Đọc trên group mình thấy nhiều anh em có thắc mắc về việc mua trả góp đồ công nghệ (Có nên mua iPhone 7 hàng FPT qua trả góp không? Có 10 triệu mua trả góp Note 8 qua công ty nào cho rẻ? Thủ tục làm trả góp gồm những gì? V.v...). Bản thân mình cũng trải qua những vấn đề tương tự, cũng có lúc máu me mua đồ công nghệ mà kinh phí chưa đủ, cũng thử đủ qua các hãng vay tín dụng như Home Credit, HD Saison, FE Credit, ACS. Thế nên mình viết bài này với mục đích chia sẻ kinh nghiệm cho các anh em muốn tìm hiểu về việc mua đồ trả góp.
Với các anh em đã có thẻ tín dụng thì việc này đơn giản, nhưng với ai muốn vay qua các hãng tín dụng thì những thông tin này sẽ hữu ích. Lưu ý bài viết này mình chỉ viết theo kinh nghiệm vay trả góp mua đồ công nghệ thôi.
Tóm tắt mô hình Vay mua trả góp
Mô hình này có sự tham gia của 3 bên: Khách hàng, Cửa hàng (như FPT Shop, TGDĐ, …) và Công ty tài chính (như Home Credit, ACS, …).
Khách hàng muốn mua đồ từ Cửa hàng nhưng không đủ tiền, Công ty Tài chính cho khách hàng vay thêm cho đủ. Khoản vay sẽ được chia nhỏ ra trong một số tháng nhất định (thường từ 6 - 12 tháng) mà mỗi tháng bạn sẽ phải trả kèm cùng tiền lãi. Nhiều anh em nhầm lẫn mua trả góp là vay của Cửa hàng, thực ra là của Công ty Tài chính mới đúng.
Với các anh em đã có thẻ tín dụng thì việc này đơn giản, nhưng với ai muốn vay qua các hãng tín dụng thì những thông tin này sẽ hữu ích. Lưu ý bài viết này mình chỉ viết theo kinh nghiệm vay trả góp mua đồ công nghệ thôi.
Tóm tắt mô hình Vay mua trả góp
Mô hình này có sự tham gia của 3 bên: Khách hàng, Cửa hàng (như FPT Shop, TGDĐ, …) và Công ty tài chính (như Home Credit, ACS, …).
Khách hàng muốn mua đồ từ Cửa hàng nhưng không đủ tiền, Công ty Tài chính cho khách hàng vay thêm cho đủ. Khoản vay sẽ được chia nhỏ ra trong một số tháng nhất định (thường từ 6 - 12 tháng) mà mỗi tháng bạn sẽ phải trả kèm cùng tiền lãi. Nhiều anh em nhầm lẫn mua trả góp là vay của Cửa hàng, thực ra là của Công ty Tài chính mới đúng.
Lợi - hại của vay mua trả góp
Lợi ích: Rất rõ ràng, anh em có thể mua ngay những món đồ mình thích dù chưa đủ tiền. Ví dụ như bạn mình vào dịp sát Tết đã mua một chiếc Macbook Air 13.3 inch với giá 21.490.000 chỉ bằng cách trả trước 6.490.000 và phần còn lại thanh toán trong 6 tháng với lãi suất 0% (cộng thêm phí thu hộ cũng thì mỗi tháng cũng chỉ hơn 2.500.000 một chút). Bản thân mình cũng từng đứng tên mua hộ cho đứa em một chiếc Nokia 5 với phí trả trước là… 0 đồng và đóng hơn 700K/tháng trong 6 tháng.
Vậy là, so với việc mua trả thẳng thì mua trả góp giúp anh em có thể giãn áp lực tài chính ra trong một quãng thời gian dài hơn.
