Du lịch Penang, Malaysia: Khám phá văn hoá Baba Nyonya, bảo tàng đồ ăn,...

Rubi Lee
1/3/2024 5:25Phản hồi: 27
Du lịch Penang, Malaysia: Khám phá văn hoá Baba Nyonya, bảo tàng đồ ăn,...
Mình đã chọn Malaysia là quốc gia “mở hàng” cho hành trình du lịch năm 2024 của mình. Mục tiêu của chuyến đi này chủ yếu là khám phá Penang, vì mình chưa từng đến đây. Còn KL thì chỉ ghé mua sắm rồi bay về nên không tham quan gì nhiều cả. Nên trong bài viết này, mình sẽ tập trung chia sẻ kinh nghiệm và những nơi mà mình đã đi ở Penang với mọi người.

Nếu bạn là người thích những câu chuyện, khám phá văn hoá và những thứ gì đó xưa cũ thì mình thấy Penang là một lựa chọn rất hợp lý. Bởi đi đến đâu, bạn cũng rất dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà đã tồn tại cả trăm năm, cửa hàng đã kinh doanh vài đời, ngay cả một quán ăn nhỏ cũng có tuổi đời hơn cả ba mẹ mình. Không chỉ vậy, ẩm thực ở Penang lại rất phong phú, giao thoa giữa 3 dân tộc Malay - Hoa - Ấn, vì thế bạn có cơ hội để thử rất nhiều món ăn. Chỉ sợ là ăn không nổi, chứ Penang chẳng thiếu gì thức ăn. Còn cảnh đẹp thì cũng chẳng ít, chỉ việc ngắm bình minh và hoàng hôn ở đây cũng đã là một khung cảnh đẹp đến ngỡ ngàng rồi.



Di chuyển:


Sài Gòn - Penang:


Có thể nhiều bạn chưa biết thì từ Sài Gòn đến Penang đã có chặng bay thẳng, không cần phải quá cảnh ở KL như trước đây nữa. Tuy nhiên, số lượng chuyến bay thẳng trong ngày rất ít, chỉ 1-2 chuyến 1 ngày mà thôi và khá là khó thấy nên nhiều bạn sẽ tưởng đến Penang không có chiều bay thẳng. Khi đặt vé trong các ứng dụng mua vé máy bay, các bạn chọn lọc “bay thẳng” thì sẽ dễ thấy hơn.


Từ sân bay Penang vào thành phố:


Có rất nhiều cách để đi từ sân bay vào thành phố, các bạn có thể lựa chọn các dịch vụ xe công cộng như xe buýt hay Grab. Nhưng vào ngày mình đi, đặt Grab ở sân bay Penang thì không có ai nhận, mà nhìn trên app thì xung quanh cũng không có xe nữa. Vì thế mình đã vào các quầy taxi bên trong khu vực sân bay để gọi xe. Cũng có rất nhiều du khách đặt xe công nghệ không được và quyết định gọi xe ở các quầy như thế này.

penang-11.jpeg

Giá taxi ở đây họ sẽ tính theo từng khu vực và đưa mình đến tận nơi luôn. Ví dụ như mình đến khu George Town, thì đồng giá 44,7 Ringrit, khoảng 230.000 đồng cho khoảng cách 24km.

Trong Penang:


Còn đi loanh quanh trong Penang thì mình vẫn gọi Grab như thông thường thôi, nhưng lưu ý rằng đường phố ở đây (đặt biệt là các điểm tham quan) thì đường xá rất đông và phải chờ rất lâu thì xe mới đến. Có một hôm mình đặt Grab phải chờ tận 1 tiếng thì người ta mới đến đón mình được.

Vì vậy mà mấy hôm sau mình có thuê xe máy, giá 55 ringrit mỗi ngày (284.000 đồng), bảo hiểm 5 ringrit (26.000 đồng). Mỗi xe sẽ kèm với 1 nón bảo hiểm, nón thứ 2 sẽ tính thêm 10 ringrit (52.000 đồng). Các bạn nhớ chú ý đến lượng xăng trong xe mà người ta giao cho mình, vì mình sẽ phải đổ đầy khi trả lại xe và những thông tin này đều có trong hợp đồng lúc mình thuê xe cả.

