Acer Nitro 5 là một chiếc laptop giải trí thuộc phân khúc tầm trung với giá từ 20 triệu, sở hữu cấu hình khá tốt với màn hình 15,6" IPS, tùy chọn Intel Core i5 hoặc i7 4 nhân thế hệ Kaby Lake và trang bị vi xử lý đồ họa rời Nvidia GeForce GTX 1050 đủ mạnh để chúng ta có thể chơi được nhiều tựa game. Phiên bản mình sẽ cùng anh em mổ xẻ trong bài này là Nitro 5 A515-51 chạy Core i5-7300HQ và GTX 1050 2 GB.
Thiết kế khá hầm hố, vỏ nhựa, chắc chắn:
Dòng Nitro của Acer hồi xưa được thiết kế như laptop văn phòng nhưng đằng sau vẻ bề ngoài lịch sự đó là một cấu hình rất tốt để chúng ta có thể giải trí cao cấp. Sự xuất hiện của Nitro 5 và gần đây hơn là Nitro 5 Spin là một sự thay đổi về thiết kế. Nitro 5 mang chất game nhiều hơn với hệ thống tản nhiệt sau gồm nhiều lá điều hướng khá ngầu, kèm theo đó là ốp bản lề đỏ và nhiều chi tiết màu đỏ khác làm điểm nhấn.
Thiết kế khá hầm hố, vỏ nhựa, chắc chắn:
Tuy nhiên nắp máy chỉ đơn giản là một tấm nhựa giả nhôm phay xước màu đen và logo Acer cũng màu đen bóng, chìm trong lớp vỏ này. Kiểu hoàn thiện vỏ của Nitro 5 khá tốt, có 2 đường dập nổi, chắc chắn và khi nhấn xuống thì ít lõm. Mình và nhiều người bạn khi cầm chiếc máy này đều bị đánh lừa vì tưởng rằng lớp vỏ này bằng nhôm. Là vỏ nhựa nên anh em lưu ý bảo quản bởi nó dễ trầy.
Cá nhân mình cảm thấy không bị thu hút bởi vỏ ngoài của Nitro 5 như những chiếc laptop chơi game khác của Acer, chẳng hạn như Aspire VX5 rất hầm hố. Lúc này mình nghĩ đến một đối thủ rất ngang tầm với Acer Nitro 5 là Lenovo Legion Y520 - một chiếc máy chơi game nhưng sở hữu thiết kế trung tính. Kiểu thiết kế này bạn có thể thích hoặc không, anh em có thể chọn Nitro 5 nếu không muốn người khác để ý đến chiếc máy mình dùng.
Nitro 5 là một chiếc máy 15,6" với độ dày 27 mm và phần đáy máy như thường lệ là chất liệu nhựa cứng, sần sùi. Trọng lượng khoảng 2,7 kg nên anh em sẽ cần đến một cái balo cỡ trung để mang theo. Đáy máy có thiết kế tiện nâng cấp với 2 nắp che ổ cứng và RAM, mở ra chúng ta có 2 khe RAM hỗ trợ tối đa 32 GB và ổ cứng 2,5".
Máy cũng có khe M.2 2280 nhưng để gắn thêm ổ SSD M.2 thì chúng ta phải mở toàn bộ nắp máy. Cũng cần lưu ý là máy chỉ hỗ trợ ổ M.2 SATA.
Số lượng cổng kết nối trên Nitro 5 khá phong phú với 1 cổng USB 3.0 (USB-A), 1 cổng USB 3.1 Gen1 (USB-C), 2 cổng USB 2.0 (USB-A), LAN (RJ-45), HDMI và khe đọc thẻ SD. Nhìn xung quanh các cổng này chúng ta có thể thấy kiểu hoàn thiện đặc trưng của những chiếc laptop giá rẻ với phần vỏ đáy máy ôm lên các vỏ, chia cắt rõ ràng với mặt phẳng nội thất. Do đó, phần nhựa phân tách các cổng không liền lạc, lồi ra lõm vào rất xấu.
Ngoài ra một lần nữa Acer trang bị cho máy 2 cổng USB 2.0 - chuẩn kết nối này đã rất cũ rồi và chỉ phù hợp sử dụng với bàn phím và chuột hay các thiết bị ngoại vi không truyền tải dữ liệu. Điểm đáng khen là máy vẫn có cổng USB-C và cá nhân mình hiện tại cũng đã sử dụng nhiều loại thiết bị dùng cổng này. Cổng nguồn đặt tại cạnh phải với 2 đèn LED báo trạng thái.Nội thất đơn giản, bàn phím gõ ngon, bàn rê mượt nhưng phím chuột dễ lún:
Bản lề cho góc mở màn hình tối đa 140 độ, góc mở này đủ rộng để chúng ta có thể sử dụng máy trong nhiều tư thế. Đi kèm với màn hình IPS và lớp phủ matte chống chói thì góc mở này rất hợp lý. Bạn có thể để máy trên đùi, sử dụng ngoài trời mà trải nghiệm hình ảnh không bị ảnh hưởng nhiều. Bao quanh bàn phím và bàn rê là một tấm nhựa giả nhôm phay xước màu đen tương tự như nắp máy. Bề mặt được xử lý tốt, bám mồ hôi nhưng cũng dễ lau chùi.