Hại: Chẳng có thứ gì trên đời là miễn phí cả, việc vay tiền lại càng không. Không phải lúc nào anh em cũng tìm được ưu đãi 0% với món hàng mình thích và sẽ phải chịu lãi suất - có những lúc là cực kì cao. Ví dụ anh em có 4 triệu nhưng muốn mua trả góp 12 tháng chiếc Galaxy A8+ với giá khoảng 13.5 triệu. Hãy xem dự kiến số tiền anh em sẽ phải trả bao nhiêu nhé:
Tham khảo giá bán Galaxy A8+ với số tiền trả trước 30% và thanh toán trong 12 tháng.
3-4 triệu/năm trên số tiền Vay gốc là 9.4 triệu - tương đương với 32-42 %/năm. Để dễ hình dung anh em có thể tham khảo: lãi vay tín chấp cá nhân của Vietcombank cũng chỉ dao động trong khoảng 11.5 - 20%/năm.
Nhược điểm thứ hai là vấn đề chung của vay trả góp, hay tín dụng cá nhân, đó là: anh em rất dễ vung tay quá trán. Do số tiền lớn cũng không phải trả ngay nên anh em sẽ thấy việc mua sắm thật dễ dàng. Như anh bạn mua Macbook trên kia của mình. Ban đầu chỉ dự chi ngân sách là 12 - 15 triệu, cuối cùng lại chốt mua ở 21.5 triệu.
Nhược điểm thứ ba là anh em sẽ biến mình thành “con nợ" trong một thời gian nhất định. Việc trước khi đến kì thanh toán có người gọi điện nhắc bạn đóng tiền (với giọng điệu chẳng bao giờ thân thiện) - hoặc nhẹ nhàng hơn là nhắn tin - là điều rất thường xuyên. Và khi anh em chậm đóng tiền vài ngày, có những công ty sẵn sàng gọi qua người thân nhờ nhắc nhở. Sẽ có lúc anh em mong sao lúc đầu mình đóng luôn cả cục cho đỡ phiền hà.
Quảng cáo
Những lưu ý quan trọng và các trường hợp KHÔNG nên mua trả góp
1. Anh em phải đảm bảo khoản vay trong khả năng chi trả hàng tháng cùa mình. “Đảm bảo” gồm hai nghĩa: đủ số tiền và đúng hạn. Ví dụ anh em có hạn thanh toán 2.018.000 vào ngày 5 hàng tháng thì anh em phải đóng ĐÚNG số tiền đó, không được thiếu dù chỉ 1.000 và ĐÚNG ngày (trước thì tốt rồi). Đừng cố giải thích lý do như chậm lương hay ốm đau hay abcxyz gì khác, họ sẽ châm chước 1 lần nhưng các lần sau sẽ rất phiền hà. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, nếu số tiền phải trả hàng tháng lớn hơn 50% số tiền anh em tiết kiệm được mỗi tháng thì không nên vay.
2. Quá trình vay và thanh toán tiền trả góp của anh em đều được lưu lại trong lịch sử tín dụng cá nhân trong 5 năm. Nếu anh em hoàn thành đúng - đủ các khoản vay thì sẽ có xếp hạng tín dụng tốt và sau này có vay tiếp cũng dễ. Còn nếu anh em chậm thanh toán nhiều lần, hoặc tệ hơn là không thanh toán thì điểm tín dụng cá nhân của anh em sẽ cực thấp và bị cho vào blacklist của các tổ chức tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian rất dài, cỡ 5 năm, anh em sẽ không thể vay tiền tiếp. Mình từng biết vụ một em gái nợ tiền lãi suất thấp để đi học thời sinh viên (hình thức hỗ trợ này chắc nhiều anh em biết) nhưng không hiểu vì sao lại thiếu mất 800K. Đến 4 năm sau đi vay vốn ngân hàng kinh doanh thì bị từ chối vì tín dụng xấu. Đó là với số tiền nhỏ, còn với các khoản lớn thì anh em sẽ rắc rối to nếu có ý định “bùng tiền”.
3. Đừng đứng tên vay hộ ai nếu anh em không chắc chắn họ có khả năng và trách nhiệm chi trả đúng hạn. Không có chuyện đứng tên mua xong là anh em hết liên quan, còn người dùng máy trả hay không là việc của họ nhé. Cá nhân mình trừ khi là người trong gia đình (với số tiền nhỏ), còn lại thì miễn.
