GT4, GT3 có nghĩa là gì? Xe đua có chạy được ngoài phố không?

P.W
7/4/2022 9:23Phản hồi: 18
GT4, GT3 có nghĩa là gì? Xe đua có chạy được ngoài phố không?
Nhờ vài lý do, mà cơ bản có thể kể đến hai yếu tố lớn nhất là mức độ nổi tiếng và khả năng quảng bá hình ảnh, nên giờ gõ GT3 hay GT4 lên Google, 20 kết quả đầu tiên hiện ra trước mắt anh em là những cỗ xe đóng mác 911 và 718 của Porsche, cụ thể hơn là phiên bản thương mại hóa để xác nhận (homologation) mẫu xe này được tham gia các giải đua khác nhau như World Endurance Championship do FIA tổ chức, hoặc GT World Challenge do SRO Motorsport Group tổ chức.

Kỳ thực, Porsche không sở hữu bản quyền thương hiệu GT3, hay GT2 hoặc GT4, những cụm từ thường xuất hiện trong những chiếc xe số lượng hạn chế của họ, ví dụ như 911 GT3, 911 GT2RS hay gần đây là 718 GT4RS vừa ra mắt. Những cụm từ viết tắt đó thực chất là ký hiệu biểu thị một hoặc nhiều thể thức xe đua tham gia những giải đấu trên khắp thế giới, từ Nhật Bản đến Ý, từ Đức đến Mỹ.

Vậy như thế nào là xe GT3? Có GT2 không? Những chiếc đó khác xe thương mại ở điểm nào?

Grand tourer


Thông thường, có thể chia các thể thức thể thao tốc độ 4 bánh phổ biến ra làm những dạng sau đây:

Tinhte_GT3.jpg
  • Open Wheel: Nổi tiếng nhất là F1, rồi đến những thể thức dưới như F2, F3, hay bên Nhật có Super Formula, hoặc Mỹ thì có IndyCars.

Tinhte_GT4.jpg
  • Sport Prototype: Những chiếc xe không nhất thiết phải dựa trên nguyên mẫu xe thương mại, ví dụ như những chiếc LMP1 hoặc LMDh thi đấu tại Le Mans hàng năm, như Porsche 919, Audi R18 hay Toyota TS050.

Tinhte_GT5.jpg
  • Grand Tourer: Nhân vật chính của bài viết này. Đó là những chiếc xe được thiết kế phục vụ cho nhu cầu thể thao tốc độ ngay từ khi được phác thảo trên giấy, và các hãng phải sản xuất một số lượng tối thiểu những chiếc xe với thông số kỹ thuật tương tự như xe đua, nhưng vẫn phải đủ hợp pháp để chạy ngoài đường. Quá trình này gọi là homologation. Những chiếc Grand Touring thường dựa trên những chiếc xe thể thao hiệu suất cao.

Tinhte_GT6.jpg
  • Tourer: Khác với Grand Tourer, thể thức này thường dựa trên những mẫu xe phổ biến hơn như sedan hay hatchback. Dĩ nhiên những chiếc xe đua đều được tùy chỉnh rất nhiều so với xe thương mại, từ thân vỏ, phanh, lốp và cả động cơ, nhưng vẫn phải giữ nguyên dáng vẻ gốc của xe thương mại.

Tinhte_GT7.jpg
  • Vì quy mô nội dung bài viết chỉ tập trung vào thể thức Grand Touring, nên những thể thức như stock car bên Mỹ, kart racing, rally hay rally cross, rally hoặc drag racing xin phép gộp chung vào một phần để bài không quá rườm rà.

