Những quan niệm sai lầm phổ biến về virus & top 3 antivirus miễn phí tốt nhất 2020

Mr.Alone
26/1/2021 20:44Phản hồi: 1
Những quan niệm sai lầm phổ biến về virus & top 3 antivirus miễn phí tốt nhất 2020
Chào anh em, trong quá trình tìm hiểu về virus, mình đọc được khá nhiều thông tin thú vị về các vấn đề rất quen thuộc, mình sẽ tổng hợp lại để giúp anh em có cái nhìn đúng về một phần mềm mà mình nghĩ rằng ai dùng máy tính cũng nên cân nhắc dùng: antivirus.

Các hacker (tin tặc) tạo ra virus máy tính và phần mềm diệt virus đã có một cuộc chiến không ngừng nghỉ trong suốt thời gian dài. Hacker không ngừng tạo ra các virus mới và liên tục dùng cách này hay cách khác để lây nhiễm vào máy tính hoặc tấn công mục tiêu trực tuyến để lấy cắp dữ liệu, tiền bạc hoặc danh tính của người dùng. Ở phía ngược lại, các nhà cung cấp phần mềm diệt virus cũng tạo ra các giải pháp để phát hiện những mối đe dọa này và ngăn chúng làm hại bạn.

Cẩn thận hơn khi sử dụng email, mở các đường link lạ, không truy cập vào các trang web đáng ngờ hoặc chạy các file từ internet hoặc nguồn không đáng tin là tuyến phòng thủ đầu tiên mà bạn nên làm. Tiếp theo đó, với sự hỗ trợ của phần mềm diệt virus sẽ cung cấp cho bạn những chức năng bảo mật chuyên nghiệp để giữ an toàn cho các thiết bị điện tử và thông tin của bạn.


Phần mềm diệt virus chỉ chống virus?


Thực tế thì, chữ “diệt virus” cũng là một từ viết chưa đủ nghĩa. Virus máy tính chỉ là một loại phần mềm độc hại và là một trong rất nhiều những mối đe dọa mà người dùng máy tính nói riêng và các thiết bị điện tử phải đối mặt. Phần mềm độc hại là một thuật ngữ chung cho những mối nguy hại đối với người dùng máy tính, gồm: worms, virus, ransomware, malware … Chữ “virus” hay “diệt virus” được sử dụng mặc định bởi nó đem lại sự dễ hiểu với nhiều người, từ đó giúp cho việc marketing và phân phối các phần mềm diệt virus trở nên ít gặp các rào cản về nhận thức hơn. Để đơn giản, trong bài viết này mình dùng từ “virus” và “antivirus” để chỉ các các mối đe dọa về bảo mật, an ninh máy tính và các phần mềm ngăn chặn những vấn đề đó.


Phần mềm diệt virus (antivirus software) không phải chỉ diệt virus như nhiều người lầm tưởng, nó thật sự là một tổ hợp phòng vệ phức tạp được gom lại trong một phần mềm, được thiết kế để bảo vệ máy tính của bạn khỏi những độc hại đã biết, chưa biết và luôn thay đổi do hacker cũng như tội phạm công nghệ cao gây ra. Peter Stelzhammer, đồng sáng lập phòng kiểm định độc lập AV-Comparatives cho biết “Giải thích về virus cũng giống như tả về một con voi vậy: mỗi con voi đều có màu xám, nhưng không phải màu xám nào cũng đều là một con voi”.

Antivirus liên tục quét máy tính của bạn để tìm các mối đe dọa từ hầu hết các nguồn có thể như email, website, file được tải về, ứng dụng được chạy .... để đảm bảo mọi thứ bạn làm và truy cập trực tuyến không thể làm hư hại hay trộm cắp dữ liệu của bạn. Khi một vấn đề được phát hiện, phần mềm sẽ cảnh báo bạn về vấn đề đó, chặn truy cập vào file hoặc website đáng ngờ hoặc loại bỏ luôn mối đe dọa dó.


