Hiệu ứng đám đông tồn tại trong mọi cộng đồng con người và có thể được hiểu là những suy nghĩ hoặc hành vi chịu ảnh hưởng từ người khác.
Nhà tâm lý học xã hội Gustave Le Bon đã viết trong cuốn sách nổi tiếng “Tâm lý học đám đông” của ông:
Những câu chữ này được viết vào giữa thế kỷ 20 nhưng cho đến hiện tại, nó vẫn giữ nguyên tính thời sự. Ngày nay, chúng ta hay tự hào về chủ nghĩa cá nhân như là một trào lưu của thời đại mới. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận một điều, con người vẫn suy nghĩ và hành động theo những đám đông.
Trong bài viết hôm nay, Vũ sẽ giới thiệu đến các bạn thuật ngữ “hiệu ứng đám đông”. Hiệu ứng đám đông là gì? Nguồn gốc của hiệu ứng đám đông là từ đâu? Cách vận hành của hiệu ứng đám đông trong thực tế? Đây là những câu hỏi sẽ được giải đáp trong chủ đề lần này.
Bài viết sử dụng tư liệu từ Nudgify với những phân tích của tác giả Stephen Courtney. Đội ngũ tại Vũ xin phép được biên tập, biên dịch và chia sẻ đến các bạn những kiến thức hữu ích này.
Nhà tâm lý học xã hội Gustave Le Bon đã viết trong cuốn sách nổi tiếng “Tâm lý học đám đông” của ông:
Thời đại mà chúng ta đang bước vào sẽ là thời đại của những đám đông.
Những câu chữ này được viết vào giữa thế kỷ 20 nhưng cho đến hiện tại, nó vẫn giữ nguyên tính thời sự. Ngày nay, chúng ta hay tự hào về chủ nghĩa cá nhân như là một trào lưu của thời đại mới. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận một điều, con người vẫn suy nghĩ và hành động theo những đám đông.
Trong bài viết hôm nay, Vũ sẽ giới thiệu đến các bạn thuật ngữ “hiệu ứng đám đông”. Hiệu ứng đám đông là gì? Nguồn gốc của hiệu ứng đám đông là từ đâu? Cách vận hành của hiệu ứng đám đông trong thực tế? Đây là những câu hỏi sẽ được giải đáp trong chủ đề lần này.
Bài viết sử dụng tư liệu từ Nudgify với những phân tích của tác giả Stephen Courtney. Đội ngũ tại Vũ xin phép được biên tập, biên dịch và chia sẻ đến các bạn những kiến thức hữu ích này.
Hiệu ứng đám đông là gì?
Chúng ta nên tìm hiểu thuật ngữ “hiệu ứng đám đông” bằng cách phân tách hai thành phần tạo thành nên nó: “hiệu ứng” và “đám đông”.
“Hiệu ứng” là sự thay đổi về ý nghĩa, bản chất hay hành vi của một sự vật, sự việc khi chịu tác động của một tác nhân nhất định. Nói cách khác, “hiệu ứng” bao hàm nguyên nhân và kết quả của sự vật hay sự việc đó.
Trong khi đó, theo nghĩa thông thường, “đám đông” biểu thị sự hợp nhất từ những cá nhân bất kỳ, không phân biệt dân tộc, nghề nghiệp hay giới tính, và cũng bất kể sự ngẫu nhiên nào đã tập hợp đám đông đó lại.
Nhưng từ quan điểm tâm lý học, thuật ngữ “đám đông” lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Theo các chuyên gia, tính cách của một tập hợp người sẽ rất khác với tính cách của từng cá nhân riêng lẻ tạo thành tập hợp ấy. Lúc này, cá tính và suy nghĩ của cá nhân sẽ biến mất. Thay vào đó, những hành vi, tình cảm và tư tưởng của họ đều hướng theo một mục đích chung. Gustave Le Bon gọi đó là những “đám đông tâm lý”.
Một đám đông có tổ chức mang những hành vi, suy nghĩ và tư tưởng hướng theo một mục đích chung (ảnh: Pexels)
Một vài người vô tình đứng cạnh nhau không thể hình thành một đám đông có tổ chức. Một ngàn người ngẫu nhiên tụ tập ở một quãng trường cũng không thể hình thành nên một đám đông từ quan điểm tâm lý học. Nhưng nếu một ngàn người đó có chung một niềm tin tôn giáo thì lại là một câu chuyện khác.
