Tại triển lãm IMDEX ASIA 2015, mình cũng đã có dịp ghé thăm một trong số 2 tàu hộ tống của hải quân Indonesia với tên gọi KRI John Lie (358) thuộc lớp Corvette Bung Tomo. So với các tàu khu trục đang neo đậu tại căn cứ hải quân Changi thì tàu KRI John Lie (358) nhỏ hơn hẳn, tuy nhiên về số lượng vũ khí mang theo thì không hề thua kém.
KRI John Lie (358) được đóng bởi BAE Systems Marine - một phân nhánh chuyên đóng tàu chiến của công ty hàng không, an ninh và phòng thủ đa quốc gia BAE Systems thuộc Anh. Tàu được hạ thủy tháng 1 năm 2001 và hiện thuộc biên chế của hải quân Indonesia. Tên của tàu được đặt theo tên của vị anh hùng dân tộc John Lie.
Tàu có trọng lượng giãn nước 1940 tấn, mớn nước 3,6 m. Tổng chiều dài thân tàu 95 m, chiều ngang thân 12,8 m. Tàu dùng 4 động cơ MAN B&W/Ruston Mesin chạy diesel công suất 30,2 MW truyền động cho 2 chân vịt. Tốc độ hành trình cao nhất của tàu vào khoảng 56 km/h. Dưới đây là một vài hình ảnh trên tàu KRI John Lie (358) mình được "trên boong" chiều nay.
Đây là mũi tàu nhìn từ cảng, từ đây chúng ta có thể thấy số hiệu tàu, mỏ neo, ụ canon và tháp chỉ huy.
Bên mạn trái tàu có một cần trục và xuồng cao tốc phục vụ cho hoạt động cứu nạn, thăm dò và đổ bộ. Ngoài ra bên mạn phải cũng có một hệ thống tương tự.
Lên tàu thôi, mọi khách tham quan đều đi lên bằng cầu thang như vậy, trên cầu thang có tên tàu và biểu tượng, thậm chí một số tàu còn có tên gọi riêng ngộ nghỉnh do thủy thủ đặt.
Thủy thủ trên tàu KRI John Lie đã trang trí một chiếc phao làm bảng chào mừng, rất đẹp mắt.
Mình đi xuống một cầu thang nhỏ để xem cận cảnh chiếc xuồng cao tốc này.
Quảng cáo
Ngay dưới cầu thang có một cái chuông hiệu lệnh nhưng không có khắc tên như chiếc mình tìm thấy trên USS Dustin.
Còn đây là boong sau của tàu, cũng chính là sân đáp trực thăng. Thông thường tàu KRI John Lie có thể đem theo một trực thăng Sikorsky S-70B Seahawk.
Trở lại mạn tàu, khoảng giữa khoang máy và tháp chỉ huy được đặt 2 dàn phóng tên lửa Quad MBDA Exocet (biệt danh "cá chuồn"). Mỗi dàn 4 ống phóng dùng cho loại tên lửa chống hạm MM40 Block 2. Tên lửa này có chiều dài 4,7 m, đường kính 34,8 cm, có các vây dài 1,1 m nặng 670 kg mang một đầu đạn 165 kg. Phiên bản MM40 Block 2 dùng động cơ đẩy nhiên liệu rắn và khi được phóng ra từ tàu, nó sẽ bay ở khoảng cách từ 1 đến 2 m trên mặt biển nhằm tránh sự phát hiện của radar hay các hệ thống hồng ngoại. Tốc độ bay của tên lửa vào khoảng 1134 km/h. Tên lửa được dẫn đường bằng quán tính và tiến đến cự ly tiếp cận, nó sẽ tự kích hoạt hệ thống radar chủ động. Tầm bắn hiệu quả của tên lửa MM40 Block 2 là 72 km, phiên bản sau này là Block 3 do dùng động cơ turbojet nên có tầm bay xa hơn, trên 180 km.
Quảng cáo
Bước lên một cầu thang nữa, mình bắt gặp hệ thống bảo vệ tàu DS30B REMSIG của MSI Defense. Hệ thống này bao gồm một khẩu cannon Mark 44 Bushmaster II dùng đạn 30 mm và được lắp trên ụ xoay DS30B. Khẩu Mark 44 Bushmaster II có thể nhả đạn với tốc độ từ 100/200 viên mỗi phút, tầm bắn hiệu quả từ 5100 m đổ lại. Mình đã thử ngồi lên ghế điều khiển khẩu súng máy này và ...