Khi thuê xe, các bạn sẽ phải xuất trình passport và tuỳ vào chỗ thuê xe, người ta có yêu cầu bằng lái xe quốc tế hay không. Chỗ mình thuê thì có hỏi mình đến từ đâu, trả lời là đến từ Việt Nam thì người ta không yêu cầu bằng lái xe gì cả, đối với từng nước thì chính sách sẽ khác nhau nha.

Penang - Kuala Lumpur:

Quảng cáo


penang-6.jpeg

Ở chiều này thì các bạn có thể chọn máy bay, giá tầm từ 600.000 đến khoảng 1 triệu đồng. Nhưng mình thì chọn đi xe khách vì thời gian đi cũng không quá lâu và tiết kiệm hơn nữa. Đây không phải là lần đầu tiên mình đi xe khách ở Malaysia, mình cũng đã từng đi xe khách từ cửa khẩu Singapore đến KL rồi. Ở lần đó, mình có ấn tượng rất tốt với các dịch vụ xe khách của Malaysia nên lần này, mình vẫn tiếp tục lựa chọn đi xe.

Thời tiết:


penang-2.jpeg

Thời tiết ở Penang thực sự rất nóng luôn, dù mình sinh sống ở Sài Gòn - nơi quanh năm chỉ có mưa và nắng mà thôi, nhưng qua Penang thì vẫn bị shock trước khí hậu bên đó. Một phần vì vị trí địa lý của đảo Penang mà độ ẩm ở đây rất cao, nên Penang sẽ là nóng kiểu hầm, các bạn ra khu vực gần biển và lên núi thì sẽ dễ chịu và mát hơn hẳn.

Những điểm tham quan:


Penang Street Art


penang.JPG

Quảng cáo



Một trong những điểm đặc trưng nhất khi nhắc đến Penang chính là những bức tranh bức hoạ trên đường phố. Bởi vậy mà hầu như ai đến Penang cũng sẽ đến khu này để tham quan và chụp ảnh. Đến George Town, bạn không thể vội được, mà phải đi bộ qua những dãy nhà, ngắm nhìn các ngôi nhà đã tồn tại hơn trăm năm, đôi khi thì phải tinh ý nhìn đường một chút để phát hiện một bức tranh đang nằm trong con hẻm khuất gần đó. Bởi các bức tranh sẽ không nằm trong cùng một con đường, mà sẽ nằm rải rác ở nhiều con đường cách nhau vài trăm m.

Dành cho những bạn không có nhiều thời gian mà muốn tìm cụ thể bức tranh nào đó để chụp ảnh, thì các bạn có thể tìm trên Google Maps, nó hiển thị rất chi tiết về địa điểm của những bức tranh này.

penang-22.JPG

Theo như mình tìm hiểu về nguồn gốc của Penang Street Art, thì phong trào vẽ tranh đường phố này bắt đầu từ năm 2012. Còn George Town được UNESCO công nhận là thành phố di sản từ năm 2008. Tức là trước năm 2012, hầu như cả khu phố George Town không có hình vẽ nào cả. Chính Ban Du lịch Penang đã uỷ quyền cho một nghệ sĩ tạo ra những bức tranh trên 6 bức tường ở những điểm có gắn với lịch sử của George Town. Những bức tranh này đều tập trung phản ánh cuộc sống rất đời thường của người địa phương, mô tả đứa bé trèo vào cửa sổ, hay 2 cậu bé đang trên một chiếc thuyền chèo bằng gỗ,…

penang-19.JPG

Những bức tranh ban đầu đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ địa phương khác tạo ra những tác phẩm của riêng họ. Qua nhiều dự án do chính phủ tổ chức, George Town giờ đây ngập tràn các tác phẩm nghệ thuật, từ những bức tranh bích hoạ đã phai mờ theo thời gian, hình ảnh những con mèo, cho đến những tác phẩm nghệ thuật bằng thép.

