Sau một tuần sử dụng chiếc Zenbook S 13 OLED (UM5302), chiếc máy có nhiều sự thay đổi và nâng cấp của ASUS thì mình rất hứng thú và hào hứng. Zenbook S 13 OLED có một màn hình OLED cực đẹp, một ngôn ngữ thiết kế mới, một trọng lượng rất nhẹ (chỉ ~1kg), một cấu hình và hiệu năng mạnh mẽ, một thời lượng sử dụng pin lâu là những điểm mình thích trong quá trình trải nghiệm chiếc máy này.
Không biết anh em thế nào nhưng mình rất thích ngôn ngữ thiết kế mới này của dòng Zenbook thay vì ngôn ngữ vòng tròn đồng tâm đã tồn tại rất lâu. Bộ nhận diện tại mặt A của máy cũng được thay đổi để đem lại sự tươi mới hơn cho chiếc máy, dòng chữ ASUS Zenbook được đem xuống phần gáy máy, trông tinh tế mà vẫn cá tính.
Ngôn ngữ thiết kế mới trưởng thành hơn
Không biết anh em thế nào nhưng mình rất thích ngôn ngữ thiết kế mới này của dòng Zenbook thay vì ngôn ngữ vòng tròn đồng tâm đã tồn tại rất lâu. Bộ nhận diện tại mặt A của máy cũng được thay đổi để đem lại sự tươi mới hơn cho chiếc máy, dòng chữ ASUS Zenbook được đem xuống phần gáy máy, trông tinh tế mà vẫn cá tính.
Mình thấy sự phô trương đã giảm đi rất nhiều trên Zenbook 2022, cụ thể là phiên bản Zenbook S 13 OLED (UM5302) này. Chiếc máy này sử dụng vật liệu hoàn thiện là hợp kim nhôm - magie, vì vậy nó giúp cho Zenbook S 13 OLED chỉ có trọng lượng chỉ xấp xỉ 1kg mà thôi, rất nhẹ và rất thoải mái trong quá trình sử dụng. Mình cầm chiếc máy này đi khắp nơi trong công ty, đi cà phê, bỏ vào ba lô mang đi cũng không thành vấn đề. Cảm giác sờ vào vật liệu nhôm - magie cũng rất khác so với việc sờ vào nhôm nguyên bản, cảm giác nhám nhám, mịn mịn rất thích tay và cảm giác lạnh lạnh làm giật mình không còn nữa.
Tiếp theo là bản lề của máy, năm nay ASUS chọn bản lề dạng trụ tròn, vẫn kiểu bản lề hai bên và bản lề năm nay đã chắc chắn hơn phiên bản 2021 rất nhiều. Nó chắc chắn đến nỗi mình không thể mở máy bằng một tay, bản lề máy chắc là một phần, một phần nữa là phần gờ mở máy ASUS làm chưa thực sự sâu và chưa có một độ bám tốt để mở máy lên, trong quá trình sử dụng mình đôi lúc gặp khó khăn trong việc mở chiếc máy này lên.
Một phần nữa mà ASUS vẫn nên cải thiện đó là sự đồng bộ trong thiết kế, cá nhân mình thấy chiếc bản lề này vẫn khá rời rạc so với ngôn ngữ thiết kế chung và vẫn được làm bằng nhựa bóng, làm kém đi sự cao cấp của một chiếc laptop giá 30 triệu đồng. Tuy nó tốt hơn bản lề của năm 2021 nhưng vẫn chưa thực sự lột xác về mặt thẩm mỹ. Điểm ngon là cơ chế ErgoLift vẫn còn trên Zenbook 2022, cụ thể là phiên bản UM5302 này.
Nhìn chung về thiết kế của Zenbook 2022 là một sự tươi mới, làm cho người dùng cảm thấy hứng thú hơn sau bao năm trung thành với kiểu vòng tròn đồng tâm, bản lề ErgoLift với các góc cạnh vuông vức và có phần kém hấp dẫn, trong bối cảnh các hãng khác không ngừng đổi mới, sáng tạo.
Quảng cáo
Một điểm mình hơi đáng tiếc đó là mình không có cơ hội được sử dụng phiên bản màu xanh, một màu sắc mới rất đẹp và rất trẻ trung, năng động, cá tính. Dù vậy thì phiên bản màu xanh đen mình đang có ở đây cũng rất hợp với những người dùng cần sự chững trạc, nam tính và ít gây sự chú ý.
Màn hình
Dĩ nhiên rồi, màn hình của Zenbook S 13 rất đẹp và độ tương phản rất tốt, tấm nền OLED đã giúp cho chiếc máy này có ưu điểm về hiển thị hơn rất nhiều chiếc máy khác trong tầm giá sử dụng tấm nền IPS LCD.