Chỉ đứng sau hai thể thức Open Wheel và Sport Prototype về mức độ phức tạp cũng như tốc độ của xe hoàn thành một vòng đua, Grand Tourer, những thể thức từ GT3, 4, hay trước đó có cả GT1 và GT2 thường là một trong những thể thức rất nổi tiếng, vì hình dáng xe không quá xa lạ so với những đường nét của phiên bản thương mại mà các hãng bán ra thị trường. Lấy ví dụ chiếc 911 GT3R đời 2019 đang tham gia GT World Challenge có thể có cánh gió sau rất khủng, hoặc gầm xe rất gần với mặt đường nhựa, nhưng hình dáng của nó không khác biệt quá nhiều so với chiếc 911 GT3RS thế hệ 991.2 bản thương mại:

[​IMG]

Lý do là, chiếc 911.2 GT3RS chính là phiên bản homologation để Porsche có thể đem chiếc 911 GT3R đi thi đấu tại các giải đua trên toàn thế giới. Bên trong chiếc xe thương mại hóa cũng là khối động cơ vận hành ở vòng tua 9000 rpm. Nhưng phiên bản thương mại của GT3R được tùy chỉnh để đáp ứng mọi yêu cầu của luật giao thông đường bộ các nước, và cả những chi tiết an toàn cho tài xế.

Quảng cáo


Một ví dụ khác chính là xe của Cuhiep, chiếc BMW Series 6 thế hệ F06 bốn cửa. Phiên bản grand tourer 2 cửa của Series 6 cùng platform nhưng có tên mã F13, và đó là nền tảng để chiếc M6 GT3 ra đời vào năm 2016:

Tinhte_GT2.jpg

Trước kia, đây là sân chơi của các hãng xe nổi tiếng so tài để tìm ra người chiến thắng. Nhưng tranh tài kiểu này cũng hơi giống F1 của mấy năm trước, ai nhiều tiền hơn thì thắng, còn những cái tên khác không có được thành công thì bỏ cuộc, dừng phát triển xe mới. Đã biết bao nhiêu lần những giải đua ấn tượng và nghẹt thở phải dừng bước đơn giản vì các đơn vị tham gia không chịu nổi áp lực tài chính, hoặc vì hệ quả của những lần khủng hoảng tài chính toàn cầu quãng năm 1997 hay 2008…

Vì thế, giờ đây thể thức Grand Tourer được các đơn vị quản lý và tổ chức giải đấu như FIA, ACO hay IMSA đặt ra luật lệ rất nghiêm ngặt để đảm bảo khả năng cạnh tranh công bằng của các đội và các tay đua. Bản thân mô hình kinh doanh của các hãng như BMW, Aston Martin, Ferrari hay Lamborghini đối với thể thức này cũng đã thay đổi. Họ nghiên cứu xe mới không chỉ để phục vụ cho đội đua gà nhà, mà còn bán xe cho bất kỳ đội đua nào muốn tham gia nữa.

Tinhte_GT8.jpg

Lấy ví dụ ở giải GT World Challenge Europe Endurance Cup, các đội đua đều là các đơn vị tư nhân mua xe và có sự trợ giúp về mặt kỹ thuật từ hãng, như AF Corse chạy Ferrari 488 GT3 Evo 2020, Team WRT có sự phục vụ của huyền thoại Valentino Rossi sau khi giải nghệ motoGP thì chạy Audi R8 LMS Evo II, và ROWE Racing thì chạy M4 GT3 phiên bản mới. Các đội đua này đều bỏ tiền mua xe từ hãng. Và hãng xe sản xuất nhiều xe đua nhất để phục vụ các đội đua tư nhân hiện tại chính là Porsche, với doanh số lên tới 400 chiếc một năm, từ 718 GT4 Clubsport cho đến 911 GT3 Cup, 911 GT3R và 911 GT3 RSR…

Quảng cáo


Cover_GT.jpg

Giá của một chiếc xe đua là bao nhiêu? Lấy ví dụ chiếc 488 GT3 của Ferrari có giá niêm yết cho các đội đua là 614.400 USD. Audi R8 LMS Evo giá khoảng 515.000 USD, Huracan GT3 Evo của Lamborghini khoảng 525.000 USD… Nhưng đi kèm với mức giá này là những con quái vật về tốc độ, cùng với sự trợ giúp của các kỹ sư thuộc các hãng, làm việc chung với kỹ sư và thợ máy của các đội đua.