Đây là console điều khiển hệ thống súng máy. Có 2 cái cần, cần bên phải có núm xoay để chỉnh góc quay cho ụ súng, cần bên trái có cò và nút chỉnh các chế độ bắn. Là một khẩu chain gun nên Mark 44 Bushmaster II cần một nguồn điện 440 V để hoạt động.
Bên mạn phải cũng có một hệ thống tương tự.
Còn đây là dàn 3 phóng ngư lôi 324 mm do BAE Systems sản xuất. Anh lính hướng dẫn mình từ chối tiết lộ loại ngư lôi dùng trong hệ thống này nhưng khả năng là Mk 46 - loại ngư lôi chống tàu ngầm hạng nhẹ thường được dùng trên nhiều lớp tàu chiến hiện nay. Mk 46 dùng cho hệ thống phóng trên tàu chiến có chiều dài 2,59 m, đường kính 324 mm, tầm hoạt động hiệu quả tối đa 11 km, lặn sâu 365 m và lao đi ở tốc độ khoảng 74 km/h. Mk 46 mang đầu nổ PBXN-103 44 kg và được dẫn đường bằng hệ thống thủy âm.
Tàu khá chật nên rất nhiều trang thiết bị hàng hải được đặt rải rác trên mạn tàu, đây là một chiếc la bàn hàng hải của hãng SGBrown.
Từ buồng điều khiển nhìn xuống, đây là 16 ống phóng tên lửa MICA do MBDA sản xuất. MICA viết tắt của một cụm từ tiếng Pháp nghĩa là hệ thống tên lửa phòng thủ, tấn công và đánh chặn. Nó được dùng để đánh chặn nhiều loại mục tiêu trên không, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết theo cơ chế phóng và quên (fire-and-forget) và có cự ly hoạt động tầm trung. Mỗi tên lửa MICA dài 3,1 m, đường kính 160 mm, nặng 112 kg mang theo đầu đạn 12 kg có cơ chế nổ cận hoặc tác động trực tiếp. Tầm hoạt động của tên lửa MICA nếu được phóng bằng hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) như trên tối đa 11 km và tên lửa sẽ bay ở vận tốc Mach 3 (3675 km/h).
Ngay phía trước tổ hợp tên lửa MICA là khẩu cannon Oto Melara 76 mm do hãng sản xuất cùng tên của Ý cung cấp. Đặc điểm của phiên bản Oto Melara 76 mm trên KRI John Lie là nó rất nhỏ gọn để có thể được lắp trên các loại tàu chiến nhỏ, không chỉ KRI John Lie mà nhiều tàu hộ thống thuộc lớp F2000 và Bung Tomo khác, các tàu tuần dương, hoặc aviso. Tốc độ bắn cao cùng với khả năng bắn nhiều loại đạn đặc biệt khiến Oto Melara 76 mm thích hợp với nhiều vai trò như đánh chặn tên lửa tầm ngắn, chống máy bay, chiến hạm và hỗ trợ cho lực lượng trên mặt đất. Loại đạn dùng cho Oto Melara 76 mm có thể xuyên giáp, gây cháy, văng mảnh trực tiếp và thậm chí có thể được dẫn đường để phá hủy các tên lửa chống hạm. Oto Melara 76 mm có nòng pháo dài 4,7 m, đường kính 76,2 mm được điều khiển từ xa. Nó có thể nhả đạn ở tốc độ 85 viên/phút và ở chế độ bắn nhanh là 120 viên/phút. Oto Melara 76 mm cũng là một vũ khí được trang bị trên tàu hộ tống lớp SIGMA 9814 của Việt Nam.
Toàn cảnh tàu hộ tống KRI John Lie nhìn từ phía boong trước.
Hệ thống ăng-ten, cảm biến trên tàu KRI John Lie, đáng chú ý là các hệ thống dẫn đường điện tử - quang học cho vũ khí Radamec 2500, hệ thống sonar Thales TMS 4130C1, radar băng tần E/F Insyte AWS-9 3D quét trên không và trên biển của BAE Systems, radar theo dõi băng tần I/J Insyte 1802SW, radar định vị Kelvin Hughes Type 1007, radar tìm kiếm trên mặt beienr Thales Scout và hệ thống cảm biến đo đạt đánh chặn Cutlass 242 của Thales.
Đây là 2 anh lính Pandi và Riduwan đã hướng dẫn và "trông nom" mình trong chuyến tham quan trên tàu KRI John Lie.