Một đám đông tâm lý có tổ chức, dù có ý thức hay vô thức, đều được kích thích bởi một vài tác nhân nào đó. Và khi những tác nhân này khiến suy nghĩ, hành động của một nhóm người trở nên đồng nhất với nhau, chúng ta gọi đó là “hiệu ứng đám đông”. Từ đó, có thể hiểu “hiệu ứng đám đông” là một hiện tượng tâm lý khiến chúng ta có xu hướng làm theo hoặc sao chép hành vi của người khác dựa trên một hoặc nhiều nguyên nhân cụ thể.
Quảng cáo
Hiệu ứng đám đông khiến mọi người đồng lòng hỗ trợ một hoàn cảnh bất hạnh trên mạng xã hội. Ngược lại, hiệu ứng đám đông sẽ hình thành một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp, nếu có người chọn đi ngược lại quan điểm của số đông.
Trong kinh doanh, hiệu ứng đám đông trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của mọi doanh nghiệp. Lý do là vì hiệu ứng đám đông là một trong các cách giúp hình thành nên những nhóm khách hàng hoặc người ủng hộ nhiệt thành cho thương hiệu.
Những “đám đông” nổi tiếng nhất hẳn là những người ủng hộ Apple. Họ sẵn sàng chờ cả ngày bên ngoài các cửa hàng Apple để được là những người đầu tiên chiêm ngưỡng các dòng iPhone mới nhất.
Đám đông xếp hàng trước một cửa hàng của Apple (ảnh: barrons)
Thuật ngữ “hiệu ứng đám đông” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1984 bởi nhà tâm lý học Robert Cialdini. Dựa trên công trình nghiên cứu của hai nhà xã hội học Daniel Kahneman và Amos Tversky, Cialdini đã mô tả “hiệu ứng đám đông” như một kiểu “lối tắt” trong quá trình ra quyết định của con người.
Quảng cáo
Dù không phải “trăm lần như một”, nhưng đám đông thường có quyền quyết định về tính đúng đắn của một hành động. Điều này khiến cho sự phổ biến của hành động đó trở nên hiển nhiên trong mắt người khác. Bạn không tin sao? Hãy thử xem xét ví dụ sau.
Trước đây, việc một người dành cả ngày để nhảy múa trước camera sẽ bị cho là bất thường và kỳ quặc. Thế nhưng giờ đây, với sự phổ biến của TikTok và sự tham gia của hàng triệu người, những điệu nhảy trên TikTok được xem như một chuyện vô cùng bình thường và thậm chí còn giúp nhiều người kiếm ra tiền.
Hiệu ứng đám đông thường dễ nhận biết và diễn ra trong thời gian ngắn, như phong trào quyên góp tiền từ thiện; nhưng hiệu ứng đám đông cũng có thể diễn ra trong một thời gian dài và dần dần thay đổi nhận thức, hành vi con người một cách sâu sắc, giống như cách các mạng xã hội đã và đang làm với cuộc sống chúng ta.
Đối với lĩnh vực phát triển thương hiệu, việc hiểu được cách người tiêu dùng ra quyết định và tận dụng những hiểu biết đó là cực kỳ quan trọng. Vậy nên hiệu ứng đám đông có thể trở thành một cung cụ hữu ích giúp thương hiệu gia tăng tỷ lệ chuyển đổi và giảm các phản hồi tiêu cực.
Hiệu ứng đám đông theo định nghĩa của chuyên gia
Mặc dù nghe có vẻ đơn giản, nhưng hiệu ứng đám đông thường hoạt động theo một mô hình rất phức tạp. Hiệu ứng đám đông bao gồm những hình thức sau đây:
- Hiệu ứng đám đông vì ảnh hưởng từ xã hội: chấp nhận niềm tin và lựa chọn của mọi người xung quanh một cách vô thức.
- Hiệu ứng đám đông vì ý thức về sự phù hợp: sẵn sàng bắt chước hành vi của người khác.