Không phải chiếc GT3 nào cũng giống nhau


Cái tên Group GT3 chỉ chung những điều luật để xác định một chiếc xe đua có được tham gia những giải áp dụng điều luật và thể thức này hay không, do FIA soạn thảo và chỉnh sửa qua từng năm. Hiện tại một chiếc GT3 phải đáp ứng những điều kiện cơ bản sau:

  • Trọng lượng ướt dao động trong ngưỡng từ 1200 đến 1300kg, bao gồm cả tay đua, xăng và những chất lỏng cần thiết như dầu nhớt, dầu phanh, v.v…
  • Tạo ra từ 500 đến 600 mã lực, hoặc đáp ứng tỷ lệ sức mạnh/trọng lượng tương đương nhau để đảm bảo khả năng vận hành công bằng. Chính nhờ điều luật cân bằng sức mạnh này mà một chiếc xe nặng nề như Mercedes-AMG GT3 có thể cạnh tranh được với những chiếc xe nhẹ hơn nhiều như R8 LMS hay 911 GT3R.
  • Đối với những giải đua thuộc hệ thống của FIA quản lý, xe có thể trang bị ABS, kiểm soát bám đường và phải có chân khí nén dưới sàn xe để thay lốp.
  • Mỗi chiếc xe để được xác nhận tham gia thể thức GT3 sẽ phải sản xuất một số lượng nhất định xe phiên bản thương mại để bán ra thị trường. Luật mới nhất được FIA sửa đổi vào năm 2018 yêu cầu trong năm đầu tiên khi xe được xác nhận, hãng sẽ phải sản xuất 10 chiếc xe đua, và trong 2 năm tiếp theo là 20 chiếc. Điều luật này được đưa ra để ngăn các hãng tạo ra những chiếc GT3 không có giá trị thương mại, chỉ chú trọng tới việc đem xe đi đua.

Tinhte_GT9.jpg

Nhờ đó, chúng ta có những phiên bản thương mại như 718 Cayman GT4RS, Mercedes-AMG GT R, Lamborghini Huracán Evo GT Celebration…

Tuy nhiên, cùng là GT3, nhưng mỗi giải, với ban tổ chức khác nhau, lại có những điều luật khác nhau. Ví dụ 911 GT3R có ABS và TCS, còn 911 GT3 Cup dùng trong các giải “one make”, tức là chỉ dùng chung một loại xe để đua cho công bằng, thì không có. Tương tự như vậy là yêu cầu về sức mạnh động cơ, khí động học, trọng lượng xe, vân vân…

Tương tự như thế là GT4


Số càng to thì sức mạnh và tốc độ của những chiếc xe thuộc thể thức này càng giảm. GT4 cũng không phải ngoại lệ. Bản chất những chiếc Grand Tourer chạy ở thể thức GT4 hầu hết cũng là những phiên bản thương mại hóa của những siêu xe hoặc xe thể thao nổi tiếng, nhưng được tinh chỉnh để động cơ chạy khỏe hơn, trang bị lốp bám đường hơn, phanh ăn hơn… Trông những chiếc GT4 giống với xe thương mại nhất, vì giới hạn rất rõ ràng mà các đội được quyền trang bị những tính năng khí động học cho xe:

[​IMG]

Đôi khi, một đội đua sẽ mua xe GT4 do nhà sản xuất lắp ráp sẵn, nhưng cũng có lúc, họ sẽ điều chỉnh lại một chiếc xe thương mại theo nhu cầu riêng, và tuân thủ điều luật được thay đổi qua từng năm. Và một thế hệ xe có thể tồn tại vài năm, với những phiên bản “Evo” nâng cấp nhẹ bên trong và bên ngoài để phù hợp hơn với luật lệ thi đấu. Đấy chính là lý do ở thể thức GT3, BMW vừa cho ra mắt chiếc M4 GT3 “răng vẩu” thế hệ G82 mới toanh, nhưng ở thể thức GT4, họ vẫn chạy chiếc M4 đời F82.