Wonderfood Museum


penang-14.JPG

Mình hay đùa với bạn mình rằng bảo tàng này dành cho những người đến Malaysia mà chẳng biết ăn gì, vì ở Wonderfood Museum trưng bày đủ những món ăn đặc trưng nhất ở Penang, với những món nổi tiếng thì mô hình của nó còn ở kích cỡ siêu to, đủ để bạn nhìn chi tiết vào từng thành phần của món ăn nữa.

penang-29.JPG

Không chỉ giới thiệu những món ăn địa phương đến với du khách, điểm mình thấy hay ở bảo tàng này là họ còn cung cấp rất nhiều thông tin thú vị về ẩm thực địa phương, chế độ ăn uống, so sánh sự khác nhau của 3 nền văn hoá: Malay - Trung - Ấn. Và còn cả giới thiệu một danh sách những quán có bán món ăn đó nữa. Nên dù bạn chẳng có tìm hiểu về những quán ăn trước, thì đi bảo tàng về bạn cũng sẽ được gợi ý một danh sách ăn uống thôi.

penang-8.jpeg

Nếu chỉ là nơi trưng bày các mô hình thức ăn, thì nhiều bạn sẽ cho rằng bảo tàng này khá là chán nhỉ. Nhưng thực tế là ngoài giới thiệu các món ăn, bảo tàng còn có những góc sáng tạo như một bàn ăn bị bỏ quên với những món đã bị ôi thiu, hay là một bữa ăn gồm những món ăn đắt nhất thế giới,… Bên cạnh đó, Wonderfood còn có những câu đố nhỏ nhỏ như loại trái cây nào ngọt nhất, đắng nhất,…

penang-7.jpeg

Một điểm trừ ở đây là ánh sáng đèn không đẹp lắm và nếu bạn đã từng đi bảo tàng này rồi thì hầu như cũng không có lý do để quay lại đây. Vì ở đây ít khi nâng cấp và có thì cũng không nhiều, nhìn hình ảnh nhiều bạn đi mấy năm trước đến khi mình đi, thì bảo tàng vẫn thế thôi.

Nhà cổ Pinang Peranakan


penang-35.jpg

Lý do lớn nhất mà mình muốn đến Penang là để tìm hiểu về văn hoá của người Peranakan, hay còn gọi là Baba Nyonya. Vì thế, nhà cổ Pinang Peranakan là điểm đến không thể bỏ qua được rồi. Nói một chút về người Peranakan, thì đây là thuật ngữ để chỉ nhóm người nhập cư đến từ Trung Quốc từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17 và kết hôn với phụ nữ địa phương. Người đàn ông sẽ gọi là Baba còn nữ là Nyonya. Những người này đã tiếp nhận và hình thành một nền văn hoá mới và độc đáo kết hợp ảnh hưởng của Trung Quốc và Malay. Người Peranakan không chỉ tạo ra một lối sống độc đáo cùng các di sản đồ cổ phong phú mà còn tạo ra các ảnh hưởng văn hóa trong nền ẩm thực và ngôn ngữ.

Peranakan chủ yếu tập trung ở Melaka, Penang và Singapore và những dấu ấn của họ vẫn còn được tìm thấy ở các khu vực này. Ở Chợ Lớn, không ít công trình của người Baba Nyonya vẫn còn sót lại. Mọi người có thể tìm hiểu thông tin về dấu ấn của Baba Nyonya ở Sài Gòn nếu hứng thú và quan tâm.

penang-33.jpg

Dinh thự Pinang Peranakan chính là một ví dụ ngôi nhà sang trọng nhất của Baba Nyonya. Và đây cũng là địa điểm quay của nhiều bộ phim nổi tiếng, nổi bật nhất là phim “Chuyện tình nàng lọ lem” (Little Nyonya). Ngôi nhà được xây dựng cuối thế kỷ 19, đây vừa là nơi ở, văn phòng và đồng thời cũng là biểu tượng quyền lực của người được cho là đứng đầu cộng động người Hoa ở địa phương vào thời điểm lúc bấy giờ.