Vậy, làm thế nào để antivirus phát hiện và loại bỏ virus và các phần mềm độc hại?


Các mối đe dọa và cách thức hoạt động của phần mềm độc hại khác nhau do sẽ yêu cầu những giải pháp chống virus khác nhau, dưới đây là một số cách thường được sử dụng:

  • Signature Analysis (phân tích chữ ký): phân tích dựa trên chữ kỹ tương tự như cách truy vết bằng dấu vân tay và là một trong những cách phát hiện virus phổ biến nhất. Tất cả các nhà cung cấp antivirus đều sẽ giải mã virus và cập nhật liên tục cơ sở dữ liệu về các mối đe dọa đã được xác định, được gọi là “"virus definitions” (định nghĩa virus) từ các file và website đáng ngờ. Khi đó, các antivirus sẽ so sánh dấu vân tay hoặc signature của một mối đe dọa tiềm ẩn được phát hiện với các phân tích đã có trong cơ sở dữ liệu “virus definitions” và phản hồi tương ứng dựa theo sự trùng khớp.
  • Heuristic Analysis: các hacker hiểu cách antivirus phát hiện virus dựa trên chữ ký nên đã tìm cách ngụy trang mã độc của họ. Đáp lại, một số antivirus cũng sử dụng phương pháp phán đoán (heuristic approach), thường được mô tả là một phương pháp thử-và-sai phức tạp, đại khái là antivirus sẽ xác định các đặc điểm đáng ngờ của chương trình đang được phân tích với các đặc điểm của phần mềm độc hại đã được biết trước đó. Giống như khi anh em thấy một kẻ liên tục đứng cạnh một chiếc xe máy và mắt liên tục dáo dác nhìn quanh thì có thể sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh kẻ trộm xe.
  • Sử dụng máy học / Trí tuệ nhân tạo: khi hacker đã học cách thích nghi và tìm cách qua mặt được 2 phương pháp trên, các nhà cung cấp antivirus đã phát triển các công nghệ máy học và trí tuệ nhân tạo phức tạp để xác định các kỹ thuật mới mà tin tặc sử dụng để ngụy trang cho phương pháp của chúng. Sau đó, phần mềm sẽ thêm thông tin về những mối đe dọa mới này vào cơ sở dữ liệu của nó, việc này được thực hiện liên tục sẽ giúp antivirus trở nên hiệu quả hơn trong việc phát hiện các virus chưa được biết trước.
  • Behavior Monitoring (giám sát hành vi): Giám đốc điều hành của Tổ chức tiêu chuẩn kiểm tra chống phần mềm độc hại phi lợi nhuận quốc tế (AMTSO) giải thích: “nói một cách dễ hiểu thì giám sát hành vi sẽ theo dõi lưu lượng giữa máy tính của bạn và các thiết bị khác cũng như rất nhiều hoạt động khác khi máy tính hoạt động để ngăn chặn khi chúng làm điều gì đó đáng ngờ”.

Một số thiết bị an toàn hơn các thiết bị khác?


Nếu bạn sử dụng sản phẩm của Apple hoặc Linux, bạn có thể nghĩ rằng chúng an toàn hơn các thiết bị khác và do đó không cần chống virus. Mặc dù các nhà sản xuất đã phát triển sản phẩm của họ với một loạt các tính năng bảo mật tích hợp, điều đó không có nghĩa là chúng vẫn không thể bị tin tặc xâm phạm. Bất kể loại thiết bị nào đều sẽ có nguy cơ bị nhiễm virus hoặc phần mềm độc hại cao hơn nếu không được cài đặt phần mềm chống virus. Sự kết hợp của các chức năng bảo mật tuyệt vời và anvitirus sẽ giúp thiết bị của bạn an toàn hơn.