Quảng cáo
Bàn phím là thứ mình thích nhất trên Nitro 5 bởi nó có thiết kế tốt và trải nghiệm gõ tốt. Layout phím full-size theo tiêu chuẩn của Acer, cụm phím điều hướng to nhưng phím sang phải được đặt lấn sang cụm phím số. Các chức năng rất nhỏ được đưa hết lên hàng phím đầu, Acer cũng tích hợp các chức năng playback trên các phím Home, Page Up/Down và End. Phím nguồn cũng được đưa vào bàn phím, may mắn là nó nằm cạnh phím End nên chúng ta sẽ ít khi bấm nhầm.
Phần phím chính vẫn giữ kích thước tiêu chuẩn 15 x 15 mm, cụm phím số dĩ nhiên bị bóp lại với kích thước 12 x 15 mm nhưng vẫn đủ lớn để chúng ta thao tác chính xác. Cụm phím WASD có viền keycap được sơn đỏ để tạo điểm nhấn cũng như giúp chúng ta định vị nhanh khi chơi game.
Các phím có hành trình tốt 1,6 mm, xương phím chắc chắn và vòm cao su bên dưới có độ nẩy cao, từ đó mang lại trải nghiệm gõ phím rất thích tay. Cảm giác gõ chính xác, tự tin nhờ vỉ phím được áp rất sát vào một tấm kim loại gia cố bên trong khug máy nền tình trạng flex hầu như không có. Ngoài ra mình có thể làm quen nhanh và gõ nhanh trên bàn phím này nhờ key pitch (khoảng cách giữa tâm của 2 phím cạnh nhau) 19 mm tiêu chuẩn, các ngón tay có thể duỗi thẳng, hành trình hợp lý. Vì vậy, việc chơi game lâu trên bàn phím của Nitro 5 dễ chịu hơn.
Bàn rê của Nitro 5 có kích thước khá lớn, 105 x 75 mm, viền đỏ bao quanh và là bàn rê đa điểm. Bề mặt bàn rê được xử lý mịn nhưng độ rít vẫn có và bám mồ hôi. Bàn rê hỗ trợ Microsoft Precision Touchpad driver nên các thao tác đa điểm mượt mà với độ trễ input thấp. Điểm mình không thích trên chiếc bàn rê này là 2 phím chuột mềm, tích hợp dưới bàn rê và khi nhấn thì lún khá nhiều, dễ chênh một bên qua thời gian sử dụng.Màn hình IPS phù hợp để giải trí, âm thanh đủ nghe:
Độ sáng 100% sử dụng ngoài trời.
Quảng cáo
Độ chính xác màu của màn hình dĩ nhiên không cao với chỉ số Delta-E trung bình là 2.06, riêng màu xanh sai nặng nhất với chỉ số 7.39, tiếp theo là màu đỏ với 6.38, màu xanh lục 3.99 và màu vàng 3.68. Độ đồng nhất về màu sắc của màn hình giữa các vùng cũng khá tốt với tỉ lệ sai lệch tối đa Delta-E 3.6 tại góc dưới bên phải. Nếu chỉnh xuống độ sáng 50% thì tỉ lệ này giảm đi đáng kể. Như vậy, chúng ta không thể dùng màn hình của Nitro 5 để chỉnh sửa hình ảnh hay đồ họa, in ấn nhưng nó đủ tốt để giải trí với phim ảnh hay game.
Độ sáng 0%.
Bảng trên cho thấy sự biến thiên về độ sáng giữa các vùng trên màn hình ở mức sáng 100% và 50%, vùng màn hình gần cạnh dưới bị giảm đi từ 10 đến 15% độ sáng, trong khi các vùng khác đỡ hơn. Tỉ lệ gamma của màn hình cũng khá gần với tỉ lệ lý tưởng với 2.21, lý tưởng là 2.20.