penang-12.jpeg

Ngoài sự sang trọng và xa xỉ, điểm thu hút du khách của toà nhà này với du khách chính là sự giao thoa kiến trúc của nó. Ngôi nhà theo phong cách Eclectic Straits Chinese với các chi tiết gỗ điêu khắc kiểu thường thấy ở Trung Quốc, kết hợp với gạch lát sàn kiểu Anh, tượng đá từ Ý, gỗ từ Miến Điện, cửa số kiểu Pháp, lan can và cột bằng kim loại của Scotland và nhiều đồ nội thất châu Âu khác. Ngày nay, biệt thự đã trở thành bảo tàng lưu giữ hơn 1000 món cổ vật của thời đại này.

penang-29.jpg

Trong bảo tàng sẽ có tour hướng dẫn viên miễn phí cho du khách với 2 ngôn ngữ là tiếng Trung và tiếng Anh. Tour này sẽ có rất nhiều thông tin hay ho về người chủ cũ của ngôi nhà này luôn, mà bài dài quá mình không có viết hết.

Penang Hill


Để có thể nhìn toàn cảnh Penang, thì không nơi nào thích hợp bằng Penang Hill. Với chiều cao 833m, khí hậu trên Penang Hill hoàn toàn khác so với khu dân cư bên dưới, dễ chịu và mát mẻ hơn rất nhiều. Cũng chính vì thế mà có rất nhiều người lựa chọn lên Penang Hill để đi trail và leo núi.

penang-5.jpeg

Để lên được Penang Hill, các bạn cần phải mua vé tàu leo núi 30 Ringrit (155.000 đồng) cho 2 chiều lên và xuống hoặc có thể lựa chọn đi bộ leo núi (có đường riêng). Trên đó cũng có rất nhiều khu tham quan, khoảng 20 mấy điểm và phải mua vé riêng nha. Thời điểm lý tưởng để đến Penang Hill là sáng sớm để ngắm bình minh và chiều để ngắm hoàng hôn. Mình lên vào giờ ngắm bình minh nên mấy chỗ tham quan chưa mở cửa, thành ra chỉ đi dạo trên đó thôi chứ cũng không đi được điểm nào hết.

penang-36.jpg

Một xíu thông tin về tàu leo núi của Penang Hill. Thì vào những năm 1700, để lên được Penang Hill, người ta chỉ có thể đi bộ hoặc cưỡi lừa mà thôi. Với những quan chức người Anh, họ sẽ được khiêng lên bằng kiệu. Tổng thời gian để lên trên đỉnh đồi là mất vài tiếng và một kiệu như vậy thì cần đến 4-8 người khiêng. Đến năm 1800, thì người ta bắt đầu xây các bungalow nghỉ dưỡng khắp đồi Penang. Một số khu nghỉ dưỡng từ xưa vẫn còn thấy được ở đây nhưng lúc này phương thức di chuyển lên đây vẫn không có gì thay đổi cả.

penang-13.jpeg

Mãi đến những năm 1900, kế hoạch xây tuyến đường sắt mới được triển khai. Tuy nhiên, tuyến đường sắt đó liên tục gặp lỗi, trục trặc và không thể dùng được. Đến năm 1914, một tuyến đường sắt mới được xây dựng. Mất đến 10 năm hoàn thành, cuối cùng vào năm 1924, nó đã được khánh thành. Chỉ tính trong 1 năm khai trương, tuyến tàu đã vận hành được 4000 chuyến và vận chuyển hơn 30.000 hành khách lên xuống đồi Penang. Năm 1977, lần trùng tu đầu tiên diễn ra. Còn tuyến tàu hiện nay đang hoạt động được nhập từ Thuỵ Sĩ vào năm 2011.