- Hiệu ứng đám đông tuân thủ: sao chép hành vi của người khác nhưng vẫn duy trì sự khác biệt của bản thân
- Hiệu ứng đám đông vì ảnh hưởng bởi chuẩn mực của xã hội: làm theo số đông vì sự chấp thuận hoặc chấp nhận của người khác
Để hiểu được điều gì khiến quyết định của một người bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông xung quanh anh ta, chúng ta cần hiểu được nguồn gốc của hiện tượng này. Jochen Grunbeck, tác giả của quyển sách “Smart Persuasion” (tạm dịch: Thuyết phục thông minh) đã giải thích cách mà hiệu ứng đám đông hoạt động.
Jochen Grunbeck là chuyên gia về hành vi người tiêu dùng, đồng thời là tác giả của quyển sách “Smart Persuasion” (ảnh: nudgify)
PV: “Hiệu ứng đám đông nghĩa là gì, và khi nào thì xảy ra hiệu ứng đám đông?”
Hiệu ứng đám đông là một hiện tượng tâm lý khiến mọi người tuân theo một hành động cụ thể. Nó tạo ra một loại tâm lý bầy đàn trong xã hội. Hiệu ứng đám đông xảy ra bởi vì mọi người có xu hướng quyết định mọi thứ dựa trên cảm giác trong một thời gian rất ngắn, thay vì dành hàng giờ để xuy xét vấn đề đó.
Sao chép những gì người khác đã làm là một lựa chọn có vẻ an toàn, dễ dàng và nhanh chóng. Nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ nhận ra hiệu ứng đám đông ở khắp mọi nơi.
Ví dụ, các nhà hàng là một trong những nơi áp dụng hiệu ứng đám đông hiệu quả nhất. Nhà hàng sẽ được cho là chất lượng nếu xuất hiện một hàng người xếp hàng chờ đến lượt mình. Các trang web kinh đoanh cũng làm điều tương tự với nhiều cách khác nhau.
PV: “Chúng ta tìm thấy hiệu ứng đám đông ở đâu?”
Đối với những trang web thương mại điện tử, hiệu ứng đám đông được xây dựng trong những chức năng cơ bản của những trang web này. Các mục hiển thị, nhận xét, đánh giá, hay xếp hạng của sản phẩm đều được thiết kế để xây dựng cảm giác thống nhất đối với nhóm người dùng. Điển hình như những điểm chấm sao, chúng có tác động rất lớn đến doanh số bán hàng. Vì vậy chúng vô cùng giá trị đối với thương hiệu.
Tuy nhiên, cần lưu ý là hiệu ứng đám đông là một hiện tượng có tính hai mặt. Hiệu ứng đám đông có thể giúp phát triển hoặc phá tan công sức xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những thương hiệu mới, nơi hiệu ứng đám đông là cách tốt nhất để xây dựng lòng tin với khách hàng.
Không nhất thiết tất cả mọi người đều phải đánh giá 5 sao cho thương hiệu của bạn, miễn là họ không cảm thấy mình phải là người đầu tiên “khám phá” thương hiệu này.
PV: “Vậy còn đối với một doanh nghiệp hay một website hoàn toàn mới? Họ làm sao để tạo hiệu ứng đám đông khi lượt truy cập cực kỳ thấp?”
Trong trường hợp này, thương hiệu cần nhận được càng nhiều đánh giá từ những người dùng đầu tiên càng tốt. Tuy đó chưa phải là hiệu ứng đám đông đủ mạnh, nhưng khi đó, thương hiệu sẽ cho những người khác một sự tin tưởng khi tiếp cận họ.
Có rất nhiều trang web sử dụng các bản thử nghiệm để thu thập phản hồi kiểu như thế, nhưng thương hiệu cũng có thể dựa vào một số người quen để lấy ý kiến.
PV: “Các website có thể tạo hiệu ứng đám đông giả không? Ông nghĩ gì về việc này, và có cách nào để ngăn họ làm điều đó không?
Những đánh giá giả mạo là một thách thức cực lớn đối với lòng tin của người dùng trong thương mại điện tử. Hiệu ứng đám đông là một cách để khách hàng cảm thấy an toàn khi lựa chọn sản phẩm, vì vậy họ cần biết rằng những gì họ nhìn thấy là thật.
