Mình đã có dịp chia sẻ cùng các bạn về trạm phát điện di động BlitzWolf BW-PG2. Các bạn có thể xem lại ở đây.
https://tinhte.vn/thread/thao-roi-tram-phat-dien-di-dong-82000mah-blitzwolf-bw-pg2.3555154/
Hôm nay mình xin chia sẻ cùng các bạn cách mình hoàn thành trạm điện di động với chi phí thấp. Clip mình thực hiện để các bạn tiện theo dõi.
Mình tận dụng những thứ bỏ đi và linh kiện dễ kiếm, dễ thay thế trong tương lai để tiết kiệm chi phí.
1- Đế giữ pin
https://tinhte.vn/thread/thao-roi-tram-phat-dien-di-dong-82000mah-blitzwolf-bw-pg2.3555154/
Hôm nay mình xin chia sẻ cùng các bạn cách mình hoàn thành trạm điện di động với chi phí thấp. Clip mình thực hiện để các bạn tiện theo dõi.
Mình tận dụng những thứ bỏ đi và linh kiện dễ kiếm, dễ thay thế trong tương lai để tiết kiệm chi phí.
1- Đế giữ pin
- Mình có 14 đế giữ pin 18650 loại 4 pin 1 đế. Chúng ta có thể gắn 56 pin hoặc 224 pin khi hàn 4 pin vào nhau như thế này (1 đế sẽ gắn đc 16 pin)
- Đế giữ pin các bạn có thể hàn như thế này
- Chúng ta sẽ hàn 2 đế vào nhau để có thể gắn 8 pin song song. Tạo thành 1 khối pin có 8 viên.
- Tiếp theo chúng ta sẽ hàn các khối pin với nhau để tiết kiệm diện tích và gọn gàng hơn.
- Chúng ta sẽ có tổng cộng 7 khối pin ghép nối tiếp và mỗi khối có 8 pin (tối đa 16).
2- BMS
- Mình sử dụng BMS 7S của Daly đây là thương hiệu khá ổn với chi phí hợp lý.
- BMS có tác dụng bảo vệ pin tránh sạc, xả quá mức, bảo vệ quá dòng, bảo vệ ngắn mạch và cân bằng điện áp giữa các khối pin.
- Mình chọn BMS có dòng xả 40A. Với dòng xả 40A chúng ta có công suất cực đại 1000W (điện áp pin 25.2V x 40A = 1000W). BMS với dòng xả 40A phù hợp để sử dụng liên tục ở 500W.
- Hơn nữa BMS này có dòng sạc 20A rất ổn với 56 viên pin. Nếu dòng sạc nhỏ quá thời gian sạc sẽ lâu hơn.
- Chúng ta tính thử nhé. Với dòng sạc 20A chia cho 7 khối pin, mỗi khối sẽ có dòng sạc 2.85A. Lấy 2.85A chia cho 8, mỗi pin sẽ có dòng sạc 0.35A nó đủ nhanh và an toàn cho pin laptop cũ.
- Khi lựa chọn BMS của Daly các bạn cũng cần lưu ý: họ có 2 loại cho pin li-ion và LiFepo4. Hãy chọn loại dành cho pin li-ion.
- Ngoài ra BMS của Daly có loại cổng chung và cổng riêng. Mình thích loại cổng chung bởi chúng ta sẽ sạc và xả cùng 1 cổng cho nó gọn.
- Cách đấu dây cho BMS cũng khá đơn giản các bạn có thể tham khảo sơ đồ sau.
- Có 1 lưu ý rất quan trọng các bạn cần lưu ý khi kết nối BMS với pin:
- Hàn jack cần bằng vào pin theo sơ đồ
- Đo điện áp trên jack cân bằng. Từ dây màu đen điện áp lần lượt là 4v, 8v, 12v…tới 24v. Khi các bạn đã chắc chắn hàn đúng dây vào pin lúc này hãy cắm jack cân bằng vào BMS.
3- Biến tần
- Mình mua biến tần 24V lên 220V sine chuẩn này ở trên Banggood với giá hơn 900K. Công suất tối đa là 1600W. Sử dụng liên tục ở 800W.