Antivirus làm chậm máy tính


Một trong những lý do lớn nhất khiến nhiều người không cài đặt chương trình chống virus trên máy tính hoặc thiết bị di động của họ là vì họ tin rằng chương trình này sẽ có ảnh hưởng bất lợi đến hiệu suất hệ thống. Mặc dù công bằng mà nói rằng các chương trình chống virus sẽ yêu cầu một số tài nguyên nhất định và sẽ thực hiện kiểm tra thường xuyên để xác định các mối đe dọa bảo mật, nhưng hầu hết các antivirus hiện đại sẽ không dẫn đến máy tính chậm hơn.

Quảng cáo



Miễn là bạn chọn giải pháp chống virus có uy tín và đảm bảo bạn đã chọn đúng phiên bản cho thiết bị của mình, thì hiệu suất sẽ không phải là vấn đề. Bạn cũng có thể lên lịch quét diễn ra vào ban đêm hoặc vào thời điểm bạn chọn, nghĩa là bạn không phải lo lắng về việc máy tính của mình bị chậm khi đang sử dụng. Mình cho rằng: “việc cài đặt ứng dụng chống virus sẽ giúp máy bạn không bị chậm do virus” nghe công bằng và hợp lý hơn.

Antivirus có thể làm cho máy tính nhanh hơn


Giống như một số người cho rằng rằng antivirus làm chậm thiết bị, một số người cho biết nó có thể giúp tăng tốc máy tính. Đáng buồn là bạn không nên mua một ứng dụng chống virus vì nghĩ rằng nó sẽ làm cho máy tính của bạn chạy nhanh hơn vốn có, vì bạn sẽ rất thất vọng. Không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy rằng antivirus có thể đột nhiên làm cho máy tính của bạn hoạt động nhanh hơn. Giải thích hợp lý hơn, là khi máy bạn vốn dĩ đã bị chậm đi vì nhiễm virus, sau khi antivirus xử lý đám virus đó thì máy sẽ nhanh hơn trong trường hợp này.


Hacker sẽ không nhắm đến mình đâu/ Máy mình không có gì quan trọng


Khi bạn thấy các báo cáo về các cuộc tấn công mạng trên tin tức, thường là các công ty lớn hoặc các nhân vật có tiếng bị nhắm mục tiêu. Vì vậy, có vẻ hợp lý khi nghĩ rằng tin tặc sẽ không nhắm mục tiêu bạn và bạn có thể không nhất thiết phải cần đến antivirus.

Thật không may, trong khi không ai muốn trở thành mục tiêu của tin tặc,thì rất nhiều mã độc được tạo ra để tấn công trên diện rộng bất kể bạn là ai, do vậy luôn có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mạng nếu bạn thường xuyên sử dụng internet. Antivirus sẽ bảo vệ bạn khỏi virus, phần mềm độc hại và các cuộc tấn công mạng khác.

Quảng cáo


Không sử dụng máy tính nhiều thì không cần antivirus


Không phải ai cũng dành phần lớn thời gian trong ngày để duyệt web và sử dụng các dịch vụ có kết nối internet, nhưng ngay cả khi mức sử dụng internet của bạn ở mức tối thiểu, điều đó không có nghĩa là bạn không nên đầu tư vào bảo vệ chống virus. Thực tế là, việc bạn dùng máy nhiều hay ít vốn không quyết định chuyện bạn có thể bị tấn công hay không, và đôi khi tốc độ mất dữ liệu hoặc bị nhiễm độc nhanh hơn rất nhiều so với những gì bạn tưởng tượng.