Theo thông số nhà sản xuất, Zenbook S 13 OLED có độ phân giải 2.880 x 1.800 pixel trên kích thước 13.3", tỉ lệ 16:10 và độ bao phủ màu sRGB và DCI-P3 là 100%, độ sáng 500 nits và độ tương phản tĩnh 1.000.000:1, đạt chứng nhận VESA DisplayHDR 500, độ sâu 1 tỷ màu, chứng nhận PANTONE, hỗ trợ cảm ứng và bút stylus, tỉ lệ màn hình trên thân máy là 89%.
Mọi thông số đều rất tuyệt vời và cá nhân mình khi thử đo đạc lại màu sắc thì cả hai dải sRGB và DCI-P3 đều gần 100% và độ sai lệch màu sắc Delta E <2. Như vậy là quá đủ để anh em làm những công việc liên quan đến đồ họa, màu sắc như chỉnh ảnh.
Quảng cáo
Mình có kiểm tra nhanh thì tấm nền ASUS sử dụng đến từ Samsung và có vẻ như tấm nền OLED này sử dụng cấu trúc điểm ảnh pentile, đó là lí do khiến cho màn hình khi nhìn ở khoảng cách gần, với những nội dung có nhiều màu trắng thì sẽ thấy hiện tượng rỗ, hoặc giống như một mảng lưới ở phía sau màn hình vậy. Mình đã bị trường hợp này với con Zenbook 14X OLED trước đây, nhưng ở con Zenbook S 13 này thì mình không thể thấy nếu ở khoảng cách thông thường, chỉ khi dí sát mắt vào thì mới nhìn ra được điều đó. Có thể do kích thước màn hình nhỏ, độ phân giải cao hoặc ASUS đã tìm ra cách để hạn
chế được điêu này. Dù là gì đi chăng nữa thì đây cũng là một sự cải tiến so với Zenbook 14X OLED.
Bàn phím & touchpad
Với chiếc máy này, bàn phím là thứ tiếp theo khiến mình hài lòng. Lí do là vì ASUS đã thay đổi về layout của dòng máy này, giản lược những phím function như Home, Pg Up, Pg Dn, ở cột bên phải nữa, giúp cho hàng phím QWERTY được đưa vào chính giữa hơn, giúp cho trải nghiệm gõ chính xác, không cần mất thời gian làm quen nếu trước đây anh em chưa từng sử dụng laptop của ASUS.
Keycap cũng được tinh chỉnh lại, hành trình 1,4mm nhưng cảm giác mình gõ tốt hơn, sâu hơn và đặc biệt độ nảy nảy hơn thấy rõ, đây là một sự thay đổi nhỏ, có thể ít người sẽ nhận ra nhưng nếu dùng qua nhiều dòng máy ASUS anh em sẽ cảm nhận được điều mình nói. Âm thanh bàn phím phát ra cũng không còn ồn ào như Zenbook 2021 nữa. Chốt lại bàn phím là quá ổn cho một chiếc laptop mỏng và cực kì nhẹ này.
Trên bàn phím còn được ASUS tích hợp nút nguồn kiêm cảm biến vân tay, mở khóa một chạm rất nhanh và nhạy.
Touchpad của Zenbook S 13 OLED rất to, thiên hướng về chiều ngang và nếu so với chiếc máy này thì đó là một cái touchpad lớn. Lớn nhưng độ tracking khá chính xác và nhạy, tích hợp bàn phím số numpad tiện lợi cho ai có nhu cầu nhập liệu nhiều. Thậm chí touchpad của Zenbook S 13 còn mở được trình máy tính nữa cơ.
Hiệu năng
Phiên bản của mình đang trải nghiệm sử dụng nền tảng AMD Ryzen 6000 series mobile mới nhất, cụ thể là Ryzen™️ 5 6600U, 6 nhân 12 luồng, xung nhịp 2.9GHz và turbo boost 4.7GHz, TDP 28W. RAM chiếc máy của mình có là 8GB LPDDR5 hàn chết và 512GB SSD. Thêm nữa, nhân đồ họa tích hợp Radeon 660M sử dụng kiến trúc RDNA 2 mới.
Đầu tiên mình muốn chia sẻ về Radeon 660M, đây là dòng GPU tích hợp với kiến trúc mới, nó có 6 nhân và cho sức mạnh mạnh hơn 20% so với Vega 8 trên thế hệ Ryzen 5000 series và theo điểm số benchmark mình có chấm thử qua 3DMark TimeSpy thì đúng là nó mạnh hơn khoảng 20% thật. Hơn nữa, thế hệ Radeon 660M trên Ryzen 6000 series được hỗ trợ ray tracing từ phần cứng, nhưng vẫn chưa đủ khả năng để chơi được các tựa game đòi hỏi ray tracing như những chiếc GPU rời được.