May mắn thay, khách hàng thường khá giỏi trong việc phát hiện các đánh giá giả mạo và những thương hiệu sử dụng hiệu ứng đám đông giả thường mất nhiều hơn được. Dù thế nào thì tôi vẫn là một người ủng hộ nhiệt tình cho hiệu ứng đám đông minh bạch, và tử tế.
Những nghiên cứu về hiệu ứng đám đông
Hiệu ứng đám đông là một hiện tượng tâm lý xuất hiện từ thuở ban đầu của loài người, vì vậy để nghiên cứu kỹ lưỡng thuật ngữ này không phải là chuyện dễ dàng.
Những nghiên cứu ban đầu về hiệu ứng đám đông
Trong khi các giải pháp để tạo ra hiệu ứng đám đông chỉ mới xuất hiện và phổ biến gần đây, sức ảnh hưởng của hiệu ứng đám đông đã được nghiên cứu từ hơn nửa thế kỷ trước.
Năm 1935, nhà tâm lý xã hội học Muzafer Sherif đã chứng minh ảnh hưởng của nhóm lên hành vi của một cá nhân bằng một thí nghiệm với tên gọi thí nghiệm “hiệu ứng động học tự động”.
Trong một căn phòng tối được bố trí sẵn, Sherif chiếu một chấm nhỏ trên tường và yêu cầu người tham gia tập trung vào chấm tròn ấy. Sau một lúc, người xem sẽ cảm thấy chấm tròn có vẻ như đang chuyển động do hiệu ứng Autokinetic, nhưng thật ra chấm tròn đó vẫn đứng yên. Sherif yêu cầu các tình nguyện viên ước tính tốc độ và hướng di chuyển của chấm tròn theo ý kiến của mình.
Kết quả thu được từ thí nghiệm của Muzafer Sherif (ảnh: Nudgify)
Sau đó, ông so sánh phần trả lời của họ khi trả lời một mình và khi trả lời trong nhóm. Và Sherif phát hiện ra rằng, trong hầu hết trường hợp, nhóm sẽ tạo ra một sự thay đổi đáng kể đối với câu trả lời của người tham gia.
Các bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về thí nghiệm này tại đây.
Nghiên cứu gần đây về hiệu ứng đám đông
Gần đây, trong một thử nghiệm vào năm 2008, Mathew Salganik – giáo sư xã hội học tại đại học Princeton – đã nghiên cứu tác động của hiệu ứng đám đông đối với sở thích cá nhân.
Salganik đã tạo ra một nền tảng chia sẻ âm nhạc với mức độ phổ biến được lập trình sẵn. Tức là, những bài hát trên nền tảng đó là thật, nhưng bảng xếp hạng của chúng là do Salganik tạo ra theo trật tự của riêng mình.
Một số bài hát, bao gồm cả những bài hát ít nổi tiếng nhất thuộc danh sách trên, đã được tăng thứ hạng một cách có chủ đích. Đáng chú ý, Salganik nhận ra rằng các bài hát có độ nổi tiếng được nâng lên có chủ đích đó đã trở thành “bài tủ” của một vài người tham gia.
Salganik kết luận rằng: “… hầu hết những dự đoán dành cho các bản nhạc đều trở thành sự thật… nhận thức về mức độ nổi tiếng, dù ban đầu sai hoàn toàn, đã trở thành sự thật theo thời gian…”
Hiệu ứng đám đông trong tiếp thị
Năm 1969, chuyên gia tiếp thị Cavett Robert đã xuất bản quyển sách “Human Engineering and Motivation” (tạm dịch: Kỹ thuật con người và Động lực). Trong một phần nơi Robert nói về việc bán hàng cho “Quý ông Jones”, ông đã viết như sau:
95% loài người là những kẻ bắt chước và chỉ có 5% là những người tiên phong… Mọi người đều bị thuyết phục bởi hành động của người khác hơn là bất kỳ bằng chứng khoa học nào mà chúng ta có thể đưa ra.
Tuy nhiên, phải mất 15 năm sau,thuật ngữ “hiệu ứng đám đông” mới được sử dụng chính thức trong các hoạt động tiếp thị. Nhà tâm lý học và đồng thời là nhà tiếp thị Robert Cialdini đã giới thiệu cụm từ “hiệu ứng đám đông” trong quyển sách mang tựa đề “Influence” (tạm dịch: Ảnh Hưởng) được xuất bản năm 1984.