Bạn sẽ chỉ trở thành nạn nhân của virus khi tải file xuống


Một quan niệm sai lầm phổ biến khác là thiết bị của bạn sẽ chỉ bị nhiễm virus hoặc phần mềm độc hại nếu bạn tải xuống một file. Phần mềm độc hại ẩn ở khắp mọi nơi chứ không chỉ ở trong file, nó có trong mã nguồn của các trang web đến các liên kết độc hại trong email lừa đảo, các cuộc tấn công mạng có đủ hình thức và không chỉ dựa vào file. Đó là lý do tại sao bạn phải luôn cài đặt ứng dụng chống virus trên thiết bị của mình.

image.png

Bạn chỉ cần chống virus trên PC của mình


Quay trở lại một thập kỷ hoặc lâu hơn, bạn chỉ có thể thực sự truy cập internet thông qua máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay. Nhưng với sự gia tăng của công nghệ di động trong vài năm qua, cách mọi người sử dụng internet đã thay đổi đáng kể. Vì vậy, không chỉ các máy tính truyền thống yêu cầu bảo vệ chống virus. Cho dù đó là điện thoại thông minh hay máy tính bảng, bất kỳ thiết bị được kết nối nào đều có thể là mục tiêu của kẻ gian mạng và an toàn hơn nhiều với antivirus. Hầu hết các nhà cung cấp antivirus phổ biến đều cung cấp các ứng dụng cho các thiết bị và hệ điều hành khác nhau, thay vì chỉ PC

Antivirus có chặn được hacker?


“Đạo cao một thước - Ma cao một trượng”: bởi vì các công ty diệt virus hầu như luôn ở thế phòng thủ và ngăn chặn virus nên thật sự không bao có thể nói rằng sẽ bảo vệ được bạn 100% cả. Ở thời điểm hiện tại, các tấn công chính của hacker - cũng chính là điểm mà các antivirus không có khả năng chống lại - đó là thúc đẩy hành vi bất cẩn của người dùng. Thay vì cố gắng lén lút cài đặt một tập tin độc hại, ngày càng có nhiều hacker cố gắng khiến bạn tự cung cấp thông tin hoặc đường vào máy tính của bạn. Để làm điều này, họ gửi email với các tệp đính kèm chứa đầy các phần mềm độc hại hoặc liên kết đến các trang web giả mạo để lừa bạn bấm vào, tải xuống hoặc chuyển hướng bạn đến một thứ gì đó có hại. Chưa kể, trong một số trường hợp, dưới sự hướng dẫn tưởng như cố gắng giúp bạn giải quyết một vấn đề của máy tính, hacker đã khiến cho bạn tự tắt luôn cả phần mềm diệt virus mà bạn không hề hay biết. Quá trình này được John Hawes (CEO của AMTSO) mô tả là “sự xáo trộn” - các file sẽ che giấu những gì hacker đang làm và giả vờ là đang làm một cái gì đó khác, chúng cố gắng trông vô hại hoặc thậm chí là hữu ích”. Do đó, không bao giờ mở file đính kèm hoặc bấm vào liên kết trong email được gửi từ những người bạn không biết luôn là một trong những cách hữu hiệu nhất để bạn bảo vệ dữ liệu và máy tính của mình.

Tất nhiên là, còn có rất nhiều cách khác để ngăn chặn hacker với các mức độ hiệu quả khác nhau. Ví dụ: hầu hết các trang web ở thời điểm viết bài đều sử dụng TLS, Simon Edwards (CEO của công ty bảo mật SE Labs) nói rằng “TLS tốt cho quyền riêng tư của người dùng vì nó mã hóa quá trình truyền tải dữ liệu giữa các máy, và không tốt cho những kẻ muốn rình mò nội dung mà người dùng duyệt web. Một số chính phủ coi mã hóa là xấu vì họ không thể giám sát công dân của mình một cách dễ dàng, hacker cũng không thích nó vì lý do tương tự”. Các trang web sử dụng dụng TLS sẽ được bắt đầu với HTTPS thay vì HTTP. Vậy nên, tránh tải xuống các file hoặc gửi thông tin của bạn thông qua các trang web bắt đầu chỉ bằng HTTP cũng là một giải pháp hữu ích và dễ làm.

Đọc thêm các khuyến nghị tránh mã độcbảo vệ máy tính từ Google và Microsoft tại đây nhé.

Làm cách nào để loại bỏ virus mà không dùng antivirus?