Về CPU, 6 nhân 12 luồng cho một chiếc laptop mỏng nhẹ là điều trước đây ít ai nghĩ đến, nhưng nhờ có AMD mà chúng ta mới được trải nghiệm những con CPU hiệu năng cao hơn, kể cả là từ nhà Intel. Các điểm benchmark thể hiện sức mạnh thô của Ryzen™️ 5 6600U mình sẽ để dưới đây. Ryzen 6000 series mobile giống như một bước đệm cho thế hệ Ryzen 7000 series mobile dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay, với một loạt sự thay đổi và nâng cấp về kiến trúc, còn hiện tại Zen3+ và tiến trình 6nm của TSMC vẫn đem lại sự hài lòng cho cá nhân mình. Ryzen 6000 mobile cũng hỗ trợ PCIe 4.0, USB4, Wi-Fi 6E và Bluetooth LE 5.2, là những thứ mà chiếc máy này cũng được thừa hưởng.
Nhiệt độ và khả năng tản nhiệt của Zenbook S 13 OLED thì sao? Bên dưới khung bàn phím là hệ thống tản 1 quạt và 1 ống đồng, nhiệt và gió nóng sẽ được thổi ra ở cạnh trái của máy. Trong quá trình sử dụng hằng ngày, với các tác vụ thông thường thì máy hoạt động rất yên tĩnh, quạt gần như không nghe thấy và nhiệt độ trung bình là 60 độ C, ở mức hiệu năng cân bằng. Khi chạy benchmark hay render, export hình ảnh qua Lightroom, mình chỉnh hiệu năng ở mức tối đa, quạt bắt đầu có thể nghe được và nhiệt độ bên trong lúc này đo được qua HWinfo64 là 90 độ C, nhiệt tỏa ra nhiều nhất ở khu vực gần bản lề, nửa trên của mặt C, còn ở chiếu nghỉ tay và touchpad thì mát mẻ.
Xung nhịp trung bình máy có thể chạy để hoạt động ổn định là khoảng 4.0GHz toàn nhân, xung đơn nhân boost lên tối đa 4.5GHz nhưng nhanh chóng bị cắt để tránh tình trạng quá tải cho hệ thống tản nhiệt (khi benchmark). Nhưng xung nhịp cao không duy trì lâu mà sẽ thay đổi tùy vào hệ thống tản nhiệt khi đó hoạt động thế nào, khi throttling xảy ra thì máy sẽ có tình trạng giật và khựng, đây là điều khó tránh khỏi.
Tình trạng giật, khựng cũng xảy ra với bộ nhớ RAM chỉ 8GB, thực sự bây giờ ở năm 2022 RAM 8GB đã dường như không còn đủ cho các nhu cầu đa nhiệm nữa, thật tình mà nói là như vậy. Mình chỉ cần export khoảng 50 tấm ảnh raw thôi là RAM đã báo 98-99% rồi, gần như không còn đủ để làm thêm việc gì nữa, thế nên lúc này khi lướt web hoặc thậm chí mở File Explorer thôi cũng khiến máy bị chậm và giật. Anh em lưu ý về dung lượng RAM khi quyết định mua máy nhé, theo mình 16GB RAM vẫn sẽ là ổn cho tương lai về sau.
Thời lượng sử dụng pin
Zenbook S 13 OLED có dung lượng pin 67Wh (thiết kế 4-cell) và trong quá trình sử dụng, mình có thể đạt mức từ 6 cho đến 6 tiếng rưỡi onscreen, với các tác vụ soạn thảo nội dung cơ bản qua Evernote, lướt Edge với khoảng 7-8 tab và độ sáng ở mức 75%. Còn nếu chỉnh sửa hình ảnh qua Lightroom hoặc Photoshop thì thời gian rút ngắn lại chỉ khoảng gần 5 tiếng mà thôi. Dù sao để tối ưu thời lượng sử dụng pin thì anh em có thể sử dụng dark mode. Thật tình mình muốn dành một lời khen cho Zenbook S 13 OLED vì trong một thân hình mỏng dính, nhẹ cực nhẹ và một cấu hình mạnh mẽ như vậy mà thời lượng sử dụng pin cũng ấn tượng không kém.
Qua 1 tuần trải nghiệm Zenbook S 13 OLED (UM5302), điểm mình thích nhất là thiết kế đổi mới đem lại cảm giác sử dụng rất khác, hào hứng hơn nhiều và tiếp theo đó là màn hình OLED coi phim, xem nội dung cực đã, hệ thống loa rất ổn với âm lượng lớn, có âm bass nhẹ, hiệu năng ấn tượng tuy còn nóng và không duy trì được lâu, thời lượng sử dụng pin lâu. Có lẽ điểm mình không thích nhất trên chiếc máy này, phiên bản này có lẽ là dung lượng RAM mà thôi, 16GB vẫn sẽ là lựa chọn của mình nếu như mua chiếc laptop này.