Linksys RE6500 là một trong những sản phẩm mở rộng phạm vi phát sóng WiFi mạnh mẽ nhất trong thị trường dân dụng. Nó được tích hợp hầu như đầy đủ các tính năng mới nhất như WiFi AC, 2 ăng ten phát sóng định hướng và đặc biệt là một cổng 3.5mm để biến các bộ loa thông thường của chúng ta thành loa không dây. Thực tế cho thấy với cái giá không hề rẻ, vào khoảng gần 100$ ở thị trường Mỹ thì RE6500 cũng làm rất tốt nhiệm vụ của nó: thiết lập dễ hơn nhiều so với thời còn ở Cisco, phạm vi phát sóng tốt và băng thông khá. Tuy nhiên, RE6500 không phải là không có điểm yếu, nhất là khi nó được bán ở Việt Nam thì không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra hơn 2 triệu động để mua một bộ mở rộng WiFi cả.
Thiết kế:
Linksys RE6500 được thiết kế theo dạng tiêu chuẩn, thiết kế xe đua/đĩa bay ngày nào đã được làm phẳng hơn, đơn giản, ít phong cách nhưng khó lỗi mốt hơn. Điểm làm bạn dễ nhận ra đây là một thiết bị Linksys nhất chính là phần đằng sau chứa các cổng Ethernet, nút WPS hay các ăng-ten rất đặc trưng. So với các router cao cấp của Linksys hỗ trợ AC thì RE6500 nhỏ gọn hơn hẳn, nó lớn bằng khoảng 1.3 lần kích cỡ của một máy iPhone 6 Plus và nhỏ hơn khá nhiều so với router của ZyXEL các nhà mạng Việt Nam hay xài. Có lẽ vì phải làm nhỏ gọn như vậy mà chỉ đạt băng thông 867Mbps ở băng tần 5GHz và 300Mbps băng tần 2.4GHz, tất nhiên là về lý thuyết 😁 Tuy nhiên, bạn đừng lo lắng quá vì băng thông này là quá đủ cho chúng ta stream video rồi, và nó cũng thuộc loại cao nhất trong số các thiết bị mở rộng khác trên thị trường.
So với thời Cisco thì khi Belkin mua lại, họ đã cải tiến khá nhiều việc thiết lập trên các thiết bị mở rộng phạm vi phát sóng WiFi. Ngày xưa mình xài bộ RE1000 phải cài phần mềm Wireless Extender Setup nhưng bây giờ không cần nữa, chúng ta chỉ kết nối vào mạng của RE6500, nhập mật khẩu cho mạng cần mở rộng và nó sẽ tự làm tất cả những thứ còn lại trong vòng chưa đầy 3 phút, thật tuyệt vời. Tuy nhiên bạn cần lưu ý là nếu đặt tên mạng theo tiếng Việt có dấu thì RE6500 vẫn sẽ bị lỗi hiển thị như trong hình dưới đây.
Lỗi với mạng đặt tên tiếng Việt có dấu Đèn hiện như vậy là đã xong:D
Là một thiết bị mở rộng phạm vị phát sóng WiFi, tất nhiên khả năng phát sóng là điểm quan trọng nhất của RE6500. Thật may là nó thực thi khá tốt. Thử nghiệm so sánh trực tiếp với một vài thiết bị khá mạnh trên thị trường thì RE6500 tỏ rõ sức mạnh của mình. Đặt bên cạnh Apple AirPort Extreme AC, RE6500 hơn về băng tần 2.4Ghz nhưng lại hơi thua kém một chút ở băng tần 5GHz, không quá ngạc nhiên vì bản chất nó luôn tối ưu phát sóng xa nhất có thể và băng tần 5GHz có ưu về băng thông chứ không phải là sóng. Mình không có nhiều thời gian để thực hiện các phép đo chi tiết nhưng khi thử stream một bộ phim FullHD trên mạng (đã được tối ưu hóa bitrate) thông qua RE6500 ở khoảng cách 5m có tường chắn, RE6500 kết nối với Router chính thì mình vẫn có thể coi phim được bình thường.
Do đóng vai trò mở rộng, tức nó sẽ hiển thị chung một tên mạng SSID với router chính nên nếu điện thoại, máy tính của bạn sẽ chỉ có thể hiểu được một mạng duy nhất mà thôi, và chúng sẽ tự chọn mạng nào đang có băng thông lớn hơn để kết nối trong lần đầu tiên. Tuy nhiên, đến đây lại xuất hiện một vấn đề nữa là giả sử khi bạn đang ở khu vực giao thoa giữa mạng chính và mạng phụ, khi này mạng chính mạnh hơn máy sẽ kết nối vào mạng chính. Sau khi chúng ta đi xa khỏi router chính, hầu hết các điện thoại, máy tính vẫn duy trì kết nối với router chính cho đến khi quá yếu hoặc không bắt được nữa thì thôi mà không tự động chuyển sang mạng phụ có băng thông cao hơn, buộc chúng ta phải chuyển mạng bằng tay. Đây là một nhược điểm cần sự hợp tác của rất nhiều hãng để xử lý. Trên thị trường có một số thiết bị sẽ tự động thực hiện điều này, tức nhảy mạng liên tục nhưng không phải lúc nào chúng cũng thành công.
Dưới đây mình có chụp một số hình ảnh thử nghiệm đặt router chính là AirPort Extreme AC cạnh RE6500, bên dưới là modem kiêm router WiFi của ZyXEL các nhà mạng hay xài. Khi đi xa 20m có tường chắn thì lúc này sức mạnh của 2 ăng ten rời định hướng trên RE6500 thể hiện tốt nhất.
Máy tính sát router, mình chỉ setup 1 mạng 2.4GHz, các bạn có thể thêm 5Ghz song song nhưng cá nhân mình nghĩ đó không phải là một hành động hay:D 3m, có một bức tường mỏng 20m, qua 2 lớp tường cũng 20m, qua 2 lớp tường nhưng vị trí khác
Audio:
Một trong những điểm nhấn của RE6500 là việc nó hỗ trợ cổng 3.5mm để phát nhạc ra các bộ loa thông thường. Bạn nào từng xài AirPort Express có lẽ biết tính năng này, thế nhưng không phải với thiết bị hay hệ điều hành nào nó cũng hoạt động. Thử nghiệm cho thấy nếu bạn sử dụng các phần mềm do Belkin khuyến cáo thì việc thiếp lập là rất nhanh và đơn giản, chúng ta không phải lo lắng nhiều nhưng với các phần mềm không hỗ trợ thì bạn không thể làm gì hơn để khắc phục, vấn đề ở đây là không có một chuẩn chung nào được đưa ra cho những việc này.
Quảng cáo
Các phần mềm hỗ trợ audio qua jack tai nghe 3.5mm trên RE6500:
- Windows: Windows Media Player12.
- Mac: SofaPlay.
- Android: MediaHouse, UPnPlay, Skifta, ArkMC,
- BubbleUPnP, Pixel Media, và 2Player 2.0.
- iOS: ArkMC, Smartstor Fusion, Mconnect, và DK UPnP/DLNA