Cầu Penang:


Đưa một cây cầu vào những điểm tham quan thì có vẻ hơi kỳ lạ, nhất là khi cây cầu đó vốn không được đi bộ để ngắm cảnh nữa. Penang có 2 cây cầu kết nối giữa Butterworth và George Town, đó là cầu Penang 1 và Penang 2. Trước năm 1985 khi cây cầu Penang 1 được xây dựng, việc di chuyển giữa đảo và đất liền chỉ có thể dùng phà mà thôi. Đến khi được khánh thành, cây cầu Penang 1 dài 13.5km được liệt kê vào danh sách một trong những cây cầu dài nhất ở châu Á vào thời điểm lúc bấy giờ. Cầu Penang 1 đã trở thành cây cầu duy nhất nối giữa bán đảo Malaysia với đảo Penang.

penang-26.JPG

Đến năm 2014 - khi cầu Penang 2 được khánh thành, đây là cây cầu đầu tiên ở Malaysia sử dụng vòng bi cao su tự nhiên giúp cầu chịu được động đất hơn 7.5 độ Richter. Đồng thời cầu Penang 2 cũng từng là cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á, với chiều dài là 24km, phần vượt biển là 16,9km. Mặc dù hiện nay danh hiệu cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á đã thuộc về cầu Sultan Haji Omar Ali Saifuddien Bridge của Brunei với tổng chiều dài là 30km.

Ẩm thực


Bạn có biết: Penang là một trong những điểm đến ẩm thực nổi tiếng nhất thế giới? Mình từng đọc ở đâu đó rằng: Penang được xem là bếp ăn của Đông Nam Á. Sự thật thì hơi quá nhưng nếu bạn không có quá nhiều kỳ vọng, thì chắc hẳn Penang sẽ làm hài lòng cho chiếc bụng của bạn. Một điểm mình rút ra được sau chuyến đi là khẩu vị đặc trưng của người Penang là họ ăn rất ngọt. Đồ ăn thì khó có thể điều chỉnh, nhưng nếu mua nước ở đây, các bạn nên giảm rất nhiều ngọt nha.

Thời gian ở Penang của mình cũng không đủ nhiều để thử hết các món ăn ở Penang, nên dưới đây mình chỉ chia sẻ những món mà mình đã thử. Còn món nào ngon nữa, thì các bạn gợi ý để lần sau đi Penang mình tìm coi lại nha.

Char Koay Teow


[​IMG]

Một món ăn nổi tiếng và bạn rất dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ nơi nào trên đường phố. Char Koay Teow thật ra là món hủ tiếu xào, với “char” là xào và “Koay Teow” là sợi hủ tiếu mềm được xào trên lửa lớn. Hương vị món ăn sẽ nồng mùi chảo, hơi cháy. Món này mình đã thử ở vài quán nhưng cũng đều thấy không hợp lắm với kiểu người Phúc Kiến này, Quảng Đông như Sài Gòn thì ổn hơn với mình.

Prawn Mee


penang-23.JPG

Prawn Mee là món mì tôm nổi tiếng mà bạn rất dễ bắt gặp trên đường phố Penang. Đây là món ăn đặc sản của người Phúc Kiến với phần nước dùng được nấu từ đầu và vỏ tôm, nên hương vị chủ yếu của cả món này là vị tôm. Với những người không thích mùi tôm thì sẽ thấy món này hơi quá và tanh. Chỗ mình đi là một quán nằm trong danh sách Michelin Bib Gourmand, đã bán hơn 30 năm và được rất nhiều du khách đến ăn.

IMG-2431.JPG

Nhìn hình các bạn cũng dễ dàng thấy rằng, món này nhìn trông khá đơn giản, ăn kèm với trứng, tôm khô, thêm một ít sốt sambal để tạo vị cay. Các bạn có thể lựa chọn sợi mì vàng Phúc Kiến, bún gạo, hủ tiếu mềm hoặc mì gói theo sở thích. Để món ăn trở nên phong phú hơn, quán cũng bán thêm heo quay, thịt heo và nhiều món khác nữa. Giá một tô nhỏ như mình gọi sẽ là 7.5 ringrit (40.000 đồng).

IMG-2437.JPG

Ngoài mì ra thì mình có gọi thêm Otak Otak và đậu hủ ki tôm chiên. Khác với các loại Otak Otak truyền thống và phổ biến là chả cá nướng lá chuối. Thì Otak Otak mà mình gọi là sự kết hợp giữa thịt cá nướng và trứng hấp, món này được nêm gia vị chua ngọt khá đậm đà.