Nếu không có antivirus, hầu như bạn không thể xác định và xóa các tệp bị nhiễm độc - ngay cả đối với các chuyên gia. Marx từ AV-TEST nói: “Ngày nay, phần mềm độc hại thường cố gắng ẩn mình, vì vậy rất khó để phát hiện đối với một người dùng bình thường. Điều này có nghĩa là để loại bỏ virus, bạn gần như chắc chắn sẽ cần antivirus. Một lựa chọn khác là mang máy đến chuyên gia sửa chữa máy tính có thể loại bỏ virus cho bạn. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ tốn ít nhất tương đương với một năm trả phí một chương trình antivirus.”


Máy Mac có cần antivirus không? Có!


Mặc dù một số người tin rằng hệ điều hành Mac (OS) của Apple an toàn hơn Windows, nhưng đây là một điều hoang đường. Mac OS X không được thiết kế tốt hơn từ quan điểm bảo mật, theo các chuyên gia. Đơn giản là Windows phổ biến hơn và "tội phạm mạng muốn tấn công nhóm lớn hơn", Stelzhammer nói. "Thiết kế một phần mềm độc hại cho Windows mang lại cho bạn nhiều nạn nhân hơn." Theo StatCounter, các phiên bản hệ điều hành Windows khác nhau chiếm 77,1% người dùng máy tính trên toàn thế giới tính đến tháng 3 năm 2020, trong đó Mac OS X chỉ chiếm 18,3% người dùng.
Theo ý kiến của Stelzhammer, người dùng Mac có xu hướng tin tưởng vô căn cứ rằng máy tính của họ bảo vệ họ tốt hơn máy chạy Windows. Ông nói: “Máy Mac cũng dễ bị tấn công như máy Windows. Các cuộc tấn công trực tuyến "có thể tấn công Windows, Mac, Android, iOS và mọi thứ có trình duyệt trên đó", anh ấy tiếp tục, "ngay cả tủ lạnh được kết nối internet của bạn."

Android có cần antivirus không? Có!


Giống như tất cả các thiết bị khác, điện thoại và máy tính bảng Android dễ bị tấn công hơn bạn nghĩ. Tuy nhiên, các thiết bị Android xuất hiện thêm hai vấn đề bảo mật: tính phổ biến, tính mở của hệ điều hành Android và tỷ lệ các thiết bị không được cập nhật phiên bản OS mới nhất vẫn rất lớn.
Mặc dù cả Apple và Google đều kiểm tra các ứng dụng trước khi cho chúng được xuất hiện trên App Store hoặc CH Play, nhưng mà thật tế đã chỉ ra rằng bạn rất dễ cài phải một app Android độc hại. Ví dụ: "Năm ngoái, chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều app antivirus giả mạo trong Cửa hàng Google Play", Stelzhammer nói.

Hawes nói: “Android có rất nhiều phần mềm độc hại, nó là mục tiêu lớn nhất. Tất cả các chuyên gia bảo mật đều khuyên bạn không chỉ kiểm tra review ứng dụng trước khi tải xuống mà còn tránh tải xuống ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng Android không phải Google Play". Các phiên bản mới nhất của Android bao gồm công nghệ chống phần mềm độc hại Play Protect của Google, nhưng "chúng tôi không thể đề xuất nó vào lúc này", Marx nói. AV-TEST phát hiện ra rằng Google Play Protect đã xác định được hơn 1/3 số mẫu phần mềm độc hại trong quá trình thử nghiệm, trong khi antivirus Android của bên thứ ba có tỷ lệ phát hiện phần mềm độc hại ứng dụng là 98,9%. AV-TEST kết luận: "Người dùng Android an toàn hơn nhiều với các ứng dụng bảo mật củabên thứ ba so với khi họ dựa vào Google [Play Protect]".