Thế còn GT1, GT2 thì sao?


Hai cụm từ này ngày nay không còn được sử dụng nữa, nhưng GT1 và GT2 là những trang quá khứ huy hoàng của thể thao tốc độ.

Tinhte_GT11.jpg

GT2 giờ được đổi tên thành GTE, là những chiếc xe chạy đường trường tham gia giải World Endurance Championship (WEC) hoặc European Le Mans Series. Đó là nơi những chiếc xe từ những cái tên đáng nể nhất ngành xe hơi toàn cầu tranh tài trong những cuộc đua kéo dài từ 6 tiếng (Spa-Francorchamps) cho tới 24 tiếng (Le Mans), qua đó thử thách sức bền của cả chiếc xe và tay đua ở mức tối đa. Năm nay nếu theo dõi mùa giải WEC, anh em sẽ được xem lính mới Corvette C8.R tranh tài với những chiến binh lão luyện là Ferrari 488 GTE Evo và Porsche 911 RSR-19. Và Group GTE (GT2) cũng phải tuân thủ những quy định như:

  • Trọng lượng ướt tối thiểu 1.245 kg
  • Chiều dài tối đa 4.800 mm
  • Chiều rộng xe tối đa 2.050 mm
  • Dung tích xy lanh: Hút khí tự nhiên không quá 5.5L, tăng áp/siêu nạp không quá 4.0L
  • Dung tích bình xăng tối đa: 90L

Nhưng chí ít thì Group GT2 vẫn còn tồn tại được cho tới tận ngày nay vì sự liên quan tới những chiếc xe thương mại, hình dáng vẫn tương đối giống. Còn Group GT1 lừng lẫy một thời, sau vài lần khủng hoảng tài chính, không còn là một giải pháp hợp lý để các hãng tìm được thành công trên cả đường đua lẫn trên thị trường nữa.

Tinhte_GT12.jpg

Trong suốt quãng thời gian Group GT1 tồn tại, từ năm 1997 đến 2011, lần lượt những siêu xe được phát triển riêng chỉ để chinh phục đường đua đã ra đời. Sự hiện diện của chúng thực sự không đem lại nhiều thành công về mặt tài chính, nhưng về mặt hình ảnh, chúng đã trở thành những hình tượng bất tử trong thế giới xe hơi. Từ chiếc CLK GTR của Mercedes Benz, cho tới chiếc 911 GT1 với thiết kế rất khác lạ, hay chiếc F1 GTR đời 1995, đó đều là những chiến mã tồn tại cùng lịch sử thể thao tốc độ. Khi nhu cầu tạo ra những mẫu xe dạng prototype không liên quan tới hình dáng những chiếc xe thương mại được đưa ra, dần dần những thể thức như GT1 hay Group C ngày xưa biến thành LMP (Le Mans Prototype) hay sau này là LMDh (Le Mans Daytona hypercar).

Vì sao xe đua không được chạy ngoài đường?


Lý do thì nhiều lắm. Dù dáng vẻ của những chiếc GT3 hay GT4 giống với xe thương mại anh em thấy ngoài đường, nhưng chúng thường không đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chuẩn để xe có thể tham gia giao thông đường bộ. Có thể là vì động cơ tạo ra lượng khí thải hoặc tiếng ồn quá lớn, hoặc cũng có thể thân xe và nội thất xe không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Cứ lấy ví dụ những dàn diffuser khổng lồ để tạo ra luồng khí áp suất cực thấp dưới sàn xe, qua đó tạo ra downforce để xe đua bám đường, anh em sẽ thấy không một chiếc GT3 nào chạy nổi ngoài đường mà không gặp hỏng hóc cả:

Tinhte_GT13.jpg

Hay một lý do khác, nhìn vào bên trong buồng lái, những trang bị an toàn có thể tốt hơn xe thương mại, nhưng không có túi khí hoặc những trang bị làm tăng tính tiện dụng cho chủ xe. Hay chính bản thân hệ thống đèn xe hoặc vô lăng và còi cũng đã không tuân theo tiêu chuẩn giao thông rồi.