Về âm thanh, Nitro 5 được trang bị 2 loa với độ lớn âm thanh tối đa khoảng 75 dB. 2 loa đặt tại đáy máy và nằm gần 2 bên thành ra để âm thanh được to rõ nhất thì chúng ta phải đặt máy trên mặt phẳng bàn để âm thanh cộng hưởng. Chất lượng âm thanh không có gì đặc biệt, mid đủ rõ để nghe lời thoại khi xem phim hay gọi voice, treble khá chói khi mở tối đa âm lượng, bass thì hầu như không có.Hiệu năng khá tốt nhưng GTX 1050 2 GB hạn chế thiết lập cấu hình game:
Phiên bản Nitro 5 mình đánh giá có cấu hình thấp nhất với:
- CPU: Intel Core i5-7300HQ (Kaby Lake) 4 nhân 4 luồng, 2,5 - 3,5 GHz (Turbo Boost), 6 MB Cache, TDP 45 W;
- GPU: Nvidia GeForce GTX 1050 2 GB GDDR5;
- RAM: Kingston 8 GB DDR4-2400 single;
- HDD: WD Blue 1 TB 5400 rpm;
- Kết nối: Bluetooth 4.0, Qualcomm Atheros QCA61x4A, Realtek RTL8186/8111 Gigabit-LAN;
- Pin: 48 Wh;
- OS: FreeDOS, thử nghiệm với Windows 10 Pro.
Nói qua GPU Nvidia GeForce GTX 1050 thì đây là con GPU tầm trung dùng kiến trúc Pascal với chip GP107 gồm 640 nhân CUDA, xung nhịp cơ bản 1354 MHz và tối đa 1493 MHz. Trên Nitro 5, GTX 1050 chỉ có 2 GB bộ nhớ GDDR5 do đó sẽ khá hạn chế về thiết lập đồ họa đối với các tựa game AAA.
3DMark cho ta thấy hiệu năng đồ họa của GTX 1050 2 GB GDDR5 trên Nitro 5, điểm số không chênh lệch quá nhiều đối với các bài test thiên về đồ họa nặng như Fire Strike (ở phân giải FHD), thậm chí với bài test Sky Diver và Time Spy, Nitro 5 có điểm số còn cao hơn cả GL553VD. Vấn đề nằm ở chỗ hệ thống tản nhiệt của Nitro 5 hoạt động rất tốt khi giữ cho GPU ở mức từ 60 đến 71 độ C còn CPU ở mức từ 63 đến 74 độ C (tùy tải) khi thực hiện các bài test này, từ đó xung nhịp CPU, GPU có thể duy trì xung nhịp cao và ổn định trong thời gian dài, hiện tượng throttle không xảy ra.
Xét về hiệu năng tổng thể của Nitro 5 với PCMark và Cinebench, hiệu năng của Nitro 5 khá tốt với Core i5, điểm PCMark 8 chỉ thua đôi chút so với 2 mẫu máy còn lại nhưng nếu so về điểm Cinebench R15 thì Core i5-7300HQ bị Core i7-7700HQ bỏ xa, đặc biệt là ở nội dung đa luồng bởi Core i5-7300HQ chỉ có 4 luồng. Thêm vào đó, Core i5-7300HQ với công nghệ Speed Shift có cơ chế Turbo Boost với xung 3,1 GHz 4 nhân, 3,2 GHz 2 nhân và 3,5 GHz đơn nhân, thành ra với Cinebench R15, Core i5-7300HQ chỉ chạy ở tốc độ 3,1 GHz.
Tốc độ ổ cứng WD Blue cũng ảnh hưởng nhiều đến hiệu năng hệ thống khi đọc tuần tự chỉ 100 MB/s và ghi tuần tự 112 MB/s. Tốc độ truy xuất ngẫu nhiên tập tin cỡ nhỏ rất thấp nên hiện tượng full disk có thể xảy ra với các tác vụ nặng cần truy xuất nhiều dữ liệu đồng thời. Thế nên anh em có mua Nitro 5 thì nên đâu tư thêm ổ M.2 SSD hay chính xác ra Acer phải trang bị thêm cho người dùng ở mức giá này!
Mình thử nghiệm 4 game gồm Doom, GTA V, The Witcher 3 và Assassin's Creed Syndicate, tất cả các game đều chơi ở độ phân giải FHD. Có thể thấy với 2 GB bộ nhớ GDDR5 thì nhiều thiết lập đồ họa buộc phải cắt xuống để giữ khung hình cao.
- Assassin's Creed Syndicate: Graphics Preset: Low, Ambient Occlusion: OFF, AA: FXAA > trung bình 56 fps;
- DOOM: Overall Quality: Low, AA: TSSAA (8TX), Open GL 4.5 > trung bình 57 fps;
- GTA V: Texture Quality: Normal, Shader: High, Shadow/Reflection/Water/Particles/Grass: Very High, AA: MSAA 8X, AF: X16, Ambient Occlusion: High, Tessellation: High > trung bình 98 fps;
- The Witcher 3: Graphics Preset: Low, Postprocessing preset: Low > trung bình 58 fps.