4. Anh em đã chọn chu kì vay bao nhiêu thì phải hoàn thành đủ số tiền vay và TIỀN LÃI tương ứng với chu kì đó. Không có chuyện anh em vay 12 tháng rồi sau 6 tháng thì quyết định trả nốt phần gốc còn lại mà không trả lãi.
5. Tuyệt đối không mua trả góp nếu anh em thuộc nhóm mua đồ công nghệ về nghịch rồi đổi. Bởi đồ công nghệ mất giá cực kì nhanh, anh em bán lại đã lỗ rồi lại còn thêm khoản trả lãi nữa thì càng kinh khủng. Ví dụ anh em nào mua trả góp Nokia 8 lúc giá máy còn 13 triệu thì lãi vay cũng phải cỡ vài triệu, ở thời điểm hiện tại bán lại máy chắc chỉ được hơn 7 triệu. Nghĩa là chỉ chưa tới nửa năm đã lỗ gần chục triệu!
Quảng cáo
6. Đừng lợi dụng việc mua trả góp làm hình thức xoay tiền nhanh. Mình biết nhiều anh em trên nhattao hay đứng tên mua trả góp điện thoại xịn, rồi sau đó bán lại với giá tốt hơn để xoay tiền nhanh. Tuy nhiên hình thức này chỉ khiến cho dư nợ cá nhân của anh em cứ tăng mãi không có điểm dừng.
Đa số các công ty tín dụng chỉ hỗ trợ khách hàng trên 20 tuổi (cũng có một số trường hợp là 18 tuổi) và có đủ CMND/Bằng lái xe.
7. Hãy cố gắng tìm các ưu đãi trả góp 0%. Các ưu đãi này thường yêu cầu anh em phải thanh toán trong 6 tháng nhưng bù lại lãi gần như là bằng 0.
8. Hãy nhớ trả góp là lựa chọn khi anh em thực sự CẦN món đồ nào đó mà chưa đủ tiền ngay lập tức nhưng có thể chi trả được nếu đủ thời gian. Đừng mua những thứ mình thích, nếu không sẽ có lúc anh em phải bán hết những thứ mình cần.
Nếu anh em cảm thấy việc mua trả góp là phù hợp với mình lúc này thì okie. Mời anh em sang phần tiếp theo: chuẩn bị và hoàn thành thủ tục thế nào
Các bước mua trả góp
Tóm tắt các bước như sau: (1) chuẩn bị hồ sơ; (2) chọn sản phẩm, cửa hàng và gói vay; (3) đăng kí làm trả góp và làm thủ tục lần 1; (4) công ty tài chính duyệt hồ sơ; (5) hoàn thành hồ sơ và nhận máy; (6) thanh toán hàng tháng.
1. Chuẩn bị sẵn hồ sơ gồm CMND và bằng lái xe hoặc hộ khẩu, nếu có. Trong trường hợp có hoá đơn điện, nước những tháng gần nhất thì hồ sơ càng dễ được duyệt hơn. Do hiện nay rất nhiều cửa hàng hỗ trợ duyệt hồ sơ online nên hãy chụp hết những giấy tờ này lại để tiện nếu cần gửi duyệt trước. Hãy dành thời gian kê lại thu nhập cá nhân để khi được hỏi còn trả lời cho gọn gàng. Báo trước với người thân về việc có thể sẽ có người gọi hỏi thông tin cá nhân của mình và thống nhất các thông tin lại (đặc biệt là nơi làm việc, tình trạng hôn nhân, công việc, …). Cũng cần lưu ý là công ty tài chính có thể còn gọi lên nơi bạn làm việc nữa. Đừng quá lo lắng là họ làm lộ chuyện bạn vay tiền mua trả góp. Thay vào đó, họ thường giả vờ là người bên công ty giao hàng nào đó, có đồ cần giao cho bạn nhưng phải xác thực lại thông tin.