Sau đó là vấn đề cập nhật, mặc dù Google phát hành các bản vá bảo mật Android hàng tháng, nhưng các nhà sản xuất điện thoại Android không thường xuyên phát hành các bản cập nhật này hoặc thông báo cho người dùng rằng các bản cập nhật có sẵn. Người dùng nên thường xuyên kiểm tra các bản cập nhật để đảm bảo rằng họ có bảo vệ chống virus mới nhất. (Ngược lại, Apple thì cập nhật thường xuyên hơn, cũng như máy iOS có tỷ lệ update phiên bản OS mới cao hơn hẳn.)


Thiết bị Apple có cần antivirus không? Có, nhưng update OS mới nhất cũng hiệu quả không kém.


Vào đầu tháng 4 năm 2020, một hacker mũ trắng (whitehat) cố gắng tìm ra các lỗi bảo mật trực tuyến để chúng có thể được sửa chữa - đã tìm ra đến bảy điểm yếu trong trình duyệt web Safari của Apple. Sau đó, hacker đã sử dụng ba điểm yếu này để chiếm đoạt camera của iPhone. Ví dụ này không phải là lần đầu tiên các lỗ hổng bảo mật được xác định trong iOS hoặc Mac OS và Apple cung cấp phần thưởng hiện kim cho những hacker whitehat phát hiện ra lỗ hổng trong các sản phẩm của công ty. Apple khá công khai về những phát hiện này và cho biết họ cố gắng giải quyết các vấn đề càng nhanh càng tốt.
Hawes nói: “Rủi ro là như nhau cho dù bạn sử dụng Android hay iOS. "Nếu bạn gắn bó với App Store chính thức của Google và Apple, rủi ro của bạn sẽ giảm xuống, nhưng không hoàn toàn về 0. Kẻ xấu có thể và cố gắng để xuất bản ứng dụng của họ trong các cửa hàng chính thức. Và đó là rủi ro chính đối với người dùng di động: bị lừa cài đặt một ứng dụng tuyên bố làm một việc này nhưng thay vào đó lại làm một việc có hại, một cách lén lút."

image.png

6 tính năng và lưu ý khi lựa chọn antivirus


  • Đầu tiên, điều này có thể không thường được lưu ý, nhưng nếu bạn thật sự quan tâm đến quyền riêng của cá nhân trước tiên hãy kiểm tra các chính sách bảo mật và điều khoản dịch vụ của nhà cung cấp antivirus hoặc thỏa thuận cấp phép người dùng cuối. Đảm bảo rằng bạn cảm thấy thoải mái với bất kỳ dữ liệu nào mà phần mềm thu thập và truy cập các quyền mà phần mềm yêu cầu.
  • Thứ hai - chọn thương hiệu uy tín: bạn nên ưu tiên lựa chọn những antivirus đã được chứng minh uy tín hoặc là thành viên của AMTSO. Tất cả các antivirus phổ biến đều phải chứa một bộ tính năng cơ bản giống nhau, nhưng những phần mềm tốt nhất thường vượt trội ở tỷ lệ thành công khi bảo vệ máy tính cũng như bổ sung các tính năng cộng thêm hữu ích.
  • Thứ ba - Bảo vệ toàn diện: hãy chọn antivirus cung cấp khả năng bảo vệ toàn diện, bất kể loại, nguồn hoặc mục đích của mối đe dọa. Việc chọn antivirus miễn phí như Windows Defender cũng là một lựa chọn khá ổn, tuy nhiên một số khác lại có thể khiến bạn khó chịu. “Một số sản phẩm miễn phí có ít tính năng hơn bản trả phí như sao lưu đám mây, trình quản lý mật khẩu, v.v. và một số sản phẩm miễn phí thậm chí còn thiếu luôn cả những chức năng bảo vệ cơ bản” Stelzhammer của AV-Comparatives cho biết.
  • Thứ tư - tần suất cập nhật: vì một số nhà cung cấp cập nhật danh sách mã độc của họ thường xuyên và đầy đủ hơn những nhà cung cấp khác, và bạn chắc chắn sẽ không muốn mình phải ở sau trong cuộc đua với hacker, do vậy, nên lưu ý về khoảng thời gian sẽ các lần cập nhật để đảm bảo bạn luôn có được bảo vệ trước những mối nguy hại mới nhất.
  • Thứ năm - các tính năng bổ sung có giá trị: ngoài việc phát hiện phần mềm độc hại cơ bản, hãy xem xét antivirus cung cấp luôn cả VPN, bảo vệ chống lại email độc (lừa đảo và spam), bảo vệ duyệt web, bảo mật webcam, tường lửa, kiểm soát cho phụ huynh, trình quản lý mật khẩu, sao lưu file và bảo vệ tài khoản tài chính của bạn. Nhiều tính năng trong số này có thể đi kèm với các gói antivirus cao cấp và thường phải trả thêm tiền.
  • Thứ sáu - Đa nền tảng: virus và các mối đe dọa khác được thiết kế để tấn công các nền tảng và hệ điều hành cụ thể. Vì bạn có thể sở hữu nhiều thiết bị chạy các hệ điều hành khác nhau, chẳng hạn như máy tính Windows và điện thoại Android hoặc iPhone, vậy nên, nếu quyết định chọn phần mềm trả phí có thể bạn nên ưu tiên chọn những antivirus cung cấp bảo vệ ở nhiều nền tảng khác nhau: Windows, iOS, Android…
image.png