Ẩm thực Nyonya


Ngoài văn hoá độc đáo, thì ẩm thực của người Baba Nyonya còn gây ấn tượng bởi sự tinh tế, kỳ công và mới lạ bởi sự kết hợp giữa các nguyên liệu và phương pháp nấu ăn của Trung Quốc, Malay, Ấn Độ và phương Tây. Trong đó, các món ăn của họ thường dùng các loai thảo mộc và gia vị vì ảnh hưởng của người Malay.

IMG-2432.JPG

Người Baba Nyonya rất thích ăn đồ ngọt và đặc biệt là bánh ngọt, vì vậy nên mới xuất hiện một thuật ngữ là “Nyonya Kueh”, trong đó Kueh hay Kue hay Kuih có nghĩa là bánh ngọt trong tiếng Phúc Kiến và tiếng Tiều. Thật ra, các món bánh của người Nyonya có rất nhiều điểm tương đồng với bánh miền Tây của Việt Nam. Nếu các bạn hứng thú, có thể tìm hiểu về người Baba Nyonya ở Việt Nam nha.

Về cơ bản, các món bánh của người Nyonya có màu sắc rất rực rỡ và bắt mắt. Lần đầu mình ăn bánh này là ở trong Dinh thự Pinang Peranakan, trong phần ăn kèm với gói mình thuê trang phục. Giá ở đó nhìn chung là cao so với mặt bằng, nhưng khẩu vị theo mình thấy là hợp với du khách nhất (vì đã được giảm ngọt đi đáng kể).

IMG-2430.JPG

Sau đó, mình có tìm đến một tiệm bánh đã mở được hơn 90 năm, quán cũng nằm trong danh sách Michelin Bib Gourmand. Không gian quán rất đẹp, nhiều ánh sáng tự nhiên và cực kỳ đông khách luôn. Mọi người xếp hàng đợi bàn và mua đem về rất đông. Tuy nhiên, với khẩu vị cá nhân thì mình thấy bánh ở đây cũng chỉ ở mức được thôi, chứ nó quá ngọt, đặc biệt là cade. Nên chỗ này ăn cho biết, trải nghiệm thôi.

Mookata


Có nguồn gốc từ Thái Lan, Mookata là kiểu ăn kết hợp giữa nướng và lẩu trong cùng 1 chiếc nổi. Với phần vỉ nướng hình vòm ở giữa, bao quanh nó là phần nước lẩu. Mặc dù bắt nguồn từ Thái, nhưng hiện nay có rất nhiều quốc gia bán Mookata, chẳng hạn như Penang, quán Mookata rất phổ biến luôn. Trước đây, mình từng ăn Mookata ở Sài Gòn rồi, sau đó quán đó đóng cửa nên khi thấy ở Penang có là mình phải ăn liền.

IMG-2433.JPG

Vì thiết kế độc đáo như thế này, nên vỉ nướng của Mookata sẽ không thể thay được khi nướng quá lâu, phần nước lẩu cũng không sự lựa chọn mà chỉ có 1 vị thôi. Bên cạnh đó, diện tích phần lẩu khá nhỏ nên bạn phải bẻ mì để vừa với nồi. Điểm làm nên hương vị cho Mookata là phần nước chấm, nước dùng lẩu thì chỉ có vị thanh ngọt từ bắp thôi. Chứ nước chấm là hỗn hợp gia vị chua cay rất bắt miệng luôn.

Quán mình đi ăn rất ổn luôn nha, bà chủ dễ thương nữa. Sau khi ăn xong còn tặng kem tráng miệng nữa. Khẩu phần ăn bên đây cũng rất nhiều, mà giá tính ra rất phải chăng luôn. Quán mình đi có tên là Tem Xim Charcoal Mookata.

Chew Jetty Big Bowl Noodles


Nằm cạnh bến tàu du lịch nổi tiếng, nên quán ăn này thường chỉ có du khách đến mà thôi. Trên tường, quán cũng dán đầy ảnh những du khách đến quán checkin với chiếc tô khổng lồ.

