Hôm chủ nhật vừa qua, Tập đoàn công nghệ không gian Orbital Sciences Corportation (OSC) đã phóng thành công tên lửa Antares từ trung tâm Wallops của NASA tại Virginia. Bên cạnh việc hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, Antares cũng mang theo một kiện hàng nhỏ gồm 3 vệ tinh nano của NASA. Các vệ tinh "PhoneSat" này được chế tạo từ smartphone và các linh kiện phổ biến ngoài thị trường, gói gọn trong một bộ khung vệ tinh cubesat tiêu chuẩn.
Mặc dù không phải là vệ tinh được chế tạo từ smartphone đầu tiên được phóng lên quỹ đạo nhưng chúng là một phần trong xu hướng tìm cách khai thác các linh kiện thương mại và lợi thế cấu trúc của vệ tinh nano. Smartphone nói chung là một "nguyên liệu" hấp dẫn bởi chúng nhỏ gọn, được chế tạo với độ bền khá cao và tích hợp sẵn các bộ truyền phát sóng radio, vi xử lý, hệ điều hành, các cảm biến, camera và GPS.
Michael Gazarik, phó giám đốc chương trình công nghệ không gian của NASA tại Washington cho biết: "Smartphone cung cấp nhiều tính năng để vận hành các vệ tinh nhỏ, giá rẻ nhưng mạnh mẽ để nghiên cứu khí quyển hay phục vụ cho ngành khoa học Trái Đất, truyền thông và các ứng dụng không gian khác. Đồng thời, smartphone cũng có thể mở ra không gian cho một thế hệ người dùng thương mại và học thuật hoàn toàn mới."
Tuy nhiên, 3 vệ tinh PhoneSat không đồng nhất. 2 vệ tinh được NASA gọi là PhoneSat 1.0 được phát triển dựa trên chiếc smartphone Nexus One chạy hệ điều hành Google Android. Nhiệm vụ của chúng đơn giản là hoạt động trong một thời gian ngắn trong không gian và gởi về hình ảnh.
Trong khi đó, vệ tinh thứ 3 có tên PhoneSat 2.0 được chế tạo từ chiếc smartphone Nexus S và hoạt động bằng năng lượng mặt trời từ các tấm pin được tận dụng trong quá trình sản xuất pin quang điện. Nexus S có vi xử lý nhanh hơn và PhoneSat 2.0 được trang bị một bộ thu nhận tín hiệu GPS, radio băng tần S, con quay hồi chuyển để kiểm soát trạng thái và các thanh từ lực được thiết kế để tương tác với từ trường Trái Đất.
Theo NASA, PhoneSat có thể là những vệ tinh rẻ nhất từng được gởi vào không gian với chi phí từ 3.500 đến 7000 USD mỗi vệ tinh. Tất cả 3 vệ tinh đều đang hoạt động và trung tâm kiểm soát sứ mạng tại Viện nghiên cứu Ames ở Moffett Field, California cùng các trạm theo dõi không chuyên khác vẫn đang thu nhận tín hiệu gởi về. Mạng lưới trạm theo dõi này đóng vai trò quang trọng trong sứ mạng với một trang web thiết lập vị trí các trạm vô tuyến có thể theo dõi đường đi của vệ tinh và chia sẻ thông tin nhận được.
Dữ liệu gởi về bao gồm thông tin cập nhật trạng thái của vệ tinh và hình ảnh chụp lại từ camera trên smartphone. NASA hy vọng các trạm theo dõi không chuyên sẽ không chỉ giúp họ thu thập báo cáo trạng thái vệ tinh mà còn cả hình ảnh chất lượng cao được gởi theo khu vực.
NASA dự tính 3 vệ tinh PhoneSat sẽ di chuyển trên quỹ đạo trong khoảng 2 tuần. Dưới đây là video chi tiết về sứ mạng PhoneSat.