Top 3 phần mềm diệt virus miễn phí tốt nhất 2020


Theo PCMAG, dưới đây là 3 antivirus miễn phí tốt nhất mà họ đã chọn ra sau khi tổng hợp kết quả test từ chính họ cùng 4 công ty kiểm định (AV-Comparatives, MRG-Effitas, SE Labs, AV-Test Institute)
  1. Kaspersky Security Cloud Free: công nghệ chống phần mềm độc hại đạt điểm cao nhất từ các phòng thí nghiệm độc lập. Nó cũng bao gồm kết nối VPN và một bộ sưu tập các tính năng cao cấp, mặc dù nhiều tính năng sau này yêu cầu trả phí. Đúng là Kaspersky đã không làm khá tốt trong các bài kiểm tra thực của PCMAG, nhưng khi các phòng thí nghiệm đều khen ngợi một sản phẩm, chúng tôi sẽ lắng nghe. Kaspersky Security Cloud Free là Lựa chọn số 1 của Ban biên tập.
  2. Avast Free Antivirus đạt điểm cao trong các bài kiểm tra của PCMAG và điểm rất cao từ các phòng thí nghiệm kiểm tra độc lập. Đối với các tính năng cộng thêm, nó thậm chí còn cung cấp nhiều hơn các sản phẩm trả phí khác, bao gồm quét bảo mật mạng, trình quản lý mật khẩu và hơn thế nữa. Tuy nhiên, các vấn đề đang xảy ra với việc xử lý dữ liệu cá nhân của nhiều người dùng của Avast, mình khuyên các bạn nên cân nhắc khi sử dụng.
  3. AVG Antivirus Free đem đến một giải pháp bảo vệ tương tự như Avast Free Antivirus, nhưng tổng thể các tính năng của nó không ấn tượng bằng Avast.

Ngoài ra, Windows Defender đi kèm với Windows 10 là một lựa chọn rất đáng dùng trong thời gian 2 năm gần đây, dù không được đánh cao từ các nguồn chuyên nghiệp, nhưng với một người dùng máy tính và internet tự nhân là tương đối nhiều như mình thì nó luôn hoạt động rất đáng tin cậy và ổn định.

Chúc anh em sử dụng máy tính vui vẻ và kiếm được nhiều tiền nhé!

Nguồn: usnews, windowscentral, pcmag.
1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

AVG và Avast chung 1 mẻ thì chọn avast ai đi chọn avg
Cười vô mặt

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019