Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép sử dụng chân giả bằng cách bắt trực tiếp vào xương chân thay vì sử dụng ở bên ngoài như từ trước đến nay. Bước đi này mở ra hy vọng mới cho những người khuyết tật nhưng không thể sử dụng loại chân giả dạng khớp nối có đế lõm hình cầu như truyền thống.
Phần lớn các loại chân tay giả trước giờ đều sử dụng cơ cấu khớp nối vào đế lõm dạng bán cầu để giữ chặt vào vị trí bị khuyết tật. Tuy nhiên, đối với một số người thì phần chi còn lại không đủ để gắn cố định dạng chi giả này. Do đó, các nhà nghiên cứu đã phát triển ra thiết bị mang tên Osseoanchored Prosthesis for the Rehabilitation of Amputees (OPRA) giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng trụ lõi cấy trực tiếp vào xương của chi bị mất, sau đó đính bộ phận giả ở bên ngoài vào để phục hồi.
Quá trình lắp đặt thiết bị phải trải qua 2 thao tác khác nhau. Đầu tiên, một lõi hình trụ sẽ được ghép trực tiếp vào phần xương còn lại của người khuyết tật. Lõi này được làm từ titanium nên có thể được cố định trong xương mà không bị đào thải. Sau đó 6 tháng, khi các tổ chức mô được tạo thành xung quanh lõi titanium, người ta tiếp tục cấy thêm một phần mở rộng từ lõi đâm xuyên qua da, cho phép gắn bộ phận giả ở bên ngoài. Cuối cùng, bệnh nhân tiếp tục phải trải qua 6 tháng luyện tập trước khi các bác sĩ tạo nên chiếc chi giả hoàn thiện.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Physical Medicine and Rehabilitation đã chỉ ra rằng kỹ thuật lắp chi giả nói trên có thể giúp người khuyết tật tăng cường khả năng vận động, sự thoải mái và chức năng của chi. Mặt khác, những bệnh nhân được áp dụng cách làm này cho biết họ có thể sử dụng chi mới mà không cần lo lắng nhiều vấn đề như trước đây, điển hình như nóng bức hoặc sự ma sát do để lõm hình cầu gây ra.
Mặc dù cách làm có thể áp dụng cho tất cả các chi nhưng trước đây, FDA chỉ cho phép áp dụng trên người trưởng thành có vị trí khuyết tật trên đầu gối. William Maisel, quyền giám đốc tại văn phòng đánh giá thiết bị thuộc FDA cho biết: "Thiết bị OPRA có thể giúp ích những người có vị trí khuyết tật trên đầu gối. Đây là những người thường gặp phải nhiều vấn đề về phục hồi chức năng và không thể dùng các thiết bị chân giả đế lõm."
Vấn đề được quan tâm khá nhiều khi cấy trực tiếp chi giả vào xương là nguy cơ nhiễm trùng. Hãng chân tay giả Stanmore Implants, Anh Quốc đã phát triển một thiết bị cấy ghép vào xương lấy cảm hứng từ gạc của loài hươu. Với tên gọi Intraosseous Transcutaneous Amputation Prosthesis (ITAP), thiết bị này có các lỗ để các mô mềm có thể được hình thành, giúp liên kết da và xương lại với nhau nhằm giảm sự xâm nhập của vi khuẩn. Thiết bị này đã được thử nghiệm rất thành công trên cả động vật lẫn con người.
Video một người khuyết tật đã được cấy chân giả trực tiếp vào xương