2. Lên website các cửa hàng, tham khảo giá món đồ mình muốn mua và cố gắng tìm các cửa hàng có ưu đãi 0%. Nếu không có ưu đãi 0% thì về sau hãy hỏi nhân viên tư vấn của công ty tài chính xem có ưu đãi nào nếu khách đóng đúng hạn không (ví dụ mình từng mua một chiếc laptop trả góp 1.700.000/tháng nhưng nếu đóng đúng hạn thì được giảm 360.000/tháng. Tính ra đóng như vậy chỉ phải chịu lãi chưa tới 1 triệu/năm.) Cũng chú ý là chọn khoản vay thấp thôi nhé. Nếu có trả góp 0% thì cỡ 15 triệu trở xuống, còn nếu không có thì thôi cỡ dưới 10 triệu đi. Vay trên 10 triệu thường khó vay và lãi cũng cao lắm.
3. Đăng kí mua trả góp qua web, sẽ có nhân viên tư vấn gọi lại cho anh em và mời ra cửa hàng làm thủ tục. Nếu muốn tiện, có thể nhờ họ hỗ trợ làm hồ sơ online. Trong quá trình làm hồ sơ, cũng yêu cầu họ bỏ khoản phí bảo hiểm đi vì mình thấy khoản này khá vô nghĩa mà lại tốn thêm vài trăm nghìn cho toàn gói vay.
Lưu ý: Dịch vụ trả góp này thì mấy cửa hàng lớn như FPT hay TGDĐ thì hỗ trợ tốt chứ các shop khác thường chậm và/hoặc thiếu nhiệt tình lắm, dễ gây cho bạn cảm giác đang phải đi nhờ vả trong khi rõ ràng mình thanh toán đầy đủ.
4. Sau khi hồ sơ được gửi đi, công ty tài chính sẽ gọi điện với bạn để xác minh lại thông tin (đặc biệt chú ý các thông tin sau: địa chỉ, tình trạng hôn nhân, công việc, thu nhập hàng tháng, …). Sau đó họ sẽ gọi xác minh lại với cơ quan và gia đình bạn. Như đã nhắc ở mục (1) là thông tin phải thống nhất nhé, chứ ở nhà gia đình bảo đã có vợ mà khai trong hồ sơ là “độc thân” thì thôi miễn nhé.
5. Nếu hồ sơ được duyệt, công ty tài chính sẽ liên hệ mời anh em mang đủ giấy tờ ra cửa hàng hoàn thiện hồ sơ (kí và đóng trước một khoản) rồi nhận máy. Anh em có thể bảo nhân viên tư vấn của công ty tài chính gửi giấy tờ qua email/ zalo để đọc trước cho hiểu các quy định, okie rồi thì ra đó kí và thanh toán là xong.
Sau khi hoàn thành hồ sơ, anh em sẽ có một bộ giữ lại và một tờ phiếu hướng dẫn thanh toán có ghi mã số hợp đồng. Chụp hoặc lưu mã này lại, cùng với ngày đóng hàng tháng và hạn bắt đầu/ kết thúc hợp đồng nhé. Hàng tháng đúng ngày thì anh em cứ ra mấy shop như FPT, TGDĐ hoặc tiện nhất là Vinmart để thanh toán. Muốn tiện hơn thì anh em có thể dùng ứng dụng Bankplus của Viettel (hỗ trợ nhiều dịch vụ) hoặc Ví điện tử. Anh em cũng có thể download các app của công ty tài chính về cho tiện theo dõi tình trạng hợp đồng.
Trên đây là những thông tin cơ bản về việc mua trả góp. Tuỳ thuộc vào từng hợp đồng cụ thể sẽ phát sinh các vấn đề khác nhau, anh em cứ đặt câu hỏi và mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm nhé. Chúc anh em có trải nghiệm tốt.
P/S: Đây là ý kiến bổ sung của bạn @iAndroids, anh em tham khảo thêm nhé: https://tinhte.vn/posts/51110550/replies