IMG-1683.JPG

Đúng như cái tên, quán này nổi tiếng vì kích cỡ tô khổng lồ. Mặc dù khẩu phần mì sẽ không đầy hết cả tô, nhưng so với khẩu phần ăn thông thường thì lượng mì bên trong cũng rất nhiều. Vì thế, nếu bạn muốn check-in chiếc tô siêu to đó, hãy đi từ 3-4 người. Còn với những bạn đi ít như mình, thì có thể gọi tô phần 1 người (mì được đựng trong chiếc tô nhỏ).

IMG-1691.JPG

Ở đây có 3 món nổi bật nhất gồm: Mì hải sản cay có thể chọn các mức độ cay từ 1,5,7,10; Mì kem cay thịt bò/heo; Mì nước dùng thanh,… Về mặt chất lượng, thì mì có vị rất ngon, chua cay đậm đà dễ ăn, topping cũng nhiều. Quán này khá hợp với khẩu vị của người Việt, cảm giác ăn là kết hợp giữa món mì ramen của Nhật và món Trung.

Kaya Toast


IMG-2434.JPG

Món ăn sáng rất phổ biến ở Malaysia và Singapore, đây chỉ là món bánh mì sandwich thông thường thôi, nhưng họ nướng lên cho giòn bề mặt, có phết thêm lớp sốt cade và miếng bơ nữa. Món này sẽ ăn kèm với trứng chần đã thêm nước tương và muối tiêu.

Burger kiểu Malay


IMG-1805.JPG

Nguyên liệu của burger kiểu Malay cũng giống với burger thông thường, với lớp thịt, salad được kẹp bởi 2 lát burger. Nhưng điểm khác ở đây là miếng thịt sẽ được thêm sốt lên trên rồi bọc bởi lớp trứng chiên bên ngoài. Điều này đã làm cho vị món ăn béo ngậy và phần sốt không bị tràn ra ngoài bởi đã có lớp trứng bọc lại. Bên cạnh đó, món burger này cũng có nước sốt riêng nên hương vị ăn rất khác với burger thông thường. Vị tổng thể sẽ là vị béo của sốt mayo. Món này thường bán ở những xe hàng rong như một bữa ăn đêm ở Malaysia.

Một số thông tin thú vị:

penang-20.JPG


Những ngôi nhà ở khu George Town: Eclectic Straits là phong cách nhà xuất hiện phổ biến trong thời kỳ thịnh vượng của khu George Town - giai đoạn khi mỏ quặng thiếc được phát hiện ở Larut. Đây cũng là thời kỳ George Town chứng kiến làn sóng người nhập cư Trung Quốc. Eclectic Straits là kiểu nhà phố thương mại nằm liền kề (shop house), nơi mà tầng trệt được dùng làm cửa hàng, còn tầng trên để ở. Kiểu nhà shophouse chiếm hơn 60% tổng số các toà nhà nằm trong khu di sản George Town nên thực sự rất dễ bắt gặp. Bên cạnh đó, các bạn còn có thể tìm mua quà lưu niệm về kiến trúc nhà kiểu như vậy ở khắp nơi trong phố George Town.

penang-1.JPG

Xe máy: Như nhiều người cũng đã biết giá xăng ở Malay thì rất rẻ, mọi người chạy xe trên đường cũng rất nhanh. Nhưng sau chuyến này, thì có thêm một điểm nữa mà mình mới nhận ra là ở Penang không thu phí giữ xe máy. Ở những điểm tham quan cũng có chỗ đậu xe máy, nhưng chẳng ai giữ xe hay thu phí cả. Xe hơi thì tất nhiên là có nha.

Nón bảo hiểm: Có thể vì thói quen chạy xe nhanh, nên người dân ở đây hầu như chỉ đội nón ¾, có cả nón nửa đầu nhưng vẫn là loại nón nhìn rất chắc chắn và có kính che. Đi thuê xe thì người ta cũng đưa nón ¾ đó, nên nếu các bạn có ý định thuê xe máy ở Penang thì nhớ chuẩn bị khăn đội đầu cho vệ sinh nha.

Phí du khách: Thông thường khi check-in khách sạn ở Malaysia, các bạn sẽ phải đóng thêm 1 khoảng phí, gọi là phí du khách, tuỳ vào từng khách sạn mà giá cũng khác nhau, anh em nên liên hệ trước với khách sạn để hỏi về khoản phí này nha. Lúc mình đi, có khách sạn tính mình 24 ringrit, cũng có khách sạn tính vài ringrit. (Tỷ giá 1 ringrit ~ 5.200 đồng).