Tinhte_GT144.jpg

Thứ quan trọng tiếp theo khiến xe đua chỉ được chinh chiến trong những đường đua khép kín chính là bộ lốp. Lốp xe đua tập trung tạo ra diện tích bề mặt bám đường rộng nhất có thể, và đôi khi trong quá trình một cuộc đua diễn ra, một chiếc xe sẽ đổi vài bộ lốp. Điều này là bất khả thi đối với xe thương mại. Ví dụ lốp của 911 GT3 RS bản thương mại ở bên trái, và lốp slick chạy đường khô của Michelin trong những cuộc đua Le Mans ở bên phải:

Tinhte_GT15.jpg

Đấy là còn chưa kể đến những lý do về mặt vận hành, ví dụ như sức mạnh mà động cơ gửi qua bộ truyền động và hộp số để đến hai bánh sau quá lớn, có khi giẫm ga lố là mất lái. Những chiếc xe đua GT3 và GT4 đích thực không phải dành cho tất cả mọi người. Mà thực tế, trong hàng chục, hàng trăm triệu người sở hữu ô tô, chỉ có một bộ phận rất nhỏ, vài trăm người là đủ khả năng để chạy những chiếc xe đó tranh tài trên các đường đua. Còn đối với phần đông chúng ta, những phiên bản homologation là quá đủ, lấy điều kiện anh em có đủ tiền sở hữu chúng.

Tổng hợp
18 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

lên ảnh em nào cũng sexy
@llllyllllr NgoÀi đời còn sẹc xi hơn 😁
Con 911 GT3 RS trong NFS Carbon 2006 mãi mới unlock được nó lái phê vl, lại thêm quả khung thép hầm hố trong cabin nữa 😄
@vhhai_c3 Bản này cũng lâu lắm rồi, cầm viper drift đổ đèo rất phê, ăn theo phim Tokyo drift.
Đa số 100% ko ai đọc bài chỉ muốn hóng đc chữ đc hay k chạy ở phố :v
tại sao lí do của gt1 biến mất lại là kinh tế nhỉ? lmp vẫn phải đắt hơn chứ?
Thế con Kia GT line thì là dòng nào vạy mod 😂
@vuanhk10 thì nó vẫn là những con grand tourer rộng rãi thôi, thêm số mới thành vấn đề
đam mê nho nhỏ :718 cayman hoặc ZR1 😁
@kixx má, 718 tune giảm xóc ngồi con đó chạy ở đường VN mà muốn trĩ...
Mong sắm được e vios thần thánh. Mấy e kia không mơ 😆
nhìn ảnh xe đã mắt quá
Đọc phê quá! Cảm ơn Mod.
bookmarks
ĐẠI BÀNG
3 năm
bài viết chi tiết, hay
oxechip
TÍCH CỰC
3 năm
Nhìn xe đẹp mê lun
Đọc mà thích nhìn xe
bài viết có đầu tư chất lượng, người đọc bị cuốn theo nội dung sẽ không đi soi chính tả nữa
cố gắng phát huy nhé.
Trân trọng
Bảo sao con bmw m4 GT và porsche GT3 rẻ hơn, nhưng chạy phê nòi hơn hẳn lampo và ferrary thường
Năm rồi Corvette C8.R cũng top 3 dù tân binh. Mà mấy em đó nhìn con nào cũng ngon cả.

Xu hướng

Bài mới








  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2025 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019