- Mình chọn biến tần 24V bởi hiệu suất của nó cao hơn 12V. Tiết kiệm tiền dây điện hơn…
- Ví dụ: Với công suất 1000W hệ thống 12V có dòng điện là 1000:12=83.3A, hệ thống 24V có dòng điện 1000:24=41.6A. Các bạn có thể thấy dòng điện 83A là rất lớn chúng ta sẽ cần hệ thống dây điện lớn. Nó đắt đỏ và dây to sẽ khó đi gọn gàng hơn khá nhiều so với dây điện nhỏ. Các thiết bị chịu dòng lớn cũng đắt hơn các thiết bị có dòng nhỏ.
4- Sạc pin
Mình sử dụng bộ điều khiển sạc năng lượng mặt trời bởi nó khá rẻ. Các bạn có thể sử dụng 1 bộ sạc 29.4 chuyên dụng cho pin 7S với chi phí thấp hơn xíu. Nhưng xét về lâu về dài bộ điều khiển sạc năng lượng mặt trời có nhiều lợi thế hơn như:
- Chúng ta có thể sử dụng với tấm pin năng lượng mặt trời trong tương lai.
- Dải điện áp đầu vào rộng hơn. Các bạn có thể tận dụng 1 bộ sạc 36v cấp qua cổng solar để sạc pin thay vì phải mua đúng bộ sạc 29.4
- Bộ sạc năng lượng mặt trời có nhiều chế độ bảo vệ như bảo vệ quá dòng, bảo vệ ngắn mạch, bảo vệ quá nhiệt…kết hợp với tính năng bảo vệ của BMS hệ thống của chúng ta sẽ an toàn hơn.
- Bộ sạc năng lượng mặt trời cung cấp thông tin trực quan hơn cho phép cài đặt nhiều thông số hơn, có đầu ra DC tiện lợi…
Quảng cáo
- Cách kết nối bộ điều khiển sạc năng lượng mặt trời cũng khá đơn giản
5- Cầu chì
- Các thiết bị như biến tần, bộ điều khiển sạc đều có cầu chì riêng nhưng mình vẫn sử dụng thêm cầu chì để bảo vệ thiết bị và chiếc cầu chì này cũng đóng vai trò như 1 công tắc để đóng/ngắt hệ thống pin
- Các bạn nên sử dụng cầu chì hoặc aptomat DC cho hệ thống DC. Đặc biệt không nên tận dụng aptomat AC cho hệ thống DC bởi cấu tạo và cách làm việc của chúng khác nhau.
6- Kết nối
- Hệ thống kết nối khá đơn giản chỉ với vài sợi dây điện. Các bạn có thể bấm cos như mình hoặc gắn luôn cũng được
- Do mình chỉ sử dụng 300W nên mình chọn dây 14AWG. Nếu các bạn sử dụng 700W nên chọn dây 10AWG, 1200W thì sử dụng dây 6AWG. Dây to luôn tốt hơn nhưng to quá thì tốn tiền hihi
- Dây trong hệ thống nếu các bạn chưa rõ có thể xem thêm ở clip. Mình đã làm rất chi tiết
- Chúng ta kết nối cực dương của pin qua cầu chì. Rồi đấu vào cực dương của bộ sạc năng lượng mặt trời và cực dương của biến tần.
- Cổng P- của BMS chúng ta kết nối với cực âm của bộ sạc năng lượng mặt trời và biến tần. “P” viết tắt của power còn “B” viết tắt của battery.
- Các bạn có thể thấy mình gắn 2 quai xách trên hệ thống pin và biến tần để dễ cầm và chúng có thể được treo lên giúp tiết kiệm không gian.
- Chúng ta có thể dựng như thế này
- Có thể để trong vali và sử dụng như thế này
7- Cất giữ
- Mình tận dụng chiếc vali cũ. Các bạn có thể đóng thùng cho hệ thống. Dây điện và tua vít mình để trong 1 hộp nhựa để mang theo và sẵn sàng sử dụng khi cần thiết. Đủ không gian để chúng ta mang theo 56 viên pin dự phòng.
Quảng cáo
- 2 tấm bảng để vừa trong 1 chiếc vali tiện cho việc cất giữ và mang theo
8- Pin
- Pin là thứ đắt tiền nhất trong hệ thống nếu các bạn mua pin mới. 1 viên pin chính hãng có giá khoảng 100K. Với hệ thống như thế này bạn sẽ tốn 5tr6 tiền pin, 1 con số khá lớn.