Giờ mở cửa: Ngoài các điểm tham quan, thì quán ăn ở Penang giờ đóng - mở cửa cũng rất khác so với bên mình nha. Nhiều quán mở cửa rất trễ nhưng khoảng 18h là đóng hết rồi.

Mặt trời mọc - lặn: Ở Penang, trời 19h vẫn rất sáng và nắng, nhưng khi Mặt trời lặn thì diễn ra rất nhanh, tầm 15-20 phút là trời tối đen. Tương tự như bình minh, 6h45 sáng thì trời vẫn còn tối đen như mực vậy.
27 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Có món chân tay miệng j ko ))
Hồi trước vừa lên kế hoạch đi Penang thì mất đường bay thẳng Hà Nội - Penang nên giờ vẫn chưa đi đc, cay phết
Bạn nhỏ sướng ..quanh năm dc du lịch khắp nơi 🏕️🏖️
người đi Mỹ, người đi Mã, 2 người 2 ngã chia ly
white_3n
TÍCH CỰC
5 tháng
Trước đi đến nhà xanh Peranakan thấy có tấm hình 1 cặp trước từng làm hôn lễ ở đó, nhìn mặt chú rể giống mình cũng 50% 😆
387637232-6873053712747751-5865659329588917010-n.jpg
@white_3n Anh em thất lạc
@white_3n Nhìn cũng có nét giống nhaa
Nhìn đồ ăn ngon làm đói bụng quá đi 🤤
htux
CAO CẤP
5 tháng
Tới đây 2 lần, vẫn nhớ những món ở Kopitan Classic , vừa có hương vị món tàu, vừa có món mùi cà ri ấn độ 😁
linh0125
TÍCH CỰC
5 tháng
Bài viết khá cầu kỳ, chi tiết. Vẫn còn vài chỗ dùng từ chưa "sáng". Ví như đoạn "tô mì to có thể bỏ vừa em bé luôn!" quả thực đọc hơi khó chịu. Chắc bạn chưa có con!
Hủ Lô
TÍCH CỰC
5 tháng
@linh0125 Sửa lại là có thể bỏ vừa 1 trẻ sơ sinh nghe hợp lý hơn.
@linh0125 Mình sửa lại rồi, cảm ơn bạn. Mà mình chưa có con thật
@Rubi Lee Chúng mình sẽ cùng nhau nghĩ tên con sau nhé. 😂
Mình thấy là người Hoa đi tới đâu khi "kết hợp" với người bản xứ họ cũng tạo ra văn hoá hoà trộn rất thú vị, nhất là ở mấy nước Đông Nam Á. Đi nước nào thì việc đầu tiên của mình là tìm chinatown 😆) tại dễ ăn
Xperios
TÍCH CỰC
5 tháng
Mẫu cute quá...
Đi du lịch với ngy thì có đến 50% thời gian là xoạch
Cười vô mặt
@daugauhp911 xoahj thì ở nhà cần gì đi du lịch
bạn cứ nói quá lên há há
@daugauhp911 Chắc bạn đi là vậy hả, thật là uổng phí cả chuyến đi chơi
bạn thích thế được đi khắp nơi
chúc bạn có những phút giây thoải mái
cảm ơn bạn đã chia sẻ và mong đc nhiều bài viết từ nhiều chuyến đi của bạn nữa nhé
knightz9
ĐẠI BÀNG
5 tháng
anh em sang đó ở được phép lấy 4 vợ cơ mà =))
quá xã đã luôn
Ayer Aitam Penang,
Penang đúng là quá nhiều đồ ăn ngon, vị nói chung khá mạnh nên chưa chắc hợp khẩu vị người Việt.
Đặc biệt hải sản rẻ hơn ở Việt Nam nhiều.
aitam.jpg
@TUẤN.N.Đ vẫn thua xa đà nẵng với khánh hòa bác nhỉ,hic

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019