Hiệu ứng đám đông được Cialdini xem như một trong sáu nguyên tắc để thuyết phục của mình. “Influence” của Cialdini đã được đúc kết từ quá trình nghiên cứu của ông cùng nhà xã hội học Noah Goldstein.
Năm 2008, họ tiến hành một nghiên cứu về ảnh hưởng của hiệu ứng đám đông đối với hành vi của những người thuê phòng tại các khách sạn. Thí nghiệm này nhằm so sánh hiệu quả của các hình thức truyền đạt khác nhau trong việc thuyết phục khách hàng tái sử dụng khăn tắm. Các nhà khoa học so sánh hai dấu hiệu: một bên là lấy lý do bảo vệ môi trường và một bên chỉ đơn giản lưu ý rằng phần lớn khách hàng đều sử dụng lại khăn tắm.
Nhóm A: Giúp bảo vệ môi trường thông qua việc tái sử dụng khăn tắm
Nhóm B (Hiệu ứng đám đông): Chung tay cùng những vị khách khác để bảo vệ môi trường
Kết quả, những người thuộc nhóm A đã sử dụng lại khăn của mình trong 35,1% thời gian. Trong khi đó, những người thuộc nhóm B sau khi lắng nghe thông điệp mang tính “hiệu ứng đám đông” trên đã tái sử dụng khăn tắm trong hơn 44,1% thời gian
Thử nghiệm này cùng nhiều nghiên cứu khác đã dấn đến những cuộc thảo luận nghiêm túc giữa các nhà hoạch đính chính sách về tính đạo đức và hiệu quả của việc sử dụng hiệu ứng đám đông như một công cụ định hướng hành vi của mọi người.
Những ví dụ về hiệu ứng đám đông
Như Vũ đã viết ở trên, hiệu ứng đám đông hiện diện ở khắp mọi nơi. Những ví dụ bên dưới sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng tâm lý này.
Ví dụ về hiệu ứng đám đông trong cuộc sống hàng ngày
Những nhà quảng cáo thường gia tăng lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm bằng cách tận dụng hiệu ứng đám đông. Thay vì thuyết phục chúng ta bằng các số liệu khô khan về thành phần dinh dưỡng, hoặc chứng nhận khoa học,… họ dựa vào giả định về việc mọi người luôn cho rằng những người xung quanh hẳn đang đưa ra những lựa chọn tốt hơn mình.
Một quầy hàng siêu thị có nhiều người vây quanh sẽ tạo cảm giác an tâm hơn một quầy vắng khách, dù cho nó sở hữu bao nhiêu giấy tờ chứng minh chất lượng. Một dòng chữ “97% khách hàng của chúng tôi hài lòng về sản phẩm” chắc chắn sẽ có sức nặng trong tâm trí khách hàng hơn mọi nghiên cứu hay lý luận khoa học nào khác.
Ít ai biết rằng, cựu Tổng Thống Mỹ Ronald Reagan từng là một diễn viên và tham gia quảng cáo cho các hãng thuốc lá (ảnh: DesignHistory)
Chiến lược hiệu ứng đám đông là một hình thức truyền thông nổi bật đối với sản phẩm thuốc lá thời kỳ đầu, và gần đây, nó được sử dụng để khuyến khích những người hút thuốc từ bỏ hành vi độc hại này. Các nhà khoa học đã chứng minh ra rằng ảnh hưởng của nhóm là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc. Chẳng phải câu cửa miệng của những đứa trẻ này khi được hỏi lý do hút thuốc đều là “bạn bè rủ rê” hay “vì thấy người thân sử dụng nên thử” hay sao?
Một trong những ví dụ kinh điển khác về cách ứng dụng hiệu ứng đám đông trong tuyên truyền chính là Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến. Những tấm áp phích khuyến khích mọi người tham gia quân ngũ để phục vụ và bảo vệ tổ quốc đã tạo nên một hiệu ứng đám đông lan truyền mạnh mẽ giữa người dân của quốc gia đó. Dù cho ngày nay, các cơ quan và chính quyền địa phương thường sử dụng các hình thức tinh vi hơn để thay đổi hành vi của công chúng, thì hiệu ứng đám đông đã được áp dụng từ rất lâu.