- Bởi vậy chúng ta sẽ chọn pin laptop cũ. Pin laptop cũ các bạn có thể xin của bạn bè. Chúng ta đều biết pin có hại cho môi trường nên không ai vứt pin vào thùng rác cả. 1-2 viên pin thì gửi đi tái chế cũng khó, bán thì chả ai mua. Bởi vậy mọi người sẽ luôn để nó ở góc nào đó trong nhà.
- Nếu xin không đủ pin các bạn có thể mua pin laptop cũ ở cửa hàng máy tính với giá khoảng 20K. Các bạn sẽ nhận được 4-6 viên pin còn tốt. Mức giá khá tốt cho pin chính hãng.
- Để xử lý hết 56 viên pin cũng tốn 1 khoảng thời gian nhất định bạn sẽ không có thời gian lên bar lại tiết kiệm thêm 1 khoảng kha khá.
- Do sử dụng pin cũ chúng ta sẽ cần làm 1 số công việc như sau:
- Mình sử dụng bộ sạc Vapcell S4 Plus có giá 700K ở trên Banggood để sạc và đo dung lượng pin. Bộ sạc này có thể sạc 4 khe độc lập với dòng sạc 3A mỗi khe nên tiết kiệm khá nhiều thời gian.
- Khi đo lung lượng pin mình sử dụng dòng xả 1A cho tất cả các pin. Và ghi chúng lên pin để tiện cho việc nhóm các khối pin
- Các bạn có thể thấy mình ghi 1A -2613 có nghĩa mình test dung lượng pin ở dòng xả 1A và dung lượng pin đo được là 2613mAh - tương đương 72.2% (pin mới có dung lượng 3500mAh). Các pin có dung lượng nhỏ hơn 70% mình sẽ loại bỏ.
- Bên dưới phần test dung lượng pin các bạn thấy mình ghi 4.17 và 1. Có nghĩa mình đo điện áp của pin khi sạc đầy là 4.17v. Sau 2 tuần mình quay lại đo điện áp của pin nó là 4.16 có nghĩa điện áp chỉ giảm 0.01. Đây là 1 viên pin tốt, có thể tái sử dụng. Nếu điện áp pin giảm nhiều mình sẽ đem nó đi tái chế.
2-- Một yếu tố nữa khá quan trọng đó là nội trở của pin.
- Bộ sạc Vapcell S4 Plus có thể đo nội trở của pin nhưng nó không chính xác cho lắm. Bởi vậy chúng ta có thể xây dựng 1 hệ thống đo nội trở đơn giản với 1 điện trở 5W 10ohm
- Chúng ta sẽ đo điện áp pin khi không có tải và điện áp khi có tải là điện trở. Ví dụ khi test với tải chúng ta có điện áp là 4.12V. Dòng điện ở tải 10ohm sẽ là 4.12/10=0.412A
- Chúng ta sẽ tính nội trở theo công thức sau: IR = ( Điện áp không tải - Điện áp có tải) / dòng điện có tải.
- Ví dụ dòng điện không tải là 4.18V thì IR = (4.18 - 4.12 ) / 0.412 = 0.145ohm = 145 milliohm
- Đây là giá trị tham khảo bởi chúng ta còn có điện trở của dây dẫn. Nhưng nó đồng đều giữa các pin. Chúng ta sẽ ghép các khối pin có dung lượng và nội trở càng gần nhau càng tốt. Lúc này BMS sẽ hoạt động hiệu quả nhất về hệ thống của chúng ta được tối ưu.
- Khi ghép các khối pin các bạn cũng nên lưu ý để điện áp và nội trở giữa các cell pin chênh lệch càng ít càng tốt.
- Chúng ta có thể tự xây dựng trạm phát điện di động với chi phí thấp. Dễ bảo trì và nâng cấp trong tương lai.
- Cảm ơn các bạn đã đọc bài chúc các bạn thành công. Các bạn đăng ký kênh YouTube và Fanpage của mình ở bên dưới chữ ký để xem thêm nhiều sản phẩm và săn hàng giá rẻ nhé.