ĐẰNG SAU MỘT CHỈ ĐỊNH.

21/7/2022 5:26Phản hồi: 1
Đi trao giải chứng nhận của Hội Đột Quỵ Thế Giới, nên thường xuyên nghe lại các tiêu chí đánh giá như thế nào được xem là đơn vị Đột Quỵ chuẩn. Bỗng thắc mắc, những tiêu chí này thật ra đều là các khuyến cáo trong điều trị đột quỵ ở mức chứng cứ cao nhất (Class I), ví dụ như: điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ dạng stent, kháng kết tập tiểu cầu, kháng đông và statin sau đột quỵ… Tuy vậy, vẫn còn một khuyến cáo khác class I đã không được đưa vào trong tiêu chí đánh giá: chỉ định mở sọ giải áp.
Chợt nhớ đến một bệnh nhân (BN) nam, trẻ (34 tuổi) chỉ cách nay vài tuần. Nhập viện trong giờ thứ 5 trong tình trạng khá nặng (NIHSS 18) vì tắc động mạch não giữa bên P. Bệnh nhân được lấy huyết khối và đạt tái thông hoàn toàn khoảng 2 giờ sau nhập viện, dù vậy, lâm sàng vẫn không có tiến triển tốt. Sau 24 giờ, chụp lại CT scan cho thấy nhồi máu não diện rộng chuyển dạng xuất huyết, hay còn gọi là nhồi máu não ác tính. Theo y văn, tỷ lệ tử vong trong những trường hợp này trên 70% với điều trị thường quy đơn thuần (chống phù não…). Nguyên nhân tử vong chủ yếu là do hiện tượng phù nề nghiêm trọng gây thoát vị não. Với phẫu thuật mở sọ giải áp, tỷ lệ tử vong giảm một cách ngoạn mục (# 50%), nghĩa là, cứ 2 trường hợp được mở sọ giải áp, chúng ta đã CỨU SỐNG một mạng người ! Cho tới nay, hiếm có một điều trị nào có thể mang lại lợi ích lớn như vậy. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ phẫu thuật mở sọ giải áp tại các bệnh viện luôn ở mức thấp. Tại sao lại như vậy?
Một trong những nguyên nhân đến từ việc tranh cãi: CỨU SỐNG rồi, nhưng SỐNG như thế nào ??? Theo y văn, tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật vào khoảng 35% (so với 70% ở nhóm điều trị bảo tồn). Trong số 35% tổng số BN thoát được tử vong, hầu hết lại rơi vào tình trạng tàn phế vừa, nặng hoặc rất nặng (sống trên giường suốt đời). Hậu quả là, chắc chắn việc có thêm 35% BN sống sót (thay vì tử vong) này sẽ gây ra một gánh nặng rất lớn cho gia đình, xã hội và chính bản thân họ. Do vậy, dù ở mức chứng cứ cao, việc quyết định phẩu thuật hay không, chúng tôi thường dành quyền quyết định cho gia đình bệnh nhân.
Quay trở lại trường hợp BN trẻ, sau khi được giải thích chỉ định phẫu thuật, người mẹ và vợ của BN đều đồng ý cho BN thêm cơ hội sống, và chấp nhận khả năng tàn phế. Chợt nhìn lại cô vợ trẻ, một chút đắn đo, có lẻ cô sẽ không hình dung được cuộc sống của chính mình sẽ có sự khác biệt rất lớn sau quyết định này. Cô gái còn rất trẻ, sẽ có thể bắt đầu một cuộc sống mới, một gia đình mới thay vì phải chăm sóc một người tàn phế với nhiều gánh nặng khác. Bản thân nếu rơi vào tình trạng của BN, chắc chắn tôi sẽ chọn giải pháp đơn giản cho mình, thay vì cố sống để làm khổ mình và mọi người xung quanh.
Có lẻ tôi sẽ mang sẵn trên xe một ống tiêm và một lọ rtPA nhằm chắc chắn “Door to Needle time” chỉ trong 5-10 phút, sống “đàng hoàng” hoặc “sanh nghề tử nghiệp”. Đó sẽ là sự lựa chọn của tôi nếu không may mắn thoát khỏi đột quỵ./.
1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

cảm ơn bạn đã chia sẻ bài viết

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019