Những áp phích cổ động thời chiến là ví dụ điển hình của việc áp dụng hiệu ứng đám đông (ảnh: Pinterest)
Vào năm 2014, một trường học ở Hà Lan đã tăng doanh số bán trái cây trong căn tin của mình lên đến 35% bằng cách đặt các áp phích quanh trường tuyên bố rằng hầu hết học sinh đều có ý thức về sức khỏe.
Ở quy mô lớn hơn, các nhà khoa học đã giảm được 30% mức thiệt hại môi trường của những doanh nghiệp sản xuất giấy, trong một chiến dịch được thực hiện tại Ấn Độ vào năm 2011. Những nhà khoa học phát hiện ra rằng, chỉ cần xếp hạng các doanh nghiệp giấy theo hệ thống “Xếp hạng xanh” và chia sẻ kết quả cho họ, những doanh nghiệp đó sẽ tự động thay đổi để tăng thứ hạng của mình.
Mô hình The Innovation Adoption Curve (ảnh: forbes)
Mô hình Innovation Adoption Curve trên đây biểu thị khả năng thích ứng với sự đổi mới của 5 nhóm người khác nhau, bao gồm:
- Nhóm người đổi mới: là những người chấp nhận rủi ro và là người đầu tiên thử nghiệm những sản phẩm mới.
- Nhóm người thích nghi nhanh: nhóm người này cần nhiều thông tin hơn trước khi thử và là người phổ biến sản phẩm đến công chúng
- Nhóm người chấp nhận sớm: họ cần nhiều thời gian hơn nhóm “thích nghi nhanh” trước khi sử dụng sản phẩm
- Nhóm người chấp nhận muộn: những người sử dụng sản phẩm vì áp lực của cộng đồng, khi ai cũng dùng chung một sản phẩm
- Nhóm người lạc hậu: đúng như tên gọi, khách hàng lạc hậu tụt lại so với cộng đồng nói chung trong việc áp dụng các sản phẩm tân tiến và ý tưởng mới. Điều này chủ yếu là vì họ không thích rủi ro và mong muốn các lựa chọn an toàn, quen thuộc
Dễ nhận thấy, đỉnh điểm của đường cong này nằm ở nhóm “chấp nhận sớm” và “chấp nhận muộn”. Đó là thời điểm mà hiệu ứng đám đông có sức ảnh hưởng lớn nhất.
Đối với những thương hiệu có sản phẩm có yếu tố công nghệ hoặc mang tính đột phá, họ sẽ cần lượng người dùng ban đầu phải thật nhiều để kiểm tra sản phẩm. Nhưng không phải ai cũng nằm trong nhóm “đổi mới” và “thích nghi nhanh”, và phần lớn mọi người đợi cho đến khi những người khác dùng thử trước rồi mới đến lượt mình. Do đó, các công ty công nghệ thường phóng đại quá mức về mức độ phổ biến của các giải pháp của họ, từ đó thu hút nhiều người sử dụng hơn.
Ví dụ về hiệu ứng đám đông trong thương mại điện tử
Hiệu ứng đám đông là một phần quan trọng khi kinh doanh thương mại điện tử vì khách hàng sử dụng hiệu ứng đám đông để đánh giá những thứ mà họ không thể nhìn thấy hoặc không chạm được thực tế.
Các trang web nổi tiếng như Amazon, hay ở Việt Nam là Tiki, Shopee, đều khuyến khích người dùng của mình đánh giá sản phẩm (và nếu được thì đính kèm hình ảnh thực tế). Họ hiểu rằng chúng ta sẽ tin tưởng một sản phẩm nếu nó được đã được sử dụng và đánh giá từ những người mua hàng khác.
Khách hàng luôn xem xét phần đánh giá ở các trang web thương mại điện tử (ảnh: Tiki)
Đánh giá của khách hàng và số lượng người đã mua sản phẩm xuất hiện trong hầu hết các trang mua hàng trực tuyến. Nó giúp xây dựng niềm tin vào sản phẩm và tạo cảm giác “cấp bách” khi mua hàng. Ngoài ra, hiệu ứng đám đông trong môi trường kinh doanh cũng bao gồm các hình thức như đề xuất “những người giống bạn” và những tiêu “câu view”.