Nitro 5 được trang bị hệ thống tản nhiệt gồm 2 quạt, heatsink với nhiều lá nhôm dày đặt và 2 ống đồng đi cắt giữa GPU và CPU. Như vậy GPU sẽ phải chịu thêm một phần nhiệt từ CPU trước khi đi đến hệ thống làm mát bằng 2 quạt. Thiết kế tản nhiệt đi chung đường pipeline từng xuất hiện trên nhiều dòng máy chơi game tầm trung như ASUS GL553VD hay HP Omen 15, Lenovo Legion Y520. Trên Nitro 5, hệ thống này hoạt động rất tốt, Core i5-7300HQ khi chơi game chạy 4 nhân 3,1 GHz nên nhiệt độ của CPU không quá 75 độ C sau nhiều giờ chơi game, GPU trong khi đó vẫn rất mát mẻ với mốc nhiệt độ tối đa 65 độ C.
Thử nghiệm stress test với AIDA64, anh em có thể thấy các nhân của Core i5-7300HQ chạy ở xung 3,095 GHz và có khi lên 3,3 GHz. Thực ra xung 3,5 GHz có thể đạt được nhưng ít thấy, mình để ý CPU chỉ chạy ở xung này khi khởi động các tác vụ nặng kiểu như Lightroom, đa số đều chạy từ xung 2,7 đến 3,2 GHz. Khi 4 nhân chạy ở 3,1 GHz, CPU ăn khoảng 32 W.Do toàn bộ hệ thống tản nhiệt đều được đặt về sau nên nội thất máy rất mát. Điểm nóng nhất đo được nằm tại vùng ngay dưới bản lề bên trái và phải nơi có heatsink, khoảng 38 độ C khi chơi game, phần còn lại đều rất mát với từ 31 đến 33 độ C.
Về pin, cục pin 48 Wh cho phép Nitro 5 trụ được khoảng 3 giờ khi mình test bằng PCMark 8 Home mô tả các tác vụ làm việc thông thường như lướt web, soạn thảo văn bản, gọi hội thoại video, chơi game nhẹ, chỉnh sửa ảnh với độ sáng 75%.
Nếu xem YouTube với độ phân giải FHD, 75% độ sáng màn hình và 100% âm lượng thì bạn có thể xem được liên tục trong 3 giờ 30 phút. Trong số 3 chiếc máy cùng phân khúc thì thời lượng pin của Nitro 5 xếp thứ 2, nhìn chung mức pin này đủ dùng với một chiếc máy có cấu hình chơi game.Tổng kết:
Nitro 5 là một chiếc laptop chơi game mới, thiết kế khá hầm hố, vỏ nhựa nhưng hoàn thiện rất chắc chắn. Màn hình IPS dù độ bao phủ màu không rộng nhưng màu sắc và độ tương phản đủ để trải nghiệm với game và phim ảnh. Trải nghiệm nhập liệu tốt, vận hành mát mẻ và hiệu năng khá. Thế nhưng Nitro 5 - ít ra là phiên bản mình đánh giá vẫn còn nhiều điểm khiến mình chưa hài lòng. Chẳng hạn như việc vỏ nhựa - ở mức giá 20 triệu thì mình nghĩ ít ra Acer phải làm nắp máy bằng nhôm để tăng tính cao cấp cho sản phẩm. Ngoài ra, GTX 1050 2 GB hạn chế trải nghiệm game khá nhiều bởi nhiều tựa game khi thiết lập lên cấu hình trung bình là bắt đầu báo không đủ VRAM và dĩ nhiên chúng ta không thể chơi mượt được. Ở nước ngoài Nitro 5 được trang bị GTX 1050 4 GB với giá khoảng $700, về Việt Nam dĩ nhiên có thuế này nọ nhưng ít ra nó vẫn hợp lý hơn là GTX 1050 2 GB.Điểm mình thích:
- Thiết kế trung tính nhưng vẫn khá hầm hố, hoàn thiện chắc chắn;
- Màn hình IPS với độ tương phản tốt, đủ để giải trí;
- Bàn phím gõ rất thích, bàn rê mượt mà;
- Thiết kế dễ nâng cấp RAM, HDD mà không cần mở bung máy;
- Tản nhiệt tốt;
- Đầy đủ các cổng kết nối, có USB-C.
Điểm mình không thích và gợi ý:
- Vỏ nhựa, nên ít nhất có vỏ ngoài nhôm hoặc nội thất nhôm;
- GTX 1050 chỉ có 2 GB GDDR5, Acer nên trang bị 4 GB để mang lại trải nghiệm game tốt hơn;
- Vẫn 2 cổng USB 2.0, cần lắm toàn bộ các cổng đều 3.0;
- Không có Windows bản quyền, chuyện ngàn năm nói mãi cũng vậy.