được cho là một trong số 25 công ty đó.