Ví dụ về hiệu ứng đám đông trong tiếp thị trực tuyến
Sử dụng số liệu thống kê trong tiêu đề là một cách hiệu quả để ứng dụng “hiệu ứng đám đông” khi viết nội dung. Đây là ví dụ tại những trang web nổi tiếng:
- 91,9% chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng độ nổi tiếng của họ chiếm ít nhất 25% giá trị của công ty (PR Week, 2018)
- 83% khách hàng tin tưởng các đánh giá và xếp hạng nhiều hơn quảng cáo (StatusLabs, 2019)
- Xếp hạng sao giúp tăng doanh số cao nhất trên tất cả các danh mục sản phẩm là từ 4,2 đến 4,7 sao (Spiegel, 2019)
- Điểm sản phẩm tăng thêm một sao có thể tăng doanh số bán hàng từ 7% đến 9% (Harvard Business School, 2016)
- Chỉ có 5% khách hàng sử dụng sản phẩm từ những thương hiệu xếp hạng 1 sao (RevLocal, 2018)
- Chỉ có 53% người dùng xem xét sử dụng một sản phẩm hoặc doanh nghiệp có số điểm dưới 4 sao (BrightLocal, 2019)
- 84% người tin tưởng những đánh giá sản phẩm trong vòng 3 tháng trở lại và chỉ 1% tin tưởng những đánh giá từ hơn một năm trước (BrightLocal, 2019)
- 95% khách hàng cho biết họ thường đọc các bài đánh giá trước khi mua hàng (Spiegel, 2019)
- 72% khách hàng nói rằng họ không bao giờ mua hàng cho đến khi họ xem qua các bài đánh giá (Testimonial Engine, 2019)
- Một sản phẩm sở hữu 5 bài đánh giá có khả năng được mua cao hơn đến 270% so với những sản phẩm không có đánh giá nào (Spiegel, 2019)
- 82% người tiêu dùng tìm kiếm những đánh giá tiêu cực để chắc chắn rằng sản phẩm được đánh giá minh bạch (PowerReviews, 2015)
- Một khách hàng trung bình đọc 10 bài đánh giá trước khi cảm thấy có thể tin tưởng vào một thương hiệu (BrightLocal, 2019)
Sử dụng KOLs hay Influencer cũng là một hình thức áp dụng hiệu ứng đám đông trong tiếp thị trực tuyến. Những bài viết quảng cáo của những người nổi tiếng tạo ra một sức hút rất lớn đối với công chúng. Tại Việt Nam, kiểu tiếp thị này lại càng phổ biến hơn khi các ngôi sao được quan tâm ngày càng nhiều.
Lời kết
Internet và mạng xã hội ngày càng cung cấp cho chúng ta một lượng lớn sự lựa chọn và thông tin khổng lồ. Vì vậy, người tiêu dùng đang phải sử dụng “lối tắt tinh thần” để giúp xử lý khối lượng thông tin đó. Những lối tắt đó lại được định hình bằng hiệu ứng đám đông – thứ tồn tại trong mọi cộng đồng.
Các lối tắt giúp mọi người quyết định nên mua sản phẩm nào hoặc có nên tin tưởng một trang web hay không. Bằng cách tìm hiểu những hiệu ứng tâm lý này, các thương hiệu có thể tạo ra những trang web có trải nghiệm tốt và thuyết phục hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý, hiệu ứng đám đông là một hiện tượng có tính hai mặt. Hiệu ứng đám đông có thể giúp thương hiệu trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm. Nhưng ngược lại, hiệu ứng đám đông cũng giống như một cơn sóng thần, nó có thể ập đến rất nhanh và cuốn phăng những gì mà thương hiệu đang sở hữu.
Những thương hiệu nhỏ đang tìm chỗ đứng trên thị trường hoặc những thương hiệu phải cạnh tranh trong một môi trường khốc liệt cần phải cân nhắc kỹ khi muốn ứng dụng hiệu ứng đám đông trong việc kinh doanh của mình. Qua bài viết hôm nay, Vũ hy vọng các bạn đã có những kiến thức tổng quan về hiệu ứng tâm lý thú vị này.
Xin chân thành cảm ơn,
Nguồn bài viết: https://vudigital.co/hieu-ung-dam-dong-la-gi-va-3-vi-du-pho-bien.html